Nghiên cứu thời Tiên Tần trong lịch sử triết học Trung Quốc, người ta tập trung vào thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc. Đây là thời kỳ mà những mầm mống tư tưởng triết học vốn xuất hiện và tồn tại trong suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài trước đó đã được “tập đại thành”, hình thành nên các tư tưởng, học thuyết, trường phái triết học tương đối có hệ thống, mở đầu cho cả một thời kỳ phát rực rỡ của tư tưởng - văn hóa Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia láng giềng đến tận ngày nay.
Trong các kinh điển triết học Trung Quốc thời kỳ Tiên Tần, khái niệm “trí tuệ”[智慧] ít được sử dụng, thay vào đó là phạm trù “trí”[智]. Vì thế, hướng nghiên cứu của chúng tôi là làm rõ quan niệm về “trí tuệ” trong triết học Trung Quốc thời Tiên Tần thông qua nghiên cứu quan điểm của một số nhà triết học tiêu biểu thuộc các trường phái lớn là Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, và Binh gia về phạm trù “trí”.
Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu được chúng tôi sử dụng là thống kê - định lượng, phân tích, tổng hợp và hệ thống hóa.
* Quan niệm của Nho gia về “trí tuệ”
Khảo cứu về mặt văn bản học đối với Tứ thư, Ngũ kinh - hệ thống kinh điển chuyển tải tư tưởng triết học của Nho gia thời Tiên Tần, chúng tôi thu được kết quả là trong Tứ thư, chữ “trí” không thấy xuất hiện trong các
sách “Đại học”, “Trung Dung”, “Luận ngữ”. Riêng trong sách “Mạnh tử”, chữ “trí” xuất hiện tất cả 27 lần. Trong Ngũ kinh, chữ “trí”
chỉ xuất hiện 2 lần trong Kinh Thư, 1 lần trong Kinh Lễ và không thấy xuất hiện trong các kinh khác.
Như vậy, để làm rõ quan niệm của Nho gia về “trí tuệ”, cần tập trung vào Mạnh tử và sách “Mạnh tử”.
Mạnh tử (372-289 tr.CN), tên chữ là Kha, tự Tử Dư, người ấp Trâu, nước Lỗ. Ông là thuộc học phái Tăng tử, là học trò của Tử Tư, cháu đích tôn của Khổng tử. Đây là học phái đích truyền Khổng học. Mạnh tử cùng với các học trò là Vạn Chương, Công Tôn Sửu, Nhạc Chính Khắc soạn sách “Mạnh tử”. Sách “Mạnh tử” có tất cả 7 quyển. Sau này Chu Hy phân mỗi quyển thành hai chương thượng và hạ, tổng cộng có 14 quyển.
Nghiên cứu toàn bộ những đoạn văn trong đó Mạnh tử đề cập đến chữ “trí”, ta có thể khái quát quan niệm của Mạnh tử và của Nho gia về “trí tuệ”.
Thứ nhất, Mạnh tử quan niệm “trí tuệ” là năng lực học tập không biết mệt mỏi. Học không biết mệt mỏi là một phẩm chất quan trọng của người quân tử. Bản thân Khổng tử đã thường tự vấn xem ba phẩm chất “mặc nhi thức chi”, “học nhi bất yếm” và “hối nhân bất quyện” có hội đủ trong mình hay không. Trong sách “Mạnh tử” có dẫn lại lời của Tử Cống nói: “Học chẳng chán là trí, dạy dỗ không mỏi mệt là nhân. Đã nhân lại trí, Phu tử là Thánh rồi vậy”[Công Tôn Sửu thượng, 2]. Rõ ràng, trong quan niệm của Nho gia, “học không biết mệt mỏi” vừa là cơ sở hình thành, vừa là một biểu hiện của “trí tuệ” và “trí tuệ” là phẩm chất của Thánh nhân.
Thứ hai, “trí tuệ” là năng lực nhận thức đúng và hành động đúng đắn trước các vấn đề của con người và xã hội. Khi Tề Tuyên vương hỏi Mạnh tử rằng: Giao thiệp với các nước láng giềng cũng có qui tắc chăng? Ông đã trả lời: “Có! Chỉ có người nhân mới biết phép đối đãi với nước nhỏ, nhân danh là nước lớn. Đó là trường hợp vua Thành Thang đối đãi với vua nước Cát, Văn Vương đối đãi với rợ Côn. Chỉ có người trí mới biết phép thờ nước lớn, nhân danh là nước nhỏ. Đó là trường hợp Thái vương thờ vua nước Huân Dục, Câu Tiễn thờ vua nước Ngô”[Lương Huệ Vương hạ, 3]. Quan niệm như trên về “trí tuệ” được Mạnh tử làm rõ thêm như sau: “Lòng trắc ẩn là đầu mối của điều nhân, lòng tu ố là đầu mối của điều nghĩa, lòng từ nhượng là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí”[Công Tôn Sửu thượng, 6]. “Thị” và “phi” tức là “đúng” và “sai”, là “chân lý” và “sai lầm”. Nhận thức và phân biệt rõ “thị” và “phi”, “đúng” và “sai”, “chân lý” và “sai lầm”, để từ đó chọn cách hành xử hợp lý nhất, đó là biểu hiện của người có “trí tuệ”.
Thứ ba, “trí tuệ” là năng lực nhận thức và hành động phù hợp với “đạo tự nhiên”. Quan niệm này thể hiện qua nguyên tắc “hiểu và noi theo tiên vương, thánh nhân”. Khi đánh giá về trí tuệ của các bậc tiên Nho, Mạnh tử đã nói: “Các ông Tể Ngã, Tử Cống, Hữu Nhược đều đủ trí để hiểu rõ thánh nhân, đâu có thấp kém đến độ hùa theo sở thích của mình (mà khen quá lời)”[Công Tôn Sửu thượng, 3]. Hiểu và noi theo tiên vương, thánh nhân là một nguyên tắc căn bản của Nho gia. Nho gia coi các bậc tiên vương như Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, v.v., là các bậc thánh nhân. Muốn xử lý tốt việc đời nay, cần phải hiểu và noi theo tiên vương, thánh nhân. Ngay Khổng tử cũng đã nhiều lần bày tỏ nỗ lực hiểu và noi theo tiên vương, thánh nhân của ông. Nguyên tắc này được gọi là “pháp tiên vương”. Nhiều người đời sau phê phán Nho gia chính ở điểm này, coi Nho gia là những người nệ cổ. Đã là “pháp tiên vương” thì đúng là có sắc thái nệ cổ, song nếu đánh giá một cách công bằng thì trong quan điểm “pháp tiên vương” còn có yêu cầu tổng kết kinh nghiệm của thực tiễn thành công và thất bại trong quá khứ, lấy đó làm điểm tựa để giải quyết những vấn đề của thời hiện tại. Hơn thế, khi đi sâu vào quan điểm của Mạnh tử về “pháp tiên vương” chúng ta sẽ thấy rằng, ông quan niệm “đạo tiên vương” là biểu hiện của “đạo tự nhiên”. Như vậy, hiểu và noi theo tiên vương, thánh nhân chính là hiểu và noi theo “đạo tự nhiên”. Mạnh tử nói: “Vì thế mới nói: Muốn lên cao phải nương theo gò đống, muốn xuống thấp phải nương theo sông rạch. Làm việc chính trị, mà không theo đạo của tiên vương, có thể gọi là trí được chăng? Vậy nên, chỉ có bậc nhân giả mới đáng ở ngôi cao. Kẻ bất nhân ở ngôi cao chỉ gieo rắc điều xấu trong dân chúng thôi...”[Ly Lâu thượng, 1]. Ở đây, Mạnh tử đã quan niệm “trí tuệ” chính là hiểu và hành động phù hợp với quy luật khách quan (cả quy luật tự nhiên và quy luật xã hội). Không phải ngẫu nhiên mà Mạnh tử đã mượn một câu nói của người nước Tề để trình bày tư tưởng của ông: “Dẫu có trí tuệ chẳng bằng thừa thế; có đủ dụng cụ làm ruộng chẳng bằng chờ thời”[Công Tôn Sửu, 1]. “Thừa thế”, hay “chờ thời” chính là nương theo quy luật tự nhiên.
Thứ tư, Mạnh tử quan niệm đạo trong xã hội loài người là đạo “nhân”[仁], vì thế “trí tuệ” là năng lực nhận thức và thực hiện đạo nhân. Trong một số lời phát biểu, ta thấy Mạnh tử đặt “trí” như là một phẩm chất bên cạnh “nhân”. Chẳng hạn, trong chương Ly Lâu thượng, Mạnh tử nói: “Yêu người mà người không thân ái, hãy xét lại lòng nhân của mình. Sai khiến người mà người không phục, hãy xét lại trí sáng suốt của mình. Giữ lễ với người, chẳng được đáp ứng, hãy xét lại thái độ của mình đã đủ cung kính chưa. Làm bất cứ việc gì không được toại nguyện, đều nên xét lại bản thân. Bản thân ngay thẳng, mọi người đều theo về”[Ly Lâu thượng, 4]. Ở đây, “nhân”, “lễ” và “trí” được Mạnh tử coi là những phẩm chất căn bản của người quân tử.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, trong quan niệm của Mạnh tử, “trí” và “nhân” là hai phẩm chất song không “ngang hàng” và không “độc lập” với nhau. Ông quan niệm “trí tuệ” chính là hiểu và thực hiện đạo “nhân”. Học không biết mệt mỏi chính là để đạt tới mục tiêu hiểu và thực hiện đạo “nhân”. Ông nói: “Chỗ thiết thực của điều nhân là thờ cha mẹ, chỗ thiết thực của điều nghĩa là thuận tùng các bậc huynh trưởng, chỗ thiết thực của trí là biết rõ và không bỏ bê hai điều trên, chỗ thiết thực của lễ là sắp đặt hai điều trên cho văn vẻ, chỗ thiết thực của nhạc là vui hòa hai điều trên”[Ly Lâu thượng, 27]. “Trí” ở đây có nghĩa là “biết rõ và không bỏ bê” hai điểu “nhân” và “nghĩa”.
“Nhân” là hạt nhân của toàn bộ học thuyết Nho gia và mục đích đạo “nhân” của Nho gia không chỉ là làm cho “nhân” trở thành một phẩm chất căn bản trong mỗi con người, mà còn phải trở thành một giá trị phổ quát thấm sâu vào mọi quan hệ, mọi thể chế trong xã hội. Nếu mục tiêu cao nhất của Nho gia là kiến tạo thành công “con người quân tử” và “xã hội đại đồng” thì xét về thực chất, đó đều là những hình thức thể hiện của “nhân”. Cho nên, khi xác định “trí tuệ” tức là hiểu và thực hiện đạo “nhân”, Mạnh tử đã đưa ra một yêu cầu rất cao đối với nhận thức và hành động của các chủ thể. Quan niệm này của Mạnh tử là sự tiếp nối mạch nguồn đã bắt đầu từ Khổng tử. Khổng tử đã từng nói: “Xóm làng chẳng lấy nhân hậu làm tốt đẹp. Chọn nhà để ở mà không đặc biệt quan tâm đến điều nhân, sao gọi là có trí? Ôi, nhân là tước vị cao quý của trời ban cho, là căn nhà yên ổn cho người cư ngụ vậy. Không ai ngăn cản, vậy mà cứ ăn ở bất nhân, là kẻ bất trí vậy. Bất nhân, bất trí, vô lễ, vô nghĩa, người như thế chỉ làm đầy tớ người thôi”[Công Tôn Sửu thượng, 7].
Cần nói thêm là “trí” có quan hệ mật thiết với “nhân”, là một bước trên con đường đi tới “nhân”, song nó không đồng nhất với “nhân”. Nếu xếp theo thứ bậc, nó thấp hơn, cũng giống như “trí giả” ở bậc thấp hơn “thánh nhân”. Mạnh tử từng so sánh: “Trí giả ví như người bắn giỏi, thánh nhân ví như người bắn mạnh. Cũng như trong một cuộc thi bắn cách xa trăm bước, bắn tới đích là nhờ sức mạnh, bắn trúng đích không phải nhờ sức mạnh vậy”[Vạn chương hạ, 1].
Thứ năm, có một điều không thể không nhấn mạnh trong quan niệm của Mạnh tử về “trí tuệ”, đó là yêu cầu phải tạo nên những sự nghiệp vĩ đại. Ở trên ta đã nói đến yêu cầu của Mạnh tử về “học không biết mệt mỏi”, về hiểu và hành xử đúng với lẽ “thị, phi”, về hiểu và hành xử phù hợp với đạo của tự nhiên và đạo của xã hội, tức là trong quan niệm của Mạnh tử về “trí tuệ” thì “tri” và “hành” không tách rời nhau. Song cần phải nhấn mạnh thêm là Mạnh tử đặc biệt chú ý đến hành động và hiệu quả của hành động. Ở trên chúng ta đã nhắc đến quan niệm của Mạnh tử cho rằng nhân, nghĩa, lễ, trí là bốn đầu mối lớn của con người, thì ở đây cần nói rõ thêm là Mạnh tử yêu cầu phải làm sao “khuếch trương” bốn đầu mối ấy để tạo nên những sự nghiệp lớn. Ông nói: “Hễ đã có bốn đầu mối đó ở nơi ta, ai cũng biết khuếch trương chúng lên, cho thật sung mãn, như lửa mới nhúm, như suối mới vọt ra. Nếu có thể khiến chúng sung mãn, ắt đủ bảo bọc người trong bốn biển; nếu không thể khiến chúng sung mãn, chẳng đủ thờ cha mẹ”[Công Tôn Sửu thượng, 6]. Ở một chỗ khác, khi bàn về một nhân vật lịch sử là Bá Lý Hề, một hình mẫu của bậc trí giả thời loạn, Mạnh tử đã nói: “[Bá Lý Hề] biết rằng Ngu công là người không thể can ngăn, ông bỏ sang nước Tần, lúc đó đã bảy mươi tuổi rồi. Từng ấy tuổi mà không hiểu rằng dựa vào việc nuôi bò để tiến thân với Tần Mục công là ô nhục, sao đáng gọ là người trí? Với người không thể khuyên can, nên không khuyên can, có thể bảo là bất trí được chăng? Biết rằng Ngu công sắp mất, mà bỏ đi từ trước, không thể bảo là bất trí vậy. Lúc được cất nhắc ở nước Tần, biết rằng Mục công là người có thể cùng làm việc, nên làm tướng giúp cho, có thể bảo là bất trí được chăng? Làm tướng nước Tần, khiến cho vua hiển danh trong thiên hạ, lưu truyền tới đời sau, kẻ kém tài năng có thể làm được sao?”[Vạn chương thượng, 9]. Rõ ràng, “trí tuệ” trong quan niệm của Mạnh tử không phải chỉ là học như thế nào, hiểu cái gì, mà quan trọng hơn cả là hành động và kiến tạo nên cái gì. Hội tụ đủ những dấu hiệu như thế mới có thể coi là có “trí tuệ”.
Cuối cùng, khi bàn về “trí tuệ”, Mạnh tử cũng phê phán biến dạng của “trí tuệ” là “trí xảo”, tức là lợi dụng năng lực tư duy để xuyên tạc sự thật, đảo lộn đúng sai, ngụy tạo những điều trái với đạo (quy luật) tự nhiên và xã hội. Ông yêu cầu phải xây dựng và phát huy “trí tuệ” chân chính, nghĩa là năng lực nhận thức và hành động phù hợp với quy luật. Ông nói: “Người ta có nói về bản tính chỉ cốt xét tới những điều sẵn có mà thôi. Mà gốc của điều sẵn có là ở chỗ thuận tiện. Sở dĩ người ta ghét trí, là ghét ở chỗ xuyên tạc mà thôi. Nếu người trí mà được như vua Hạ Vũ khơi nước chảy, thì trí chẳng có gì đáng ghét cả. Vua Hạ Vũ (chỉ thuận theo bản tính của nước) chẳng bày đặt việc gì. Nếu người trí cũng không bày đặt việc gì, thì trí cũng là to tát vậy. Trời cao lồng lộng, các ngôi sao trên trời xa tít, nhưng nếu ta tìm hiểu những điều sẵn có, thì ta có thể ngồi một chỗ mà tính đúng ngày đông chí, ngàn năm sau cũng không hề sai”[Ly Lâu hạ, 26]. Chính ở điểm này, ta thấy rằng Mạnh tử nói riêng, Nho gia nói chung thực chất không phải là đối lập mà là cũng quan điểm với Lão tử về “trí tuệ”.
* Quan niệm của Đạo gia về “trí tuệ”
Nghiên cứu quan niệm của Đạo gia về “trí tuệ”, chúng tôi tập trung vào trường hợp Lão tử và “Đạo đức kinh”.
Lão tử họ Lí tên Nhĩ, tự là Đam, người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở. Tác phẩm mà ông để lại trước khi đi ở ẩn là “Đạo đức kinh”. Thông tin về cuộc đời ông và tác phẩm của ông có nhiều điểm tồn nghi. Tuy nhiên, có một thực tế là trong suốt một thời kỳ lịch sử rất lâu dài đã qua, tên tuổi Lão tử và tác phẩm “Đạo đức kinh” đã giữ vai trò là linh hồn của Đạo gia.
Nghiên cứu văn bản học tác phẩm “Đạo đức kinh” chúng tôi thấy chữ “trí” xuất hiện tất cả 9 lần. Nghiên cứu các đoạn văn mà chữ “trí” xuất hiện trong đó, có thể hiểu được một phần quan trọng quan niệm của ông về “trí tuệ”.
Thứ nhất, Lão tử không đánh giá cao vai trò của “trí” trong xã hội. Lão tử quan niệm: “Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí tuệ xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung”[chương 18]. Như vậy, tuy “trí tuệ” không trực tiếp gây hại, song từ nó mà sinh ra “trá ngụy” là điều có hại cho xã hội. Trên phương diện cai trị quốc gia, Lão tử cho rằng: “Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí. Cho nên dùng trí để trị nước là cái họa cho nước, không dùng trí để trị nước là cái phúc cho nước”[chương 65]. Từ quan niệm như thế, Lão tử chủ trương chính sách cai trị phải hạn chế, thậm chí loại bỏ trí tuệ. Ông nói: “Dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt xảo bỏ lợi, không có trộm giặc”[chương 19]. Bỏ trí tuệ thì dân được lợi. Bỏ trí tuệ thì kẻ có trí tuệ không dám nổi lên. Lão tử khẳng định rằng cái trị của Thánh nhân là làm cho dân: “lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu, xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí giả thì không dám hành động. Theo chính sách “vô vi” thì mọi việc đều trị”[chương 3].
Như vậy, quả thật Lão tử chủ trương coi thường trí tuệ. Nhưng trí tuệ mà Lão tử coi thường, vứt bỏ có nghĩa là gì?
Thứ hai, để làm rõ quan niệm của Lão tử về “trí tuệ”, cần phải bắt đầu từ quan niệm của ông về Đạo. Học thuyết về Đạo của Lão tử rất tinh vi, thậm chí có chỗ huyền bí. Ông cho rằng, Đạo là “mẹ của vạn vật”, nó có tính “đại”, tính “thường”, nó “vô sắc”, “vô thanh”, “vô hình”, nó “chất phác”, “tự nhiên” và “phản phục”. Tóm lại, trong tư tưởng của Lão tử, Đạo là bản nguyên và là quy luật vận hành của vũ trụ. Lão tử đặc biệt sùng bái Đạo, sùng bái cả các đặc tính của Đạo như chất phác, tự nhiên. Ông cho rằng, tất cả những gì con người tạo ra đều trái với sự chất phác, tự nhiên, tức là đều trái với Đạo, là đánh mất Đạo. Ông nói: “Cho nên Đạo mất rồi sau mới có “đức”, “đức” mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn”[chương 38]. Ngay cả ngôn từ, tư tưởng - sản phẩm trí tuệ của con người - cũng là sự xuyên tạc Đạo. Ngay đầu sách “Đạo đức kinh” ông đã nói: “Đạo khả đạo phi thường Đạo; Danh khả danh phi thường Danh”[chương 1]. Như vậy, thực chất Lão tử phản đối và đòi vứt bỏ tất cả những gì do con người tạo ra, kể cả ngôn từ, tư tưởng, tức là trí tuệ, trái với Đạo, trái với tự nhiên.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa không phải Lão tử vứt bỏ mọi loại “trí tuệ”!
