Tác giả: Hoài Sa chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2019, 243 trang
Kí hiệu: Vv2901
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Việt Nam và được quy định rõ ràng trong Luật Biển Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII ngày 21/6/2012. Tuy nhiên, Biển Đông là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, việc tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực này đã và đang diễn ra gay gắt. Trong số các chủ thể tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc là quốc gia có tham vọng lớn nhất. Các nhà lãnh đạo các thế hệ khác nhau của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến nay đã thực hiện tham vọng này bằng những biện pháp và phương thức khác nhau. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, phía Trung Quốc đã đầu tư cho nghiên cứu khoa học về biển đảo, nhất là Biển Đông. Số lượng các bài viết, các luận văn, luận án và hội thảo khoa học có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa và Biển Đông ngày một gia tăng. Trước tình hình đó, Việt Nam cần khai thác các chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này, mặt khác cũng cần phải đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái của phía Trung Quốc. Do vậy, nhiệm vụ khoa học cấp bộ “Điều tra, sưu tầm tư liệu tiếng Trung Quốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, nhà nghiên cứu Hoài Sa làm chủ nhiệm đã được tiến hành. Trên cơ sở những kết quả bước đầu thực hiện, nhóm tác giả đã cho ra đời cuốn sách “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông: cái nhìn tổng quan”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tài liệu Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Các tài liệu được đề cập trong chương này bao gồm các tài liệu của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông lưu giữ tại Việt Nam; tài liệu chữ Hán giản thể về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông lưu giữ tại Đài Loan; tài liệu chữ Hán phồn thể về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông xuất bản ở Hồng Kông và Đài Loan cũng như những đánh giá chung về những loại tài liệu này.
Chương 2: Phân loại tài liệu Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Ở đây, các tác giả khái quát chung về hệ thống tài liệu, sau đó tiến hành phân loại các dạng tài liệu theo chủ đề lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế và một số chủ đề khác.
Chương 3: Nhận xét và kiến nghị. Trên cơ sở tổng quan các tài liệu và phân loại các tài liệu Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, các tác giả đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá cũng như đề xuất kiến nghị về việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học về biển đảo nói chung, Biển Đông nói riêng, nhất là việc nghiên cứu phản bác lại những quan điểm sai trái của các nhà khoa học nước ngoài trong đó có Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu rộng hơn về những tranh chấp trên Biển Đông mà cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó giúp bạn đọc có ý thức hơn trong việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đây là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho mọi đối tượng bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á