Trang chủ

AN NINH MÔI TRƯỜNG VÀ HÒA BÌNH Ở BIỂN ĐÔNG

Đăng ngày: 20-09-2017, 03:15 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chủ biên, TS. Vũ Hải Đăng

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2016, 251 trang

Kí hiệu: Vv2826

Trong những năm gần đây, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã leo thang ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến lợi ích nhiều mặt của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Bên cạnh các nguy cơ xung đột, khu vực này hàng ngày phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống. Từ năm 2014, cả thế giới chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng về môi trường và suy giảm nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông liên quan đến hành vi ứng xử của con người mà hậu quả đã tác động đến kinh tế - chính trị khu vực. Đặc biệt là các tác động tiêu cực đến môi trường Biển Đông do các hoạt động mở rộng, tôn tạo, xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa một cách dồn dập và với quy mô lớn. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài.

Các thách thức về môi trường càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng liên quan tới các yêu sách chủ quyền đơn phương của phía Trung Quốc. Đặc biệt, gần đây Trung Quốc lộ rõ ý đồ quân sự hóa Biển Đông, kéo theo là xu thế quốc tế hóa do sự can dự sâu hơn của Mỹ vào khu vực biển này. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, đồng thời để giúp đông đảo người dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý hiểu rõ tình hình Biển Đông từ góc độ môi trường và tài nguyên, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn sách “An ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông”. Nội dung của cuốn sách được kết cấu gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Biển Đông và các lợi ích cơ bản. Trong phần này, các tác giả đi sâu trình bày đặc trưng môi trường tự nhiên và hệ thống các đảo trên Biển Đông; vị thế trọng yếu của Biển Đông; các lợi thế tĩnh của Biển Đông; vấn đề khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Chương 2: Căng thẳng về chủ quyền. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích các lợi ích đan xen ở Biển Đông và tham vọng của các nước lớn; vai trò trung tâm của ASEAN ở Biển Đông; vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông; cục diện Biển Đông liệu có thay đổi gì hay không?

Chương 3: An ninh môi trường Biển Đông. Trong chương này, các tác giả đưa ra quan niệm và phân tích các vấn đề an ninh môi trường biển; vấn đề an ninh môi trường và phát triển bền vững biển; các vấn đề chung về an ninh môi trường Biển Đông; nguy cơ hủy hoại các hệ thống rạn san hô giữa Biển Đông; tranh chấp ngư trường trong Biển Đông; thiên tai và sự cố môi trường biển; các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong Biển Đông.

Chương 4: Bảo đảm an ninh môi trường vì một Biển Đông “xanh”. Phần này, các tác giả đã nêu lên một thông điệp mới cho hòa bình đó là Biển Đông xanh; phân tích phán quyết môi trường trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; các thể chế hợp tác về môi trường Biển Đông hiện nay. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra định hướng giải pháp quản trị an ninh môi trường Biển Đông; tiếp cận “ngoại giao khoa học biển” vì hòa bình ở Biển Đông.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã cung cấp thông tin về mối quan hệ và tính liên kết của các vấn đề môi trường, tài nguyên với các căng thẳng và xung đột ở Biển Đông. Trên cơ sở đó, bàn luận về cách tiếp cận và giải pháp đảm bảo an ninh môi trường và các nguồn tài nguyên trong bối cảnh mới ở Biển Đông. Cuốn sách là tài liệu thực sự hữu ích cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận