VĂN HÓA CHAEBOL HÀN QUỐC: GỢI Ý CHÍNH SÁCH VÀ KINH NGHIỆM CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Tác giả: Phạm Qúy Long- Nguyễn Thị Phi Nga
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, 168 trang
Kí hiệu: Vv2823
Các doanh nghiệp cho dù lớn hay nhỏ, luôn phải đối mặt với những câu hỏi như sau: Làm thế nào để có sự hợp tác giữa các cá nhân và nhóm? Nhiều doanh nghiệp thất bại, không thể đáp ứng được như cầu của khách hàng mà chỉ vì không tìm ra câu trả lời chính đáng cho câu hỏi: Làm thế nào để thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân với nhau? Bởi vậy, trong khi các doanh nghiệp cố gắng đạt được các mục tiêu đặt ra thì một số cá nhân có thể có những mối quan tâm khác và sẵn sàng hy sinh lợi ích cả nhóm để theo đuổi các mục đích cá nhân của họ. Làm thế nào để tập trung mọi nguồn lục giúp các doanh nghiệp thành công trong mọi dự án? Giải pháp nằm ở “Văn hóa doanh nghiệp”. Mặc dù xuất hiện vài thập kỷ, khái niệm này đang thu hút sự chú ý của nhiều học giả và doanh nghiệp mong muốn tìm ra mô hình phát triển bền vững và hài hòa giữa giá trị làm việc, thu nhập và những giá trị khác nhằm giúp họ kinh doanh hiệu quả.
Hàn Quốc, từng được biết đến như một trong những nước nghèo nhất thế giới, thực hiện nghiêm túc chiến lược phát triển kinh tế từ năm 1962. Sau ít hơn bốn thập niên, đất nước này đã đạt được những thành tựu kinh tế phi thường mà cả thế giới biết đến là “kỳ tích trên sông Hàn”. Cùng với sự phát triển kỳ diệu của đất nước Đông Bắc Á này là sự ra đời và phát triển của nhiều doanh nghiệp lớn. Trong nhiều lý do khiến Hàn Quốc trở thành nước phát triển thì văn hóa hợp tác đóng một vai trò quan trọng vì nó giúp mọi người cống hiến năng lực cho sự phát triển của đất nước, bất kể thành phần, tầng lớp và công việc của họ là gì.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cần có sự hơp tác của tất cả các thành viên trong các công ty, các tổ chức cũng như công dân trong nước, trong khi đó, nhiều người trong số họ chưa biết cách hợp tác với nhau. Thông qua việc phân tích các đặc điểm văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp lớn và chính sách của Chính phủ đối với Chaebol, với hi vọng nghiên cứu sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về một trong những lý do khiến Hàn Quốc trở thành “Kỳ tích sông Hàn”. Nhóm nghiên cứu đã cho ra đời cuốn sách “Văn hóa Chaebol Hàn Quốc”. Cuốn sách gồm có 3 chương.
Chương 1: Lý luận chung về văn hóa doanh nghiệp. Trong chương 1 nhóm nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp. Khái niệm “Văn hóa doanh nghiệp” còn được gọi là văn hóa công ty (corporate culture); văn hóa tổ chức (organizational culture); hay văn hóa kinh tế doanh (business culture)…. Số lượng các định nghĩa “văn hóa doanh nghiệp” được đưa ra khá nhiều. Theo Georges de Saite Marie, chuyên gia Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ, “ văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền thoại, nghi thức, các điều cấm kị, các quan điểm triết học, đạo đức tạo thành nền móng sâu xa của doanh nghiệp... Từ những khái niệm đó mà văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò chi phối và kiểm soát. Văn hóa doanh nghiệp giúp giảm xung đột. Văn hóa doanh nghiệp tạo động lực làm việc. Văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhóm tác giả cũng đưa ra những yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp và phân loại doanh nghiệp.
Chương 2: Văn hóa Chaebol Hàn Quốc. Chương này nhóm tác giả nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển các Chaebol, trong đấy tìm hiểu về khái niệm Chaebol, lịch sử hình thành và phát triển của Chaebol. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhóm tác giả đưa ra 9 yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc đó là: Điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa xã hội, nền văn hóa nông nghiệp, cơ cấu xã hội, lịch sử lâu đời, ảnh hưởng của Nho giáo, vai trò của Chính phủ, đặc điểm môi trường kinh doanh Hàn Quốc, trình độ khoa học kỹ thuật. Từ đó rút ra những đặc điểm cơ bản về văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, nghiên cứu trường hợp văn hóa Tập đoàn Samsung, đưa ra khuynh hướng cải biến văn hóa doanh nghiệp của Chaebol Hàn Quốc. Nhóm nghiên cứu có những nhật xét về văn hóa doanh nghiệp của các Chaebol Hàn Quốc, ngoài những mặt tích cực thì văn hóa doanh nghiệp của các Chaebol Hàn Quốc cũng bộc lộ những mặt hạn chế, thiếu sót của nó. Đưa ra hương phướng cải tiến văn hóa doanh nghiệp trong các Chaebol Hàn Quốc. Có thể tóm tắt phướng hướng cải tiến văn hóa doanh nghiệp các Chaebol Hàn Quốc như sau: Thực hiện triệt để hơn việc chuyển đổi từ văn hóa kinh doanh mang tính sở hữu sang văn hóa kinh doanh mang tính chuyên môn hóa. Các Chaebol phải đề cao ý thức văn hóa “khách hàng và chất lượng sản phẩm và số 1”. Hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp theo phương hướng kinh doanh tự chủ và tôn trọng con người. Cải tiến xây dựng văn hóa trên cơ sở sự thân thiết hòa thuận giữa các thành viên. Tăng cường hơn nữa các hoạt động hướng về xã hội như các hoạt động văn hóa từ thiện, cấp học bổng
Chương 3: Gợi ý đối với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự hợp tác giữa Chính phủ với các Chaebol đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo nên những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc. sách cũng nghiên cứu nguyên nhân thành công của các Chaebol. Một số bài học từ sự thất bại của Chaebol Hàn Quốc.
Từ những thành công và hạn chế của các Chaebol Hàn Quốc, nhóm tác giả rút ra bài học cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam. Các doanh nghiệp phải luôn phấn đấu để khách hàng có thể tin tưởng hoàn toàn. Doanh nghiệp phải phấn đấu để trở thành doanh nghiệp hấp dẫn nhất với nhà đầu tư. Doanh nghiệp bồi dưỡng nhân tài cho tất cả các cá nhân gia nhập vào công ty. Doanh nghiệp phải xây dựng được một doanh nghiệp mà các doanh nghiệp khác phải công nhận là có khả năng cạnh tranh cao và vẫn phải nhận thấy có nhiều điểm cần phải học tập doanh nghiệp đó. Ngoài ra nhóm tác giả cũng đưa ra trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, giao dịch công bằng.
Với những nội dụng cuốn sách hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển hệ thống các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, thiết lập mô hình doanh nghiệp hiện đại nhằm khai phá và mở rộng thị trường trong nước cũng như quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Phương Thảo