Trang chủ

QUAN HỆ KINH TẾ NHẬT BẢN - LÀO (1991-2007)

Đăng ngày: 11-08-2014, 10:59 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 2

Trên cơ sở phân tích, lý giải nhu cầu của cả Nhật Bản và Lào trong quan hệ  kinh tế giai đoạn từ 1991 đến 2007 đồng thời nêu lên những thành tựu chủ yếu của mối quan hệ này trên lĩnh vực viện trợ ODA, thương mại đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó phân tích những tác động của mối quan hệ này đối với hai nước, khu vực và thế giới, những thách thức, triển vọng của mối quan hệ này. Bài viết cho thấy rõ hơn vai trò của Nhật Bản đối với Đông Nam Á và 3 nước Đông Dương, có thể suy nghĩ rút ra bài học kinh nghiệm về chính sách đối ngoại khôn ngoan, mềm dẻo nhằm khai thác lợi thế về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý của Nhật Bản cho Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

1. Cơ sở quan hệ kinh tế Nhật Bản - Lào kinh tế giai đoạn từ 1991 đến 2007

Quan hệ Nhật Bản - Lào đã được thiết lập từ năm tháng 3/1955. Trải qua nhiều bước thăng trầm do điều kiện lịch sử không thuận lợi và sự chi phối của Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu hai cực Xô - Mỹ, cũng như cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam và nội chiến ở Cămpuchia, quan hệ Nhật Bản với Lào trước 1991 vẫn còn trong phạm vi hẹp, rời rạc và hạn chế, chưa có chiều sâu, chủ yếu là các khoản viện trợ bồi thường chiến tranh, một số dự án ODA, các khoản tài chính hỗ trợ xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng...Theo số liệu của OECD, hàng năm Nhật Bản có những khoản viện trợ ODA cho Lào. Chẳng hạn giai đoạn 1974 - 1989 là 89,1 triệu USD trung bình mỗi năm là 6,3 triệu USD/năm, cao hơn  mức viện trợ cho Cămpuchia  0,9 triệu USD/ năm (từ 1974 - 1983 ). Đặc biệt từ những năm 1989 -1990 với những diễn biến phức tạp của của tình hình Đông Dương, quan hệ Nhật Bản với Lào càng được đẩy mạnh hơn trước. Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Lào, muốn lôi kéo Lào về phía mình nhằm tăng thêm phạm vi ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á (ĐNA). Ngoài các chuyến thăm của lãnh đạo cấp Bộ trưởng ngoại giao 2 nước vào những năm 1988, 1989, 1990, ngoài các cam kết viện trợ, Nhật Bản còn sẵn sàng chi viện cho Lào trong công cuộc dân chủ hóa và mở cửa đối ngoại. Trong năm 1989,1990, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương hàng đầu ở Lào với con số: là 21 triệu USD năm (1989),19 triệu USD năm (1990)(1). Lúc bấy giờ, mặc dù môi trường quốc tế và khu vực đầy những mâu thuẫn, căng thẳng phức tạp của thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng quan hệ Nhật Bản - Lào đã thể hiện những bước đi tương đối độc lập và đạt được những thành quả cơ bản. Những thành tựu bước đầu trong quan hệ Nhật Bản - Lào giai đoạn trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo dựng và đặt nền móng cho sự hợp tác phát triển của hai nước giai đoạn sau này.

