1. Tổng quan kinh tế Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2010
Sau hơn một thập kỷ mất mát do suy thoái kinh tế kể từ sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng đầu những năm 1990, tiếp theo là sự gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009 với những suy giảm nghiêm trọng chưa từng có so với hàng chục năm trước đó, nền kinh tế Nhật Bản kể từ giữa năm 2009 đến nay đã có sự chuyển biến rất đáng khích lệ, đặc biệt là trong 6 tháng vừa qua.
Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản (đã điều chỉnh lạm phát)
Nguồn:http://www.tradingeconomics.com/Economics/GDP-Growth.aspx?symbol=JPY
Tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm của Nhật Bản vào quý I/2010 đạt 5%. Đây là một sự tăng trưởng hết sức ấn tượng. Mặc dù còn thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích (5,5%), song đây có thể coi là một tín hiệu hết sức khả quan sau một thời gian nền kinh tế nước này chìm trong sự đình trệ. Một điều đáng nói nữa là nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu có sự tăng trưởng thực chất, cho dù mức độ của sự tăng trưởng này vẫn còn rất khiêm tốn. Những tín hiệu này bao gồm: sản xuất công nghiệp và đầu tư tư nhân bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại; xuất khẩu tăng mạnh không chỉ sang Trung Quốc và một số thị trường Châu Á, vốn là nhân tố chủ yếu cho sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản kể từ quý II/2009, mà còn được trải rộng ra hầu khắp thế giới, trong đó có thị trường Mỹ và EU.
Biểu đồ 2: Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp của Nhật Bản (tính theo năm)
Nguồn:http://www.tradingeconomics.com/Economics/GDP-Growth.aspx?symbol=JPY
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tháng 4/2010 đạt 5.577,1 tỷ yên, tăng hơn 20% so với tháng 1/2010. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đồ điện tử, ô tô, chất bán dẫn, sợi quang học, thiết bị quang điện tử. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, và Đài Loan.
Biểu đồ 3: Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản (tỉ yên)
Năm |
Tháng 1 |
Tháng 2 |
Tháng 3 |
Tháng 4 |
Tháng 5 |
Tháng 6 |
Tháng 7 |
Tháng 8 |
Tháng 8 |
Tháng 10 |
Tháng 11 |
Tháng 12 |
Tổng cộng |
2010 |
4616,9 |
4865,5 |
5706,1 |
5577,1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
20765,6 |
2009 |
3282,8 |
3302,8 |
3923,3 |
3909,5 |
3757,4 |
4307,4 |
4540,8 |
4232,5 |
4786,4 |
4974,8 |
4707,8 |
5131,6 |
50857,1 |
2008 |
6112,8 |
6667,9 |
7351,3 |
6594,8 |
6504,6 |
6840,8 |
7289,4 |
6715,4 |
7028,4 |
6582,0 |
5058,0 |
4589,6 |
77335,0 |
2007 |
4078,0 |
5642,8 |
7153,3 |
6295,1 |
6242,8 |
6944,6 |
6706,5 |
6662,6 |
6887,2 |
7113,4 |
6884,1 |
7076,3 |
272283,1 |
Nguồn: http://www.tradingeconomics.com/Economics/Exports.aspx?Symbol=JPY
Cùng với sự gia tăng của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, thị trường chứng khoán Tokyo cũng có sự khởi sắc mạnh mẽ. Giá cổ phiếu tăng cao nhất kể từ cuối năm 2008 với chỉ số Nikkei 225 đạt với 11.113 điểm vào tháng 4/2010 tăng 921 điểm so với tháng 12/2009. Chỉ số Topic của tất cả các cổ phiếu tại thị trường Tokyo cũng tăng 10 điểm lên 913 điểm.
Biểu đồ 4: Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật Bản
Năm |
Tháng 1 |
Tháng 2 |
Tháng 3 |
Tháng 4 |
Tháng 5 |
Tháng 6 |
Tháng 7 |
Tháng 8 |
Tháng 8 |
Tháng 10 |
Tháng 11 |
Tháng 12 |
2010 |
10623 |
10100 |
10735 |
11113 |
10094 |
9803 |
|
|
|
|
|
|
2009 |
8333 |
7710 |
7829 |
8832 |
9285 |
9892 |
9760 |
10445 |
10317 |
10065 |
9535 |
10192 |
2008 |
14073 |
13448 |
12582 |
13489 |
14055 |
13987 |
13104 |
13004 |
12060 |
8827 |
8367 |
8370 |
2007 |
17220 |
17779 |
17179 |
17425 |
17457 |
18007 |
17955 |
16367 |
16337 |
16929 |
15565 |
15509 |
Nguồn: http://www.tradingeconomics.com/Economics/Stock-Market.aspx?Symbol=JPY
Sự tăng giá cổ phiếu tại Tokyo là nhờ giá cổ phiếu ở các thị trường Châu Á khác tăng, cùng với đồng yên giảm giá so với USD, từ 1 USD đổi được 85 yên lên 91 yên. Đồng yên giảm giá so với đồng USD nên các nhà đầu tư đã tăng mua cổ phiếu của các công ty xuất khẩu như các hãng xe hơi và điện tử góp phần đẩy nhanh sự phục hồi của các ngành công nghiệp này.
Theo công bố của Văn phòng nội các Nhật Bản, niềm tin của các nhà kinh doanh đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, sau khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất nhất sau 10 tháng và tiền lương tăng lần đầu tiên sau 20 tháng. Bên cạnh đó, sản lượng nhà máy cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1-2010. Lợi nhuận doanh nghiệp đã có những cải thiện đáng kể.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 21/5/2010 đã đưa ra nhận định "nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu phục hồi". Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006, BOJ dùng từ "phục hồi" trong đánh giá tình hình kinh tế, khả quan hơn nhận định "đang được cải thiện" của ngân hàng này vào tháng 4/2010. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của BOJ, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa đủ lực để đảm bảo một sự phục hồi bền vững dựa vào nhu cầu trong nước do còn khá nhiều trở ngại lớn (sẽ được đề cập ở phần sau).
Để thúc đẩy nhu cầu trong nước, BOJ tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản 0,1%. Mặc dù chưa quyết định được chi tiết liên quan tới các biện pháp cho vay mới, nhưng BOJ đã thảo luận về một biện pháp tạm thời, có thể sẽ được thực hiện từ mùa hè này, nhằm hỗ trợ các ngân hàng tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đang phát triển như môi trường, năng lượng. Về cơ bản, BOJ có thể tăng cường cho vay đối với các ngân hàng thuộc lĩnh vực tư nhân trong thời hạn một năm với lãi suất khoảng 0,1%. Các khoản cho vay có thể được gia hạn thanh toán. Để tiếp nhận khoản vay, các tổ chức tài chính cần phải đệ trình kế hoạch hướng tới việc củng cố cơ sở cho tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. BOJ cũng cho biết trong ngày 21/5 đã "bơm" khẩn cấp 1.000 tỉ yen tiền mặt cho các tổ chức tài chính đang phải đối mặt với sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Như vậy, qua các số liệu về sự tiến triển của kinh tế Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2010, có thể khẳng định rằng hiện nay nền kinh tế này đã ra khỏi suy thoái. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng một cách bền vững của nó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản phải tiếp tục thực hiện các chính sách tái điều chỉnh cơ cấu kinh tế và khắc phục những khó khăn hiện tại.
2. Những khó khăn hiện tại
Về những khó khăn hiện tại, có thể thấy rằng Nhật Bản vẫn đang phải đương đầu với tình trạng giảm phát nghiêm trọng; tỉ lệ thất nghiệp tuy giảm những vẫn còn rất cao (trên 5%); và đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề nợ công do thâm hụt ngân sách tích tụ từ nhiều năm nay.
a. Thất nghiệp
Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản đã lên đến mức cao kỷ lục vào tháng 7/2009 là 5,6%. Sau đó tỉ lệ này tuy có giảm nhưng không đáng kể. Trong những tháng đầu năm 2010 lại có xu hướng tăng nhẹ (từ 4,9% vào tháng 1 lên 5,1% vào tháng 4). Đây là tháng thứ ba tỉ lệ thất nghiệp tăng liên tiếp kể từ đầu năm, đặc biệt là trong các ngành như nông nghiệp, chế tạo, bất động sản và giáo dục. Hiện tỉ lệ việc làm trên ứng cử viên lần đầu tiên trong 8 tháng qua đã giảm xuống còn 0,48, nghĩa là có 48 việc làm thì có 100 người ứng cử. Mặc dù sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tăng nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa tăng tuyển dụng lao động. Chính vì vậy, tỉ lệ thất nghiệp vẫn không được cải thiện. Con số thất nghiệp ở Nhật Bản hiện nay vẫn còn tới 3,3 triệu người.
Biểu đồ 5: Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản từ 2008 đến đầu năm 2010
Nguồn:http://www.tradingeconomics.com/Economics/Unemployment-rate.aspx?Symbo l=JPY
b. Giảm phát
Giảm phát là vấn đề thứ hai cần giải quyết cấp bách tại Nhật Bản hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tỉ lệ giảm phát tuy có được cải thiện phần nào, từ mức -1,9% vào tháng 1 giảm còn -1,1% vào tháng 3, song những tháng gần đây không những tình trạng giảm phát không những không được cải thiện mà còn có xu hướng xấu đi. Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản được hầu hết các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa trong thời gian tới.
Biểu đồ 6: Chỉ số giá tiêu dùng ở Nhật Bản
Nguồn: http://www.tradingeconomics.com/Economics/Inflation-CPI.aspx?Symbol=JPY
Mặc dù nhận thấy rủi ro giảm phát kinh tế kéo dài sẽ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế và chi tiêu, nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không cho rằng nguyên nhân nằm ở chính sách tiền tệ, mà thay vào đó họ đổ lỗi cho năng suất sản xuất thấp, kéo mức lương tại Nhật thấp và đặt áp lực lên nhu cầu chi tiêu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng nợ công.
Trước đây, Nhật Bản từng mắc bẫy thanh khoản khi tăng gấp đôi lượng cung tiền nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do bong bóng bất động sản vỡ đầu thập niên 1990. Đây có thể là bài học kinh nghiệm đáng nhớ mà Nhật biện minh cho quan điểm giảm phát không phải do vấn đề tiền tệ. Thực tế là do sai lầm của BOJ với chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất nhiều lần và cuối cùng thực hiện “chính sách lãi suất zero”, đã khiến người dân Nhật chuộng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn là đầu tư vào trái phiếu hay chứng khoán. Hệ quả là ngân hàng thiếu tiền mặt và không thể cho vay đối với tư nhân, làm cho hoạt động đầu tư tư nhân của Nhật trì trệ trong nhiều năm. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và khiến chính sách tiền tệ trở nên bất lực.
Dù cho thu nhập bình quân được cải thiện, nhưng tiêu dùng chỉ chiếm tỉ trọng là 17% GDP. Theo Báo cáo của BOJ ngày 20/5, mức chi tiêu theo hộ gia đình chỉ tăng 0,3% trong quý I/2010, tốc độ tăng chậm hơn 0,7% so với giai đoạn trước đó. Chi tiêu trong kinh doanh tăng 1%, ít hơn quý 4 năm 2009 (1,3%). Đầu tư nhà đất chỉ tăng 0,3%, mức tăng đầu tiên trong vòng 5 quý. Nhận định về nền kinh tế Nhật Bản, ông Huw Mckay, nhà kinh tế cao cấp đến từ một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, Westpac, Sydney nhấn mạnh “cách tốt nhất Nhật có thể làm trong lúc này là tạo ra lạm phát”.
c. Nợ công
Tình trạng thâm hụt ngân sách kinh niên kể từ đầu những năm 1990 đến nay đã làm cho tổng số dư nợ ngân sách của Nhật Bản lên tới hơn 200% GDP – một con số quá sức tưởng tượng đối với một nền kinh tế được coi là đứng thứ hai thế giới từ mấy thập kỷ nay. Có thể nói rằng nền kinh tế này đang được đặt trước một “quả bom hẹn giờ” về khủng hoảng nợ công.
Nhiều người lạc quan cho rằng họ chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nơi đây sắp rơi vào khủng hoảng nợ. Lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người lại cao chót vót. Nhưng thực tế hiện nay các chính trị gia, các nhà lập pháp Nhật Bản đang tranh cãi gay gắt và âm thầm tìm ra giải pháp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Trong nhiều năm liền giới quan sát từng đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về sự tăng trưởng trì trệ và nợ công chồng chất của Nhật Bản. Trước thời điểm kinh tế toàn cầu trượt vào suy thoái giai đoạn năm 2008 – 2009, suốt 2 thập niên Nhật phải lặn ngụp trong giảm phát. Nhưng bóng ma thiểu phát đã bị che lấp bởi hình ảnh một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống người dân khá cao, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp cho thấy rủi ro vỡ nợ công thấp. Cơn bạo bệnh của Nhật Bản chỉ thực sự bộc phát khi kinh tế toàn cầu chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính. GDP theo ước tính của tài khóa 2010 là 475 nghìn tỷ yen, nhưng nợ công có thể lên tới 950 nghìn tỷ yen. Như vậy mỗi người dân Nhật Bản phải gánh một khoản nợ vào khoảng 7,5 triệu yen.
Việc phát hành trái phiếu chính phủ tại Nhật cho tới nay chủ yếu hướng tới người mua là dân chúng trong nước, nhưng người dân càng ngày càng có xu hướng giảm tiết kiệm. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay cả khi tỷ lệ tiết kiệm duy trì như mức hiện nay, thì nợ công vẫn tiếp tục tăng và tới năm 2015 có thể vượt xa tổng tài sản của các hộ gia đình. Khi đó, Nhật Bản sẽ phải huy động vốn từ nước ngoài với chi phí cao hơn. Thậm chí, theo nhà kinh tế Goldman Sachs, một số nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch sẵn sàng khi khủng hoảng nợ công xẩy ra tại Nhật Bản.
Trong thời kỳ kinh tế “bong bóng” những năm 1986 – 1990, cũng như nhiều đơn vị nắm số lượng lớn trái phiếu chính phủ, Ngân hàng Bưu điện Nhật (JPB) đã có mức thặng dư tài chính khổng lồ. Sau khi nền kinh tế “bong bóng” đổ vỡ vào đầu những năm 1990, Nhật Bản bắt đầu trượt dài vào khủng hoảng trong nhiều năm sau đó. Kinh tế tăng trưởng ì ạch, nhiều người nắm giữ trái phiếu, đất đai, cổ phiếu lâm vào cảnh khốn đốn khi lợi suất thu về thấp hơn nhiều so với lúc đỉnh điểm bong bóng.
Để bảo vệ thị trường trái phiếu, kể từ 1995, Nhật Bản đã để cho đồng yen tăng giá nhằm khuyến khích người dân quay trở lại mua trái phiếu chính phủ. Nhưng điều này buộc Nhật phải chấp nhận hệ quả là sự đình trệ trong tăng trưởng xuất khẩu, do hàng hóa Nhật trở nên kém cạnh tranh hơn so với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Mục tiêu bình ổn thị trường trái phiếu có thể là một trong những lý do giải thích tại sao chính quyền Nhật tỏ ra kém tập trung đấu tranh chống giảm phát nền kinh tế. Họ lo sợ hậu quả ngoài ý muốn lên thị trường trái phiếu nếu như giá tiêu dùng tăng cao.
IMF đã khuyến cáo Nhật Bản cần tăng thuế tiêu dùng để giải quyết các khoản nợ này. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù kinh tế đã từng bước ổn định và phát triển nhưng việc tăng thuế để trả nợ của Nhật Bản xem ra không hề dễ dàng. Một mặt do những cam kết của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong cuộc tranh cử tháng 9 năm 2009; mặt khác nếu tăng thuế thì những nỗ lực mở rộng quy mô kinh tế của Chính phủ có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Ngân sách năm tài khóa 2010 của Nhật Bản trị giá 92,3 nghìn tỷ yên, khoảng 1.014 tỷ USD. Trong đó, chi tiêu chính sách chiếm 587 tỷ USD, chủ yếu cho chương trình hỗ trợ trẻ em mà DPJ cam kết trong chiến dịch tranh cử, chiếm hơn 51% ngân sách nhà nước. Chi tiêu cho các công trình công cộng giảm lớn nhất, trong đó xây dựng cầu đường giảm 18,3%, viện trợ phát triển Chính phủ (ODA) cũng giảm 7,9%. Thu nhập từ thuế đạt khoảng 410 tỷ USD, giảm khoảng 19% so với năm 2009. Để bù đắp thiếu hụt này, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu mức kỷ lục hơn 44 nghìn tỷ yên, khoảng 487 USD, tăng 33% so với năm 2009, vượt qua mức thu nhập thuế lần đầu tiên trong 63 năm qua, chiếm 48% thu nhập Chính phủ. Như vậy, tính đến cuối năm tài khóa 2010, trái phiếu Chính phủ sẽ đạt khoảng 7.000 tỷ USD, nợ dài hạn của chính quyền Trung ương và địa phương sẽ vượt trên 9.000 tỷ USD. Với nguồn thu nhập từ một nền kinh tế suy thoái, chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong phục hồi sức mạnh tài chính cũng như kinh tế yếu kém của mình. Liệu Chính phủ của DPJ có thực hiện được những cam kết của mình hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn trước dư luận chung ở Nhật Bản.
Hiện nay, mặc dù các khoản nợ do thâm hụt ngân sách của Nhật Bản đã lên đến mức kỷ lục, nhưng để thực hiện các chương trình kinh tế và phúc lợi xã hội, Chính phủ Nhật Bản vẫn phải tiếp tục phát hành trái phiếu do các nguồn thu thuế không đủ bù đắp chi tiêu ngân sách. Chính vì vậy mà nợ ngày càng chồng chất không chỉ do phát hành thêm trái phiếu mà còn do các khoản lãi cộng dồn. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng tình trạng bán trái phiếu chính phủ một cách quá mức như hiện nay có thể dẫn đến cái gọi là “bong bóng trái phiếu”. Tính bảo đảm của trái phiếu sẽ không được bền lâu. Hiện ở Nhật Bản đang có một làn sóng cảnh báo về điều này. Các cơ quan đánh giá tín dụng lớn của Mỹ cũng đã đánh giá trái phiếu chính phủ của Nhật Bản với giá trị thấp đi; hơn nữa, các chỉ số rủi ro mặc định của trái phiếu Nhật Bản hiện đang cao hơn Trung Quốc. Xét dưới góc độ nào người ta cũng đều thấy nguy cơ của sự suy giảm tín dụng Nhật Bản.
Trong khi vấn đề nợ công đã lên đến mức báo động, Chính phủ của DPJ vẫn cố gắng thực hiện các cam kết của mình. Dự luật “Trợ cấp tiền hàng tháng cho trẻ em” đã được Thượng nghị viện Nhật Bản thông qua, với đa số phiếu tán thành của các đảng: DPJ, đảng Công Minh và đảng Cộng sản.
Chính sách “Trợ cấp tiền cho trẻ em” nằm trong gói chính sách vận động tranh cử của DPJ và là chính sách mà cử tri Nhật Bản cho là “hấp dẫn nhất” trong 5 chính sách đối nội mà đảng này đã đưa ra tranh cử vào tháng 9/2009([1]).
Trong những năm gần đây, dân số Nhật Bản đang thu hẹp và già đi. Theo con số thống kê đã công bố thì hiện nay dân số Nhật Bản xấp xỉ 128 triệu người, dự kiến vào năm 2030 sẽ giảm xuống còn khoảng 115 triệu người, và đến khoảng giữa thế kỷ 21 chỉ còn khoảng 100 triệu người. Thế hệ trẻ sẽ phải chịu một gánh nặng ngày càng lớn để đảm bảo an sinh xã hội cho một thế hệ người già đông hơn rất nhiều lần. Với “chính sách hỗ trợ tiền hàng tháng cho trẻ em” DPJ hy vọng sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con…nhằm cân bằng lại cán cân dân số của nước này trong tương lai.
Theo dự luật này, tất cả trẻ em không phân biệt quốc tịch, đang cùng bố mẹ sinh sống tại Nhật Bản tính từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở xuống, từ tháng 6/2010 sẽ được nhận 13.000 yên/1 tháng (tương đương 130 USD). Từ năm 2011 mức trợ cấp sẽ tăng lên 26.000 yên/ 1 tháng (tương đương 260 USD), đúng như cam kết của DPJ đưa ra khi tranh cử. Bên cạnh đó, chính sách miễn học phí cho học sinh trung học phổ thông cũng đã được thông qua.
Theo ước tính của Bộ Y tế - Phúc Lợi - Lao động Nhật Bản thì tính đến năm 2010, đối tượng được nhận trợ cấp ở Nhật vào khoảng 17.350.000 em. Như vậy, ngân sách chi cho chính sách này sẽ là 2.255.400 triệu yên trong năm 2010, và lên đến 4.500.000 triệu yên vào năm 2011.
Trong khi các khoản nợ công của Nhật Bản đã lên đến mức khổng lồ thì việc ban hành và thực thi dự luật trợ cấp cho trẻ em sẽ càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vì để có tiền trang trải cho các khoản trợ cấp này, thì biện pháp khả thi nhất đối với Chính phủ Nhật Bản (trong khi khó có thể thực hiện việc tăng thuế vì cũng cam kết cắt giảm thuế) là phát hành trái phiếu. Đây quả thực là một bài toán khó khăn trong khi tình hình nền kinh tế Nhật Bản chưa thực sự khởi sắc.
Nhiều người đã cảnh báo rằng trong bối cảnh giảm phát kéo dài, kinh tế trì trệ và tỷ lệ nợ công trên GDP cao có thể khiến Nhật đi theo “vết xe đổ” của Hy Lạp và rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công không lối thoát. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan hơn, những điểm khác biệt quan trọng giữa Nhật Bản và Hy Lạp là lợi tức trái phiếu của Nhật Bản mới chỉ chạm mức cao nhất là 1,4%, trong khi đó ở Hy Lạp nó đã tiến cận ngưỡng 8%, và phần chủ yếu các khoản nợ công của Nhật Bản (tới 95%) là do các công ty trong nước nắm giữ. Chính vì vậy, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ công xẩy ra ở Nhật Bản là không nghiêm trọng như ở Hy Lạp, song nó vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn và có những tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
TRẦN QUANG MINH
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Economic and Financial Developments, December 2009
2. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, January 2010
3. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, February 2010
4. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, March 2010
5. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, April 2010
6. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, May 2010
7. Bank of Japan, Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments, June 2010
8. National Accounts , Cabinet Office; May 2010; Labor Force Survey , Ministry of Internal Affairs and Communications; 2010
9. Monthly Labour Survey , Ministry of Health, Labour and Welfare; 2010
10. Indices of Industrial Production , Indices of Tertiary Industry Activity , Ministry of Economy, Trade and Industry; 2010.