Trang chủ

KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 2017-2018: TẠP LẬP NỀN TẢNG CHO TĂNG TRƯỞNG NHANH VÀ BỀN VỮNG

Đăng ngày: 2-10-2018, 07:16 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 399 trang

Kí hiệu: Vt 549

Năm 2017, nền kinh tế thế giới đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt từ Mỹ, khu vực EU, Trung Quốc, Nhật Bản cho đến các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Triển vọng kinh tế thế giới năm 2018 được đánh giá là khá lạc quan. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đang lớn dần, như nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tăng trưởng nóng của thị trường tài chính toàn cầu, sự gia tăng tỷ lệ nợ của các nền kinh tế, những bất ổn chính trị tiềm tàng như xung đột tại Syria hay sự đổ vỡ của thỏa  thuận hạt nhân Iran…

Nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 6,81% trong năm 2017, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, cán cân thương mại, bội chi ngân sách, tỷ lệ nợ công… đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra, góp phần củng cố vững chắc những thành quả đạt được của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó vẫn còn một số yếu kém mà nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục cải thiện, khắc phục liên quan đến vấn đề năng suất lao động, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng…

Trên cơ sở nhìn lại năm 2017, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho ra đời cuốn sách “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2017-2018: tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” do GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn chủ biên. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần với 6 chương như sau:

Phần I: Kinh tế thế giới và một số nước, khu vực 2017-2018

Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới. Trong chương này, các tác giả trình bày tổng quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; thương mại toàn cầu; đầu tư toàn cầu; thị trường tài chính toàn cầu; những động thái mới của nền kinh tế 4.0; những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2018.

Chương 2: Kinh tế một số nước và khu vực. Trong đó, các tác giả nêu bật tình hình kinh tế năm 2017, các chính sách kinh tế nổi bật hay những điểm đáng chú ý trong định hướng phát triển kinh tế và triển vọng năm 2018 của nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Đông.

Phần II: Kinh tế Việt Nam

Chương 3: Tổng quan kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ở đây, các tác giả trình bày về sự phục hồi ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, so sánh với quốc tế và đánh giá về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đề cập đến vấn đề lạm phát; các cân đối vĩ mô trong thu chi ngân sách và cán cân tài khóa cũng như trong xuất nhập khẩu và cán cân thương mại; thị trường lao động.

Chương 4: Năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Các tác giả đi sâu phân tích thực trạng và các yếu tố tác động tới năng suất lao động ở Việt Nam; thực trạng năng suất tổng hợp các yếu tố và tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu sở hữu và chỉ số ICOR.

Chương 5: Cải thiện môi trường kinh doanh và tái cơ cấu nền kinh tế - một số vấn đề nổi bật. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích kết quả ấn tượng trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam; cơ hội và thách thức đối với thể chế và quản trị nhà nước trong kỉ nguyên số; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Chương 6: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững - một số vấn đề nổi bật. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích chính sách tăng trưởng xanh, con đường để thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện bối cảnh mới ở Việt Nam; đảm bảo bền vững về môi trường ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phần III: Kết luận và khuyến nghị chính sách

Các tác giả đưa ra một số kết luận và khuyến nghị chính sách về ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh các cuộc cải cách cơ cấu gắn với hội nhập quốc tế; tích cực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm 2017 cũng như triển vọng năm 2018. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận