Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thắm
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016, 215 trang
Kí hiệu: Vv 2767
Hàn Quốc học là một trong những hạt nhân của khu vực học như Châu Á học, Đông Phương học… nghiên cứu một cách tổng thể và hệ thống về Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực như địa lý, dân cư, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Mặc dù Hàn Quốc học tại Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 20 năm nhưng ngoài một số giáo trình dạy tiếng Hàn thì nhiều môn học về Hàn Quốc, trong đó có môn xã hội Hàn Quốc vẫn còn thiếu các giáo trình chính thống. Tài liệu giảng dạy môn xã hội Hàn Quốc hiện có phần lớn là các tài liệu dịch từ tiếng Hàn, có dung lượng, nội dung, từ ngữ còn có phần chưa phù hợp với sinh viên cũng như chưa đáp ứng được đầy đủ sự quan tâm về Hàn Quốc tại Việt Nam. Trước nhu cầu đó, TS. Nguyễn Thị Thắm đã biên soạn và cho ra đời cuốn sách “Xã hội Hàn Quốc truyền thống và biến đổi”. Cuốn sách nhằm cung cấp các kiến thức, khái niệm cơ bản của xã hội Hàn Quốc cũng như vai trò của môn Xã hội Hàn Quốc trong việc phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương như sau:
Chương 1: Dẫn luận. Phần này trình bày và phân tích khái niệm Hàn Quốc học và môn học Xã hội Hàn Quốc; tình hình nghiên cứu, giảng dạy môn học Xã hội Hàn Quốc.
Chương 2: Các thiết chế xã hội ở Hàn Quốc. Ở đây tác giả giới thiệu và phân tích ba thiết chế xã hội ở Hàn Quốc. Thứ nhất là gia đình ở Hàn Quốc, trong đó chú trọng đến các loại hình gia đình; đặc điểm của gia đình hiện đại; và gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc. Thứ hai là chính trị ở Hàn Quốc, tác giả đi sâu phân tích về hệ thống cơ quan nhà nước; chính đảng; chế độ bầu cử; và xã hội dân sự ở Hàn Quốc. Thứ ba là giáo dục ở Hàn Quốc, trong đó tập trung vào vấn đề giáo dục gắn liền với chiến lược phát triển quốc gia; tự trị, tự quản và tham gia xã hội trong hoạt động giáo dục; hướng tới toàn cầu hóa giáo dục.
Chương 3: Phân tầng xã hội và bất bình đẳng ở Hàn Quốc. Tác giả phân tích sự phân tầng xã hội ở Hàn Quốc ở hai điểm đó là chế độ danh phận bốn tầng; xu thế lưỡng cực hóa và sự phát triển của tầng lớp trung lưu mới. Về vấn đề bất bình đẳng xã hội ở Hàn Quốc, tác giả tập trung vào ba khía cạnh là bất bình đẳng thu nhập; bất bình đẳng giới; và bất bình đẳng vùng miền. Bên cạnh đó, tác giả cùng đề cập đến vấn đề di động xã hội ở Hàn Quốc mà cụ thể là di động xã hội giữa các thế hệ và di động xã hội trong cùng thế hệ.
Chương 4: Vốn xã hội ở Hàn Quốc. Ở đây tác giả trình bày về mạng lưới xã hội ở Hàn Quốc, trong đó có phân tích về mạng liên kết truyền thống; chủ nghĩa cố kết trong xã hội Hàn Quốc; và mạng lưới xã hội mới. Ngoài ra tác giả cùng đề cập đến vấn đề lòng tin trong xã hội Hàn Quốc thể hiện ở hai điểm là sự chênh lệch giữa lòng tin đối với chế độ và lòng tin đối với cá nhân; mức độ lòng tin trong xã hội.
Chương 5: Những tiền đề biến đổi xã hội ở Hàn Quốc trong tương lai. Trong đó tác giả tập trung vào ba tiền đề. Thứ nhất là biến đổi dân số ở Hàn Quốc mà cụ thể là tổng tỷ suất sinh giảm mạnh; tỷ lệ di cư cao; lão hóa dân số nhanh chóng; cơ cấu dân số mất cân bằng. Thứ hai là toàn cầu hóa và công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc, trong đó đề cập đến toàn cầu hóa và chính sách văn hóa; công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc; Hàn lưu và ảnh hưởng quốc tế. Thứ ba là thế hệ xã hội ở Hàn Quốc và sự thay đổi giá trị.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã làm rõ những nét truyền thống và biến đổi của xã hội hiện đại Hàn Quốc trên các mặt như thiết chế xã hội, cơ cấu xã hội, bất bình đẳng, vốn xã hội… từ góc độ tiếp cận tổng hợp các lý thuyết biến đổi xã hội. Trong từng lĩnh vực, những vấn đề nổi bật nhất của xã hội Hàn Quốc từ truyền thống và hiện đại đã được phản ánh trong các chương của cuốn sách. Bên cạnh đó, những nội dung có liên quan đến Việt Nam hoặc Việt Nam quan tâm như phong trào xây dựng Làng mới, Làn sóng Hàn Quốc, gia đình đa văn hóa… cũng được làm rõ nhằm khuyến khích sự tìm tòi, nghiêm cứu của bạn đọc.
Xin giới thiệu cuốn sách tới độc giả.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
bidi-font-style: normal'>Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á