Quan hệ hai nước có cơ hội thuận lợi để phát triển do nằm trong chính sách ngoại giao chú trọng đến Đông Nam Á và Đông Dương của Nhật Bản. Sau Chiến tranh Lạnh. Đông Dương trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách Đông Nam Á (hậu cứ cuối cùng cần mở rộng ở Đông Nam Á) của Nhật Bản. So với Việt Nam và Cămpuchia là những nước nằm trên bán đảo Đông Dương thì vị thế và tầm ảnh hưởng của Lào khó có thể sánh bằng. Tuy nhiên, Lào cũng có những vị thế và thế mạnh riêng mà nếu phối hợp với thế mạnh của Việt Nam và Cămpuchia thì sẽ là ưu thế rất cần cho Nhật Bản khi mở rộng chiến lược đối ngoại của mình ở Đông Nam Á, mang lại lợi ích cho Nhật Bản không chỉ trên lĩnh vực chính trị mà còn cả ở lĩnh vực kinh tế nữa(2). Lào là một quốc gia có vị thế riêng đặc biệt, là quốc gia có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên mặc dù có vị trí biệt lập nằm sâu trong lục địa, không có đường ra biển  nhưng bù lại Lào lại có vị trí ngã tư biên giới của lục địa Đông Nam Á, đồng thời là “trái tim” của Tiểu vùng sông Mê Kông, mở cửa đi vào thị trường to lớn với 250 triệu dân ở khu vực này. Trên thực tế, Lào đóng vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa và là nước đệm giữa Trung Quốc và bán đảo Đông Dương với các nước Đông Nam Á lục địa.”(3) Mặc dù dân số Lào ít  nhưng lại giàu tài nguyên thiên nhiên như  khoáng sản, lâm thổ sản và nhất là tài nguyên rừng cũng như các tiềm năng xã hội khác. Theo tài liệu của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tỷ lệ bao phủ rừng của Lào là rất lớn từ những năm 1940 là 70% diện tích (hơn 17 triệu ha), năm 2002 là 41% diện tích (gần 10 triệu ha). Vì vậy, tài nguyên gỗ là hết sức phong  phú. Sông Mê Kông chảy qua Lào bồi đắp những cánh đồng phù sa màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là cây lương thực. Tiềm năng thủy điện của nước này là rất lớn, đạt khoảng 18 GW, tiềm năng đó mới chỉ khai thác 2% trong vòng 30 năm nay.(4) Rõ ràng, Lào cũng chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản do có sự hấp dẫn về lợi ích lâu dài đối với nước này. Thêm vào đó trong bối cảnh hiện nay Lào cũng tham gia Diễn đàn hợp tác khu vực, có vị thế không thể thiếu trong diễn đàn  mà Nhật Bản là nước đóng vai trò rất quan trọng. Mục đích của Nhật Bản là thông qua các diễn đàn như: Tiểu vùng sông Mêkông, Hành lang Đông Tây, Tam giác phát triển Cămpuchia-Lào-Việt Nam (CLV) và xa hơn nữa là hợp tác Đông Á, Châu Á-Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng chính trị, kinh tế của mình. Lào cùng với Việt Nam, Campuchia là ba nước cùng nằm trên bán đảo Đông Dương có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực mà người ta thường ví nếu coi ĐNA là cái ổ khoá để mở cửa đi vào lục địa Châu Á thì Đông Dương là cái chìa khoá mở cửa đi vào ngắn nhất. Từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), với nhiều yếu tố thuận lợi của khu vực và thế giới tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của Lào.Tuy nhiên, Lào là nước đang phát triển, lại trải qua những thời kỳ chiến tranh tàn khốc, vì vậy muốn phát triển đất nước, đẩy nhanh sự tiến bộ trong thời kỳ mới, ngoài sự nỗ lực của bản thân, Lào rất cần sự hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ trong hội nhập quốc tế của các nước phát triển, nhất là các nước lớn, trong đó có Nhật Bản.. Đặc biệt vào những năm 90 dưới tác động của xu hướng toàn cầu hoá, cách mạng khoa học kỹ thuật và bối cảnh quốc tế, khu vực thuận lợi sau Chiến tranh Lạnh. Nhật Bản ngày càng ý thức được nếu Mỹ có Châu Mỹ thì Nhật Bản có Châu Á, nhất là ĐNA. ĐNÁ được coi là thị trường truyền thống lâu đời và là “sân sau” của Nhật Bản(5). Trong đó, Đông Dương là hậu cứ cuối cùng, là khu vực có những lợi ích chiến lược quan trọng và tiềm tàng đối với Nhật Bản.

Ngoài những yếu tố trên, nhu cầu của cả hai phía cũng rất lớn có đủ cơ sở đáp ứng những lợi ích của nhau, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế hai nước chuyển sang giai đoạn mới. Nhật Bản là một cường quốc kinh tế lớn ở Đông Á, là trung tâm công nghiệp, kỹ thuật, xuất khẩu hàng đầu của khu vực .Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại có vai trò lớn trong các tổ chức kinh tế, tài chính khu vực và thế giới, và là nhà cung cấp ODA lớn nhất thế giới, Nhật Bản hoàn toàn có khả năng đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế của Lào. Còn Lào do chiến tranh kéo dài, lại ở sâu trong lục địa không có đường ra biển, kinh tế vào loại thấp nhất ở khu vực, đặc biệt cơ sở hạ tầng yếu kém, muốn phát triển kinh tế, xã hội Lào rất cần quan hệ hợp tác với Nhật Bản nhất là về kinh tế. Sự giúp sức, hỗ trợ của Nhật Bản sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác Nhật Bản - Lào trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu cho Lào phát triển kinh tế xã hội, hội nhập vào khu vực và thế giới. Còn Nhật Bản sẽ thông qua hợp tác này để xây dựng ĐNÁ - Đông Dương hoà bình, ổn định và phát triển, tạo điều kiện quan trọng cho Nhật Bản hoàn thành nhiệm vụ của cường quốc lớn, nâng cao một bước vị thế kinh tế, chính trị của Nhật Bản trên trường quốc tế. Quan hệ giữa Nhật Bản với Lào không những mang lại lợi ích cho khu vực, thế giới mà trước hết là lợi ích cho Nhật Bản và Lào(6).

Bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh Lạnh và việc ký kết hòa bình trên bán đảo Đông Dương (1991) đã tạo điều kiện cho xu hướng hợp tác đối thoại và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á. Đây là nhân tố chủ yếu về môi trường quốc tế và khu vực sau chiến tranh thúc đẩy hợp tác Nhật Bản- Lào trên lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai cũng như xu hướng toàn cầu hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập của các nước cũng như chính sách đối ngoại đa dạng và đa phương là một trong những cơ sở tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế hai nước này bước sang một thời kỳ mới

2. Quan hệ Nhật Bản - Lào trên lĩnh vực kinh tế  1991 – 2007

2.1. Trên lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần của Đại hội Đảng Nhân Dân cách mạng Lào lần thứ IV năm 1986 đề ra, Lào đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn giành được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt từ sau 1991, khi vấn đề hòa bình trên bán đảo Đông Dương được giải quyết, hai nước Nhật Bản và Lào lại tiếp tục các hoạt động ngoại giao đặt cơ sở quan trọng cho sự phát triển kinh tế . Biểu hiện cụ thể là chuyến thăm Lào của Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Nhật Bản Koji Kakizawa và chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Lào Somsavat Lengsavad. Đây thực sự là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng mở đầu một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế Nhật Bản - Lào góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế của Lào. Quan hệ kinh tế Nhật Bản - Lào được biểu hiện dưới nhiều hình thức, tuy nhiên trong khuôn khổ của bài báo chúng tôi xin giới thiệu chủ yếu trên các lĩnh vực như: viện trợ ODA, đầu tư và thương mại. Do xuất phát điểm của Lào còn thấp và chiến tranh kéo dài  nên thiếu vốn hết sức trầm trọng, vì vậy, huy động vốn ODA của Nhật Bản đối với Lào có ý nghĩa cấp thiết không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài.

Chính sách ODA của Nhật Bản đối với Lào cũng như với bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều tuân thủ chặt chẽ những khuôn khổ và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ODA đã được chính phủ Nhật Bản thông qua năm 1992. Viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Lào (1991 – 2007) bao gồm viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và vốn vay ODA. Mục đích của viện trợ ODA là nhằm” ủng hộ những nỗ lực tự thân của Lào, xóa đói giảm nghèo và phát triển con người, giúp Lào tăng trưởng kinh tế, tạo thế chủ động, độc lập và bền vững, với quan điểm hội nhập nền kinh tế toàn cầu và khu vực”(7). Viện trợ đó tập trung vào: 1. Phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội; 2. Cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe và y tế; 3. Thúc đẩy sự  phát triển nông nghiệp, nông thôn; 4. Phát triển nguồn nhân lực.

Từ 1991 trở đi, Nhật Bản đã dành cho Lào sự giúp đỡ song phương lớn nhất. Viện trợ song phương của Nhật Bản cho Lào xấp xỉ 75 – 90 triệu USD/năm. Nhật Bản đã xác định các lĩnh vực ưu tiên đối với Lào kể từ năm 1999. Đến năm 2006 Nhật Bản đã hoàn thành việc xây dựng chính sách cơ bản của Hiến chương ODA giành cho Lào. Trong giai đoạn 1991- 2007, Nhật Bản luôn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Lào xét cả khuôn khổ viện trợ song và đa phương. Trong 5 năm từ năm 1989 - 1993, tổng số ODA Nhật Bản viện trợ cho Lào là 237,35 triệu đô la. Năm 1999, viện trợ của Nhật Bản cho Lào là 271,8 triệu USD, chiếm 58,2% tổng viện trợ của nước ngoài cho Lào là 476,1 triệu USD. Trong khi đó viện trợ cho Cămpuchia cùng năm là 131,6 triệu USD, chiếm 32,7% tổng viện trợ nước ngoài cho Cămpuchia là 402,7 triệu USD(8). Theo số liệu năm 2004 – 2005 của bộ Ngoại giao Lào, Nhật Bản là nhà viện trợ song phương lớn nhất cho Lào với 85,3 triệu USD, chiếm gần 42% tổng số viện trợ 205,3 triệu USD của các nước cho Lào (10/2004 - 9/2005). Năm 2004, Cămpuchia, Lào nằm trong danh sách 12 nước nhận viện trợ không hoàn lại và 10 nước nhận viện trợ hợp tác kỹ thuật lớn nhất trên thế giới của Nhật Bản.  Viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản đối với Lào tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng nhất  là lĩnh vực giao thông vận tải, ủng hộ các  nhu cầu cơ  bản của con người hoặc phát triển nông, lâm nghiệp. Tổng số viện trợ không hoàn lại  cho Lào trong thời gian 5 năm từ 1989- 1993, chiếm đa số với  234,85 triệu USD trên tổng số ODA 237,35 triệu USD còn giai đoạn 1996 – 1999 là 74,3 tỷ yên (40% ODA), và giai đoạn 1999 – 2004 là 35,6 tỷ yên. Trong giai đoạn 1999 - 2004, viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho Lào được phân phối cho các lĩnh vực như sau: cho phát triển cơ sở hạ tầng 45,8%; cho giáo dục 12,7%; phát triển nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng 12,5%; y tế, sức khoẻ 7,3%; các lĩnh vực khác 21,6%”(9). Về hợp tác kỹ thuật, viện trợ của Nhật Bản chủ yếu nhằm giúp Lào phát triển nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và chuyển giao kỹ thuật cho giáo dục, y tế, điện lực. Tổng viện trợ hợp tác kỹ thuật của Nhật  Bản cho Lào từ năm 1996 đến 1999 là 21,3 tỷ yên, còn giai đoạn 1999 – 2004 khoảng 20,4 tỷ yên. Như vậy, trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2004 Nhật Bản đã cung cấp viện trợ hợp tác kỹ thuật cho Lào trung bình mỗi năm là 4,63 tỷ yên.  Về vốn vay ODA, Lào đã nhận được nguồn vốn vay của Nhật Bản sớm hơn Cămpuchia. Tổng giá trị vốn vay mà Nhật Bản cung cấp cho Lào từ  năm 1996 – 2004 là 16,3 tỷ yên, trong đó những năm 1996 – 1999 chỉ đạt mức 9,1 tỷ yên, và 1999 – 2004 đạt 7,2 tỷ yên.(10)

Từ những phân tích trên, có thể thấy dù xét ở góc độ song phương  hay đa phương thì Nhật Bản vẫn luôn là nhà viện trợ ODA hàng đầu cho Lào. Chẳng hạn, năm 1999, con số viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào đã chiếm đến  58,2% tổng số viện trợ  nước ngoài cho Lào, đặc biệt đến năm 2004 – 2005 tỷ lệ này đã chiếm đến 85% viện trợ song phương của nước ngoài cho Lào. Lào đã chiếm  một vị trí quan trọng trong viện trợ ODA của Nhật Bản. Thứ hai là viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào trong những năm 1989- 1993 vẫn còn thấp,  tổng số 5 năm này là 235,35 triệu USD trong giai đoạn 1996 – 2004  cao hơn giai đoạn  trước nhưng có xu hướng giảm rõ rệt, từ 26 tỷ yên/năm (1996 -1999) xuống 10,55 tỷ yên/năm (1999 – 2004). Thứ ba là cơ cấu ODA của Nhật Bản có chuyển biến mạnh mẽ theo hướng giảm viện trợ không hoàn lại và tăng viện trợ hợp tác kỹ thuật và vốn vay, từ năm 1996 – 1999 cơ cấu ODA của Nhật cho Lào theo tỷ lệ: viện trợ không hoàn lại  71%, hợp tác kỹ thuật 20,3% và vốn vay ODA là 8,7%, còn từ 1999 – 2004 cơ cấu đó đã thay đổi tương ứng là: 56,3%; 32,7%; 11,5%.(11)

Trong kế hoạch về hợp tác kinh tế quốc tế (2005 – 2008) đối với Lào, Nhật Bản  xác định “sẽ giúp đỡ Lào nhằm thúc đẩy đầu tư cho các xí nghiệp tư nhân  thương mại, phát triển du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho Lào thu được ngoại tệ, tiết kiệm và gia tăng thu nhập ngân sách; góp phần sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng. Nhật Bản sẽ ưu tiên giúp đỡ các lĩnh vực mở rộng, phối hợp phát triển vùng Mê Kông, cộng tác với ADB, WB, cũng như  với khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả sự giúp đỡ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản”(12). Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào có những đặc điểm trên là do nhiều yếu tố tác động. ODA của Nhật Bản vừa là công cụ kinh tế lại vừa là một công cụ ngoại giao để phát huy ảnh hưởng của Nhật Bản, nhất là sau khi vấn đề hòa bình ở Cămpuchia được giải quyết cũng là thời kỳ mà Nhật Bản thấy rõ cần gia tăng ảnh hưởng của họ trên Bán đảo Đông Dương. Nhật Bản bắt đầu nối lại viện trợ cho Việt Nam và gia tăng viện trợ cho Lào và Cămpuchia. Vì vậy, Nhật Bản luôn là nhà viện trợ hàng đầu cho Cămpuchia và Lào trong giai đoạn trên; ngoài ra do nhiều lý do khác nhau về hoàn cảnh địa lý, lịch sử và xã hội nên Lào là một trong những quốc gia nghèo và chậm phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, vì vậy nhu cầu ODA của Lào là rất lớn và cấp thiết; Mặt khác Lào là một bộ phận không thể thiếu trên bán đảo Đông Dương lại vừa là “trái tim” của Tiểu vùng Mê Kông…mở cửa đi vào thị trường 250 triệu dân, có nhiều lợi ích tiềm tàng, lâu dài nên thu hút được sự đầu tư chú trọng của Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với Lào giai đoạn này ODA có xu hướng giảm và có sự chuyển biến về cơ cấu: viện trợ không hoàn lại ngày càng ít đi trong khi đó viện trợ cho vay ngày càng tăng lên. Điều này có nhiều lý do, chủ yếu là xuất phát từ khủng hoảng kinh tế của Nhật Bản. Mặt khác, cũng phải thấy rằng mục đích của ODA Nhật Bản là giúp nước nhận viện trợ “nhưng chỉ giúp cần câu để họ câu cá chứ không phải cho họ con cá để ăn”. Do đó, trong thời kỳ đầu sau Chiến tranh Đông Dương, Lào còn gặp nhiều khó khăn về vốn nên Nhật Bản ưu tiên viện trợ không hoàn lại cho Lào (chiếm tới 71%) còn thời gian sau Lào phải tự vươn lên để từ những viện trợ ban đầu đó có thể thu được lợi ích về kinh tế đưa đất nước ổn định và phát triển.

2.2. Trên lĩnh vực quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư

Thị trường đầu tư và thương mại của Lào vào loại nhỏ bé, với dân số hơn 6 triệu người chiếm (1/13 của Việt Nam) với nền kinh tế xã hội vào loại kém phát triển nhất khu vực làm cho Lào không phải là một thị trường hấp dẫn đối với Nhật Bản. Sau 1991, mặc dù vẫn còn ở trong giai đoạn phải tạo dựng,  nuôi dưỡng, và ở dạng tiềm năng nhưng trong bối cảnh mới, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Lào đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Quan hệ thương mại và đầu tư Nhật - Lào giai đoạn 1991 đến năm 2007 cũng đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Ngay từ  những năm 1991-1992, Nhật Bản và Lào đã có nhiều lần gặp gỡ đề cập những vấn đề liên quan đến thương mại đầu tư. Tháng 9/1994,  Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Bộ trưởng Công nghiệp và Mậu dịch Quốc tế Nhật Bản Hashimoto đã gặp nhau tại Thái Lan và đồng ý thành lập Nhóm làm việc hợp tác kinh tế ở Đông Dương Myanmar.(13) Nhóm được thành lập với nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu và phác thảo kế hoạch trợ giúp các nước Đông Dương về phát triển  nền kinh tế thị trường;  xây dựng những trung tâm kinh tế phát triển; xây dựng cơ sở hạ tầng; lập chính sách đầu tư và ngoại thương; mở rộng buôn bán; phát triển nguồn nhân lực. Chứng tỏ cả Nhật Bản, Lào cũng như các nước Đông Dương đều rất quan tâm đến việc thúc đẩy đầu tư,  thương mại ở khu vực này. Sự kiện đầu tiên liên quan đến quan hệ thương mại, đầu tư giữa  Nhật Bản và Lào là Diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương. Tháng 5/1995, Hội nghị Diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương được tổ chức tại Tokyo dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yohei Kohno đã rất quan tâm đến hợp tác thương mại và đầu tư vào 3 nước Đông Dương. Thông cáo chung của Diễn đàn nhấn mạnh đến việc tổ chức lại  khuôn khổ pháp lý và thể chế hoá là điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển của ngoại thương và đầu tư ở 3 nước này Đông Dương(14). Từ  năm 1996, Quỹ tài trợ Nhật Bản bắt đầu chương trình giúp cho Lào, Cămpuchia và Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về hệ thống ASEAN, AFTA và cơ chế thị trường. Chính phủ Nhật Bản và Lào đã tăng cường thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kể trên. Cuối năm 1997, Nhật Bản đã có 22 dự án đầu tư trực tiếp (tổng số vốn là 14 triệu USD), và 38 công ty đầu tư buôn bán của Nhật Bản hoạt động tại Lào. Đến năm 1999, thương mại hai bên có xu hướng được đẩy mạnh, tổng trị giá nhập khẩu của Nhật Bản từ Lào là 1.548 triệu yên, với các mặt hàng chủ yếu là gỗ và các lâm sản khác, và ngược lại  xuất khẩu của Nhật Bản sang Lào đạt tổng trị giá 2.576 triệu yên, chủ yếu là các sản phẩm ô tô, thép, đồ dùng hàng ngày…(15). Đầu thế kỷ XXI, quan hệ hợp tác thương mại đầu tư của 2 nước được đẩy cao hơn một bước và trở nên nhộn nhịp hơn. Trong thời gian này Nhật Bản và Lào luôn tổ chức các cuộc gặp cấp cao, các hội nghị song phương, đa phương và các loại hình hội nghị mở rộng khác. Đối với hai nước Nhật Bản và Lào việc thúc đẩy đầu tư thương mại luôn là một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận và nhấn mạnh tại các cuộc hội nghị, các cuộc gặp gỡ cấp cao, hoặc tại các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, Tam giác phát triển Việt Nam - Cămpuchia - Lào và ASEAN. Một trong những tổ chức đi đầu thúc đẩy quan hệ hợp tác Nhật Bản với các nước Đông Dương là JICA. JICA đã tổ chức “Diễn đàn đầu tư nhằm tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các thành viên ASEAN mới” bao gồm Việt Nam, Cămpuchia, Lào và Myanmar vào tháng 11/2003. Mục tiêu cơ bản của Diễn đàn là đưa ra những biện pháp khả thi, thiết thực để cải thiện môi trường FDI ở các nước nói trên. Từ các diễn đàn quan trọng này những nhà kinh doanh và đầu tư Nhật Bản sẽ được cung cấp  nguồn thông tin mới, có giá trị về thị trường đầu tư ở các nước, trên cơ sở đó xác định, tìm kiếm những cơ hội làm ăn với Lào và các nước láng giềng khác. Đối với Lào Hội nghị đặt vấn đề nên chú trọng xây dựng theo hướng xuất khẩu các thế mạnh tiềm tàng như gỗ, tơ lụa  cà phê, các sản phẩm rừng, điện lực.. Một sự kiện có ý nghĩa trong đầu tư thương mại của  Lào là tháng 7/2004, Nhật Bản và Lào đã ký kết bản ghi nhớ về phát triển thương mại và khuyến khích đầu tư giữa hai nước. Theo đó, sản phẩm tơ lụa của Lào gồm 50 loại đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản và thế giới. Nhật Bản cho rằng các sản phẩm tơ lụa của Lào có sức cạnh tranh với các nước khác và  thu hút được khách hàng. Nhật Bản sẽ có kế hoạch giúp ngành công nghiệp tơ lụa của Lào đến với thị trường Nhật Bản và thế giới nhiều hơn trong tương lai. Để xây dựng thương hiệu tơ lụa, cà phê của Lào, Nhật Bản dự kiến tổ chức nhiều cuộc triển lãm bán sản phẩm tơ lụa, cà phê, các sản phẩm khác có sức cạnh tranh của Lào tại Thủ đô Tokyo và Thành phố  Fukuoka của Nhật Bản, có kế hoạch giúp khảo sát tính khả thi trong việc xuất khẩu cà phê của Lào sang Nhật Bản. Giá trị thu được từ xuất khẩu sản phẩm tơ lụa của Lào ngày càng gia tăng xuất khẩu sản phẩm tơ lụa của Lào. Nếu trong năm tài chính 1995-1996 xuất khẩu sản phẩm tơ lụa của Lào chỉ đạt 118 ngàn USD, thì đến năm 2002-2003 đã là 2,7 triệu USD và sáu tháng đầu năm 2003-2004 con số này lên đến 7,5 triệu USD”(16). Trong những năm 2005- 2006, liên tục có nhiều Hội nghị và Hiệp định thương mại được tổ chức và ký kết. Tháng 9/2006, đại diện Chính phủ Nhật Bản và Lào đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ về thúc đẩy  thương mại và hợp tác đầu tư. Hai bên dự định bắt đầu các cuộc đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương bao gồm bảo hộ và tự do hoá đầu tư. Tháng 12/2006, Thủ tướng Taro Aso và quyền Thủ tướng Thongloun quyết định bắt đầu đàm phán về Hiệp định đầu tư  Nhật - Lào. Mãi đến năm 2008, Hiệp định đầu tư song phương Nhật – Lào mới được ký kết giữa chính phủ hai nước...(17)

