Tác giả: Ryoichi Mikitani, Hiroshi Mikitani
Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh
Nhà xuất bản Nhã Nam, Nhà xuất bản Tri Thức, 2017, 294 trang
Kí hiệu: Vv 2861
Chúng ta đang ở trong thời kỳ thay đổi chóng mặt trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghệ thông tin toàn cầu. Nhưng không phải toàn bộ Nhật Bản đều đón nhận sự chuyển đổi. Theo Hiroshi Mikitani, một trong hai tác của cuốn sách “Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản: bàn về công cuộc tái thiết nước Nhật trong nền kinh tế toàn cầu” này thì ít nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh và chính quyền Nhật Bản hiểu được nước này đang ở đâu và sẽ đi đâu. Xét ở nhiều khía cạnh quan trọng, Nhật Bản ngày nay giống với Nhật Bản thời Edo, khi đất nước đóng cửa với thế giới và các Shogun không để ý gì tới những thay đổi diễn ra ở nước ngoài. Trong khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo ra những chuyển đổi có tính cấu trúc, mang thế giới sát lại với nhau như thể chỉ còn là một châu lục, thì ở Nhật Bản, mọi người vẫn tiếp tục thích các cơ cấu tổ chức truyền thống, sự tách rời và cô lập hơn. Người Nhật Bản thậm chí không thèm xem xét thực trạng hiện nay trên toàn cầu. Tác giả cho rằng sự chối bỏ việc cho phép xã hội thay đổi của thế hệ cũ chỉ dẫn tới năng suất thấp hơn và năng lực cạnh tranh yếu kém hơn cho Nhật Bản. Không ở đâu vấn đề này rõ ràng như trong hệ thống quan liêu của chính quyền nước này, vốn đã phình to và cứng nhắc đến mức thật ra nên gọi nó là chủ nghĩa tư bản nhà nước. Một nền kinh tế do hệ thống quan liêu dẫn dắt sẽ chỉ khiến sự cách tân bị bóp nghẹt chứ không thể tạo ra cảm hứng cho tăng trưởng kinh tế. Và khi nền kinh tế Nhật Bản giảm tốc, nợ quốc gia tiếp tục tăng lên.
Hiroshi Mikitani khẳng định, Nhật Bản là một quốc gia giàu truyền thống, văn hóa và triết lý được nuôi dưỡng qua hơn 2000 năm lịch sử. Nước này cũng xuất sắc trong sự sáng tạo và công nghệ tiên tiến nhưng cần phải chia sẻ sự giàu có về tri thức và công nghệ này. Nhật Bản không nên giới hạn tham vọng của mình trong biên giới quốc gia nhỏ bé và biến mình trở thanh một đất nước ở ngoài cuộc. Thay vào đó, Nhật Bản phải trở thanh một đất nước cởi mở hơn, chấp nhận sự đa dạng về con người và văn hóa và hấp dẫn được người dân ở các nơi khác trên thế giới. Muốn đạt được điều đó, Nhật Bản phải thực hiện được hai mục tiêu, đó là phải nỗ lực để trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới và phải phấn đấu trở thành một đất nước an toàn và hòa bình với khoa học tiên tiến, công nghệ và nền văn hóa tiến bộ. Tất cả những quan điểm và tư tưởng này của ông đều được thể hiện rất rõ trong các phần của cuốn sách này.
Cuốn sách có dung lượng không lớn, chỉ với 294 trang và được bố cục thành bảy phần. Phần thứ nhất nói về sức mạnh để cách tân. Phần thứ hai nói về sức mạnh để vận hành. Phần thứ ba nói về sức mạnh trong việc nghi ngờ Abenomics. Phần thứ tư nói về sức mạnh của nhà nước chi phí thấp. Phần thứ năm nói về sức mạnh để thành công ở hải ngoại. Phần thứ sáu nói về sức mạnh để giáo dục. Phần thứ bảy nói về sức mạnh để xây dựng thương hiệu Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong phần kết luận, các tác giả cũng tập trung để phân tích về sức mạnh để cạnh tranh là gì. Cuốn sách là cuộc đối thoại giữa hai cha con Ryoichi Mikitani và Hiroshi Mikitani để tranh luận về những vấn đề đã được đề cập ở trên. Từ đó, những thông tin mà cuốn sách cung cấp sẽ giúp mọi người nhận ra tình thế khó khăn mà Nhật Bản đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra tầm nhìn về một tương lai tươi sáng hơn và lộ trình để đạt tới đó. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ đối với người dân Nhật Bản mà còn vô cùng bổ ích đối với bạn đọc nước ngoài.
Thực hiện: HH, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á