Tác giả: Thomas J. Christensen
Dịch giả: Ngụy Hải An, Vũ Tú Linh, Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Kim Phụng
Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019, 496 trang
Kí hiệu: Vt558
Trong lịch sử, quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng từ năm 1972, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ R. Nixon, với sự ra đời của thông cáo Thượng Hải thì quan hệ này đã ấm hẳn lên, các dòng vốn tài chính, công nghệ, kỹ thuật... từ Mỹ và các nước phương Tây ào ào đổ vào Trung Quốc. Nhờ đó, nền kinh tế nước này đã có những bước nhảy vọt đáng ghi nhận. Đến năm 2010, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và bắt đầu đe dọa vị trí đứng đầu thế giới của Mỹ về nhiều mặt, tạo sự lo ngại to lớn đối với Mỹ. Đã có vô số tác phẩm của nhiều nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế... hàng đầu nước Mỹ về Trung Quốc với những tranh biện trái ngược nhau. Có tác phẩm cho rằng mối thách thức là có nhưng không đáng ngại vì Trung Quốc không thể vượt Mỹ, đại diện cho chủ kiến thứ nhất. Có tác phẩm lại cho rằng khả năng Trung Quốc vượt Mỹ là hiện hữu và sắp xảy ra nếu không có những ứng phó kịp thời, đại diện cho chủ kiến thứ hai. Cuốn sách “Mối thách thức Trung Quốc” đại diện cho chủ kiến thứ nhất. Tác giả đã chia cuốn sách thành 2 phần để trình bày chủ kiến này.
Phần 1: Hiểu về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong phần này, tác giả đi sâu phân tích nguyên do sự trỗi dậy của Trung Quốc, lý do sức mạnh của Trung Quốc sẽ không thể sớm vượt qua Mỹ và tại sao Trung Quốc vẫn là thách thức chiến lược của Mỹ. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến việc Trung Quốc trỗi dậy trong thế giới toàn cầu cũng như thách thức lớn nhất của mọi quốc gia là gì.
Phần 2: Định hình những lựa chọn của Trung Quốc. Tác giả tập trung vào sự sụp đổ của Liên Xô và sự trỗi dậy của Trung Quốc giai đoạn 1991-2000, đồng thời đề cập đến một thế giới hậu 11/9 giai đoạn 2001-2008 và phân tích ngoại giao công kích của Trung Quốc kể từ khủng hoảng tài chính giai đoạn 2009-2014.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam cùng nhiều nước khác không tránh khỏi ít nhiều ảnh hưởng từ quan hệ Mỹ - Trung. Theo dõi để hiểu biết một cách đầy đủ và đúng đắn mối quan hệ này là điều bổ ích và cần thiết để rút ra được những bài học quý báu cho sự phát triển kinh tế, giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á