Để làm rõ thêm ý này, chúng ta cần chú ý đến thuyết “vô vi” của Lão tử. Khi nói về Đạo, Lão tử đặc biệt nhấn mạnh một đặc tính của nó là “vô vi”. Ông nói: “Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi), mà không gì không làm (vô bất vi); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa. Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ ổn định”(chương 37). Như vậy, Lão tử chủ trương “vô vi”, nhưng là để hướng tới “vô bất vi”. Nói cách khác, Lão tử phản đối “hữu vi”, nhưng là phản đối “làm” những gì trái với tự nhiên để hướng tới “làm” những gì thuận theo tự nhiên. Làm những gì thuận theo tự nhiên thì dường như là không làm, nhưng lại là làm nhiều nhất - không gì không làm.
Với mạch tư duy như thế, nếu quan niệm “trí tuệ” cũng là một hình thức của “vi”, thì với chủ trương “vô vi”, Lão tử cũng sẽ chủ trương “vứt bỏ trí tuệ”, nhưng là để hướng tới “vô bất vi”, tức là hướng tới “trí tuệ cao nhất”. Quả thật, trong “Đạo đức kinh”, Lão tử đã phân biệt “trí” và “đại trí”, “trí tuệ” và “đại trí tuệ”. Một trường hợp của “trí” được Lão tử xác định: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, tức là: “Kẻ biết người là người có trí, kẻ tự biết mình là người sáng suốt”[chương 33]. Còn về “đại trí”, ông nói: “Phác tán tắc vi khí, thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng, cố đại trí bất cát”, tức là: “Gỗ chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng; thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên kẻ đại trí thì không chia cắt chi li”[chương 28].
Thứ ba, như vậy là về thực chất, Lão tử chủ trương vứt bỏ thứ trí tuệ không phù hợp, thậm chí xuyên tạc Đạo, nhưng đồng thời lại đề cao thứ trí tuệ phù hợp, trung thành với Đạo. Lão tử không bàn sâu về trí tuệ, nhưng rõ ràng, ta có thể thấy ông mong muốn con người phải đạt tới đại trí tuệ. Với chủ trương “vô vi nhi vô bất vi”, tức là chủ trương nhấn mạnh nhiều đến hành động, nội hàm của “trí tuệ” theo quan niệm của Lão tử cũng tập trung nhiều hơn vào hành động phù hợp với Đạo, hơn là nhận thức phù hợp với Đạo.
Sinh thời Lão tử phê phán nhiều quan niệm của Nho gia, nhưng với quan niệm cho rằng trí tuệ cao nhất là nhận thức và hành động hợp với đạo tự nhiên, thì về thực chất, Lão tử lại có chung quan điểm với Nho gia.
* Quan niệm của Pháp gia về “trí tuệ”
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ quan niệm của các nhà tư tưởng thuộc phái Pháp gia như Thương Ưởng, Thận Đáo, Thân Bất Hại và đặc biệt là Hàn Phi tử. Chúng tôi chỉ lựa chọn nghiên cứu trường hợp Tuân tử. Ông là nhà Nho, nhưng tư tưởng của ông lại mở đầu cho phái Pháp gia sau này - ông chính là thầy học của Hàn Phi tử, người đã tập đại thành tư tưởng Pháp gia.
Tuân tử (298-238 tr.CN), họ Tuân, tên Huống, tự là Khanh, người nước Triệu. Tư tưởng của ông được trình bày trong tác phẩm có tên là “Tuân tử”.
Trong sách “Tuân tử” có tất cả 9 lần chữ “trí” xuất hiện. Khái quát lại, có thể thấy quan niệm của Tuân tử về “trí” như sau:
Thứ nhất, Tuân tử quan niệm “trí tuệ” là năng lực nhận thức phù hợp với thế giới, sự vật. Ông phân biệt “tri” và “trí” để làm nổi bật nội hàm của “trí”: “Năng lực dùng để nhận thức sự vật mà con người vốn có gọi là “tri”, năng lực nhận thức của con người phù hợp với sự vật ở thế giới bên ngoài gọi là “trí”. Năng lực dùng để thích ứng với ngoại vật mà con người vốn có gọi là “năng” (bản năng). Bản năng phù hợp với thế giới sự vật gọi là năng (tài năng)”[chương Chính danh]. Có thể nói, Tuân tử là nhà triết học đã đưa ra quan niệm rõ ràng nhất về “trí tuệ”. Trong quan niệm ấy, tính chất duy vật thể hiện khá rõ.
Thứ hai, để có được trí tuệ, con đường duy nhất là học tập. Tuân tử chia kết quả học tập thành ba hạng là kẻ sĩ, quân tử và thánh nhân. Đây đồng thời cũng là những trình độ biểu hiện khác nhau của trí tuệ. Trong chương Nho hiệu, Tuân tử viết: “(Có người hỏi:) tôi muốn từ thấp hèn biến thành cao quý, từ ngu xuẩn biến thành thông minh (trí tuệ), từ bần hàn biến thành giàu sang, có thể được chăng? Trả lời rằng: đại khái chỉ có dựa vào học tập mà thôi. Việc học tập này: đã học được “đạo” lại có thể thực hành nó, gọi là kẻ sĩ; đối với “đạo” có thể ngưỡng mộ một cách thành thực, gọi là quân tử; có thể hiểu được thực chất của “đạo”, gọi là thánh nhân”.
Thứ ba, trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với con người và xã hội.
Đối với mỗi cá nhân, nếu không có trí tuệ, hoặc hiểu sai về trí tuệ, thì hậu quả thật to lớn. Trong chương Vinh nhục, Tuân tử nói: “Tất cả những người thích đấu tranh nhất định đều cho rằng mình là đúng, còn người khác là không đúng. Nếu như mình quả thực là đúng, người khác quả thật là không đúng, như thế tức là nói rằng mình là quân tử còn người khác là tiểu nhân; đem “quân tử” và “tiểu nhân” ra mà tiến hành đấu tranh, tàn hại lẫn nhau. Đối với bên dưới đã quên mất sinh mệnh của mình, đối với bên trong đã quên mất người thân của mình, đối với bề trên đã quên mất quân chủ của mình, như thế lẽ nào không phải là thua một cách thảm hại hay sao!... còn có thể coi đó là minh trí được hay sao?”.
Ở quy mô xã hội, cùng với một số phẩm chất khác ưu tú khác, trí tuệ được Tuân tử coi là điểm tựa để có thể thu phục, bình thiên hạ. Ông nói: “Trời sinh ra biết bao người, mỗi người đều có được đạo lý về địa vị của mình. Tư tưởng ý thức đặc biệt tốt đẹp, đạo đức phẩm hạnh đặc biệt cao dày, tư duy trí tuệ đặc biệt thông minh mẫn tiệp, đây là những điểm tựa mà thiên tử dùng để thu phục thiên hạ”[1].
Nhìn tổng thể, tuy Tuân tử không đi sâu bàn luận về trí tuệ, song những quan điểm của ông về vấn đề này lại khá rõ ràng và lôgic. Đây là cơ sở quan trọng để sau này học trò ông là Hàn Phi tử tiếp tục xây dựng nên học thuyết Pháp trị mang tính duy lý sâu sắc.
* Quan niệm của Binh gia về “trí tuệ”
Nói đến Binh gia, người ta nghĩ ngay đến “Binh pháp Tôn tử”. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều nhất trí với nhau rằng, Tôn tử binh pháp là một bộ binh thư, đồng thời cũng là một tác phẩm triết học - triết học thực tiễn, triết học quân sự, triết học ứng dụng. Đồng thời, theo chúng tôi, đây cũng là tác phẩm phản ánh những quan điểm cơ bản của Binh gia về trí tuệ.
Trong “Binh pháp Tôn tử”, Tôn Vũ xác định việc binh là việc lớn của quốc gia, là chốn sinh tử, là đạo tồn vong, bởi thế không thể không xem xét kỹ lưỡng. Mục tiêu cao nhất của việc binh là giành thắng lợi, nhưng chính vì tầm quan trọng của nó, Tôn Vũ cho rằng, thượng sách là đánh bằng mưu kế, thứ đến là đánh bằng ngoại giao, kế đó là đánh bằng quân lực và hạ sách là đánh phá thành lũy. Muốn giành thắng lợi trong việc binh, khi mà thượng sách là đánh bằng mưu kế, bằng ngoại giao, thì rõ ràng “trí” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Quan điểm coi trọng chữ “trí” của Tôn Vũ thể hiện ngay trong chương mở đầu của “Binh pháp Tôn tử”. Ông xác định năm nhân tố lớn cần cân nhắc trong chiến tranh, đó là Đạo, Thiên, Địa, Tướng và Pháp. Đạo là làm cho trên dưới đồng lòng, cùng sinh cùng tử; Thiên là thời tiết như ngày đêm, nóng lại, v.v.; Địa là sự xa gần của vị trí địa lý, dự khó dễ của địa hình, v.v.; Pháp là mệnh lệnh, kỷ luật, quân nhu, quân cụ. Tất cả xoay quanh nhân tố trung tâm là Tướng. Theo Tôn Vũ, Tướng phải là người hội đủ năm phẩm chất cơ bản là trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Như vậy, “trí” chính là phẩm chất hàng đầu của người làm tướng - là nhân tố trung tâm của việc binh. Trong “Binh pháp Tôn tử”, ta thấy xuất hiện những khái niệm như “trí tướng”, “trí giả”, “trí danh”, v.v., tất cả đều được dùng để chỉ vị tướng có “trí”.
