Ngày 14/6/2018, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Myong Gil đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Tham gia buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Kim Myong Gil có PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, các cán bộ của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và một số nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan khác.
Ngài Đại sứ cho biết, trong thời gian gần đây, trên Bán đảo Triều Tiên đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng, mang tính lịch sử. Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau ở làng Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự thuộc biên giới liên Triều để bàn các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Từ ngày 7/5 đến 8/5, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc và nhiều vấn đề chung. Cũng trong thời gian này, Ngoại trưởng Trung Quốc, Nga, và Mỹ đã nhiều lần đến Triều Tiên để trao đổi các thông tin liên quan và chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Và mới đây nhất ngày 12/6, cuộc gặp được đánh giá mang tính chất lịch sử đối với cả thế giới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được tổ chức tại Singapore. Hai bên đã ra Tuyên bố chung với 4 nội dung chính: (1) Cải thiện quan hệ Mỹ - Triều; (2) Thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn; (3) Tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; (4) Khai quật và đưa về nước hài cốt của binh sĩ Mỹ đã chết tại Triều Tiên trong chiến tranh.
Ngài Đại sứ cũng cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã khẳng định con đường để đi đến cuộc gặp lịch sử nói trên là con đường đầy gian nan và thử thách. Tuyên bố chung đã phản ánh đúng mong muốn của cả hai bên. Lập trường của Triều Tiên là thực hiện các thỏa thuận trong Tuyên bố chung với tinh thần khẩn trương và chân thành vì hòa bình, ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới, đồng thời hy vọng Mỹ làm điều tương tự. Ngài Đại sứ khẳng định tuy đây là Tuyên bố chung giữa hai quốc gia song để đạt được kết quả trên thực tế rất cần sự ủng hộ của cộng động quốc tế. Triều Tiên hy vọng không khí ủng hộ tích cực của quốc tế, trong đó có Việt Nam, đối với Triều Tiên sẽ tiếp tục được duy trì và hòa bình sẽ sớm được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên.
Những thông tin Ngài Đại sứ chia sẻ đã nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi từ phía các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Các học giả đều bày tỏ vui mừng trước tín hiệu tích cực từ kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn về những ảnh hưởng tiêu cực khi quá trình thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên diễn ra không như ý. Ngài Đại sứ khẳng định mối quan hệ Mỹ - Triều hiện nay chỉ là bước khởi đầu và Triều Tiên sẽ phải đấu tranh trên con đường đi tới, đồng thời tin tưởng lạc quan vào tương lai của Triều Tiên với sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ngài Đại sứ cũng cho rằng nếu hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận chung thì trong tương lai một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân là điều hoàn toàn có thể.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Hồng Thái cảm ơn Ngài Đại sứ đã thu xếp thời gian quý báu đến nói chuyện tại Viện, đồng thời hy vọng việc thực hiện Tuyên bố chung Mỹ - Triều sẽ đạt được kết quả thực chất và Bán đảo Triều Tiên sẽ nhanh chóng hòa bình, ổn định trong thời gian tới.
Phương Hoa