Có thể nói do những đặc điểm về vị trí địa chính trị, lịch sử, những điều kiện hạn chế về phát triển kinh tế xã hội của Lào, cũng như nhiều nhân tố chi phối khác, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước Nhật Bản và Lào vẫn còn rất nhiều những rào cản lớn cần vượt qua. Nếu so sánh với các mối quan hệ khác cùng thời kỳ thì quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước Nhật Bản và Lào phát triển chậm hơn và thành tựu của nó cũng ở mức độ khiêm tốn. Tuy nhiên, quan hệ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư 2 nước cũng đã  đạt được những thành tựu đáng khích lệ nhất là vào những  năm đầu thế kỷ XXI, hai bên đã có nhiều sáng kiến tổ chức các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương, các hội nghị mở rộng của khu vực với sự tham gia của các tổ chức khác nhau nhằm đưa ra nhiều biện pháp khả thi gia tăng quan hệ buôn bán và đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt đã ký kết được nhiều hiệp định, hiệp ước về xuất, nhập khẩu những hàng hóa thế  mạnh và có kế hoạch chuẩn bị cho việc ký kết hiệp ước đầu tư giữa hai nước. Mốc quan trọng và là đỉnh cao trong quan hệ đầu tư, thương mại hai nước là Hiệp định đầu tư Nhật – Lào ký kết tháng 1/2008 (được khởi động, đàm phán từ những năm 2006 – 2007). Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển đầu tư thương mại của hai nước còn được thông qua các diễn đàn ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông, Tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia cũng được đẩy mạnh nhất là vào những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI. Đầu tư và thương mại giữa hai nước vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hiện tại và tương lai khi mà nền kinh tế Lào ngày càng đi vào công nghiệp hóa và hội nhập nhanh vào nền kinh tế khu vực. Nó là cầu nối hết sức quan trọng của Lào với các tổ chức kinh tế lớn, các nền kinh tế phát triển cao của thế giới, có thể giúp Lào nâng cao đời sống của  nhân dân và phát triển đất nước. Vì vậy nó được xem là một bộ phận không thể xem nhẹ trong quan hệ Nhật Bản và Lào giai đoạn những năm 1990 đến 2007. Với sự nỗ lực và hợp tác tích cực của cả hai bên, nhất là với tầm chiến lược nhìn xa và khả năng, kinh nghiệm của một nền kinh tế tài chính vào loại bậc nhất thế giới của Nhật Bản với những tiềm năng tiềm tàng của một thị trường hấp dẫn chưa được khai thác của Lào sẽ hứa hẹn một thành tựu lớn trong tương lai

3. Một số nhận xét

Thứ nhất là, nhìn một cách khái quát, quan hệ Nhật Bản với Lào  (1991 – 2007) đã có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước những năm 1990. Mặc dù mối quan hệ giữa Nhật Bản với Lào được thiết lập khá sớm (tháng 3/1955), và có cơ hội tốt để phát triển ngay sau khi học thuyết Fukuda ra đời (1977). Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử sau đó không thuận lợi, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Lào chịu tác động và chi phối trực tiếp của Chiến tranh Lạnh và sự đối đầu hai cực Xô – Mỹ, cũng như các cuộc chiến tranh biên giới ở Việt Nam năm 1979, nội chiến ở Cămpuchia từ cuối những năm 1970. Điều này làm cho mối quan hệ hai bên chững lại ở mức độ khiêm tốn nhưng vẫn đặt cơ sở cầu nối quan  trọng cho quan hệ kinh tế hai nước giai đoạn sau đó.

Thứ hai là, trên lĩnh vực chính trị ngoại giao, quan hệ Nhật Bản với Lào giai đoạn (1991 – 2007 ) có một vị trí vô cùng quan trọng. Quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước vừa là cơ hội để các nhà lãnh đạo hai bên nhìn nhận, thảo luận những biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước đồng thời cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai bên phát triển ổn định và hội nhập. Quan hệ chính trị ngoại giao giữa Nhật Bản với Lào từ đầu những năm 1990 đến nay, đặt cơ sở chủ yếu cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Nhật Bản đã xác định trong giai đoạn nói trên mối quan hệ với Lào hiện có ý nghĩa địa - chính trị nhiều hơn địa kinh tế.

