Tác giả: PGS. TS. Phạm Thái Quốc chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 258 trang
Kí hiệu: Vv2893
Cải cách hành chính được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 với những kết quả tích cực, nhưng nhìn chung hệ thống hành chính nước ra vẫn còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển của đất nước. Do vậy ngày 8/11/2011, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Chương trình xác định cải cách hành chính phải được tiến hành trên 6 lĩnh vực là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, việc tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu kinh nghiệm cải cách nền hành chính công ở các nước châu Á mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia nhằm đúc kết kinh nghiệm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ cải cách hành chính công ở Việt Nam là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Trước yêu cầu đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Cải cách hành chính công ở một số nước châu Á và bài học cho Việt Nam”. Cuốn sách có kết cấu 3 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở của cải cách hành chính công ở một số nước trên thế giới. Trong chương này, các tác giả phân tích cơ sở lý luận bao gồm khái niệm, quan điểm, lý thuyết liên quan và vai trò của cải cách hành chính công; đồng thời cũng phân tích cơ sở thực tiễn của cách cách hành chính công trên thế giới như bối cảnh quốc tế, quá trình dân chủ hóa, phi tập trung hóa ở các nước, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và việc áp dụng mô hình quản lý công mới ở nhiều nước.
Chương 2: Chính sách cải cách nền hành chính công tại một số nước châu Á. Trong đó, nhóm tác giả đi sâu phân tích bối cảnh; quan điểm, chủ trương; các biện pháp, chính sách cải cách hành chính; nhận xét, đánh giá về cải cách hành chính công ở Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản. Bên cạnh đó, các tác giả cũng so sánh cải cách nền hành chính công tại Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản để chỉ ra những thành công, những hạn chế tồn tại, những điểm có tính phổ quát và những nét đặc thù trong cải cách hành chính công.
Chương 3: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Các tác giả tóm lược quá trình cải cách hành chính công ở Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với những kết quả đạt được, những hạn chế và một số vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng phân tích các bài học kinh nghiệm và đưa ra một số kiến nghị về cải cách hành chính công ở Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện hơn về cải cách hành chính công nói chung và cải cách hành chính công ở Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia nói riêng cũng như những bài học và giải pháp có thể tham khảo cho Việt Nam trong thời gian tới. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á