Đó là chủ đề báo cáo khoa học do ThS. Đỗ Thị Ánh - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày trong buổi sinh hoạt khoa học ngày 30/10/2019 tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Buổi sinh hoạt khoa học nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ của Viện với sự tham dự của lãnh đạo và các cán bộ trong Viện.
Nội dung báo cáo bao gồm ba phần chính: 1. Một số vấn đề lý luận về quy mô và chất lượng kinh tế; 2. Thực trạng chất lượng kinh tế Nhật Bản những năm gần đây; 3. So sánh Nhật Bản với Việt Nam và một số tham khảo, kiến nghị.
Dựa trên Báo cáo Thịnh vượng toàn diện năm 2012 của Liên Hợp Quốc, bài thuyết trình đã làm rõ cơ sở để khẳng định vị trí số 1 của nền kinh tế Nhật Bản từ góc độ đánh giá chất lượng. Điều này thể hiện qua nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, môi trường… Chính sách kinh tế của Nhật Bản rất chú trọng tới việc duy trì mức sống cao và tăng thu nhập bình quân đầu người, hướng đến sự hài lòng của người dân chứ không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế đơn thuần. Về phía Việt Nam, mặc dù không thể phủ nhận kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế về quy mô, số lượng, tuy nhiên về chất lượng còn rất nhiều vấn đề cần xem xét. Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể thấy, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng kinh tế, tăng tính bền vững trong phát triển kinh tế và gia tăng phúc lợi, cải thiện cuộc sống cho người dân.Sau phần thuyết trình của ThS. Đỗ Thị Ánh, các nhà nghiên cứu trong viện đã phát biểu nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi giúp hiểu sâu thêm nhiều vấn đề liên quan đến việc đánh giá thực trạng và triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản.
Phương Hoa