Trang chủ

LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ NGOẠI GIAO VĂN HÓA: SỨC SỐNG CỦA QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH MỚI CỦA QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC

Đăng ngày: 2-06-2015, 07:14 | Danh mục: Giới thiệu sách

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2014, 721 trang

Ngôn ngữ: Song ngữ Việt - Nhật

Kí hiệu: Vv2632

 

Trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã có những bước phát triển thần kỳ, vươn lên thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, khoa học kỹ thuật và có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, không phải đến nửa sau thế kỷ XX, Nhật Bản mới có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế mà từ thời cận đại, Nhật Bản đã sớm vươn lên thành một nền kinh tế lớn với một chính sách đối ngoại rộng mở và thực tế.

Trong quá trình hơn 4 thế kỷ xác lập vị thế kinh tế và ngoại giao ở khu vực Đông Á, Nhật Bản luôn duy trì mối quan hệ giao hảo, trong nhiều giai đoạn thậm chí trở nên mật thiết và gần gũi với Việt Nam. Chỉ riêng trong thế kỷ XVII, đã có khoảng hơn 50 bức thông thư giữa Mạc Phủ Đức Xuyên ở Edo với các triều đình Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong, chưa tính các thư từ giao dịch giữa các quan lại và thương nhân hai nước. Trên cơ sở quan hệ bang giao quan phương, các hoạt động thương mại văn hóa và văn hóa thương mại đã được kết hợp hài hòa để duy trì và thúc đẩy quan hệ chính thức giữa hai quốc gia trong nhiều thế kỷ.

Trong thời hiện đại, nhất là trong thời kỳ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhân dân Nhật Bản càng tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Nhiều người Nhật đã xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ngày 21/9/1973, sau khi Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết, Nhật Bản và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Thấu hiểu được những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hơn 20 năm và nhận thức được trách nhiệm của mình, năm 1977, Thủ tướng Fukuda đã đưa ra học thuyết nổi tiếng mang tên ông, trong đó nhấn mạnh Nhật Bản cam kết giúp đỡ các nước Đông Dương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển đất nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, dưới sự tài trợ của Quỹ Japan (Nhật Bản), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế  với chủ đề “Lịch sử, văn hóa và ngoại giao văn hóa: sức sống của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực” và xuất bản thành sách. Nội dung của cuốn sách tập hợp các bài viết của các học giả xung quanh vấn đề lịch sử, văn hóa và ngoại giao văn hóa trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Các bài viết được tập hợp thành 3 phần như sau:

Phần 1: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: một số vấn đề lịch sử. Phần này tập hợp những bài viết như 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; góc nhìn khu vực về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XVII; lưu thông tiền tệ ở Việt Nam thời cận thế nhìn từ kết quả điều tra các kho tiền cổ đã phát lộ; “nối lại” và “so sánh” lịch sử Nhật Bản với lịch sử Việt Nam; văn thư ngoại giao An Nam giai đoạn thế kỷ XVI-XVII; võ sĩ Nhật Bản thời trung thế và ý thức thừa kế; xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài - đặc trưng của gốm sứ Hizen khai quật được ở Việt Nam.

Phần 2:Văn hóa và ngoại giao văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Gồm những bài viết như quan hệ Việt Nam - Nhật Bản truyền thống một cách nhìn từ các không gian biển; tăng cường  mô hình hợp tác “công ty - trường đại học” trong kỷ nguyên đầy năng động; lịch sử và triển vọng lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản; quan điểm về quyền lực mềm của Nhật Bản ở Đông Nam Á; ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản đến giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Phần 3: Triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế. Trong đó tập hợp những bài viết như sự bình thường hóa quan hệ của Nhật Bản với Việt Nam; điều chỉnh chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam từ năm 2000 đến nay trong lĩnh vực hợp tác về chính trị, an ninh; bảo vệ hòa bình an ninh của Châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác Nhật - Việt; quá trình hình thành và triển vọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; một số yếu tố chủ quan góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật trong tương lai; thay đổi môi trường chiến lược Đông Á; sự cạnh tranh Trung - Nhật trong ASEAN và ý nghĩa của nó đối với Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, hội thảo này đã tập trung trình bày và phân tích các khía cạnh lịch sử, văn hóa và quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế. Các bài viết hướng đến những nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa và quan hệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, góp phần tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á và thế giới. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Nhật Bản cũng như quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận