Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các quốc gia đều muốn khẳng định vị thế và vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế thông qua các hoạt động của Liên hợp quốc. Việc gửi quân tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình của tổ chức này là phương tiện hữu hiệu để khẳng định vai trò của một quốc gia nào đó trong cộng đồng quốc tế. Nhật Bản cũng đang muốn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế đặc biệt là muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì muốn đạt được mục đích đó mà Nhật Bản đã rất nỗ lực hoà vào xu hướng chung của thế giới. Cụ thể là cùng với việc hiện đại hoá Lực lượng Phòng vệ của mình thì về phương diện pháp lý, Nhật Bản cũng đã có những bước đi nhằm xây dựng căn cứ pháp lý cho phép lực lượng này có thể triển khai ra ngoài biên giới quốc gia để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Thông qua việc tham gia vào đội quân đa quốc gia của Liên Hợp Quốc mà Nhật Bản có những đóng góp quốc tế nhiều hơn. Qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới và cũng là một trong những điều kiện giúp nước này giành được ghế thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Như vậy, bối cảnh quốc tế mới đã tác động đến sự thay đổi của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Bên cạnh đó thì sự thay đổi của Lực lượng Phòng vệ còn chịu ảnh hưởng bởi những biến động trong khu vực Đông Bắc Á. Trước hết phải kể đến sự lớn mạnh của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, tiếp đến là sự trỗi dậy của Nga trong những năm gần đây và cuối cùng là sự nổi lên của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên trong vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa. Từ khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa bắn qua lãnh thổ Nhật Bản đến nay đã 12 năm, nhưng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết và đang trở thành mối đe dọa thường trực đối với Nhật Bản. Trong bối cảnh như vậy, “nước xa không cứu được lửa gần”, Nhật Bản không thể chỉ ngồi chờ sự trợ giúp của Mỹ từ ở xa mà đang tự mình xây dựng một lực lượng được trang bị vũ khí hiện đại, đảm bảo đủ sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc. Có thể nói rằng, trước tình hình thế giới và khu vực như đã đề cập ở trên, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã có những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới. Bài viết này sẽ đề cập đến những thay đổi đó của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đồng thời cũng đưa ra những dự đoán về xu hướng phát triển của lực lượng này trong tương lai.
1. Những thay đổi của lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Những thay đổi của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trước hết thể hiện ở việc nâng cao sức chiến đấu thông qua việc hiện đại hoá các trang thiết bị và mở rộng quy mô về quân số. Từ chỗ là lực lượng cảnh sát dự bị quốc gia với 75.000 quân, sau đó được nâng lên 110.000 quân và bây giờ tổng số quân ở cả ba nhánh trên bộ, trên biển và trên không của Lực lượng Phòng vệ là khoảng 240.000 quân, trong đó lực lượng trên bộ là 148.000, trên biển là 46.000 và trên không là 46.000 với những trang thiết bị về vũ khí chiến đấu ngày một nâng cao, chi phí cho quốc phòng cũng ngày một tăng để đáp ứng cho việc hiện đại hoá các trang thiết bị quân sự.
Bên cạnh những thay đổi về mặt quy mô và số lượng cũng như về mặt hiện đại hoá các trang thiết bị chiến đấu thì một sự thay đổi lớn đối với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đó là việc mở rộng phạm vi hoạt động. Phạm vi hoạt động hiện nay không còn bó hẹp trong biên giới quốc gia với chức năng phòng vệ thuần tuý mà đã vượt ra ngoài biên giới thông qua việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình cũng như trợ giúp tái thiết đất nước ở những nơi bị chiến tranh tàn phá.
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 như là một dấu mốc lịch sử trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, phần lớn các nước đã cảnh báo IRAC rằng họ sẽ bị tấn công nếu không rút khỏi Cô - oet. Trong khi chờ sự đáp trả từ phía IRAC thì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai một lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu. Khi đó tại Nhật Bản đã có những tranh luận về việc hợp tác quốc tế, tranh luận về việc Nhật Bản nên tham gia vào các hoạt động do cộng đồng quốc tế đặt ra bằng cách thức như thế nào và ở mức độ ra sao, theo hiến pháp hiện hành thì Nhật Bản có thể gửi Lực lượng Phòng vệ của mình đến vùng vịnh để tham gia lực lượng đa quốc gia của Liên hợp quốc không. Một thời gian ngắn sau sự kiện vùng vịnh, chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên nghị viện một dự luật cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia vào đội quân đa quốc gia do Liên Hợp Quốc triển khai tại vùng Vịnh dưới hình thức hoạt động hậu cần trợ giúp lực lượng liên quân. Chính phủ Nhật Bản cho rằng những hoạt động hậu cần này không phải là hoạt động quân sự và không sử dụng vũ lực, do vậy vẫn thoả mãn được về mặt luật pháp đặt ra. Tuy nhiên, dự luật này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đảng đối lập trong nghị viện. Các đảng đối lập cho rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào lực lượng liên quân thì tất yếu dính líu đến một số hoạt động quân sự. Họ thống nhất quan điểm rằng Nhật Bản không nên dính líu đến các hoạt động quân sự và họ cũng cho rằng hành động gửi Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài là không hợp hiến. Với sự phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập nên lần đó dự thảo mà Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đệ trình lên nghị viện không được thông qua. Kết quả là thay vì gửi quân đến vùng Vịnh để tham gia vào lực lượng liên quân chống lại IRAC, Nhật Bản đã đóng góp một khoản kinh phí không nhỏ (1,3 tỷ USD) phục vụ cho Chiến tranh vùng Vịnh. Khoản tiền mà Nhật Bản đóng góp tuy nhiều nhưng vẫn không nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế do thiếu về mặt nhân sự trong đội quân đa quốc gia của Liên hợp quốc được triển khai tại vùng Vịnh. Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của việc tham gia về mặt nhân sự vào những hoạt động dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc, chính vì vậy sau khi thoả thuận hoà bình về Campuchia được ký kết ở Pari vào tháng 10 năm 1991, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên nghị viện một dự luật mới với mục đích là để tạo căn cứ pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ tham gia vào những hoạt động thích hợp của Liên hợp quốc nói chung và những hoạt động gìn giữ hoà bình ở Campuchia. Dự luật mới liên quan đến các hoạt động hợp tác gìn giữ hoà bình và các hoạt động khác của Liên hợp quốc với tên gọi là Luật Hợp tác hoà bình quốc tế (International Peace Cooperation Law) đã được nghị viện thông qua vào tháng 6 năm 1992. Luật này cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia vào các hoạt động trợ giúp về y tế, hậu cần, tái thiết xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở các vùng chiến tranh, giúp những người tị nạn hồi hương, giám sát các cuộc bầu cử và giữ gìn trật tự. Sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc phải tuân theo những nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Giữa các bên xung đột phải đạt được thoả thuận ngừng bắn.
Thứ hai: Sự tham gia các hoạt động đó phải hoàn toàn vô tư không thiên vị bên nào trong số các bên xung đột có vũ trang.
Thứ ba: Việc sử dụng vũ khí sẽ được hạn chế ở mức tối thiểu để bảo vệ nhân viên của Lực lượng phòng vệ.
Theo luật này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được gửi đi tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Kể từ khi Luật Hợp tác hoà bình quốc tế được ban hành năm 1992, Nhật Bản đã thực hiện nhiều hình thức hợp tác hoà bình quốc tế dựa trên luật này, ví dụ như việc tham gia thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc ở Angola năm 1992, ở Campuchia năm 1992-1993, ở Mozambích năm 1993-1995 (53 thành viên của Lực lượng Phòng vệ đã được gửi đến Mozambich để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc), ở cao nguyên Golan năm 1996, ở Đôngtimo năm 1999 và 2002. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng đã gửi một số lượng nhân viên cần thiết tham gia vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế bao gồm những nỗ lực cứu trợ người tị nạn ở Ruanda, Zaia… Luật này cũng đã được sửa đổi 2 lần vào các năm 1998 và 2001 để mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Tiếp theo Luật hợp tác gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, nghị viện Nhật Bản lại thông qua Luật đặc biệt về IRAC và Luật Chống khủng bố cho phép Nhật Bản triển khai lực lượng phòng vệ trên bộ và trên không đến IRAC, và cho phép Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật bản tham gia vào các hoạt động tiếp nhiên liệu cho các tàu liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương, sau đó Nhật Bản đã gia hạn luật chống khủng bố này để Lực lượng Phòng vệ trên biển có thể tiếp tục các hoạt động tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương, những luật này cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoạt động vượt ra ngoài phạm vi chức năng cơ bản. Vào năm 2004, chính quyền của cựu Thủ tướng Koizumi ra lệnh thành lập và triển khai nhóm hỗ trợ và tái thiết IRAC của Nhật Bản (Japanese Iraq Reconstruction and Support Group- gọi tắt là JRSG) theo yêu cầu của Mỹ và gửi quân đến IRAC với tư cách là đội quân gìn giữ hoà bình. Điều này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa trong lịch sử Nhật Bản vì đây là lần đầu tiên, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản triển khai lực lượng phòng vệ của mình ra nước ngoài mà không dưới sự chỉ đạo của Liên hợp quốc. Ý kiến của dư luận về vấn đề triển khai quân lần này có sự chia rẽ rõ ràng, có nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai quân như vậy là không hợp pháp, lý do họ đưa ra là theo Điều 9 hiến pháp hiện hành thì Lực lượng Phòng vệ không được sử dụng với mục đích nào khác ngoài mục đích phòng vệ. Về phía chính quyền của cựu Thủ tướng Koizumi, để hợp pháp hoá việc triển khai Lực lượng Phòng vệ đến Samawah (thuộc phía nam IRAC), chính quyền đã có bước đi chuẩn bị bằng cách thông qua Luật đặc biệt về tái thiết IRAC và cứu trợ nhân đạo (Humanitarian Relief and Iraq Reconstruction Special Measures Law) vào ngày 9 tháng 12 năm 2003 (mặc dù bị các đảng đối lập phản đối nhưng dự luật vẫn được thông qua).
