Trang chủ

CỦNG CỐ QUAN HỆ VỚI MỸ VÀ NHẬT BẢN - MỘT ƯU TIÊN TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày: 19-09-2014, 11:46 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 6

Nhận thức về quan hệ quốc tế của chính quyền hiện nay ở Hàn Quốc khác xa với những người tiền nhiệm. Tổng thống Lee Myung Pak cho rằng Hàn Quốc đã trải qua một thập kỷ “mất mát” về kinh tế và chính sách đối ngoại. Hàn Quốc không thể áp dụng những gì đã làm trong quá khứ cho tình hình hiện nay vì bối cảnh quốc tế đã thay đổi, và vẫn còn nhiều thách thức đang ở phía trước.

Nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, chính quyền hiện nay ở Hàn Quốc phải lường được những khó khăn phức tạp cả ở trong nước và quốc tế, đồng thời phải có những điều chỉnh thích hợp mới có thể đạt tới những mục tiêu đã vạch ra trong chính sách đối ngoại.

Trong gần nửa nhiệm kỳ làm Tổng thống, người ta thấy chính sách đối ngoại thực dụng - hay còn gọi là “MB doctrine” - đã tiến triển tốt, song cũng xuất hiện nhiều cản trở và chính quyền Lee đã và đang phải điều chỉnh.

Dưới đây sẽ đề cập tới chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trên các khía cạnh quan hệ Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản.

1. Quan hệ Hàn Quốc - Mỹ

Như đã biết, đây là một liên minh chiến lược. Liên minh này vừa là một thực tế đang tồn tại, vừa là một ý tưởng, một tầm nhìn mà người ta đang hướng tới. Nói là một thực tế vì quan hệ Hàn Quốc - Mỹ đã trải qua một chặng đường lịch sử không phải là ngắn và có nhiều nét tương tự như liên minh Mỹ - Nhật, chỉ khác có hai điểm, đó là không có một hiệp ước an ninh giống như hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và có một cuộc chiến tranh tàn khốc (chiến tranh Triều Tiên 1950-1953) mà Mỹ trực tiếp tham gia. Sự có mặt của quân đội Mỹ trên Bán đảo Hàn nửa thế kỷ qua là một cái ô an ninh đảm bảo cho Hàn Quốc tập trung phát triển kinh tế là một sự thật hiển nhiên. Nhiều học giả cũng băn khoăn, nếu không có Mỹ thì Hàn Quốc ngày nay sẽ đi đến đâu? Liệu nước này có thể trở thành một trong những “nền kinh tế mới nổi” của khu vực Đông Bắc Á hay không? Tất cả những gì mà Hàn Quốc có được cho thấy, trên thực tế, Hàn Quốc - Mỹ là một liên minh quan trọng.

Mặc dù vậy, quan hệ Mỹ - Hàn Quốc không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Trước năm 2006, hai vị cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1998-2003) và Roh Moo-hyun (2003-2006) được cho là có những chính sách quá “chiều lòng và ưu tiên” Triều Tiên đồng thời lại ít quan tâm tới Mỹ đã làm cho quan hệ Mỹ - Hàn Quốc gặp phải thách thức nghiêm trọng([1]). Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh chính sách với Triều Tiên của hai vị cựu tổng thống, có người cho là tốt vì đã hàn gắn được mối quan hệ hai miền bấy lâu nay vẫn bị coi là đông cứng, thúc đẩy cải cách, mở cửa ở Triều Tiên và nuôi hy vọng một ngày không xa về sự thống nhất của hai miền. Tuy nhiên cũng có người có quan điểm trái ngược không muốn chính phủ giành quá ưu đãi cho Triều Tiên trong khi nước này không có những động thái hợp tác rõ ràng và người dân Triều Tiên được hưởng lợi quá ít từ các khoản viện trợ, hỗ trợ kinh tế của Hàn Quốc. Quan hệ ấm hơn với Triều Tiên và các nước láng giềng cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ - Hàn xấu đi và là điều không khó lí giải trên thực tế với Hàn Quốc.

Đến năm 2008, quan hệ Mỹ - Hàn cũng gặp phải trở ngại khi có nhiều người Hàn Quốc biểu tình (khoảng 20.000 người tụ tập tại Seoul) chống lại quyết định tái nhập nhập khẩu thịt bò từ Mỹ do liên quan đến bệnh bò điên. Họ cho rằng, hành động này của chính phủ sẽ mở đường cho căn bệnh bò điên tái bùng phát và đe dọa tới đời sống người dân Hàn Quốc([2]). Và đương nhiên chính phủ Hàn Quốc phải rất khó khăn khi dàn xếp vụ việc này khi họ vừa muốn giữ quan hệ với chính quyền Mỹ vừa phải làm an lòng người dân trong nước.

Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Hàn Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai đối với nền chính trị - an ninh và kinh tế của Hàn Quốc việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ này là vô cùng cần thiết mà người Hàn phải tiến hành. Nói như vậy là có lý, bởi không ai có thể đảm bảo Hàn Quốc sẽ được bảo vệ như thế nào trước một Triều Tiên hay thay đổi lại có  đường biên giới khá nhạy cảm với Hàn Quốc; trước một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế và quân sự;… Điều này có lẽ đúng khi người dân Hàn Quốc và thế giới chứng kiến vụ phóng tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên vào không gian. Mặc dù phía Triều Tiên không thừa nhận đó là vụ phóng tên lửa tầm xa mà chỉ là vụ phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình nhưng những lo lắng về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã buộc chính quyền Mỹ và chính quyền Hàn Quốc phải dành nhiều quan tâm hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Hàn Quốc công bố bằng chứng gây ra vụ đắm tàu Chonan. Một thực thế không thể phủ nhận được là, “người đồng minh chiến lược” của Hàn Quốc đã có những hành động rất mạnh mẽ để ủng hộ nước này, cụ thể là Mỹ đã phái Ngoại trưởng Hallary Clinton cùng 200 quan chức Mỹ sang tận Bắc Kinh  để thuyết phục Trung Quốc không phủ quyết chuyện trừng phạt Triều Tiên sắp tới([3]).

Vì thế mà ngay sau khi thắng cử, trở thành tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Myung-Pak  đã tái khẳng định cam kết “khôi phục quan hệ đồng minh Hàn Quốc – Mỹ trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống”([4]) và coi đây như là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Để đi đến quyết định này chắc chắn chính quyền của tổng thống Lee đã có những bước cân nhắc, đánh giá hết sức kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, quan hệ tốt với một đồng minh là siêu cường thế giới tạo nên sức mạnh vừa mang tính “mềm dẻo” vừa mang tính “cứng rắn, vững chắc” cho một quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi xung quanh Hàn Quốc có những vị láng giềng không dễ chơi, kể cả nước nằm trong khối liên minh an ninh với Mỹ nhưng có những trở ngại nhất định  trong lịch sử. Một chính sách đối ngoại biết tận dụng sức mạnh của kẻ khác mà vẫn giữ vững được sự tự chủ trong các quan hệ đối nội và đối ngoại sẽ giúp Hàn Quốc vững bước hơn trong quá trình phát triển và hội nhập.

Không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ lại quan tâm tới cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc đến như vậy! Có lẽ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Mỹ - Hàn sau khi tổng thống mới lên nắm quyền. Lúc đó ở Hàn Quốc dấy lên hai luồng ý kiến đại diện cho hai trường phái khác nhau, một luồng ý kiến thiên về ủng hộ xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa Mỹ và Hàn Quốc, luồng ý kiến còn lại ủng hộ một Hàn Quốc tự chủ hơn trong chính sách đối ngoại với Mỹ và nước này nên phát huy tính tự lực tự cường dân tộc. Người Mỹ cũng phải thót tim khi người đại diện cho luồng ý kiến thứ nhất chỉ giành chiến thắng sát nút trước đối thủ. Điều này cũng cảnh báo rằng vị tổng thống mới sẽ không dễ dàng gì khi quyết định lựa chọn củng cố quan hệ chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên với việc tái cam kết của tổng thống Lee trong mối quan hệ với Mỹ phần nào làm yên lòng chính quyền Mỹ.

Mặc dù có những đánh giá không mấy thiện chí của tổng thống Lee về chính sách đối ngoại mà hai người tiền nhiệm đã áp dụng, ông cho rằng đó là một chính sách đối ngoại mất mát vì qua coi trọng quan hệ liên triều và xa dần trong quan hệ với Mỹ. Lee cho rằng đó là sự lựa chọn sai lầm nhưng còn may là chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, xem xét một cách kỹ lưỡng hơn chính sách đối ngoại của ông Roh Moon Hyun chúng ta vẫn thấy được những ưu tiên chiến lược trong quan hệ mà vị tổng thống này dành cho Mỹ. Có chăng sự khác nhau giữa các tổng thống chỉ là cách tuyên bố trước công chúng.

Nhiều học giả cho rằng, liên minh chặt chẽ với Mỹ là sự lựa chọn ít phải trả giá nhất trong việc bảo vệ chính quyền quốc gia của Hàn Quốc. Dưới thời chính quyền Roh, ông  thực thi chính sách tìm kiếm sự độc lập hơn trong chính sách đối ngoại trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ đồng minh với Mĩ theo mô hình “cân bằng hơn” và theo đuổi chính sách “tự cường tự lực”, coi đó như là nguyên lý trong việc lựa chọn chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia([5]). Có thể nói, mục tiêu của Roh rất rõ ràng khi lựa chọn chính sách như vậy. Thông qua chính sách này, Roh muốn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và cổ vũ cho chủ trương Hàn Quốc sẽ không phải là đối trọng hay kình địch với các cường quốc mà là một tác nhân tích cực đối với an ninh và hợp tác phát triển của khu vực, đặc biệt là giữ được quan hệ cân bằng với Triều Tiên. Nếu xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn, có thể nói, chủ trương này là một đặc trưng nổi bật trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong suốt mấy thập niên gần đây chứ không chỉ dưới thời Roh. Không thể nói được rằng Roh không coi trọng quan hệ với Mỹ khi có nhiều bằng chứng chống lại điều này. Cụ thể là việc ông thực thi chính sách ủng hộ sự có mặt lâu dài của các lực lượng Mĩ tại Hàn Quốc và luôn đánh giá cao vai trò của quân đội Mĩ trong hợp tác phòng thủ với các lực lượng quân sự Hàn Quốc. Như đã biết, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc lớn thứ hai tại Đông Á, với khoảng 28.500 quân Mỹ đồn trú, ([6])chỉ sau Nhật Bản. Mặc dù người Nhật còn có những phàn nàn, chỉ trích về sự có mặt của quân đội Mỹ nhưng người Hàn Quốc thì hầu như không có ngược lại còn thấy “an tâm” hơn vì sự có mặt này.  Roh cũng được đánh giá là người có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác của liên minh của Mỹ tại Đông Bắc Á bởi ông cho rằng, sự hợp tác này là một đảm bảo cho ổn định ở khu vực này nói riêng và Châu Á nói chung.

Giới phân tích chính trị Hàn Quốc đánh giá cao chính sách của Roh trong quan hệ với Mĩ. Thực tế cho thấy, cách thức chính quyền Roh xử lý các quan hệ với Mĩ nhận được sự đồng thuận khá cao trong dân chúng và không gây ra các phản ứng chính trị thái quá ở Hàn Quốc hầu như trong suốt nhiệm kỳ của Roh. Tìm hiểu sự độc lập tương đối trong quan hệ với Mĩ, nhất là trong quan hệ liên  Triều, Roh vẫn hướng tới củng cố chặt chẽ hơn với Mĩ về lĩnh vực an ninh.

