Du lịch nông thôn đã được quan tâm và phát triển mạnh tại nhiều quốc gia ở Châu Âu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trong thời gian gần đây, loại hình du lịch nông thôn được phát triển mạnh và phổ biến rộng ra nhiều nước ở Châu Á và phát triển thành một trào lưu.
Nhật Bản và Thái Lan là 2 quốc gia ở Châu Á đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác và phát triển tài nguyên du lịch khu vực nông thôn để phát triển loại hình này.
Trên cơ sở tổng hợp từ các nghiên cứu liên quan, bài viết này có mục đích giới thiệu một số kinh nghiệm về phát triển loại hình du lịch nông thôn của Nhật Bản và Thái Lan, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển loại hình du lịch này.
1. Kinh nghiệm của Nhật Bản
- Quan điểm của Nhật Bản về du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn cũng được quan tâm phát triển ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nguyên nhân của việc phát triển loại hình du lịch này là do quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá, quá trình di dân cơ học của lao động vùng nông thôn đã làm cho sản xuất và phát triển ở các vùng nông thôn, miền núi và ven biển ở Nhật Bản có xu hướng đình trệ. Đồng thời, vấn đề phân cách hoặc tách rời giữa các vùng thành thị và nông thôn trở lên ngày càng rõ nét. Chính vì lý do đó việc áp dụng loại hình du lịch nông thôn được lựa chọn và được quan tâm đầu tư phát triển. Với mục đích của nó là khôi phục lại sự phát triển của các vùng nông thôn, tăng cường giao lưu giữa cư dân thành thị và các vùng nông thôn, tăng cường sự hiểu biết và nâng cao nhận thức của những người dân thành thị đối với các hoạt động sản xuất cũng như các giá trị văn hoá tại các vùng nông thôn.
Mặt khác, du lịch nông thôn của Nhật Bản không chỉ giới hạn trong phạm vi sản xuất nông nghiệp mà có phạm vi giới hạn về không gian rộng hơn so với các nước Châu Âu. Theo quan điểm của Nhật Bản, phát triển du lịch nông thôn là phát triển ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
- Phương hướng phát triển loại hình du lịch nông thôn ở Nhật Bản
Phương hướng thứ nhất: Xây dựng một hình ảnh đẹp đẽ về khu vực nông thôn. Theo hướng này, phát triển du lịch nông thôn gắn với việc cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng cư dân, đồng thời đưa ra được những quy chế, hoặc điều lệ liên quan đến bảo tồn cảnh quan quý giá với nhiều diện tích cây xanh và mặt nước ở các vùng nông thôn. Đồng thời để tạo ra sức hút đối với khách du lịch, cuộc vận động “mỗi thôn một sản phẩm” cũng được phát động và được sự hưởng ứng của nhiều địa phương, điều này tạo ra sự phong phú đa dạng trong các loại hình sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch về hoạt động du lịch nông thôn.
Phướng hướng thứ hai: Xác lập một thể chế để đáp ứng sự phát triển của du lịch nông thôn. Chuẩn bị cơ sở vật chất và các quy chế hoạt động cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ liên quan, đào tạo và bồi dưỡng những người tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ, những người hướng dẫn hoặc thuyết minh viên tại địa phương.
Phương hướng thứ ba: Xác lập hệ thống thông tin liên kết và trao đổi giữa thành thị và nông thôn thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá vá các hoạt động khác. Bằng các hoạt động như xuất bản tập gấp, sử dụng mạng internet…. và các phương tiện khác để tạo lập một hệ thống cung cấp và trao đổi thông tin giữa thành thị và nông thôn.
Phương hướng thứ tư: Xác lập hệ thống các cơ chế quản lý, các chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển từ phía nhà nước. Nhà nước và nhân dân kết hợp, hợp tác trong việc thúc đẩy các chương trình xúc tiến phát triển loại hình du lịch nông thôn. Xây dựng cơ chế giao lưu giữa các bên liên quan đến phát triển loại hình du lịch này như các doanh nghiệp, các đoàn thể đại diện cho người tiêu dùng, liên đoàn lao động, hiệp hội nông nghiệp các tỉnh thành phố, và các vùng nông thôn. Phân cấp quản lý và thực hiện chức năng giám sát từ trung ương đến các địa phương và cụ thể đến các đơn vị nhỏ như các làng, thôn, xóm.
- Các loại hình du lịch nông thôn ở Nhật Bản và các chủ thể tham gia
Nhật Bản có 3 hình thức du lịch có thể được xếp vào loại hình du lịch nông thôn bao gồm: Tham quan vãn cảnh nông thôn; Nghỉ ngơi thư giãn tại các vùng nông thôn; Học tập nghiên cứu tại các vùng nông thôn.
Loại hình thứ nhất: Tham quan vãn cảnh nông thôn. Hình thức này bao gồm các hoạt động tham quan du lịch thông thường, được tổ chức và phát triển ở những vùng nông thôn có cảnh quan đẹp và các điều kiện cho phát triển với quy mô lớn. Thông thường những vùng nông thôn có những điều kiện thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn sẽ được quan tâm để phát triển. Trong loại hình này, các chủ thể tham gia cung cấp các dịch vụ đều mang tính chuyên nghiệp cao, các cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn, tuy nhiên mối liên hệ với địa phương thường không chặt chẽ. Đối tượng khách tham gia loại hình này bao gồm các đoàn khách thông thường là nhóm khách có độ tuổi còn trẻ. Các chủ thể tham gia vào cung cấp dịch vụ và dịch vụ trung gian bao gồm các nhà nghỉ gia đình truyền thống hoặc các khách sạn kiểu Nhật; các nhà hàng ăn uống; các doanh nghiệp hoặc đại lý lữ hành.
Loại hình thức hai: Học tập nghiên cứu tại các vùng nông thôn. Loại hình này có đặc điểm là sử dụng các hoạt động sản xuất và các đặc điểm giá trị văn hoá truyền thống tại các vùng nông thôn như những nội dung kiến thức để trang bị cho một đối tượng khách nào đó, thông quan việc khách du lịch trực tiếp trải nghiệm những hoạt động, nếp sinh hoạt và các hoạt động khác. Trong loại hình này, những người tham gia thông thường là đoàn thể các em học sinh các trường, thực hiện chuyến du lịch mang tính chất học ngoại khoá, dã ngoại theo tên gọi “Study Tour”. Những chương trình du lịch này được thực hiện bởi các doanh nghiệp đã chuyên môn hoá và có trụ sở tại các vùng thành thị và có mối liên hệ không chặt chẽ đối với khu vực nông thôn được khai thác phát triển loại hình du lịch này. Các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thông thường được xây dựng mới và các chủ thể cung cấp các dịch vụ chủ yếu là những doanh nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao.
Loại hình thứ ba: Nghỉ ngơi thư giãn tại các vùng nông thôn. Ở loại hình này, đối tượng tham gia chủ yếu là các gia đình, những người cung cấp dịch vụ như ăn uống, lưu trú thường là những hộ nông dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thường là những nhà nghỉ gia đình sẵn có. Mối quan hệ giữa hoạt động du lịch nông thôn theo hình thức này gắn chặt chẽ với hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của khu vực.
Đặc điểm về đối tượng khách du lịch nông thôn ở Nhật Bản
Đối tượng khách chủ yếu là: Các gia đình dẫn theo con cái; Các đoàn thể khách là các học sinh sinh viên các trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp và các đoàn khách khác là những nhân viên công ty từ các vùng thành thị. Thông thường, khách thường sử dụng thời gian 5 ngày 4 đêm cho một chương trình du lịch hoặc một kỳ nghỉ, ngoài việc nghỉ ngơi tham quan như tắm suối nước nóng, tản bộ trong rừng, chiêm ngưỡng cảnh quan nông thôn, tham gia các hoạt động câu cá, hái rau rừng và thưởng thức các sản phẩm đặc sắc của địa phương, quan sát thiên nhiên, tham quan các di tích lịch sử, tiếp xúc và tham gia vào các hoạt động văn hoá lễ hội truyền thống của địa phương, tham quan gặp gỡ và giao lưu với các nhà nông, những hoạt động như tham gia trải nghiệm các hoạt động canh tác, thu hái các sản phẩm nông nghiệp, tham gia trải nghiệm hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản tại các vùng ven biển, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên tại các vùng núi, rừng và các vùng nông thôn.
- Vai trò trung gian của các doanh nghiệp du lịch
Ở Nhật Bản như đã trình bầy ở trên, các loại hình du lịch nông thôn được chia thành những loại hình cụ thể và sự tham gia của người dân địa phương có những phạm vi nhất định trong việc hợp tác cung cấp các dịch vụ liên quan, còn các hãng lữ hành đóng vai trò lớn trong việc tổ chức xây dựng và xúc tiến bán các chương trình du lịch. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình du lịch được xây dựng, quảng cáo và bán theo từng mùa, có mối liên hệ chặt chẽ với các mùa thu hoạch các sản vật địa phương, mùa đánh bắt hải sản….
