Trang chủ

Tọa đàm khoa học: “Thực trạng và vấn đề về Chính sách đa văn hóa tại Hàn Quốc”

Đăng ngày: 29-06-2018, 05:48 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 27/06/2018, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề “Thực trạng và vấn đề về Chính sách đa văn hóa tại Hàn Quốc” do TS. Sin Yun Jeong, nghiên cứu viên thuộc Viện Chính sách Xã hội và Sức khỏe Hàn Quốc trình bày.

Khách mời tham dự buổi thuyết trình, về phía Hàn Quốc có bà Jeong Hoe Jin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách di dân (Hàn Quốc); về phía Việt Nam có bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh - Phó viện trưởng Viện Xã hội học và bà Nguyễn Thị Hằng - đại diện Hội phụ huynh Đa văn hóa, Trường Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội.

Tọa đàm khoa học: “Thực trạng và vấn đề về Chính sách đa văn hóa tại Hàn Quốc”

Phần thuyết trình của nhà nghiên cứu Sin Yun Jeong tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Triển vọng dân số Hàn Quốc và xu hướng người nước ngoài; (2) Tổng quan chính sách người nước ngoài của Hàn Quốc; (3) Tổng quan chính sách đa văn hóa của Hàn Quốc; (4) Khái quát nghiên cứu “Phân tích sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em di trú đến Hàn Quốc”.

Theo TS. Sin Yun Jeong, số lượng người nước ngoài lưu trú tại Hàn Quốc đang có xu hướng tăng lên theo từng năm, chiếm 3,9% tổng dân số Hàn Quốc vào năm 2016. Trong đó, người Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất là 49,6%, sau đó là các nước: Việt Nam (7,3%), Mỹ (6,8%) và Thái Lan (4,9%). Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc năm 2017, số học sinh đa văn hóa là 109.387 học sinh, chiếm 1,9% trên tổng số; trong đó, nếu phân theo quốc tịch của cha mẹ thì học sinh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (26,5%), tiếp theo là Trung Quốc (22,2%), Philippines (12,0%), Trung Quốc gốc Hàn (11,3%) và Nhật Bản (10,4%).

Trong bối cảnh hiện nay, để ứng phó với tình trạng suy giảm dân số, tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh, Chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra những chính sách nhập cư cởi mở hơn. Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng người nhập cư thu nhập thấp sẽ kéo theo những lo ngại về trị an, môi trường và số lượng công ăn việc làm cho người Hàn Quốc, bên cạnh đó cũng nảy sinh yêu cầu về việc bảo vệ quyền lợi của người nhập cư.

Về gia đình đa văn hóa, xu hướng kết hôn quốc tế ở Hàn Quốc hiện đang giảm. Từ năm 2012, số trẻ em được sinh ra trong các gia đình đa văn hóa giảm xuống và duy trì ở mức 4~5% tổng số sinh. Con em các gia đình đa văn hóa có tỷ lệ nhập học thấp, tuy nhiên, khả năng thích ứng với môi trường học đường có xu hướng cải thiện hơn.

Hiện nay, sự tiếp nhận đa văn hóa ở Hàn Quốc nhìn chung vẫn ở mức thấp, trong khi đó, những nhận thức mang tính tiêu cực về xã hội đa văn hóa lại có xu hướng tăng lên, vì vậy, Hàn Quốc cần tăng cường giáo dục cho người dân để gia tăng sự chấp nhận đa văn hóa.

Luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa được ban hành vào tháng 3 năm 2008 đã tạo căn cứ pháp lý cho Chính sách gia đình đa văn hóa. Bên cạnh đó, nước này cũng mới đưa ra Kế hoạch cơ bản về Gia đình đa văn hóa lần thứ 3 (2018-2022) nhằm: (1) hướng tới một xã hội đa văn hóa, nơi mọi người đều được tôn trọng và không có phân biệt đối xử; (2) mở rộng sự tham gia về mặt kinh tế - xã hội cho các gia đình đa văn hóa; và (3) thúc đẩy sự phát triển lành mạnh cho con em của các gia đình đa văn hóa.

Tóm lại, Chính sách gia đình đa văn hóa của Hàn Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận và trong tương lai, Hàn Quốc cần chú trọng đến các nhiệm vụ sau: Giảm bạo lực gia đình, chống phân biệt đối xử, tăng cường hỗ trợ cho các trẻ em của các gia đình đa văn hóa ở độ tuổi đi học, hỗ trợ cho các phụ nữ kết hôn di trú đến Hàn Quốc sớm thích nghi với môi trường sống mới và tạo điều kiện về việc làm, tăng cường sự hiểu biết về đa văn hóa cho công dân Hàn Quốc để cải thiện sự chấp nhận đa văn hóa,...

Sau phần thuyết trình là phần thảo luận. Các khách mời và người tham dự đã thể hiện sự quan tâm lớn đến nghiên cứu của TS. Sin Yun Jeong, đồng thời cũng đưa ra nhiều câu hỏi và góp ý xoay quanh nội dung của báo cáo.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á,  cảm ơn TS. Sin Yun Jeong và nhóm nghiên cứu đã đến thuyết trình tại buổi tọa đàm và bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường trao đổi nghiên cứu với nhóm cứu trong tương lai; đặc biệt cảm ơn bà Jeong Hoe Jin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã đến tham gia thảo luận..

Lương Hồng Hạnh

 

0thảo luận