Trang chủ

TRUNG QUỐC TRONG HỢP TÁC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG MỞ RỘNG: TÁC ĐỘNG VÀ ẢNH HƯỞNG

Đăng ngày: 11-12-2018, 05:27 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Lê Văn Mỹ chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2016, 330 trang

Kí hiệu: Vv2894

Tiểu vùng sông Mê Kông là khu vực có hệ sinh thái và nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, có tiềm năng phát triển cao. Tháng 10 năm 1992, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên của 6 quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông và chính thức ra mắt các cơ chế Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), bao gồm cả Trung Quốc. Sự ra đời của GMS không những đánh dấu bước phát triển kinh tế - xã hội mới trong hợp tác khu vực mà còn đánh dấu sự chuyển hướng quan tâm của thế giới từ khu vực Đông Dương sang khu vực Mê Kông và đồng thời cũng đánh dấu sự có mặt của yếu tố Trung Quốc trong khu vực Tiểu vùng. Trên thực tế, không chỉ các nước liên quan tới sông Mê Kông mới quan tâm và tham gia sáng kiến GMS mà nhiều nước trên thế giới cũng nhận thấy sự có mặt của họ tại khu vực sông Mê Kông là rất cần thiết. Việc các nước lớn cạnh tranh và mở rộng ảnh hưởng ở GMS vừa là cơ hội vừa là bài toán lớn cho các nước Tiểu vùng sông Mê Kông trong đó có Việt Nam trong việc tìm cho mình những người bạn tin cậy để cùng đi tiếp chặng đường tương lai một cách ổn định và bền vững. Để góp phần làm rõ vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn đối với Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là vai trò của Trung Quốc, nhóm tác giả đã cho ra đời cuốn sách “Trung Quốc trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: tác động và ảnh hưởng”. Cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Vai trò của nước lớn đối với hợp tác khu vực. Các tác giả đưa ra khái niệm nước lớn và khái quát về hợp tác khu vực; các quan niệm về vai trò của nước lớn trong hợp tác khu vực; quan niệm về phản ứng của nước nhỏ đối với các nước lớn trong hợp tác khu vực; vai trò của nước lớn trong hợp tác ở một số khu vực trên thế giới.

Chương 2: Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong chương này, các tác giả giới thiệu về Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; các khuôn khổ hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; chương trình hợp tác GMS của ADB.

Chương 3: Trung Quốc với hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong đó, các tác giả phân tích ý đồ chiến lược của Trung Quốc tham gia hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông; phương thức thực hiện hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng của Trung Quốc; tác động của việc tăng cường tham dự của Trung Quốc đối với khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông; dự báo sự tham gia của Trung Quốc với hợp tác GMS trong thời gian tới.

Chương 4: So sánh vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong phần này, các tác giả trình bày về việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; so sánh vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong GMS.

Chương 5: Việt Nam với hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Các tác giả tập trung phân tích quá trình tham gia hợp tác GMS của Việt Nam; can dự của Trung Quốc và các nước lớn vào GMS và những tác động đến Việt Nam; đánh giá cơ hội và thách thức trong hợp tác GMS đối với Việt Nam.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng cũng như vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận