Phong trào cộng sản quốc tế tồn tại và vận động thăng trầm gần một thế kỷ (thế kỷ XX và thế kỷ XXI) với nhiều đảng cộng sản tiêu biểu, như Đảng Cộng sản Nhật Bản. Bài viết khái lược về Đảng Cộng sản Nhật Bản, phân tích nội dung chủ yếu của Đại hội XXV của Đảng và một vài nét vềt quan hệ giữa Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Khái quát về Đảng Cộng sản Nhật Bản (1922-2009)
Đảng Cộng sản Nhật Bản thành lập tại Đại hội ở Tôkyô ngày 15/7/1922 dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Kể từ khi ra đời đến kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đảng bị giới cầm quyền Nhật Bản đàn áp khốc liệt vì đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô và hầu như không hoạt động được ở trong nước. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chủ tịch Đảng là Noasaka sống lưu vong ở Diên An, Trung Quốc.
Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Chính quyền chiếm đóng Mỹ và các lực lượng phản động trong nước tiến hành đàn áp những người cộng sản. Đảng bị chia rẽ nghiêm trọng giữa phái trong nước và phái từ nước ngoài trở về (chủ yếu từ Liên Xô và Trung Quốc) và trải qua một thời kỳ dài phân liệt, bất đồng ý kiến về các vấn đề chiến lược, sách lược.
Đại hội VIII (1961) được coi là Đại hội thống nhất của Đảng Cộng sản Nhật Bản đã thông qua Cương lĩnh và Điều lệ mới, khẳng định con đường dân chủ nghị trường và đường lối độc lập tự chủ của Đảng, chủ trương tiến hành cách mạng dân chủ chống đế quốc, chống độc quyền và phát triển lên thành cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đảng ủng hộ đường lối phát triển cách mạng hoà bình, thành lập mặt trận dân tộc dân chủ thống nhất, mở rộng sự có mặt của Đảng trong Nghị viện và các cơ quan chính quyền địa phương, kết hợp đấu tranh nghị trường với đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Đảng đặt ra nhiệm vụ thành lập mặt trận thống nhất bằng cách kết hợp các lực lượng tiến bộ, giải tán Liên minh quân sự Mỹ - Nhật và phát triển đất nước theo con đường trung lập, dân chủ, phản đối chính sách vì lợi ích của giới tư bản lớn, tiến hành chính sách bảo vệ nhân dân, không cho phép phục hồi chủ nghĩa quân phiệt. Tháng 10/1973, Đảng Nhân dân Okinawa hợp nhất vào Đảng Cộng sản Nhật Bản. Tại các Đại hội XIV năm 1977, Đại hội XV năm 1980 và Đại hội XVI năm 1982, Đảng thảo luận về việc mở rộng ảnh hưởng trong quần chúng, tăng số ghế của Đảng ở Nghị viện, ở chính quyền các cấp và nhiệm vụ xây dựng Đảng tiên phong của nhân dân. Tháng 11/1985, Đại hội XVII bổ sung Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng, chú trọng hơn đến những vấn đề về xây dựng Đảng. Tính đến cuối năm 1984, số đảng viên của Đảng Cộng sản Nhật Bản lên đến 480.000 người.
Sau Chiến tranh Lạnh, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XX của Đảng (7/1994) khẳng định trong Cương lĩnh các giá trị của Chủ nghĩa xã hội khoa học không thay đổi, quyết tâm đấu tranh xây dựng CNXH ở Nhật Bản. Ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất vào những năm đầu thập kỷ 90, Đảng cũng khẳng định không thay đổi đảng trong bất kỳ tình huống nào vì cho rằng thay đổi tên đảng cũng là thay đổi mục tiêu và con đường cách mạng. Tại Đại hội XXI (9/1997), Đảng tiếp tục khẳng định “đường lối Chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, kiên quyết chống chiến tranh đế quốc”. Nhiệm vụ của Cách mạng Nhật Bản là “sau khi tiến hành Cách mạng Dân chủ tư sản sẽ nhanh chóng tiến lên làm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa”. Tháng 11/2000, Đại hội XXII của Đảng khẳng định tiếp tục đường lối do Đại hội XXI đề ra, nhấn mạnh Đảng Cộng sản Nhật Bản là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân Nhật Bản. Đại hội XXIII (1/2004) thông qua Cương lĩnh sửa đổi toàn diện, đề ra mục tiêu hướng tới chủ nghĩa xã hội của Đảng là liên minh với các lực lượng chính trị dân chủ để thành lập chính phủ liên hiệp dân chủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đại hội Đảng XXIV (1/2006) đề ra nhiệm vụ cấp bách số một là tiến hành cải cách cơ bản chế độ chính trị hiện tại và khắc phục việc Nhật đã phụ thuộc vào Mỹ “một cách không bình thường”.
Trong giai đoạn này, Đảng đề ra mục tiêu xây dựng một nước Nhật Bản độc lập, dân chủ, hoà bình, từ đó phát triển cuộc cách mạng dân chủ thành cuộc Cách mạng XHCN, xây dựng một xã hội không có người bóc lột người. Đảng chủ trương “nhân dân là người làm chủ”, luôn đấu tranh vì lợi ích thiết thực của nhân dân, dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội, tự giác coi nhiệm vụ của mình là đóng vai trò tiên phong bất khuất trong xã hội Nhật Bản; phấn đấu ngăn chặn việc sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng xấu phục hồi chủ nghĩa quân phiệt, đặc biệt là điều 9 trong Hiến pháp, mở ra nền dân chủ trên tất cả các lĩnh vực, vì một nước Nhật tôn trọng mọi người; phát triển kinh tế phục vụ đời sống nhân dân, phấn đấu thay đổi chính sách kinh tế quốc gia đang phục vụ lợi ích cho các tập đoàn và các ngân hàng lớn thành chính sách kinh tế bảo vệ lợi ích của nhân dân và thiết lập cơ chế dân chủ nhằm kiểm tra các hoạt động của các tập đoàn lớn. Đảng đề ra nhiệm vụ thành lập Chính phủ Liên hiệp Dân chủ trong thế kỷ XX và XXI.
Chế độ XHCN Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã đã khiến Đảng Cộng sản Nhật Bản bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, nội bộ Đảng lúc này cũng tồn tại những bất đồng. Chính quyền tư sản Nhật Bản đã lợi dụng điều này để đẩy mạnh tuyên truyền về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” chĩa mũi nhọn tấn công vào Đảng cộng sản, nhằm làm suy yếu và thủ tiêu Đảng. Một bộ phận không nhỏ đảng viên không chỉ hoang mang, dao động mà còn mất phương hướng. Nhiều đảng viên đã giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lập trường giai cấp, đòi đổi tên đảng hoặc xin ra Đảng. Số đảng viên từ gần 50 vạn giảm xuống còn 30 vạn.
Trong hoàn cảnh đó, Đảng đã điều chỉnh và chuyển hướng hoạt động, chú ý hơn đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tiến hành phân tích nguyên nhân sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô. Theo Đảng Cộng sản Nhật Bản: sự tan rã của các nước Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1989-1991 không phải thất bại chủ nghĩa xã hội mà là sự phá sản của bá quyền, quan liêu và chuyên chế xa rời con đường XHCN. Mặt khác, Đảng cũng khẳng định rõ những giá trị, thành tựu to lớn mà CNXH hiện thực đã đạt được làm thay đổi sâu sắc diện mạo của thế giới đương đại. Khi kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái, đời sống của người lao động ngày càng khó khăn, đất nước bắt đầu bước vào sự bất ổn về chính trị, Đảng kiên trì CNXH khoa học, mở rộng chính sách mặt trận và tăng cường đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt là bảo vệ thiết thực quyền lợi của người lao động.
Đảng chủ trương chống đại tư bản độc quyền lũng đoạn phản động, đề xướng những giải pháp khôi phục nền kinh tế, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng (chống tăng thuế tiêu dùng) v.v.... Đảng đã điều chỉnh rất cơ bản chính sách mặt trận rộng rãi hơn, sẵn sàng hợp tác với các lực lượng chính trị tiến bộ, kể cả một bộ phận hoặc cá nhân thuộc các đảng bảo thủ nhằm tiến tới thực hiện mục tiêu thành lập Chính phủ Liên hiệp trong thời kỳ sớm trong thế kỷ 21.
Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng đã chỉ ra bài học quan trọng cần thiết cho sự phát triển của Đảng nhằm hướng tới một Chính phủ Liên hiệp Dân chủ. Đó là phải đưa ra chính sách giải quyết có trách nhiệm, có lợi cho nhân dân trong bất kỳ vấn đề nào, kết hợp phê phán với đề xuất dự án, phê phán nền chính trị xấu; phá vỡ sự chống phá quyết liệt của lực lượng chống cộng và phải tích cực trong công tác xây dựng Đảng làm sao để Đảng lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành điều kiện cơ bản để mở ra con đường hướng tới Chính phủ Liên hiệp Dân chủ. Bên cạnh đó, Đảng đề ra hướng cải cách dân chủ nền kinh tế, chuyển từ coi trọng các xí nghiệp lớn là trung tâm đến việc coi đời sống của của nhân dân là trung tâm.
Đảng cho rằng, tiến lên CNXH là một quá trình đấu tranh lâu dài, cần kiên định lập trường: Thứ nhất, xã hội hoá tư liệu sản xuất là một quá trình trong đó vấn đề sở hữu và quản lý vận dụng hình thái đa dạng, phù hợp với bối cảnh và điều kiện, cần phải nghiên cứu tìm tòi một hình thái riêng phù hợp với xã hội Nhật Bản, nhưng không được xa rời khỏi nguyên tắc của CNXH là người sản xuất đóng vai trò chủ đạo; Thứ hai, việc tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường là phương hướng phát triển có tính quy luật của CNXH phù hợp với các điều kiện của Nhật Bản, khi thúc đẩy cải cách XHCN, cần phải nỗ lực và tìm tòi, vận hành kinh tế linh hoạt và có hiệu quả khi kết hợp tính kế hoạch và kinh tế thị trường, tôn trọng sáng kiến cá nhân trong lĩnh vực nông ngư nghiệp, công thương nghiệp vừa và nhỏ. Thứ ba, khẳng định “trào lưu hướng tới một xã hội mới vượt lên trên Chủ nghĩa tư bản sẽ lớn mạnh và phát triển từ chính các mâu thuẫn về kinh tế và chính trị từ các nước tư bản phát triển” sẽ là đặc điểm lớn có tính thời đại trong thế kỷ XXI([1]).
Nhờ có sự thay đổi chính sách linh động và tích cực như vậy, Đảng Cộng sản Nhật Bản lại có hơn 40 vạn Đảng viên ở 24.000 chi nhánh trên cả nước có tổ chức trung ương và các tổ chức quần chúng đông đảo và chặt chẽ. Đảng có cơ quan ngôn luận riêng là báo Akahata có số lượng phát hành là 60 vạn bản/1 ngày, số chủ nhật lên tới 2 triệu bản. Tạp chí lý luận của Đảng là Zenei (Tiền vệ). Ngoài ra, Đảng còn có 10 loại tạp chí, có nhà xuất bản riêng và thông tấn xã JPS([2]).
Về quan hệ đảng, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (3-1998); cải thiện quan hệ với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và 2 Đảng Cộng sản Ấn Độ…
2. Đại hội XXV Đảng Cộng sản Nhật Bản
Đại hội lần thứ XXV Đảng Cộng sản Nhật Bản diễn ra từ ngày 13 đến 16/1/2010, tại thành phố Atami (tỉnh Si-dư-ô-ca, Nhật Bản) với sự tham dự của hơn 1000 đại biểu thuộc các đảng bộ địa phương của 47 tỉnh trên toàn quốc và đại diện các cơ quan ngoại giao của 19 nước trên thế giới tại Nhật Bản (trong đó có Việt Nam). Những nội dung chính của Đại hội là:
- Đại hội đã nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XXIV, thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV, bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá XXV gồm 198 uỷ viên, trong đó có 163 ủy viên chính thức và 35 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XXV đã họp, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 57 uỷ viên; đồng chí Si-i Ca-dư-ô được bầu lại làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch; đồng chí I-chi-đa Ta-đa-i-ô-si được bầu làm Trưởng Ban Bí thư; đồng chí Ô-ga-ta I-a-su-ô được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch.
Về tính chất của thời đại trong thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Nhật Bản nêu rõ: trong quá trình phát triển của thế giới, có nhiều xáo trộn và khúc khuỷu, có lúc xuất hiện những trào lưu ngược dòng, nhưng xu hướng phát triển không tránh khỏi của lịch sử là sự phát triển lên chủ nghĩa xã hội, vượt qua chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản. Trong xu thế đó, những hoạt động vươn tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở các nước tư bản phát triển là nhiệm vụ mới mẻ, mang tính lịch sử trong thế kỷ XXI. Thế kỷ XXI có đặc điểm lớn là sự phát triển của xu thế hướng tới một xã hội mới, vượt qua chủ nghĩa tư bản. Xu thế này bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế và chính trị ở các nước tư bản phát triển, từ những nỗ lực tìm tòi con đường đi của riêng mình hướng tới chủ nghĩa xã hội, từ phong trào rộng rãi của nhân dân các nước Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh đã giành được độc lập về chính trị và phát triển về kinh tế trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản.
Về cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng để giải quyết khủng hoảng, cần có sự điều chỉnh mang tính chất quốc tế và các biện pháp ứng phó về tài chính-tiền tệ; song chủ nghĩa tư bản không có khả năng giải quyết tận gốc chính căn bệnh của mình là khủng hoảng sản xuất thừa.
Về chính sách của Mỹ, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng Mỹ đã thay đổi chính sách đối ngoại độc đoán, đơn phương, coi thường Liên hợp quốc của chính quyền Bush. Tổng thống Obama thừa nhận sai lầm ở chiến tranh I-rắc, ký hiệp định cam kết rút quân đội Mỹ khỏi I-rắc. Đối với vấn đề vũ khí hạt nhân, Đảng Cộng sản Nhật Bản hoan nghênh việc lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân; nhấn mạnh rằng nguyện vọng và phong trào của nhân dân thế giới vì hòa bình là động lực cho sự thay đổi tiến bộ này, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Đảng Cộng sản Nhật Bản lên án mạnh mẽ việc chính quyền Obama gia tăng lực lượng quân sự Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và tăng cường các cuộc ném bom vào các khu vực được coi là căn cứ quân sự của Ta-li-ban tại Pa-ki-stan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của khu vực này, kích thích những cuộc tấn công trả thù của các tổ chức khủng bố. Đảng Cộng sản Nhật Bản kêu gọi Mỹ rút quân đội khỏi khu vực này, tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, mang lại sự ổn định cho khu vực.
Đại hội lần thứ XXV của Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng thể hiện rõ quan điểm đối với tình hình Nhật Bản hiện nay.
