Ngày 26/12/2019, nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã đến thăm Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và tham gia buổi tọa đàm khoa học với nội dung xoay quanh hai chủ đề chính: (1) Học thuyết Yoshida và chính sách ngoại giao của Nhật Bản; (2) Đầu tư của Trung Quốc ở một số nước Đông Nam Á.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Nhật Bản có GS. Watanabe Shino đến từ Đại học Sophia, Nhật Bản; GS. Kusunoki Ayako đến từ Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản quốc tế Nichibunken. Về phía Việt Nam có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tại buổi tọa đàm, GS. Kusunoki Ayako đã trình bày kết quả nghiên cứu khoa học với chủ đề “Học thuyết Yoshida và chính sách đối ngoại, an ninh của Nhật Bản giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh”. Học thuyết Yoshida là tư tưởng chủ đạo của ngoại giao Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bắt nguồn từ Thủ tướng Shigeru Yoshida và được củng cố, phát triển vào những năm 1960. Học thuyết có 3 điểm cốt lõi, đó là (i) phụ thuộc vào Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh quốc phòng; (ii) xây dựng năng lực phòng thủ riêng của Nhật Bản ở mức tối thiểu; và (iii) dành nguồn lực chủ yếu cho phát triển kinh tế. Trong phần trình bày của mình, GS. Kusunoki Ayako đã đưa ra những góc nhìn cá nhân trong việc xem xét lại khái niệm “học thuyết Yoshida” và quá trình chuyển đổi chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, trong đó tập trung vào cam kết của Nhật Bản đối với hòa bình và an ninh quốc tế, và vai trò của Nhật Bản trong liên minh với Hoa Kỳ giai đoạn từ những năm 1970 đến nay.
GS. Watanabe Shino tại buổi tọa đàm
GS. Watanabe Shino có bài thuyết trình với chủ đề “Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và tài chính của Trung Quốc ở các nước đang phát triển”, trong đó tập trung tìm hiểu, phân tích các hình thức đầu tư, viện trợ của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng ở một số nước đang phát triển ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia thông qua việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển... Trên cơ sở đó, GS. Watanabe Shino đã đưa ra đánh giá về những mặt hạn chế và tích cực của các hình thức viện trợ đầu tư của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển; và mục tiêu của Trung Quốc trong việc tăng cường phạm vi ảnh hưởng ở các nước đang phát triển.
Sau phần thuyết trình, các nhà khoa học hai bên đã sôi nổi thảo luận, trao đổi quan điểm về các vấn đề như: vai trò và sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam, Lào, Campchia; quan hệ Nhật Bản – Hoa Kỳ; vai trò của Hoa Kỳ và biện pháp của Chính phủ Nhật Bản trước sự gia tăng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á…
Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm và cảm ơn các nhà khoa học Nhật Bản đã chia sẻ những thông tin hữu ích, đồng thời hy vọng trong thời gian tới có thể đẩy mạnh hơn nữa các cuộc tiếp xúc, trao đổi quan điểm để tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Vũ Phương Hoa