Trang chủ

VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 25-07-2011, 13:02 | Danh mục: Ấn Phẩm

Nói đến “nghề thủ công truyền thống” của người Nhật Bản, thế giới không khỏi khâm phục kỹ thuật tinh xảo của quá trình chế tác cũng như sự phong phú, tinh tế trong hình dáng của mỗi sản phẩm. Để có được những sản phẩm có tính văn hoá mang bản sắc dân tộc độc đáo, người thợ thủ công Nhật bản đã khổ công rèn luyện tay nghề, dày công sáng tạo trong một quá trình lịch sử lâu dài. Cũng có một thời kỳ, sản xuất thủ công truyền thống bị đình trệ và các sản phẩm truyền thống phải nhường chỗ cho hàng hóa công nghiệp hiện đại. Nhưng rồi, hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt, mặc dù có nhiều yếu tố tiện dụng vượt trội so với hàng truyền thống, vẫn không thể hoàn toàn thay thế mặt hàng này trong việc làm đẹp, làm phong phú thêm cho chất lượng cuộc sống. Hàng thủ công truyền thống đã dần dần chiếm lại vị trí của nó trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Nhật Bản. Cùng với sự thay đổi trong nhận thức của nhân dân, Chính phủ Nhật Bản cũng đã có nhiều biện pháp khôi phục và chấn hưng nghề truyền thống, khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghề truyền thống bị mai một đã dần dần được phục hồi và phát triển. Hiện nay, nghề truyền thống đang cùng với các tài sản văn hóa vật chất và tinh thần khác tạo dựng nên một nền tảng văn hóa dân tộc bền vững cho sự phát triển của xã hội và con người Nhật Bản, đồng thời góp phần giới thiệu bộ mặt của đất nước Nhật Bản ra thế giới bên ngoài.

Cũng giống như Nhật Bản, Việt Nam có kho tàng văn hoá quý báu, đó là hàng trăm nghề thủ công truyền thống với hàng ngàn chủng loại sản phẩm đa dạng và phong phú, đóng góp tích cực cho văn hoá tiêu dùng trong quá khứ cũng như hiện tại. Song, hiện nay lối sống đô thị, hiện đại đang nhanh chóng làm mất đi ý thức tiêu dùng truyền thống trong phần lớn dân chúng, vai trò của hàng thủ công cũng như nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều thử thách khó khăn. Bảo tồn và phát triển nghề thủ công hiện nay là nhiệm vụ cấp bách ở Việt Nam, điều này không chỉ góp phần bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội như tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa, tăng thu nhập, xuất khẩu và phát triển du lịch hội nhập quốc tế.

Cuốn sách “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản” đặt mục tiêu tìm hiểu thực trạng và nghiên cứu các giải pháp của chính phủ Nhật Bản trong việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống, đồng thời từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản đưa ra những gợi ý tham khảo cho Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về bố cục, cuốn sách được chia làm ba chương:

Chương 1: Vai trò và vị trí của nghề thủ công truyền thống trong đời sống xã hội Nhật Bản.

Chương này trước hết giới thiệu khái niệm về nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản cũng như các yếu tố tạo nên sự hình thành và phát triển nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, chương một cũng trình bày định nghĩa chính thức về “sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống” được đưa ra trong Luật Nghề thủ công truyền thống ban hành năm 1973 tại Nhật Bản. Điểm quan trọng của chương một nằm ở phần giới thiệu vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống trong lịch sử và hiện tại. Các tác giả cũng đưa ra quan điểm về nghề thủ công hiện đại, so sánh nghề thủ công truyền thống và nghề thủ công hiện đại, vai trò của nghề thủ công trong quá khứ và trong xã hội hiện đại. Phần cuối chương một dành khá nhiều trang viết để giới thiệu về một số nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản như: nghề làm đồ gốm sứ, nghề sơn mài, nghề làm đồ gỗ và đồ tre mỹ nghệ, nghề đúc kim loại, nghề làm giấy Nhật (washi), nghề dệt vải, nhuộm, nghề làm búp bê, nghề làm chiếu, nghề làm quạt...

Chương 2: Giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản.

Trong chương hai, các tác giả tiến hành phân tích giải pháp bảo tồn, phục hồi và thúc đẩy nghề thủ công truyền thống phát triển và hiệu quả đạt được trong vòng nửa thế kỷ - từ những năm 1950 đến những năm đầu thế kỷ 21. Hệ thống Chính sách và Luật bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng được đưa ra xem xét khá tỉ mỉ theo phương pháp so sánh lịch sử. Bên cạnh đó, thông qua kết quả khảo sát thực tế, các tác giả cũng đã trình bày một mô hình phát triển khu vực nghề thủ công truyền thống điển hình ở một vùng nông thôn Nhật Bản, đó là làng Mishima thuộc huyện Onuma, tỉnh Fukushima. Phần cuối của chương hai dành một số trang phân tích - đánh giá kết quả của quá trình thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản trong nửa thế kỷ qua.

Chương 3: Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Đây là phần có ý nghĩa thiết thực nhất của công trình nghiên cứu. ở phần này, sau khi đưa ra một vài nét khái quát về nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam như: khái niệm nghề và làng nghề thủ công truyền thống, sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống, hiện trạng: những mặt đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và những khó khăn, vướng mắc hiện nay, các tác giả đã mạnh dạn so sánh những mặt tích cực trong chính sách về nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản và những mặt còn hạn chế trong hệ thống chính sách của ta đối với vấn đề này. Đặc biệt, các tác giả còn đưa ra 5 kiến nghị đối với việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như: vấn đề xây dựng một hệ thống chính sách và luật về nghề thủ công truyền thống, vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân ta trong việc yêu mến và bảo vệ nghề thủ công truyền thống, tin dùng sản phẩm thủ công truyền thống, vấn đề đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực sản xuất - cơ quan nghiên cứu và các trường đại học trong việc cải tiến kỹ thuật - công nghệ sản xuất và tìm kiếm nguyên liệu thay thế, bảo vệ môi trường, vấn đề thúc đẩy phong trào dùng hàng thủ công truyền thống trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và vấn đề cải tiến mẫu mã trên cơ sở phát huy những yếu tố kỹ thuật truyền thống, sản xuất ra những mặt hàng mới vừa mang tính văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện đại.

Cuốn sách “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản” được tập thể tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á viết với sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản không những là một khảo luận sâu sắc  về vấn đề nghiên cứu mà nó còn cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về đất nước, con người và văn hóa truyền thống Nhật Bản.

0thảo luận