Trang chủ

CHẤN HƯNG NHẬT BẢN: LÀM CÁCH NÀO NHẬT BẢN CÓ THỂ TỰ TÁI THIẾT VÀ TẠI SAO ĐIỀU NÀY LẠI QUAN TRỌNG VỚI HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI

Đăng ngày: 20-03-2019, 11:40 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Clyde Prestowitz

Dịch giả: Vũ Thanh Nhàn

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, 334 trang

Kí hiệu: Vt 551

Nhật Bản là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với nguồn vốn dồi dào, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm quản lý hiện đại và hiệu quả. Trên con đường đi lên trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhật Bản đã trải qua hai cuộc tái thiết đất nước vô cùng quan trọng, diễn ra vào thời kỳ Phục hưng Minh Trị năm 1868 và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong cả hai lần tái thiết này, Nhật Bản đã có những nỗ lực to lớn trong việc du nhập, làm chủ, cải tiến, thay đổi công nghệ và bí quyết ngành công nghiệp của phương Tây. Nhờ đó, Nhật Bản dường như trở nên bất bại trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Tuy nhiên, từ năm 1990 trở lại đây, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phát triển chậm lại, đặc biệt là vị trí đứng đầu của Nhật Bản trong lĩnh cực công nghiệp và công nghệ đang bị đe dọa thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhật Bản cũng có dấu hiệu đi xuống vào đầu những năm 1990 mặc dù chính phủ nước này đã nỗ lực tăng gấp đôi chi tiêu dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đứng trước nguy cơ này, liệu Nhật Bản có cần một cuộc tái thiết nữa hay không? Và nếu cần thì phải tái thiết như thế nào? Cuốn sách “Chấn hưng Nhật Bản: làm cách nào Nhật Bản có thể tự tái thiết và tại sao điều này lại quan trọng với Hoa Kỳ và thế giới” sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin tham khảo về vấn đề này. Cuốn sách gồm 10 chương như sau:

Chương 1: Tokyo, năm 2050

Chương 2: 2016 - năm của những cuộc khủng hoảng

Chương 3: Hòa bình kiểu Thái Bình Dương

Chương 4: Phụ nữ giải cứu đất nước

Chương 5: Nhật Bản trở thành nước nói tiếng Anh

Chương 6: Quốc gia đổi mới sáng tạo

Chương 7: Tự chủ về năng lượng

Chương 8: Từ tập đoàn Nhật Bản đến tập đoàn Đức - với những đặc trưng Nhật Bản

Chương 9: Đánh bại kẻ trong cuộc

Chương 10: Đi lên với dân, đi xuống với quan

Nội dung cuốn sách được tác giả viết với phong cách hết sức độc đáo. Thay vì trước hết mô tả đất nước Nhật Bản của hiện tại theo lối viết truyền thống, sau đó đưa ra những khuyến nghị về mặc chính sách… thì ở đây, tác giả đã phác họa một bức tranh về đất nước Nhật Bản trong tương lai của năm 2050, một đất nước Nhật Bản đã được tái thiết lần thứ ba với rất nhiều sự thay đổi; phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động; và đáng ngạc nhiên hơn là Nhật Bản trở thành một quốc gia nói tiếng Anh. Câu chuyện giả tưởng đó chính là những thông điệp và kỳ vọng của tác giả đối với đất nước này.

Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về đất nước Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận