Tác giả: Sakaiya Taichi
Dịch giả: Đặng Lương Mô
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2017, 456 trang
Kí hiệu: Vv 2857
Khi nói đến Nhật Bản thì không cứ gì ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới, người ta đều coi đó là một hiện tượng thần kỳ. Hiện tượng thần kỳ trong phát triển kinh tế của Nhật Bản đã được giới nghiên cứu trên thế giới và ngay cả ở nước Nhật hết sức quan tâm. Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công về kinh tế của Nhật Bản là do người Nhật không chỉ biết gạn lọc và tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật của bên ngoài, mà còn biết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biết quản lý đất nước, doanh nghiệp phù hợp với đặc tính văn hóa của mình. Để góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề nêu trên, nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã cho tái bản cuốn sách “Mười hai người sáng lập ra nước Nhật” của tác giả Sakaiya Taichi, chuyên gia hàng đầu về kinh tế, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Nhật Bản.
Cuốn sách giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của mười hai nhân vật trong lịch sử Nhật Bản, trong đó có nhân vật được coi là hư cấu, có cả nhân vật là người nước ngoài, những người đã tạo nên sự độc đáo, nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Những quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn đạo đức, phong cách ứng xử cũng như các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội… mà họ góp phần tạo dựng nên đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với đất nước và con người Nhật Bản. Nội dung cuốn sách gồm 12 chương tương ứng với 12 nhân vật cụ thể như sau:
Chương 1: Thái tử Shotoku - người khởi xướng tư tưởng gộp đạo Thần - Phật - Nho.
Chương 2: Hikaru Genji - người mẫu cho kiểu “chính khách thanh nhã”.
Chương 3: Minamoto Yoritomo - người sáng chế ra cấu trúc “quyền lực hai tầng”
Chương 4: Oda Nobunaga - người anh hùng bị phủ nhận của lịch sử Nhật Bản
Chương 5: Ishida Mitsunari - người sáng tạo loại hình “kế hoạch kiểu Nhật”
Chương 6: Tokugawa - Ieyasu - cải cách với “ý chí tăng trưởng”
Chương 7: Ishida Baigan - với triết lý dân gian “cần cù và tiết kiệm”
Chương 8: Okubo Toshimichi - người dựng nên “chế độ quan liêu công chức”
Chương 9: Shibusawa Eiichi - thủy tổ của “chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”
Chương 10: Macarthur - thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”
Chương 11: Ikeda Hayato - sự thực hiện một đại cường quốc kinh tế
Chương 12: Matsushita Konosuke - kinh doanh kiểu Nhật và triết lý kinh doanh.
Trong số 12 nhân vật nói đến trong cuốn sách, không ai là vị vua khai thiên lập địa, cũng không ai là vị tướng đánh dẹp ngoại xâm. Mà họ chỉ là 12 người để lại ảnh hưởng sâu đậm đối với nước Nhật và người Nhật ngày nay. Họ là những người đã đưa ra quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn luân lí, phong cách xử thế, tức là những giá trị tinh thần của người Nhật, tới những cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội đang tồn tại, hoặc vẫn còn ảnh hưởng lớn tới ngày nay. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về đất nước và con người Nhật Bản, qua đó gợi mở cho chúng ta những suy nghĩ nhằm thúc đẩy đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á