Sau khi triển khai quân đến IRAC, Nhật Bản còn gửi nhân viên của Lực lượng Phòng vệ đến Indonesia trợ giúp người dân nơi đây trong vụ thảm hoạ sóng thần năm 2005.
Như vậy có thể thấy rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ khi được thành lập đến nay luôn trong quá trình thay đổi để phù hợp với những biến đổi của tình hình trong nước cũng như quốc tế. Tiền thân là Lực lượng Cảnh sát quốc gia với 75.000 quân có chức năng cơ bản là phòng vệ, ngày nay Nhật Bản đã có một lực lượng với sức chiến đấu cao, không chỉ đảm nhiệm vai trò phòng vệ mà còn tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình do Liên hợp quốc tổ chức, tham gia cứu trợ nhân đạo bên ngoài biên giới quốc gia.
Tình hình khu vực và thế giới vẫn có nhiều biến động, những mối quan hệ giữa Nhật Bản và các cường quốc trong khu vực và trên thế giới vẫn chưa được giải quyết ổn thoả, thêm vào đó là tinh thần dân tộc của người Nhật cũng đang trỗi dậy sau nhiều năm. Tất cả điều đó trở thành động cơ cho sự phát triển quân sự của nước này vì chỉ có phát triển quân sự thì Nhật Bản mới có thể giải quyết được những vấn đề đặt ra, vậy tương lai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thế nào, những yếu tố gì sẽ chi phối sự phát triển đó, chúng ta sẽ xem xét vấn đề này ở phần dưới đây.
2. Những dự báo về tương lai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
a. Trong tương lai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được nâng cấp thành quân đội
Sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Những bước phát triển thần kỳ của kinh tế đã làm cho Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới, đồng thời cũng làm nảy sinh ở nước này tư tưởng về một “quốc gia bình thường” với lập luận rằng: hiện nay Nhật Bản là một cường quốc trên thế giới về kinh tế nhưng không có một tiềm lực quân sự tương xứng. Do đó, Nhật Bản cần theo đuổi mục đích trở thành một “quốc gia bình thường”, tức là cần xoá bỏ hết các rào cản để phát triển quân sự như các quốc gia khác.
Ẩn đằng sau tư tưởng về một “quốc gia bình thường” đó là tham vọng trở thành một cường quốc trên thế giới cả về kinh tế và quân sự đồng thời muốn trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tham vọng đó chính là lý do để Nhật Bản lựa chọn phát triển quân sự. Có thể nói rằng việc Nhật Bản muốn có một sức mạnh quân sự tương xứng với một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và xa hơn nữa là muốn khẳng định địa vị của mình trên trường quốc tế không chỉ bằng sức mạnh kinh tế mà còn bằng sức mạnh quân sự là động lực để Nhật Bản nâng cấp Lực lượng Phòng vệ của mình lên thành quân đội và hiện đại hoá quân đội đó. Ý tưởng nâng cấp Lực lượng Phòng vệ lên thành quân đội để Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường đã thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi hiến pháp hiện hành. Tương lai của lực lượng phòng vệ Nhật Bản phát triển như thế nào, phạm vi hoạt động ra sao sẽ phụ thuộc vào việc sửa đổi hiến pháp. Việc sửa đổi hiến pháp sẽ tạo căn cứ pháp lý để Lực lượng Phòng vệ đổi thành quân đội Nhật Bản với phạm vi hoạt động rộng hơn. Trong tương lai không xa Nhật Bản sẽ sửa đổi hiến pháp của mình, trong đó trọng tâm là sửa đổi Điều 9. Do vậy, Lực lượng Phòng vệ sẽ được nâng cấp thành một quân đội.
b. Lực lượng Phòng vệ sẽ được tăng cường sức mạnh để đáp lại những thách thức đến từ khu vực và thế giới đồng thời khẳng định địa vị của Nhật Bản trên trường quốc tế. Sở dĩ nói như vậy là vì:
Thứ nhất, trước sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và sự nổi lên về vũ khí quân sự của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không những đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản mà còn làm cho hình ảnh của Nhật Bản ở khu vực Châu Á đang mờ dần. Do vậy, Nhật Bản đang muốn khôi phục lại niềm tự hào dân tộc cũng như muốn vươn lên giành lại địa vị của một nước có tầm ảnh hưởng ở Châu Á. Nhật Bản muốn cạnh tranh với Trung Quốc về tầm ảnh hưởng đối với các nước và muốn trở thành một đối trọng của Trung Quốc. Trước sự lớn mạnh của Trung Quốc về mặt quân sự thì rõ ràng là, nếu Nhật Bản muốn cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc để có tiếng nói của một nước lớn trong khu vực thì cần phải hiện đại hoá quân đội. Nước Nhật chỉ có thể có được niềm tự hào dân tộc khi nước này có một sức mạnh quân sự đủ mạnh để có thể trở thành đối trọng với các thế lực lớn trong khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời lực lượng quân sự của Nhật Bản phải đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, không những vậy, Nhật Bản còn phải tham gia các hoạt động quân sự trong đội quân của Liên hợp quốc để chứng tỏ vị thế của mình. Để thực hiện được mục tiêu đó có thể nhận thấy rằng ưu tiên phát triển quân sự là vấn đề đặt lên hàng đầu và việc gửi quân đội ra nước ngoài là điều không tránh khỏi. Như trên đã đề cập, trong tương lai không xa, Nhật Bản sẽ sửa đổi hiến pháp của mình. Nếu Nhật Bản sửa đổi hiến pháp sẽ mở đường cho nước này tái vũ trang và có thể sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và thậm chí là có thể thực hiện được quyền phòng vệ từ xa thông qua việc “đánh đòn phủ đầu” điều mà cho đến nay Nhật Bản chưa làm được do tiềm năng quân sự chưa đủ mạnh và chưa có căn cứ pháp lý cho việc gửi quân ra nước ngoài tham chiến. Hiện đại hoá quân đội là cách thức để Nhật Bản khẳng định ưu thế của mình đối với các nước khác và có như vậy thì Nhật Bản mới có thể trở thành một thế lực lớn trong khu vực, tạo ra uy thế đối với các nước nhỏ và trở thành đối trọng của các nước lớn. Khi đó dân tộc Nhật Bản sẽ có tiếng nói quyết định hơn trên trường quốc tế vì họ vừa có sức mạnh kinh tế vừa có sức mạnh quân sự.
Bên cạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự nổi lên của CHDCND Triều Tiên thì Nhật Bản còn có mối lo ngại từ phía Nga. Mối quan hệ Nga- Nhật vẫn chưa trở nên bình thường khi mà hai bên vẫn có những tranh chấp về lãnh thổ. Trước một cường quốc quân sự như Nga ở ngay cạnh mình thì Nhật Bản không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của phía Mỹ mà ngay bản thân Nhật Bản cũng cần phải chuẩn bị lực lượng để đối phó trong những trường hợp khẩn cấp hoặc cần dùng lực lượng quân sự hùng mạnh của chính mình làm hậu thuẫn để mặc cả (thoả thuận) với Nga trong các tranh chấp giữa hai nước về lãnh thổ khi giải quyết bằng con đường đối thoại như trường hợp CHDCND Triều Tiên đã làm với Mỹ. Như vậy, có thể nói rằng việc phát triển lực lượng quân sự vững mạnh sẽ là một quân bài đảm bảo cho Nhật Bản có một vị thế trong quan hệ với các nước khác.
Thứ hai, sau vụ khủng bố ngày 11/9 đánh vào toà tháp đôi ở Mỹ, chủ nghĩa khủng bố đang phát triển mạnh trên thế giới. Việc Mỹ ra sức tấn công chủ nghĩa khủng bố làm cho nước này trở thành mục tiêu tấn công của tất cả các lực lượng khủng bố trên thế giới và trong trường hợp này thì các nước đồng minh của Mỹ, ủng hộ Mỹ tấn công khủng bố cũng mặc nhiên trở thành đối tượng tấn công của các lực lượng này. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ vì nước này ủng hộ về mặt tinh thần cũng như vật chất cho Mỹ chống khủng bố. Do vậy, cũng như Mỹ, Nhật Bản phải luôn luôn đề phòng cảnh giác trước sự tấn công của các lực lượng khủng bố cũng như của các nước thù địch với Mỹ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Nhật Bản là phải có một quân đội tinh nhuệ với trang bị vũ khí hiện đại và có thể hoạt động ở hải ngoại để đáp lại những cuộc tấn công nhằm vào nước này.