Thứ ba là, trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ Nhật Bản với Lào phát triển tương đối toàn diện về các mặt viện trợ ODA, thương mại và đầu tư, tuy nhiên, viện trợ ODA phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn. Quy mô viện trợ ODA của Nhật Bản cho Lào, nhìn chung là khá cao trên 165 tỷ yên giai đoạn (1996 – 2004) cho Lào. Trong những năm 1990 đến năm 2007, Lào luôn nằm trong danh sách 10 đến 12 nước trên thế giới nhận viện trợ ODA lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản luôn là nhà viện trợ hàng đầu cho nước này(18). Về cơ cấu ODA, viện trợ của Nhật Bản dành cho Lào gồm đầy đủ 3 lĩnh vực nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất là viện trợ không hoàn lại, rồi đến hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA chiếm tỷ trọng rất nhỏ. ODA của Nhật Bản là nguồn vốn rất quan trọng cho hai nước trong cải thiện cơ sở hạ tầng phục hồi và phát triển đất nước cũng như xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Do những khó khăn và trì trệ của  kinh tế, xã hội Nhật Bản từ thập kỷ 1990 đến nay đòi hỏi phải cải cách ODA, và do mục đích của ODA nên xu hướng viện trợ ODA cho  Lào, giảm dần về quy mô và chuyển dịch theo xu hướng giảm viện trợ không hoàn lại và tăng vốn vay và hợp tác kỹ thuật. Thương mại và đầu tư, tuy đã được Nhật Bản, Lào khởi động khá sớm, từ đầu những năm 1990 nhưng vẫn phát triển chậm hơn nhiều so với ODA. Đến đầu thế kỷ XXI, viện trợ ODA của Nhật Bản với Lào có xu hướng giảm về quy mô, thay đổi về cơ cấu đi vào chiều sâu, ngược lại trong lĩnh vực thương mại và đầu tư lại có xu hướng khởi sắc, thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đỉnh cao của nó là các hiệp định đầu tư mà Nhật Bản ký với Lào.

Thứ tư là, nguồn viện trợ ODA, FDI của Nhật Bản là động lực thúc đẩy hợp tác, cải thiện, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho Lào. Nhìn chung sự giúp đỡ, hợp tác của Nhật Bản tập trung vào giao thông vận tải, điện lực, thông tin liên lạc, các điều kiện cung cấp nước sạch và cơ sở hạ tầng… Đồng thời, Nhật Bản cũng chú trọng giúp Lào, trên lĩnh vực cải thiện và phát triển các điều kiện thủy lợi, cải thiện kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng thị trường nông sản theo cơ chế thị trường. Ngoài ra với sự hợp tác về khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của Nhật Bản trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế... cũng rất có hiệu quả đối với hai nước này.

Thứ năm là, trong quan hệ kinh tế  giữa Nhật Bản với Campuchia và Nhật Bản với Lào (1991– 2007) có một số lĩnh vực luôn mang tính ổn định và liên tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, viện trợ ODA, đào tạo nhân lực. Ngoài ra Nhật Bản còn rất chú trọng viện trợ phát triển ở các vùng trọng điểm như: Hành lang kinh tế Đông Tây, Tiểu vùng sông Mê Kông, Tam giác phát triển. ..tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước hội nhập nhanh vào ASEAN và phát triển kinh tế năng động. Đây cũng là các hình thức đầu tư phát triển mạnh nhất trong những năm gần đây.

Thứ sáu là, nếu như trong quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN+ 5 và Việt Nam…Nhật Bản đã khai thác và được hưởng những lợi ích lớn về kinh tế, thì trong quan hệ với cho Lào, Nhật Bản lại coi trọng lợi ích chính trị hơn, Nhật Bản là người cho nhiều hơn nhận. Nhật Bản có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế xã hội đối với Lào cũng như các nước trên bán đảo Đông Dương và khu vực. Mặc dù vậy, lợi ích  lâu dài, tiềm tàng mà Nhật Bản có được là rất lớn. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ trong mục tiêu đối ngoại của Nhật Bản và hoàn cảnh kinh tế xã hội của Lào và các nước ở Đông Nam Á cũng như bối cảnh quốc tế và khu vực thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.

Tóm lại, quan hệ của Nhật Bản đối với  Lào cũng như với Việt Nam và Cămpuchia nói trên đã thể hiện sự thành công của Nhật Bản chính sách ngoại giao của Nhật Bản: ngoại giao kinh tế, ngoại giao hòa bình, ngoại giao văn hóa. Tùy những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mà Nhật Bản thực hiện những biện pháp ngoại giao phù hợp mang lại hiệu quả và lợi ích cho Nhật Bản và Lào. Quan hệ Nhật Bản với Lào mặc dù vẫn chưa khai thác hết tiềm năng mỗi bên và còn nhiều hạn chế, trở ngại cần vượt qua nhưng một điều rất quan trọng là Nhật Bản đã có vai trò to lớn trong ổn định hòa bình, phát triển kinh tế xã hội của Lào cũng như với các nước trong khu vực Đông Dương và ĐNÁ. Vị thế chính trị, kinh tế của Nhật Bản nhờ đó được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Trên cơ sở tìm hiểu mối quan hệ này chúng ta hiểu rõ hơn các chính sách, biện pháp ngoại giao linh hoạt của Nhật Bản, những yêu cầu và cách thức viện trợ ODA của Nhật Bản đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế mới hiện nay. Từ đó có thể thấy sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại khôn ngoan của Việt Nam với Nhật Bản phù hợp xu hướng hội nhập và phát triển.