Bằng cách tuyên bố khôi phục đồng minh Hàn Quốc - Mĩ người ta nhận thấy Tổng thống Lee đã bắt đầu xử lý vấn đề theo cách tiếp cận chính sách truyền thống. Nhưng liệu ông có thể xử lý mọi vấn đề trong nước và giải quyết được sự mong manh của nền an ninh trên Bán đảo Triều Tiên theo cách mà Mỹ mong muốn hay không?

Động thái đầu tiên mà ông Lee đã làm sau khi đắc cử tổng thống và trước chuyến công du tới Mỹ là việc chính quyền nước này chấp nhận xóa bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ có hiệu lực từ năm 2003. Ở đây người ta thấy rõ thiện chí mong muốn được khẳng định lại trong quan hệ với Mỹ hoặc chí ít cũng tạo được “thiện chí” tiếp đón nồng hậu từ vị chủ nhà. Có một điều mà chính quyền Lee không dự báo được là sự phản ứng của công chúng đối với vấn đề cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò từ Mĩ. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra sau đó để buộc tội chính quyền Lee hy sinh lợi ích của Hàn Quốc để phục vụ cho một ý đồ chính trị riêng.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình sau đó đã chấm dứt. Và rất may là các cuộc biểu tình này đã không dẫn đến hệ luỵ là tạo ra không khí chống lại Mĩ và chống lại quan hệ Hàn Quốc - Mĩ. Có nhà phân tích lý giải rằng, công chúng Hàn Quốc có thái độ như vậy là vì họ đã quen với những gì mà trong 10 năm qua những người thuộc phái cấp tiến nắm quyền thực thi mang lại cho họ. Phải chăng đó là phản ứng của một thói quen mới, một lối nghĩ mới là Hàn Quốc cần độc lập hơn với Mĩ trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. Xét về dài hạn, nếu điều đó đúng thì đây là một trở ngại của liên minh Hàn Quốc - Mĩ  trong tương lai.

Trong cuộc thăm Mĩ, 4/2008, Lee đã một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của liên minh Mỹ - Hàn, ông nói “quan hệ liên minh Hàn Quốc - Mĩ sẽ luôn hiện diện và liên minh này dựa trên nguyên tắc giá trị chung, tin cậy và hoà bình([7]). Cao hơn nữa, bằng việc coi trọng quan hệ Mỹ - Hàn trong chính sách đối ngoại, hai Tổng thống đã nhất trí xây dựng quan hệ này theo hướng “đồng minh chiến lược trong thế kỷ 21”([8]). Cũng có người cho rằng, điều này khiến Hàn Quốc nhận được sự chú ý hơn từ phản ứng của các cường quốc láng giềng. Điều này ám chỉ tới việc Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn trong quan hệ với Hàn Quốc và điều này có lẽ đúng vì gần đây người ta nhận thấy có nhiều tiến triển trong quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc.

Tiếp sau cuộc thăm chính thức tháng 4/2008, là các cuộc gặp giữa Tổng thống Lee và Tổng thống mới của nước Mĩ, Barack Obama, trong các diễn đàn quốc tế như G20, APEC. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhắc lại cam kết thúc đẩy quan hệ đồng minh chiến lược Hàn Quốc - Mĩ trong thế kỷ 21. Vấn đề là cần xác định một lộ trình cho quan hệ này. Bất luận trong tình huống nào, Hàn Quốc đều coi đồng minh chiến lược Hàn Quốc - Mĩ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của nước này. Những nội dung căn bản được hai phía đồng ý thảo luận tiếp. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Mĩ cam kết duy trì các cuộc tập trận thường niên song phương để nâng cao năng lực hợp đồng tác chiến trong tình hình mới; tiếp tục thảo luận về việc giảm số quân Mĩ đồn trú tại Hàn Quốc và việc chuyển giao vai trò nòng cốt cho quân đội Hàn Quốc; thúc đẩy thực thi FTA Hàn Quốc - Mĩ; Mĩ ủng hộ Hàn Quốc với tư các là chủ nhà của G20; Hai bên phối hợp chính sách chặt chẽ trong vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Theo một số nhà quan sát, việc củng cố quan hệ chiến lược Hàn Quốc - Mĩ và đặt nó vào vị trí ưu tiên là sự lựa chọn mang tính kế thừa của Tổng thống Lee bởi thực tế của hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh rằng, đồng minh Hàn Quốc - Mĩ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Hàn Quốc, sự thịnh vượng về kinh tế, sức mạnh quân sự và ưu thế quốc tế không thể có nếu không có liên minh Hàn Quốc - Mĩ. Nếu Hàn Quốc muốn nâng cao những thành tựu đó thì việc khôi phục và nâng tầm quan hệ này theo những ý tưởng trong chương trình nghị sự xây dựng đồng minh chiến lược trong thế kỷ 21 do Lee và Bush thoả thuận vào tháng 4 năm 2008 là sự lựa chọn không chỉ mang tính kế thừa và còn phù hợp với những biến đổi mới của môi trường quốc tế hiện thời.

2. Quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản

Như đã biết, quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản cũng là mối quan hệ truyền thống, gắn kết chặt chẽ song cũng đã và đang trải qua không ít sóng gió. Mặc dù giới chính trị hai nước đã rất cố gắng để giải quyết những vấn đề khúc mắc song đây là bài toán không dễ gì tìm lời giải đáp thỏa mãn được nhu cầu của cả hai bên. Đặc biệt là những vấn đề ấy lại mang tính lịch sử và ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hàn Quốc hay những tranh cãi về biên giới trên trên biển (Đảo Tokdo/Takeshima) giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng vượt lên trên những trở ngại đó cả hai nước vẫn duy trì được mối quan hệ “đối tác tin cậy lẫn nhau”. Tại sao lại như vậy? Có lẽ xuất phát từ nhu cầu của cả hai nước, cùng là đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á. Hàn Quốc muốn phát triển kinh tế, giữ vững an ninh không cách nào khác phải hợp tác với các nước láng giềng xung quanh nhưng nước này sẽ chọn ưu tiên vào quốc gia nào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản? Trung Quốc và Triêu Tiên thì ai cũng rõ sẽ không phải là lựa chọn của Hàn Quốc vậy chỉ còn Nhật Bản. Và thực tế đã chứng minh như vậy trong suốt mấy thập kỷ qua. Giữ vững và phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tạo được thế cân bằng an ninh ở Đông Bắc Á, góp phần vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực có nhiều lợi ích và không ít tranh cãi ở Châu Á này.

So với quan hệ Hàn – Mỹ, quan hệ Hàn – Nhật gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại hơn và mối quan hệ này có lúc tưởng chừng như ấm lên nhưng có lúc lại lạnh đi. Xuất phát từ những vướng mắc trong lịch sử khi quân đội Nhật xâm chiếm Hàn Quốc gây ra nhiều mất mát cho người dân nơi đây nhưng người Nhật sau đó lại có cách quan niệm rất khác về cuộc chiến tranh kể trên. Những người đã từng tham gia chiến tranh được thờ và chôn cất tại đền Yasukuni ở Nhật Bản. Vì vậy, việc các thủ tướng Nhật viếng thăm ngôi đền này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ Hàn – Nhật. Thêm vào đó việc Nhật Bản quyết định điều chỉnh nội dung sách giáo khoa lịch sử viết về cuộc chiến tranh và những tranh chấp chủ quyền đối với đảo Dokdo/Takesima đã, đang, sẽ là những trở ngại lớn trên con đường xây dựng quan hệ hợp tác chính trị song phương Hàn – Nhật.

Bằng chứng là việc ông Koizumi cựu thủ tướng Nhật Bản liên tục viếng thăm đền Yasukuni mặc dù thủ tướng Hàn Quốc lúc đó là ông Roh Moon Hyun đã cố gắng thuyết phục Nhật Bản không làm như vậy kết hợp với việc Nhật Bản cho sử dụng sách  giáo khoa mang tính xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến chính sách làm ấm lại quan hệ với Nhật Bản của người tiền nhiệm bị phá sản. Quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản vì thế trở nên xấu đi.