Về chính trị, Đại hội nhận định rằng Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn “quá độ” để bước vào một thời kỳ mới, thể hiện ở sự thay đổi chính quyền từ Đảng Dân chủ Tự do sang Đảng Dân chủ và những biến động sẽ diễn ra trong tương lai. Động lực của sự thay đổi này là cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ Nhật Bản, mâu thuẫn giữa nền chính trị của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) với lợi ích của nhân dân Nhật Bản. Kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 8/2009 cho thấy nguyện vọng mạnh mẽ của nhân dân Nhật Bản muốn thay đổi nền chính trị Nhật Bản, chấm dứt sự cầm quyền suốt một thời gian dài của LDP với ba đặc điểm: tô hồng quá khứ xâm lược của Nhật Bản, duy trì chính sách phụ thuộc vào Mỹ và bao che cho sự lộng quyền của giới kinh doanh-tài chính. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày càng trở thành lực lượng đối lập, tích cực đấu tranh để thay đổi nền chính trị ở Nhật Bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Nhật Bản.
Về kinh tế-xã hội, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt tới “một nền kinh tế được điều hành bằng pháp luật”; phê phán cái gọi là “cải cách cơ cấu” do liên minh LDP và Đảng Kô-mêi chủ trương, thực chất là áp đặt chủ nghĩa tự do mới lên nền kinh tế Nhật Bản, ưu tiên bảo đảm lợi nhuận cho các tập đoàn, xí nghiệp lớn, hậu quả là càng đẩy nhanh khoảng cách thu nhập trong xã hội và gia tăng thất nghiệp, làm cho cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn. Đảng cho rằng Chính phủ cần khôi phục vai trò ban đầu của việc thu thuế và các chương trình phúc lợi xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, trong khi các tập đoàn kinh tế lớn phải sử dụng các nguồn dự trữ nội bộ dư thừa vì phúc lợi xã hội chứ không phải vì mục đích cạnh tranh.
Đảng Cộng sản Nhật Bản phê phán tính lạc hậu của những chính sách xã hội của Nhật Bản so với các nước châu Âu, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội như phân biệt đối xử nam nữ, nghèo đói và gia tăng khoảng cách giầu nghèo, đối xử với người lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, quy định về thời gian lao động, tỷ lệ sinh con ở mức thấp, bảo vệ môi trường...
Đối với vấn đề quá khứ lịch sử, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng Nhật Bản cần nhận thức đúng đắn về quá khứ lịch sử, xây dựng quan hệ hòa bình và hữu nghị với các nước Đông Á, chú trọng đến việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Đối với quan hệ Nhật-Mỹ, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh, liên minh quân sự Nhật - Mỹ là không bình đẳng, phụ thuộc và mang tính chất xâm lược; diện tích căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản tăng gấp đôi (từ năm 1980), chi phí của Nhật Bản cho các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật lớn nhất trong số các đồng minh quân sự của Mỹ, sự gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực về an ninh - xã hội của các căn cứ quân sự này đối với xã hội Nhật Bản; kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đàm phán với Mỹ để di chuyển vô điều kiện căn cứ quân sự của Mỹ ở Phư-ten-ma (Ô-ki-na-oa) ra khỏi Nhật Bản, xóa bỏ Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, xây dựng quan hệ thực sự bình đẳng với Mỹ; lên án mạnh mẽ “thỏa thuận ngầm” Nhật-Mỹ về vấn đề hạt nhân đang được dư luận Nhật Bản và thế giới quan tâm.
Đối với việc cử lực lượng phòng vệ của Nhật Bản ra nước ngoài, Đảng Cộng sản Nhật Bản phản đối mọi hình thức đưa quân đội Nhật Bản ra nước ngoài, bao gồm cả việc tham gia chống hải tặc, chống khủng bố quốc tế. Đảng phê phán lập trường của Đảng Dân chủ về việc cho phép đưa quân đội Nhật Bản ra nước ngoài trong trường hợp Liên hợp quốc cho phép.
