Nhằm mục đích tạo sân chơi khoa học cho các bạn đoàn viên, thanh niên, qua đó tăng cường khả năng giao lưu học hỏi, trao đổi về các vấn đề nghiên cứu, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp cùng ba Chi đoàn Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và Viện Nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông đã lên kế hoạch tổ chức Tọa đàm khoa học liên chi với chủ đề: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc: tác động và phản ứng của các nước”. Chi Đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã triển khai nội dung của buổi tọa đàm này đến các bạn đoàn viên, thanh niên và Chi đoàn đã có ba bài tham luận gửi đến tọa đàm. Đó là các bài : “Nhật Bản trước sự lớn mạnh về kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc” (ThS. Vũ Thị Mai), “Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong định hình kiến trúc thể chế kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” (ThS. Phí Hồng Minh),“Vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” (Phan Thị Diễm Huyền).
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương và nghiêm túc của Ban tổ chức, Tọa đàm liên chi đã được tổ chức vào sáng ngày 18/9/2014. Đến tham dự Tọa đàm có PGS.TS Phạm Hồng Thái – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Nguyễn Xuân Cường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, TS Võ Xuân Vinh – Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS Nguyễn Tuấn Minh – Viện Nghiên cứu Châu Mỹ.
Tọa đàm chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất bàn về Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động. Phiên thứ hai tập trung trình bày về phản ứng chính sách của các nước trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. ThS. Vũ Thị Mai – Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã có bài trình bày tại phiên 2 với tiêu đề: “Nhật Bản trước sự lớn mạnh về kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc”.
ThS. Vũ Thị Mai – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Phần thảo luận trong từng phiên diễn ra vô cùng sôi nổi với rất nhiều câu hỏi của các bạn đoàn viên được đưa ra cho các báo cáo viên. Đa số câu hỏi đều tập trung vào các vấn đề liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, tác động của sự trỗi dậy này đến tình hình khu vực và thế giới như thế nào, mong muốn các báo cáo viên làm rõ hơn một số vấn đề trong bài tham luận của mình, đồng thời cũng có những ý kiến chia sẻ khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm của bản thân khi viết bài của những đoàn viên có bài tham luận.
TS. Hoàng Minh Hằng – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đang đặt câu hỏi cho báo cáo viên
Bên cạnh đó, tọa đàm còn nhận được những ý kiến đóng góp, nhận xét vô cùng quý báu của các vị đại biểu, các chuyên gia khách mời. TS. Võ Xuân Vinh – Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong cấu trúc bài viết của từng bài báo cáo, kỹ năng về phương pháp nghiên cứu khoa học cần phải có của một nhà nghiên cứu trẻ. Đồng thời, Bí thư Đoàn Viện cũng khẳng định Đoàn Viện Hàn lâm luôn ủng hộ và khuyến khích các Chi đoàn phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học dưới hình thức liên chi đoàn như bốn viện Đông Bắc Á, Trung Quốc, Châu Mỹ và Châu Phi – Trung Đông đã làm.
Đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tham dự tọa đàm là PGS.TS Phạm Hồng Thái đã phát biểu ý kiến cho rằng: Tọa đàm này chính là một sân chơi cho các bạn đoàn viên trao đổi kinh nghiệm, từng bước làm quen với việc phát biểu công trình nghiên cứu của mình trước đám đông. Để tọa đàm thực sự là sân chơi của thanh niên và đạt được hiệu quả cao, các bạn đoàn viên phải là nhân vật chính, chủ động báo cáo, đặt câu hỏi, thảo luận sôi nổi, tạo tinh thần thoải mái, cởi mở, coi đây là một buổi nói chuyện, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, còn các đại biểu khách mời tham dự nên đóng vai trò là người định hướng, giải đáp những vướng mắc, khó khăn, băn khoăn của đoàn viên trong quá trình nghiên cứu. PGS.TS Phạm Hồng Thái cho rằng các đoàn viên thanh niên nên tiếp tục phát triển hình thức tọa đàm như thế này.
PGS.TS Phạm Hồng Thái phát biểu ý kiến tại Tọa đàm liên chi đoàn
Trải qua hơn ba tiếng đồng hồ tiến hành trao đổi, thảo luận sôi nổi, Tọa đàm liên chi đoàn đã thành công tốt đẹp. Kết thúc tọa đàm, các bạn đoàn viên bốn chi đoàn không chỉ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà còn thu nhận được thêm nhiều kiến thức bổ ích từ các vị đại biểu khách mời. Tọa đàm khép lại nhưng gợi mở ra nhiều ý tưởng về một hội thảo lớn hơn trong thời gian tới.
Ban tổ chức Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu khách mời
Người viết
Phan Thị Diễm Huyền