2. Kinh nghiệm của Thái Lan
- Đặc điểm chung
Thái Lan là quốc gia ở Đông Nam Á, có ngành du lịch phát triển khá nhanh từ đặc biệt sau những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, hàng năm Thái Lan đón được hơn 15 triệu khách du lịch quốc tế. Tương đồng với các nước Châu Á khác, Thái Lan cũng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh, với nhiều tiềm năng tài nguyên gắn với sản xuất nông nghiệp có thể phát triển loại hình du lịch nông thôn. Quan niệm của Thái Lan về du lịch nông thôn gần giống như quan điểm của Ý, đó là hoạt động gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, với tên gọi tiếng Anh là Agrotourism .
Tuy việc phát triển loại hình du lịch nông thôn cũng đã được quan tâm phát triển. Tổ chức quan tâm đến việc phát triển loại hình này là Cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan và Trung tâm phát triển nông nghiệp quốc gia Thái Lan. Tuy nhiên cho đến năm 2000, loại hình du lịch nông nghiệp mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển mạnh.
- Chủ thể tham gia hoạt động du lịch nông thôn
Theo Nichakan và Yamada (2003), ở Thái Lan hiện có 3 chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch nông thôn, bao gồm: Cơ sở trang trại của hộ kinh doanh nông nghiệp, các nông trang cá nhân khác; Khu vực nông nghiệp có phạm vi rộng lớn; các cơ sở nông nghiệp của nhà nước. Theo thống kê, năm 2000, ở Thái Lan có 551 cơ sở, từ năm 2001 đến năm 2003 có 118 cơ sở nữa tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ cho loại hình du lịch nông thôn. Giống như Nhật Bản, Thái Lan cũng có cuộc vận động mỗi làng một sản phẩm với mục đích làm đa dạng và phong phú cho các sản phẩm du lịch nông thôn, tạo ra sức hút đối với khách du lịch.
Chủ thể cung cấp các dịch vụ cho hoạt động du lịch nông thôn là chủ các nông trại, các hội người làm vườn, hội những phụ nữ làm công tác chế biến và thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho khách du lịch ở Thái Lan chưa phát triển chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức và tạo không gian cho khách du lịch vãn cảnh, tổ chức sản xuất sản phẩm và tạo khong gian tham quan và thưởng thức các sản phẩm là nông sản tại các địa phương.
- Khách du lịch nông thôn
Khách du lịch nông thôn ở Thái Lan chủ yếu là khách du lịch nội địa, bên cạnh đó thời gian gần đây khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng đến các khu vực nông thôn ở Thái Lan để tham gia các hoạt động du lịch. Khách du lịch tham gia hoạt động du lịch này với các hoạt động chủ yếu như tham quan các cơ sở, nông trang sản xuất nông nghiệp, tham quan cảnh quan môi trường thiên nhiên, tham gia trải nghiệm các hoạt động canh tác, thu hái các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, hoạt động của khách du lịch tại đây thường là việc tham quan vãn cảnh các nông trại trồng rau hoa quả, chăn nuôi, trồng cây cảnh, đồng thời thưởng thức những sản vật ở địa phương và trực tiếp mua những sản phẩm tại các cơ sở sản xuất. Một đặc điểm khác biệt so với các ví dụ đã nêu, hoạt động tham quan tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống chưa được đề cao mà chỉ tập trung vào tham quan các cảnh quan trồng trọt, chăn nuôi và thưởng thức các nông sản phẩm.
Khách du lịch tham gia các hoạt động du lịch nông thôn thông thường được hình thành theo nhóm nhỏ như gia đình, nhóm bạn bè hoặc các đoàn khách lớn. Khách chủ yếu đi theo các chương trình du lịch được xây dựng và bán bởi các doanh nghiệp du lịch hoặc khách tự tổ chức trên cơ sở đã được tham quna một lần sau đó dẫn bạn bè và gia đình đi tham quan tại các vùng nông thôn.
- Phong trào bào vệ môi trường trong hoạt động du lịch nông thôn
Để đảm bảo cho hoạt động du lịch nông thôn được thực hiện có hiệu quả trên cơ sở đem lại nguồn thu thứ hai cho các hộ nông dân, đồng thời với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn bằng những hoạt động và phong trào không vứt rác bảo vệ môi trường xanh sạch để phát triển du lịch. Những phong trào này được phổ biến rộng rãi trong công chúng, khách du lịch và các trường đại học.
3. Đánh giá kinh nghiệm của Thái Lan và Nhật Bản
Qua phân tích hoạt động phát triển du lịch nông thôn ở hai quốc gia nêu trên, chúng ta nhận thấy rằng, du lịch nông thôn là một loại hình du lịch có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững vùng nông thôn tại các quốc gia này. Nhật Bản coi du lịch nông thôn là một biện pháp để kích hoạt sự phát triển của khu vực, khôi phục lại các hoạt động canh tác truyền thống, tăng cường giao lưu, nâng cao sự hiểu biết về canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống khác.