- Về tình hình Đảng Cộng sản Nhật Bản và cuộc đấu tranh của Đảng:
Về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Đại hội nêu rõ, trong bối cảnh tình hình mới ở trong nước và quốc tế, Đảng Cộng sản Nhật Bản cần quán triệt những nhiệm vụ sau: (i) thúc đẩy nền chính trị Nhật Bản theo hướng tiến bộ; (ii) xóa bỏ sự phụ thuộc của Nhật Bản đối với Mỹ; (iii) xây dựng một nền kinh tế Nhật Bản vận hành theo pháp luật. Đảng Cộng sản Nhật Bản cần tăng cường đấu tranh nhằm bảo vệ người lao động trên các lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cho các xí nghiệp vừa và nhỏ, nông lâm ngư nghiệp, chăm sóc trẻ em, chính sách thuế, bảo vệ môi trường...
Đảng Cộng sản Nhật Bản xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là giành thắng lợi trong bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2010 và bầu cử Hội đồng địa phương. Đảng đặt mục tiêu trước mắt là tăng tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Thượng viện (7/2010) và bầu cử Hội đồng địa phương các cấp (4/2011); phấn đấu đạt trên 6,5 triệu phiếu bầu đối với khu vực bầu cử đại biểu theo tỷ lệ tại bầu cử Thượng viện, đạt tỷ lệ phiếu trên 10% tại tất cả các cuộc bầu cử chính quyền địa phương các cấp và đạt từ 20% đến 30 % số phiếu bầu tại các địa bàn có tổ chức Đảng.
Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội chỉ rõ cần coi trọng việc đào tạo các cán bộ, đảng viên trẻ của Đảng, chuẩn bị đội ngũ kế cận, nâng cao tỷ lệ nữ, các thành viên trẻ và số lượng Ủy viên dự khuyết trong Ban Chấp hành Trung ương; cần tập trung phát triển Đảng trong tầng lớp thanh niên; tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ trương, quan điểm của Đảng trong giới trẻ; sát cánh cùng thanh niên trong cuộc đấu tranh giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và các vấn đề kinh tế-xã hội khác.
Đảng nhấn mạnh đến việc tăng cường vai trò của các chi bộ cơ sở tại địa phương, nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức bộ máy hoạt động của các chi bộ với phương châm “chi bộ là nòng cốt”. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ hoạt động của các chi bộ cơ sở, Đảng phấn đấu kết hợp tăng số lượng đảng viên với việc gia tăng số lượng độc giả của báo Akahata lên 350.000 người đối với báo hàng ngày và 1,6 triệu người đối với báo chủ nhật. Từ Đại hội XXIV đến Đại hội XXV, số lượng đảng viên đã tăng thêm 34.000 người, Đảng hiện có 406.000 đảng viên, đặc biệt, đa số là đảng viên trẻ. So với các đảng khác, mặc dù còn hạn chế số ghế ở Quốc hội, nhưng Đảng Cộng sản Nhật Bản hiện nắm giữ số ghế nhiều nhất tại các hội đồng địa phương (khoảng 3000 ghế).
Về quan hệ đối ngoại của Đảng, Đại hội nhấn mạnh quan điểm của Đảng Cộng sản Nhật Bản là hướng tới một trật tự quốc tế hòa bình trên cơ sở Hiến chương của Liên hợp quốc, phấn đấu giải trừ vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới, phản đối chiến tranh xâm lược, chủ trương giao lưu với các quốc gia trên cơ sở độc lập và tự chủ. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc xác lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau và các nền văn minh có những giá trị quan khác nhau. Trong quá trình giao lưu với các chính phủ và chính đảng, Đảng Cộng sản Nhật Bản không đánh giá đối tác từ một phía mà nghiên cứu quá trình phát triển lý luận và thức tiễn của đất nước đó, thông qua giao lưu và đối thoại chân thành để nâng cao hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng, so với thời điểm tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XXIV, quan hệ đối ngoại của Đảng đã mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu. Đảng đã phát triển quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, khu vực Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, các nước thuộc thế giới Ả-rập. Thông qua việc trao đổi thư từ với Tổng thống Mỹ về vấn đề hạt nhân, Đảng đã thiết lập một con đường liên lạc chính thức với Chính phủ Mỹ. Đảng đã tham dự Hội nghị các chính đảng Châu Á lần thứ 4 (tổ chức tại Xơ-un, Hàn Quốc) và lần thứ 5 (tổ chức tại As-ta-na, Ka-dắc-stan); tham gia với tư cách là quan sát viên các Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 và 15 của Các nước không liên kết.
Những năm gần đây, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã phát triển trao đổi lý luận với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hình thức giao lưu hợp tác mới, có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng và làm sâu sắc quan hệ giữa Đảng Cộng sản Nhật Bản với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ gián tiếp từ năm 1930, nhưng chính thức thiết lập quan hệ từ năm 1960. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã ủng hộ Đảng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 1966, Đảng đã đề xướng thành lập “Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”. Từ năm 1966, Đảng đã đặt cơ quan đại diện Đảng thường trú tại Hà Nội đến tháng 11/1999 và đặt trụ sở báo Akahata thường trú tại Hà Nội từ năm 1960.
Quan hệ hai Đảng trong thời gian qua phát triển hết sức tốt đẹp. Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Nhật Bản (1995); Uỷ viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang dự Đại hội XXII của Đảng Cộng sản Nhật Bản (2000); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nhật Bản (2002, 2009). Về phía Nhật Bản, Chủ tịch T.Phu-oa dẫn đầu Đoàn Đảng Cộng sản Nhật Bản thăm Việt Nam (1999); Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản U-ê-đa Côi-chi-ro dự Đại hội IX của Đảng ta (2001); Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazou Shii thăm chính thức Việt Nam năm 2007.
Giữa hai Đảng đã hình thành cơ chế trao đổi lý luận và đến nay đã tiến hành đuợc hai lần. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11/2007 tại thủ đô Tôkyô, Nhật Bản. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dẫn đầu tham dự. Lần thứ hai được tổ chức vào tháng 9/2008 tại Việt Nam. Đoàn đại biểu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do đồng chí T.Phu-oa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản dẫn đầu tham dự. Qua trao đổi và tiếp xúc, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn khẳng định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, ca ngợi thành tựu mà Đảng ta giành được trong sự nghiệp đổi mới, sự vững vàng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới; đánh giá cao công tác lý luận của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đánh giá cao những thành tựu về xây dựng Đảng và cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động của Đảng Cộng sản Nhật Bản trong suốt chặng đường gần 90 năm qua. Hai Đảng cũng tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong quan điểm về các vấn đề thời đại, các vấn đề quốc tế, cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và CNXH.
Tóm lại, Đảng Cộng sản Nhật Bản là một Đảng cách mạng mạnh, giàu truyền thống, vẫn giữ được bản sắc cộng sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Từ quan điểm “Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới”([3]), Đảng ta chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Đảng Cộng sản Nhật Bản; qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phục hồi, củng cố, đổi mới và phát triển phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thế kỷ XXI.
TRẦN HIỆP
(TS, Ban Đối ngoại trung ương)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, 375 tr.
2. Đỗ Liên Hương, Những nét chính về Đảng Cộng sản Nhật Bản, Tạp chí Đối ngoại, số 4, 2009, tr. 72-75.
3. Nguyễn Văn Lan, Phong trào công nhân ở các nước tư bản hiện nay thực trạng và triển vọng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, 265 tr.
4. Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Lịch sử Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005,221 tr.
5. Đảng Cộng sản Nhật Bản với cải cách dân chủ, Thông Tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 30/12/2004, tr. 8 -12.
6. http: // www. Jcp.or.jp- website của Đảng Cộng sản Nhật Bản.
7. http:// en.wikipedia. org/wiki/japanese- Communist – Party.