Tác giả: TS. Đào Lê Na chủ biên
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2018, 350 trang
Kí hiệu: Vt553
Điện ảnh Nhật Bản là một trong những nền điện ảnh có sức sáng tạo, đột phá mãnh liệt với sự ảnh hưởng sâu đậm, mạnh mẽ của khuynh hướng “điện ảnh nghệ thuật”, “điện ảnh tác giả”. Dấu ấn của phong cách cá nhân và dân tộc, của sự đề cao hình thức thể hiện cũng như giá trị nhân văn đã mang lại cho các bộ phim Nhật Bản qua nhiều thời kỳ những dáng nét riêng, những vẻ đẹp riêng cũng như những thú vị và bất ngờ riêng. Trong suốt hơn 100 năm qua điện ảnh Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn luôn có những tác phẩm đặc sắc và những thế mạnh riêng. Nhiều nhà làm phim kỳ cựu trên thế giới đã học cách làm phim của các đạo diễn Nhật Bản để áp dụng cho phim của mình, nhưng ở Việt Nam, có rất ít đạo diễn cũng như khán giả tiếp cận được với nền điện ảnh Nhật Bản độc đáo và nhiều bí ẩn này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điện ảnh Nhật Bản đã bắt đầu có những tác động nhất định đến giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà làm phim, các nhà phê bình và công chúng. Cuốn sách “Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hóa và ảnh hưởng” thể hiện điểm nhìn đa chiều về điện ảnh Nhật bản và điện ảnh Việt Nam của các chuyên gia lẫn các nhà phê bình mới, cũng như sự tiếp nhận, cải biên giữa hai nền điện ảnh. Nội dung cuốn sách gồm ba phần chính.
Trong phần đầu tiên, các tác giả đi sâu tìm hiểu nền điện ảnh Nhật Bản đương đại thông qua một số bài viết của các học giả về phiên dịch và cải biên - sự chuyển hóa liên kí hiệu; Angel’s Egg - nghệ thuật kể chuyện bằng thị giác độc đáo của Oshii Mamoru; dấu ấn hiện đại trong phim Hirokazu Kore-eda... Tiếp đến, trong phần thứ hai là những bài viết về điện ảnh Việt Nam đương đại như trạng thái con người trẻ trong bản thể Chơi vơi; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bức tranh làng quê của những chữ tình; những lớp hình ảnh biểu tượng trong phim Đập cánh giữa không trung... Trong phần cuối, các tác giả tập trung vào vấn đề tiếp nhận và cải biên của điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam với một số bài viết như Rừng Na Uy - tiểu thuyết ăn khách Nhật Bản qua đôi mắt đạo diễn Việt Nam; Đối thoại với Rashomon - Lặng nghe hạt mưa rơi bao lâu.
Cuốn sách đặc biệt ở chỗ không chỉ tập hợp các bài nghiên cứu chuyên sâu từ các chuyên gia mà còn thể hiện điểm nhìn đa chiều về điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam của các nhà phê bình mới - là những bạn trẻ Việt Nam đang từng bước tiếp xúc, quan tâm và tìm hiểu về nền điện ảnh Nhật Bản. Do đó, cuốn sách không chỉ phù hợp với các nhà nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh mà còn là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho những độc giả yêu thích và muốn tìm hiểu sâu hơn về điện ảnh.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á