Trang chủ

GIA ĐÌNH NHẬT BẢN

Đăng ngày: 25-07-2011, 12:55 | Danh mục: Ấn Phẩm

Cuốn sách “Gia đình Nhật Bản” được hình thành dựa trên đề tài được  thực hiện tại Viện Đông Bắc Á. Mục đích chính của tác giả là tập hợp những tư liệu đã có về gia đình Nhật Bản, qua đó phác hoạ bức tranh khái quát về gia đình Nhật Bản từ những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm gần đây dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá diễn ra suốt vài thập niên qua ở Nhật Bản. Sự tác động này bao hàm rất nhiều yếu tố trong xã hội Nhật Bản. Trong đó, có sự so sánh với gia đình Việt Nam để thấy được những cái chung cũng như những cái riêng trong sự phát triển của thiết chế hôn nhân và gia đình của hai quốc gia có trình độ phát triển xã hội khác nhau.

Gia đình Nhật Bản giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm đầu của thế kỷ XXI đang trong sự chuyển đổi, đó là sự chuyển đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại trên mọi lĩnh vực của hôn nhân (quan niệm, quan hệ nam nữ trước hôn nhân, sự thay đổi từ hôn nhân do mai mối là chủ yếu sang hôn nhân tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, tập tục thừa kế, sự thay đổi địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, v.v…. Sự chuyển đổi cũng đang diễn ra trong cơ cấu, quy mô của gia đình từ chỗ có nhiều con cái sang gia đình ít con, cũng như sự gia tăng gia đình độc thân, do nhiều người suốt đời không muốn lấy vợ, lấy chồng. Gia đình không có con cái cũng gia tăng do quan niệm đối với con cái cũng có những thay đổi nhất định. Do chi phí nuôi dạy con cái, chi phí cho giáo dục tăng, vợ chồng theo đuổi việc làm, tăng thu nhập... Do vậy, quy môgia đình ngày nay càng thu nhỏ dẫn đến tình trạng già hoá dân số trong xã hội Nhật Bản. Vấn đề già hoá dân số, vấn đề chăm sóc người già cũng như chính sách phúc lợi đối với họ đang là đề tài thời sự trong xã hội Nhật Bản hiện nay.

Sự chuyển đổi cũng đang diễn ra trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa vợ và chồng. Tính bền vững của mối quan hệ vợ chồng giảm dần, gia đình trở nên dễ dàng tan vỡ hơn, ly hôn ngày một tăng và mối quan hệ giữa vợ và chồng đang có những thay đổi. Ranh giới phân công “các nghĩa vụ” trong gia đình cũng ngày một mờ nhạt và ngày càng có nhiều bà vợ theo đuổi việc làm suốt đời.

Chương 1”: Hôn nhân. Trong chương này, tác giả đề cập tới những vấn đề liên quan tới hôn nhân, tức là quá trình hình thành gia đình.

Chương 2: Gia đình và những mối quan hệ trong gia đình. Chương này được chia làm hai phần : phần một, tác giả đề cập đến gia đình (gia đình mở rộng và gia đình hôn nhân và mối tương quan giữa hai loại hình gia đình này). Phần hai, tác giả đề cập tới mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và chủ yếu phân tích mối quan hệ vợ chồng. Đây cũng là mối quan hệ cơ bản nhất trong bất kể loại hình gia đình nào dù đó là gia đình hạt nhân hay gia đình mở rộng. Còn các mối quan hệ khác như: Cha mẹ- con cái, mẹ chồng-nàng dâu v.v…cũng được đề cập ở mức độ nhất định. Xung đột gia đình nảy sinh trong các mối quan hệ trên là nguyên nhân dẫn đến ly hôn, tan vỡ gia đình như thế nào cũng được đề cập trong chương này.

Chương 3: Một số chức năng cơ bản của gia đình. ở bất kỳ xã hội nào gia đình cũng thực hiện rất nhiều chức năng. Các chức năng có thể nhiều ít cũng như vai trò của chúng còn  tuỳ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cụ thể của mỗi nước.Ví dụ như chức năng kinh tế chẳng hạn (bao gồm hai tiểu chức năng:sản xuất và tiêu thụ hoặc tiêu dùng) đối với những nước kém phát triển gia đình sẽ là đơn vị sản xuất đồng thời cũng là một đơn vị tiêu dùng. Còn đối với xã hội phát triển cao như Nhật Bản, chức năng tiêu dùng lại đóng vai trò cơ bản. ở phần viết này tác giả chỉ dừng lại xem xét ba chức năng cơ bản nhất của gia đình, đó là: chức năng kinh tế, chức năng tái sản xuất dân số và chức năng giáo dục hay còn gọi là chức năng xã hội hoá.

Chương 4: Gia đình và môi trường xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, hay nói theo cách khác thì xã hội do nhiều gia đình hợp thành. Do vậy, gia đình không tồn tại một cách đơn lẻ mà tồn tại trong những xã hội cụ thể thông qua rất nhiều các mối quan hệ với thế giới bên ngoài, trước hết là với bà con họ hàng gần xa, với hàng xóm láng giềng nơi cư trú và sau nữa là ở nơi làm việc. Dựa vào những tài liệu  từ nhiều nguồn khác nhau, tác giả cố gắng minh hoạ “các mối quan hệ giữa gia đình với xã hội”trong một xã hội phát triển cao như Nhật Bản và cũng có thể sẽ là của gia đình Việt Nam sau vài chục năm nữa.

0thảo luận