Đến năm 2008, sau khi Nhật thông báo sẽ đưa nội dung miêu tả về quần đảo Dokdo vào sách hướng dẫn cho giáo viên trung học làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình của người dân Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tỏ rõ quan điểm của mình ngay sau đó bằng việc triệu hội Đại sứ  Hàn Quốc tại Nhật Bản về nước và tiến hành tăng cường tuần tra tại khu vực đảo có tranh chấp kể trên([9]). Phát biểu trước giới báo giới trước khi về nước Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Cuôn Chun Hi-un cho biết, ông đã chuyển tới Tô-ki-ô thông điệp phản đối của Xơ-un, nhấn mạnh hành động của Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ hai nước và làm mất đi sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên các diễn đàn quốc tế([10]).

Tuy nhiên, ý thức được tầm quan trọng của quan hệ Hàn – Nhật trong khu vực Hàn Quốc vẫn cố gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản – một đối tác hướng tới tương lai. Làm được như vậy sẽ tạo ra một mối quan hệ ổn định, tích cực hợp tác mà cơ sở của nó là sự “chia sẻ các giá trị chung của các nền dân chủ”. Thực tế cho thấy, kể từ cuộc vận động tranh cử cho tới nay, Lee luôn chủ trương củng cố quan hệ với Nhật Bản. Bằng chứng là Lee thực thi chính sách gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, ông tỏ ra khá trung thành với những cố gắng thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản của hai người tiền nhiệm mà chưa gặp một rắc rối nào.

Như đã biết, sau khi trở thành Tổng thống, Lee đã có cuộc thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 4 năm 2008. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của vị tân tổng thống Hàn Quốc và cũng là chuyến thăm nước láng giêng đầu tiên kể từ năm 2005. Tại cuộc thăm này, tổng thống Lee đã đưa ra thông điệp tích cực nhằm khôi phục lại quan hệ với Nhật Bản. Ông cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc và Nhật Bản cần nhìn về tương lai mà trước hết là hai bên sẽ trao đổi lại để ký một FTA. Đây là thời gian tốt nhất cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản thực thi công việc này. Hai bên quyết định khởi động lại kế hoạch “Ngoại giao con thoi” bằng việc tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh hàng năm và tăng cường giao lưu giữa thanh niên hai nước([11]). Tuy nhiên, chính sách ngoại giao con thoi của Lee đã không thuận chèo mát mái vì hai bên lại gặp phải những vướng mắc kể trên. Thực tế cho thấy Nhật Bản là một đối tác kinh tế và chính trị quan trọng của Hàn Quốc những vướng mắc phần nào cũng tác động tới quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Một con đường vàng đã được mở ra. Tháng 10 năm 2008, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Mĩ đã gặp nhau thảo luận khả năng và các giải pháp thúc đẩy hợp tác đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, hợp tác ba bên Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản cũng được chú trọng trong các Diễn đàn đa phương khác. Chẳng hạn diễn đàn thượng đỉnh Đông Á (EAC), diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), và đặc biệt hơn là cuộc gặp 3 bên Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Fukuoka Nhật Bản tháng 12 năm 2008. Tại đây, các nhà lãnh đạo thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế, môi trường, chống khủng hoảng kinh tế thế giới. Cả ba nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực tài chính và có những nỗ lực chung với các đối tác Đông Á trong cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Hàn – Trung lần thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với mục đích tìm cách đưa Triều Tiên trở lại vòng đàm phán 6 bên, tăng cường hợp tác và tin tưởng lẫn nhau trong khu vực nhằm xây dựng khu vực Đông Á thêm vững mạnh. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng nhằm củng cố sự tin tưởng chính trị chung trong khu vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi đồng thời tăng cường sự ổn định và phát triển ở Châu Á. Năm 2009 được coi là năm vô cùng quan trọng để bộ ba này giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, phục hồi nền kinh tế đang suy thoái. Như vậy hội nghị lần thứ hai đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới, chính phủ Nhật Bản gần gũi hơn các nước Châu Á, Hàn Quốc đồng ý để Hoa Kỳ và Triều Tiên đàm phán song phương, Trung Quốc cố gắng đưa Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán sáu bên. Trước khi đến tham dự cuộc họp này, Thủ tướng Nhật BảnYukio Hatoyama đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ở Hán Thành. Hai bên nhất trí cần có "sự thay đổi căn bản" trong thái độ của Bình Nhưỡng mới có thể giải quyết được cuộc tranh cãi xung quanh chương trình nguyên tử của nước này và còn quá sớm để nới lỏng các áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Gần đây, ngày 29 tháng 5 năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Trung – Hàn lần thứ ba được tổ chức tại đảo Jeju Hàn Quốc, ba nhà lãnh đạo đã thống nhất đưa ra cam kết chung tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, bảo vệ môi trường và giao lưu văn hóa([12]). Bằng việc (1) cam kết sẽ hoàn thành nghiên cứu tính khả thi của thỏa thuận thương mại tự do 3 bên vào năm 2012, vốn đã được tiến hành từ tháng 5/2010, và mở rộng tỉ trọng thương mại trước năm 2020 vì lợi ích tăng trưởng kinh tế khu vực và hội nhập (2) Cùng nhau phát huy kết quả tại hội nghị biến đổi khí hậu được tổ chức tại Mexico trong năm nay, kể cả một khuôn khổ hợp tác quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực này sau năm 2012, theo các nguyên tắc trong Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguyên tắc chung nhưng có phân biệt rõ về trách nhiệm (3) Tuyên bố về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là rất có lợi cho sự trường tồn của nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông Bắc Á nên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 thông qua trong cuộc đàm phán sáu bên([13]). Rõ ràng việc Triều Tiên không xuất hiện trong thỏa thuận này là một vấn đề rất nhạy cảm. Có thể Triều Tiên có quan điểm khác đối lập với quyền lợi của các nước trong khu vực hoặc cũng có thể chỉ cần có sự xuất hiện của người anh cả Trung Quốc tại đàm phán này là đủ hay cũng có thể là một con bài có thể gây nên các áp lực khi cần.

Kế hoạch hợp tác ba bên trong vòng 10 năm tới cũng được phác thảo với hy vọng củng cố hơn nữa quan hệ đối tác, khai thác được thế mạnh của nhau trên cơ sở các bên cùng có lợi, đồng thời tăng cường tình hữu nghị của nhân dân ba nước([14]). Để làm được điều này các nhà lãnh đạo  thống nhất sẽ thành lập một ban ban thư ký chung để cùng nhau giải quyết thiên tai, thảo luận cơ chế đối thoại quốc phòng ba bên nhằm tăng cường các cuộc tiếp xúc an ninh, thắt chặt đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, đồng thời thúc đẩy trao đổi giữa chính phủ 3 nước ở cấp địa phương.

Có thể nói Hàn Quốc luôn chủ động khai thông các quan hệ với Nhật Bản, đặc biệt là quan hệ chính trị - ngoại giao. Với chính sách ngoại giao con thoi, Tổng thống Lee tìm mọi cách vượt qua các trở ngại lịch sử với người Nhật Bản. Dường như đây là sự lựa chọn thích hợp trong bối cảnh hai nước này có mối quan hệ vừa là đồng minh vừa là kẻ thù cũ. Hy vọng sự gần gũi hơn nữa của Nhật Bản sẽ lẽ điểm tựa vững chắc giúp Hàn Quốc vượt qua khó khăn trong việc giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

*

*               *

 

Xét cả trên mọi phương diện, từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao và lịch sử, người ta thấy không có trở ngại gì đáng kể trong việc thúc đẩy và nâng tầm quan hệ Mỹ - Hàn Quốc mà ngược lại nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính sách đối ngoại của Hàn Quốc kể tư khi nước này giành được độc lập, tuy nhiên sự phản ứng của công chúng vừa qua cho thấy chính quyền Hàn Quốc cần chú ý tới những vấn đề nhạy cảm, nhất là lợi ích của người nông dân. Theo một nghĩa nào đấy thì đó cũng là một thách thức cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Hàn Quốc - Mĩ vốn có bề dày lịch sử khá dài.

Một số nhà dự báo cho rằng, với việc thay đổi kịch tính trên chính trường Nhật Bản từ cuối năm 2009 cho đến nay, chính sách ngoại giao thực dụng của Lee sẽ có bước phát triển tích cực. Thủ tướng mới của Nhật Bản ông Naoto Kan cũng đã khẳng định việc duy trì, củng cố liên minh Mỹ Nhật và chính sách láng giềng thân thiện sẽ là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Điều này sẽ tạo ra một bầu không khí mới cho việc cải thiện các quan hệ với không chỉ Hàn Quốc mà còn cả với Trung Quốc. Từ động thái đó, người ta hy vọng những vướng mắc lịch sử và lãnh thổ với Hàn Quốc sẽ được các nhà lãnh đạo Nhật Bản né tránh. Nếu đúng như vậy, thì việc cải thiện quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục tiến triển. Tất nhiên, kinh nghiệm cho thấy, với những thay đổi bất thường trên đấu trường chính trị Nhật Bản những năm gần đây, rất khó để có một dự báo chính xác về sự ổn định của quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản.

 

ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Byung Chul Koh, 2008, The Foreign Policy Systems of North and South Korea, University of California Press, USA.

2. Ngô Xuân Bình, (chủ biên), (2007), Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc, Nxb Lao động xã hội, 309tr.

3. Ngô Xuân Bình, (chủ biên), (2007), Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 287tr.

4. Scott Snyder, Lee Myung-bak’s Foreign Policy: A 250 day Assessment,URL: http:// asiafoundation.org/resources/pdfs/SnyderLMB ForeignPolicyKJDA.pdf.

5. Wang Hwi Lee, Sang Yoon Ma, and Kun Young Park, Korean Foreign Policy and the Rise of the Brics Countries, Asian Perspective, Vol. 31, No. 4, 2007, pp. 205-2242.

6. http://dantri.com.vn/c36/s140-369602/han-quoc-canh-bao-ve-moi-quan-he-voi-nhat.htm.

7. http://www.tin247.com/quan_he _myhan gio _da_doi_chieu-2-8212.html.

.




([1]) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/ 090523_rohmoohyun_obit.shtml

([2]) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/ 2008/06/080601_skoreabeefprotest.shtml.

([3]) Đinh Hoàng Thắng, Trung Quốc đau đẻ chờ sáng trăng, URL: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Ky-1-Trung-Quoc-Dau-de-cho-sang-trang-913081/.

([4]) President Elect Vows Creative Diplomacy, Korea Times, December 19, 2007.

([5]) Scott Snyder, Lee Myung-bak’s Foreign Policy: A 250 day Assessment, URL: http://asiafoundation.org/resources /pdfs/SnyderLMBForeignPolicyKJDA.pdf.

([6]) Tài liệu tham khảo đặc biệt, Thông tấn xã Việt Nam, số 147-TTX, ngày 4/6/2010.

([7]) Lee Myung-bak, Address to the Korea Society 2008 Annual Dinner, April 15, 2008, URL: httt://koreasociety. org/dmdocuments/20080415-Lee MyungBak-English.pdf.

([8]) President Bush Participates in Joint Press Availability with President Lee Myung bak of the Republic of Korea, Camp David, April 19, 2008. URL: http://www.ưhitehouse.gov/news/releases/2008/04/20080419-1.html.

([11]) http://www.tin247.com/nhat%2C_han_cai_thien_ quan_he_sau_thoi_ky_bang_gia-2-9566.html.

([14]) http://doanthanhnien.vn/article/TinQuocTe/17058/

0thảo luận