c. Trong tương lai, phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật bản sẽ tiếp tục được mở rộng. Có hai lý do để minh chứng cho dự đoán này
Thứ nhất là bài học về đóng góp quốc tế năm 1991 khi cuộc chiến vùng Vịnh nổ ra. Thông qua cuộc chiến tranh này, Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của đóng góp về mặt nhân sự hơn rất nhiều so với đóng góp về mặt tài chính. Như phần trên đã đề cập, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Nhật Bản tuy đã đóng góp một khoản kinh phí khá lớn (1,3tỷ USD), nhưng không gửi quân tham gia vào đội quân liên hợp quốc do chưa có căn cứ pháp lý để triển khai quân ra nước ngoài nên không nhận được sự đánh giá cao từ phía Cô - oet cũng như cộng đồng quốc tế và cũng không làm cho uy tín của Nhật Bản tăng lên trong cộng đồng quốc tế như người dân Nhật Bản mong đợi. Đây là bài học lớn cho Nhật Bản trong vấn đề khẳng định uy tín của mình trên trường quốc tế. Do vậy, trong tương lai, Nhật bản sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ để lực lượng này có thể dễ dàng tham gia vào đội quân của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hoà bình không chỉ ở những vùng im tiếng súng mà là ở bất cứ nơi đâu. Sự tham gia này sẽ giúp cho Nhật Bản có những đóng góp quốc tế nhiều hơn nữa, tránh được sự chỉ trích của các nước đồng minh, đồng thời cũng giúp cho Nhật Bản gây được ảnh hưởng của mình ra thế giới và cũng là một trong những điều kiện giúp Nhật Bản giành được ghế thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Cho đến nay Nhật Bản là nước đứng thứ hai sau Mỹ về khoản đóng góp về kinh phí cho Liên hợp quốc nhưng chỉ là nước đứng ở hàng rất thấp trong số những nước có nhân viên làm việc trong đội quân gìn giữ hoà bình của tổ chức này. Đây là điều rất bất lợi đối với Nhật Bản trong nỗ lực giành một ghế thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Vì vậy, Nhật Bản cần tăng vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế bằng việc tham gia vào đội quân của Liên hợp quốc. Có thể nói rằng,: việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chiến đấu bên cạnh quân đội nước khác trong đội quân đa quốc gia của Liên hợp quốc không còn là điều xa vời trong tương lai.
Thứ hai là việc thực hiện quyền phòng vệ chung với Mỹ. Hiện nay, Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào Mỹ thông qua Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Với những quy định trong hiến pháp hiện hành thì Nhật Bản không thể tham ra vào việc phòng vệ chung (phòng vệ tập thể) trong liên minh với Mỹ. Điều này làm cho Mỹ không hài lòng vì trên thực tế Mỹ cũng muốn Nhật Bản chia sẻ gánh nặng chiến tranh. Theo những quy định như hiện nay thì ngay cả khi chiến tranh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên nổ ra Nhật Bản cũng không có căn pháp lý để gửi quân ra nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Nhật Bản nhận thấy rằng nếu Nhật Bản không tham gia vào việc phòng vệ chung sẽ là một thảm họa cho liên minh. Do vậy, trong tương lai lực lượng này sẽ được triển khai ra nước ngoài nhằm thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ để đáp lại yêu cầu từ phía Mỹ- một đồng minh thân cận của Nhật vào thời điểm này.
*
* *
Có thể thấy rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ khi hình thành đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cùng với những biến động trong nước cũng như quốc tế. Trước những sự thay đổi của tình hình khu vực cũng như thế giới thì sức mạnh và phạm vi hoạt động của lực lượng này cũng dần được mở rộng. Sự mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ đã giúp cho Nhật Bản có thể tham gia vào các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Tình hình khu vực và thế giới vẫn tiếp tục biến đổi không ngừng, do vậy, trong tương lai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản còn tiếp tục thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh quốc tế mới.
NGUYỄN NGỌC NGHIỆP
(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tin tham khảo thế giới ngày 03/08/2006
2. Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 11/8/2006
3. http://www.drc-jpn.org
4. http://japanfocus.org.
5. http://www.froginawell.net.
6. http://www.existenz.co.jp
7. http://www.jca.apc.org
8. http://www.vnexpress.net.
9. http://www.servat.unibi.ch
10. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946