Tác giả: TS. Phạm Sỹ Thành
Nhà xuất bản Thế giới, 2019, 409 trang
Kí hiệu: Vt559
Sau hơn 5 năm phát triển, Sáng kiến Vành đai - Con đường ngày càng thể hiện một sự đánh cược lớn mà Trung Quốc dồn ngày càng nhiều vốn liếng vào đó. Sáng kiến này rõ ràng là nền tảng căn bản nhất để Trung Quốc vươn ra thế giới, thiết lập và khẳng định vai trò toàn cầu của mình. Sau 5 năm cũng là khoảng thời gian để nước này học hỏi, chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với những điều kiện liên tục thay đổi, những phản ứng đa dạng từ các nước trong khu vực ảnh hưởng của Vành đai - Con đường. Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang trở thành một lực lượng toàn cầu duy nhất có khả năng đối trọng với Mỹ trên nhiều phương diện căn bản. Bản thân nước Mỹ cũng phải thay đối chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Dù muốn hay không, hiện trạng của thế giới đã thay đổi nhiều so với 5 năm trước.
Trong nhiều năm qua, TS. Phạm Sỹ Thành đã cho ra đời nhiều đầu sách về chủ đề Vành đai - Con đường, nhằm góp phần cập nhật kịp thời và hữu hiệu về bối cảnh và nội dung của quá trình phát triển của đại dự án này. Cuốn sách “Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI): lựa chọn nào của Đông Nam Á?” cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Cuốn sách gồm 5 chương như sau:
Chương 1: Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) - 5 năm nhìn lại. Trong đó, tác giả đưa ra những đề xuất về BRI, điểm qua tiến trình triển khai BRI cũng như những đặc điểm của BRI trong 5 năm qua.
Chương 2: Vị trí của Đông Nam Á trong Sáng kiến BRI. Ở đây, tác giả đề cập đến hai quan điểm đó là quan điểm của Trung Quốc về Đông Nam Á trong BRI và quan điểm và phản ứng của các nước Đông Nam Á về BRI.
Chương 3: Thực tiễn triển khai BRI ở Đông Nam Á (2014-2018). Trong chương này, tác giả đi sâu phân tích thực tiễn triển khai BRI ở Đông Nam Á trong các lĩnh vực cụ thể là về kết nối thể chế; về kết nối cơ sở hạ tầng; về kết nối thương mại, đầu tư và tài chính; về kết nối nhân dân; tác động đối với Đông Nam Á và Trung Quốc khi triển khai BRI.
Chương 4: Sự tham gia của Việt Nam vào Sáng kiến BRI. Trong đó, tác giả tập trung phân tích các chính sách kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam liên quan đến BRI; quan điểm chính thức của Việt Nam về BRI; thực tiễn triển khai BRI ở Việt Nam và những tác động đối với Việt Nam.
Chương 5: Hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Trong chương này, tác giả đưa ra những hàm ý trong từng lĩnh vực cụ thể đó là về kết nối thể chế, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối thương mại, đầu tư và tài chính, kết nối nhân dân.
Tác giả đã đưa ra những kiến giải chi tiết về vai trò của Đông Nam Á trong chiến lược Vành đai - Con đường từ cách nhìn của nội bộ Trung Quốc cũng như quan điểm địa-chính trị-kinh tế tổng quát, cập nhật những phát triển mới nhất, đồng thời cảnh báo những khả năng có thể xảy ra. Cuốn sách sẽ góp phần làm giàu thêm vốn hiểu biết của bạn đọc về dự án toàn cầu giàu tham vọng này của Trung Quốc. Đây là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á