Cũng tương tự như Nhật Bản, bên cạnh các sản phẩm du lịch khác, Thái Lan cũng quan tâm đến du lịch nông thôn. Mặc dù lượng khách quốc tế tham gia loại hình du lịch nông thôn chưa nhiều, những quốc gia này cũng đã quyết tâm phát triển loại hình với mong muốn đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Để phát triển du lịch nông thôn cuộc vận động mỗi làng một sản phẩm được phổ biến rộng rãi, đồng thời chính phủ cùng các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Thái Lan đã có những chủ trương chính sách phù hợp trong việc phát triển loại hình du lịch nông thôn góp phần cho định hướng phát triển bền vững khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
4. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Cần nhận thức rõ vai trò của du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn đóng vai trò như một công cụ để kích thích sự phát triển khu vực nông thôn. Chính vì vậy, cần nhận thức đúng đắn vai trò của loại hình này theo đó mới có những chủ trương chính sách phù hợp.
- Có chủ trương chính sách phù hợp của nhà nước.
Nhà nước, chính phủ hoặc các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chủ trương chính sách và định hướng phát triển du lịch nông thôn một cách phù hợp, với chiến lược lâu dài. Phát triển loại hình trên cơ sở điều tra khảo sát kỹ về tài nguyên du lịch và các điều kiện hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ không chỉ về vốn, phổ biến kinh nghiệm và kiến thức về quản lý và kinh doanh các dịch vụ du lịch, nâng cao kiến thức về kỹ năng giao tiếp du lịch…
- Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù
Để đảm bảo việc phát triển du lịch nông thôn mang tính bền vững và góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, việc thực hiện chính sách mối làng mỗi phẩm cần được áp dụng phổ biến ở Việt Nam trong quá trình phát triển loại hình. Chủ trương này sẽ đảm bảo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với mỗi khu vực mà không có sự chồng chéo, nhàm chán trên cơ sở đa dạng hóa được sản phẩm du lịch.
- Phát triển du lịch nông thôn với bảo tồn các giá trị định hướng bền vững
Phát triển du lịch nông thôn cần gắn liền với việc bảo vệ các giá trị tài nguyên và đồng thời gắn liến với việc xóa đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn. Thể hiện ở các mặt đảm bảo có sự tham gia của người dân địa phương, sử dụng các sản phẩm của địa phương, phương thức lưu trú chủ yếu là hình thức nghỉ nhà dân. Các nhà hàng phục vụ đều được chủ thể kinh doanh là người bản địa, đồng thời việc sự dụng các nông sản phẩm của địa phương để phục vụ khách du lịch là vấn đề cần được quan tâm trú trọng góp phần tăng thu nhập và giải quyết vấn đề việc làm.
Như vậy, qua đây chúng ta thấy rằng Nhật Bản và Thái Lan nhiều đã có kinh nghiệm trong phát triển loại hình du lịch nông thôn trong một thời gian dài. Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nhiên trong xu thế đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay cùng với việc tái cơ cấu lại các ngành sản xuất, việc quy hoạch và có định hướng đúng đắn trong việc phát triển khu vực nông thôn theo hướng bền vững là cần thiết.
Theo đó, phát triển du lịch nông thôn là một trong những biện pháp góp phần vào phát triển bền vững khu vực này. Vì vậy, các kinh nghiệm của hai quốc gia được nêu trong bài viết này có thể được áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong một tương lai, trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm trên đây, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh loại hình du lịch này và góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
LÊ ANH TUẤN
(TS, Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Akiyama Aya (1998): Method for Understanding Interaction in Farm-stay Experiences, Proceedings for the 13th JITR Annual Conference, Japan Institute of Tourism Research, pp. 143-148.
(2). Inoue Kazue, Nakamura Okimu, Yamazaki Mitsuhiro (1996): Mô hình du lịch xanh ở Nhật Bản, NXB Toshibunkasha, Tokyo, 252p.
(3). Nichakan Tanjaruvechgul, Yamada Kosei (2003): Introductory and Curent Situation of Agrotourism in Thailand - Case study of Buddhamonton City - Proceedings for the 18th JITR Annual Conference, Japan Institute of Tourism Research, pp. 305-308.
(4). Tomikawa Kumiko (2004): Farm Accomodation in Weissenstadt, Germany, The Tourism Studies Quarterly, Vol. 16 No. 1, The Journal of Japan Institute of Tourism Research, pp. 17-22
(5). Yamada Kosei (1999): A Study on Preservation, Efective Use of Agricutural Land and Tourism Development, Proceedings for the 13th JITR Annual Conference, Japan Institute of Tourism Research, pp. 79-88