Trang chủ

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”

Đăng ngày: 2-10-2018, 06:41 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, ngày 26/9/2018, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng” với sự tài trợ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation).

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngoài các học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cơ quan hữu quan trong nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh,… còn có các học giả đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.

Thay mặt lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Hồng Thái – Phó viện trưởng phụ trách đã phát biểu khai mạc, nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các đại biểu tham dự hội thảo. Đánh giá khái quát những thành tựu trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản 45 năm qua trên các lĩnh vực, PGS.TS. Phạm Hồng Thái khẳng định quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng lại ở đối tác chiến lược sâu rộng mà Việt Nam và Nhật Bản đã thực sự là những người bạn chân thành, chia sẻ ngọt bùi và thấu hiểu lẫn nhau.

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”

PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Ông Ando Toshiki Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản – Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội phát biểu chào mừng hội thảo

Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Umeda Kunio và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn do hoàn cảnh đặc biệt không trực tiếp tham dự nhưng đã gửi bài phát biểu chúc mừng tới hội thảo. Ngài Đại sứ Nhật Bản và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đều trân trọng và đánh giá cao những thành tựu quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản trong 45 năm qua; nhấn mạnh đến triển vọng và những thách thức đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh mới; bày tỏ niềm tin vào quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản sẽ phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai.

Tham dự và phát biểu biểu chào mừng hội thảo, ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản – Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội đã bày tỏ mong muốn, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, cùng với việc đào sâu nghiên cứu cá nhân, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ nghiên cứu với tầm nhìn dài hạn hơn; phát huy các thành tựu nghiên cứu để giải quyết các vấn đề chung, góp phần tăng cường mạnh mẽ giao lưu học thuật, nghiên cứu Nhật Bản, phát triển hơn nữa mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Toàn cảnh hội thảo

Với 34 báo cáo gửi đến tham luận, hội thảo được chia làm 3 phiên (không kể phiên khai mạc).

Phiên 1: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 45 năm nhìn lại gồm 5 tham luận được trình bày: (1) Điều chỉnh chính sách hợp tác kinh tế của Nhật Bản với Việt nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (TS. Trần Quang Minh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); (2) Xã hội quy tụ và sự đối mặt với các vấn đề chung: Triển vọng hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam (GS.TS. Mizobata Satoshi, Đại học Kyoto); (3) FDI của Nhật Bản cho Việt Nam: thực trạng, vấn đề và kiến nghị (PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); (4) Lịch sử Nhật Bản qua các cuộc chiến tranh và Việt Nam (GS.TS. Kuramoto Kazuhiro, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế); (5) Nhận thức và sự lựa chọn Nhật Bản của Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX (GS.TS. Nguyễn Văn Kim – TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội).

Phiên 2: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Chính trị - An ninh, Kinh tế gồm 4 tham luận: (1) Tăng cường hợp tác an ninh Nhật - Mỹ và khả năng tác động đến Việt Nam (TS. Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á); (2) Sự biến động giai tầng ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thị trường mới nổi (PGS.TS. Hayashi Hiroaki, Đại học Ritsumeikan); (3) Chính sách phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và hàm ý đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay (TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam); (4) Tình hình ngân hàng Nhật Bản tại các quốc gia mới nổi: Từ “hoa lệ” đến thoái trào? (PGS.TS. Gorshkov Victor, Đại học quốc tế Kaichi).

Phiên 3: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa - xã hội gồm 4 tham luận: (1) Hoạt động của người Nhật “Việt Nam mới” thời kỳ 1945 – 1954 (ThS. Nguyễn Vũ Kỳ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); (2) Tượng Changsung của Hàn Quốc trôi dạt vào Nhật Bản (GS.TS. No Sung-Hwan, Đại học Ulsan); (3) Thơ Haiku thời kỳ toàn cầu hóa (TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); (4) Kinh đô Heian và kinh thành Thăng Long: Các đô thị cổ đại của Nhật Bản và Việt Nam nhìn từ tư liệu văn bản lịch sử (Ms. Ting Gong, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế.

Tại tất cả các phiên của hội thảo, sau khi nghe báo cáo các tham luận, các ý kiến bình luận, thảo luận diễn ra rất sôi nổi giữa các học giả tham dự. Bên cạnh những đánh giá chung về những thành tựu to lớn của hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua, những triển vọng đầy hứa hẹn cùng những thách thức trong quan hệ hai nước trong thời gian tới, hội thảo chú trọng đề cập đến một số lĩnh vực, nhất là việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới. Một số báo cáo cũng thể hiện những quan tâm, nhận thức sâu sắc hơn mảng đề tài lịch sử, chủ đề Nhật Bản học,… qua đó đưa lại nhiều gợi mở về quan điểm và đánh giá phương pháp nghiên cứu mới, góp phần làm phong phú thêm nhận thức về nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam.

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng” là một sự kiện góp phần kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời là nơi giao lưu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu nhằm tăng cường nhận thức sâu sắc hơn nữa về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Hội thảo diễn ra đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (1993-2018). Do vậy đây cũng là cơ hội để Viện nhìn lại chặng đường nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian qua và định hướng nghiên cứu trong tương lại nhằm góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”
Hội thảo khoa học quốc tế: “45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Thành tựu và triển vọng”

 

PV.

0thảo luận