 

HOÀNG THỊ MINH HOA (PGS.TS, Đại học Sư phạm Huế)

TRẦN XUÂN HIỆP (ThSm Đại học Duy Tân - Đà Nẵng)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Thị Minh Giang, (2005), Vai trò vị thế của CHDCND Lào trong hợp tác Đông Á,

Viện nghiên cứu Đông Nam Á , VKHXH,VN, HN, tr. 2.

2. Hà Hồng Hải (1993), Nhật Bản sau chiến tranh lạnh: cơ may và thách thức, Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, số 3, trang  24 – 31.

3. Hoàng Thị Minh Hoa (2007), Chính sách đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản sau chiến tranh lạnh và tác động của nó với ba nước Đông Dương, Hội thảo Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, hội nhập và phát triển, ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, 10/2007, Tạp chí  NC Nhật Bản, số 6/ 2008.

4. Hoàng Thị Minh Hoa, Nguyễn Văn Sơn (2009), Đóng góp của Nhật Bản trong giải quyết các vấn đề lớn ở khu vực Đông Nam Á những năm 90 của thế kỷ XX, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế  & Chính trị thế giới, số 1, trang 10.

5. Masaya Shiraishi (1994), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1951-1987, NxbKHXHNV,  Hà Nội, trang  35.

6. Masaya Shiraishi, Hợp tác ở Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản (1997), Hội Thảo Quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, Hà Nội,  trang 583-584.

7. Thông tấn xã Việt Nam (2004), Tin tham khảo, ngày 27 / 7/ 2004.

8. Trịnh Văn Vinh (2008), Quan hệ Nhật Bản với Cămpuchia, Lào (1991- 2007), Luận văn Thạc Sỹ,  ĐHSP Huế.

9.  http://www.mofa.go.jp

10.http://www.mofa.go.jp/Region/asia-paci/ laos/agree0801.html.

11.http://www.jbic.go.jp/english/oec/ research/report/review/pdf/rp16_e04.pdf

12. http://www.mofa.go.jp/announce/press/ 2000/1/112.html#2

13.  http://www.la.em-Japan.go.jp/.

14. http://www.la.emb-Ja an.go.jp/ 24.

15.  David Martin Jones, M. L. R. Smith, ( 2006 ), ASEAN and East Asian  international relations, cheltenham, UK.

16. Ianda Juichi (1993), Constraints to Aid Japan, United States and multilateral Institutions, Japan, 1993,  P. 202.

17. Keesing (1993), Record World Events, Tokyo, P. 39.

18.http://www.mofa.go.jp/mfaj/gaiko/oda/seisaku/enjyo/pdfs/e_láo0609.pdf.

19. http://www.jbic.go.jp/english/research /report /paper/pdf/rp16_e04.pdf.

20. http://www.la.emb-japan.go.jp/.

21. http://www.jbic.go.jp/english/oec/policy/ pdf/e_jisshi_assistancestrategy.pdf.

22.TTXVN ( 2007 ), Nhật Bản, Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Dương, Tin kinh tế thế giới, HN, Tháng 6.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) Ianda Juichi (1993), Constraints to Aid Japan, United States and multilateral Institutions, Japan, 1993,  P. 202, tr 202.

(2) Hoàng Thị Minh Hoa, Nguyễn Văn Sơn (2009), Đóng góp của  Nhật Bản trong giải quyết các vấn đề lớn ở khu vực Đông Nam Á những năm 90 của thế kỷ XX, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế  & Chính trị thế giới, số 1, trang 10.

(3) Trần Thị Minh Giang, (2005), Vai trò vị thế của CHDCND Lào trong hợp tác Đông Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á , VKHXH,VN, HN, tr. 2

(4) Thông tấn xã Việt Nam (2004), Tin tham khảo, ngày 27 / 7/ 2004.

(5) Keesing (1993), Record World Events, Tokyo, P. 39.

(6) Hoàng Thị Minh Hoa, Nguyễn Văn Sơn (2009), Đóng góp của  Nhật Bản trong giải quyết các vấn đề lớn ở khu vực Đông Nam Á những năm 90 của thế kỷ XX, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế  & Chính trị thế giới, số 1, trang 10.

(11) Trịnh Văn Vinh (2008), Quan hệ Nhật Bản với Cămpuchia, Lào (1991- 2007), Luận văn Thạc sỹ,  ĐHSP Huế.

(13) Masaya Shiraishi, Hợp tác ở Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản (1997), Hội Thảo Quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, Hà Nội,  trang 583-584.

(14) Masaya Shiraishi (1994), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1951-1987, NxbKHXHNV,  Hà Nội, trang  35.

(18) http://www.la.emb-Ja an.go.jp/ 24, tr. 92.

0thảo luận