Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, 276 trang
Kí hiệu: Vt 517
Việt Nam và Nhật Bản - hai quốc gia Đông Á cùng chia sẻ nhiều giá trị tư tưởng và văn hóa truyền thống tương đồng. Hai nước đã và đang tìm thấy ở nhau những tinh hoa văn hóa có thể học hỏi, bổ sung cho nhau để cùng nhau phát triển. Nhật Bản đã tiến nhanh và thành công trên con đường hiện đại hóa, để lại nhiều bài học đáng quý cho Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu, phát hiện những giá trị tương đồng giữa hai dân tộc là hết sức cần thiết để tạo tiền đề cho bứt phá mạnh mẽ trong giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Nhật Bản, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Reitaku Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác học thuật để làm nền tảng cho việc triển khai các kế hoạch hợp tác nghiên cứu và giảng dạy những lĩnh vực là thế mạnh của nhau. Trên tinh thần đó, hội thảo cuối năm 2015 với chủ đề “Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản: hội nhập và phát triển” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút được gần 40 tham luận của các tác giả Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ tập trung ở các bình diện lý luận triết học tôn giáo, vốn xã hội, lý luận đạo đức; thực tiễn giao thoa - tích hợp văn hóa tại Nhật Bản qua các bình diện cụ thể như tín ngưỡng - tôn giáo, lễ tục xã hội, văn hóa biểu tượng, chính trị và quan hệ ngoại giao… Các tham luận vừa mang tính lý luận vừa gắn kết với thực tiễn trên đây đóng một vai trò quan trọng trong việc nêu bật bản chất và đặc điểm của văn hóa Nhật Bản nhìn từ Việt Nam, cũng như phát hiện, đề xuất các nghiên cứu mang tính nền tảng tiếp theo để có thể tiến hành nghiên cứu chiều sâu, hoàn thiện chủ đề hợp tác nghiên cứu so sánh tính khoan dung văn hóa Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Trong số gần 40 tham luận của Hội thảo, Ban Biên tập đã chọn lọc giới thiệu 10 bài viết tiêu biểu, trong đó có 3 bài viết từ Nhật Bản và 7 bài viết của các tác giả Việt Nam, để đưa vào cuốn sách “Nhật Bản: giao thoa văn hóa” này, cụ thể đó là:
1. Đạo đức, khoa học, tôn giáo - từ quan điểm so sánh văn hóa, văn minh
2. Cống hiến xã hội của các tổ chức tín ngưỡng - vốn xã hội dựa trên tín ngưỡng ở Nhật Bản
3. Chủ nghĩa vị tha như là đạo lý toàn cầu: tinh thần chung của các tôn giáo
4. Tôn giáo mới với xã hội và nhà nước Nhật Bản
5. Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ và Daisetz Teitaro Suzuki: những tương đồng từ cái nhìn của hiện tượng học Edmund Husserl
6. Quá trình bản địa hóa của Phật giáo ở Nhật Bản nhìn từ tín ngưỡng Thần Phật tập hợp
7. Nét văn hóa tôn giáo độc đáo của Nhật Bản - hiện tượng Thần Phật tập hợp
8. Jizo Bồ tát của văn hóa Nhật Bản và Địa Tạng Vương Bồ tát của văn hóa Việt Nam dưới góc độ nghệ thuật biểu tượng
9. Tính khoan dung nhìn từ các nghi lễ gia đình Nhật Bản
10. Biểu tượng Rồng trong văn hóa Nhật Bản
Có thể thấy, với các tham luận như trên, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của Nhật Bản trong tương quan đối sánh với văn hóa Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á