Trong “Binh pháp Tôn tử”, “trí” được Tôn Vũ quan niệm bao gồm hai cấp độ:
Thứ nhất, là “trí tuệ” theo nghĩa rộng, tức là năng lực nhận thức và hành động phù hợp với quy luật. Quy luật mà Tôn Tử đề cập đến trong “Binh pháp Tôn tử” bao gồm từ các quy luật của tự nhiên và các quy luật của chiến tranh. Tất cả đều mang tính biện chứng sâu sắc. Tôn Tử sử dụng phạm trù “biến” để diễn đạt tính biện chứng của quy luật tự nhiên và quy luật chiến tranh. Cái gọi là “phù hợp” với quy luật ở đây chính là phù hợp với bản tính biện chứng khách quan này.
Thứ hai, là “trí mưu” tức là mưu lược để giàng thắng lợi cụ thể trong chiến tranh. Nếu ở cấp độ thứ nhất, “biến” là phẩm chất cần có của “trí”, thì đến cấp độ thứ hai, biểu hiện cụ thể của “biến” là “trá”, “ngụy”. Tôn Vũ nói: “Binh bất yếm trá”, và “Binh giả, nguỵ đạo dã”. Cái gọi là “trá”, “ngụy” ở đây thực chất là năng lực tư duy và hành động ở trình độ rất cao trên cơ sở đã nắm chắc tình hình thực tế của hai bên và các quy luật biến hóa của tự nhiên và của chiến tranh.
Nếu so sánh quan niệm của Binh gia “trí tuệ” với quan niệm của các trường phái khác ta có thể thấy tính chất thực tế, thực dụng là đặc điểm nổi bật.
*
* *
Những luận điểm của các nhà triết học bàn về “trí” tuy chưa phải là căn cứ đầy đủ, song cũng là căn cứ cơ bản, quan trọng để khái quát nên quan niệm của họ về “trí tuệ”. Với tinh thần như thế, có thể sơ bộ xác định nội dung quan niệm về “trí tuệ” của các nhà triết học tiêu biểu thời Tiên Tần như sau:
Thứ nhất, trí tuệ là năng lực nhận thức chân thực, đến tận bản chất và quy luật của hiện thực khách quan bên ngoài con người và trong chính bản thân con người.
Thứ hai, trí tuệ là năng lực hành động phù hợp với nhận thức chân thực đã có về hiện thực.
Thứ ba, trí tuệ thể hiện ở những kỳ tích trong hiện thực (như thực hiện được đạo nhân, xây dựng nên người quân tử, xây dựng nên xã hội đại đồng, thu phục được cả thiên hạ, giành thắng lợi trong những cuộc chiến tranh, v.v..).
Thứ tư, trí tuệ hoàn toàn có thể bồi đắp, xây dựng nên, chứ không phải là năng lực sẵn có, bất biến.
“Ôn cố tri tân” - nghiên cứu quan niệm triết học truyền thống góp phần cung cấp cơ sở tư tưởng, lý luận cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề xây dựng, phát huy nguồn lực trí tuệ, phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước hiện nay.
LẠI QUỐC KHÁNH
(TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Hy: Tứ thư tập chú, Nxb. VHTT., Hà Nội, 1998.
2. Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. VHTT, Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Hiến Lê: Lão tử - Đạo đức kinh, Nxb. VH, Hà Nội, 1994.
4. Võ kinh thất thư, Nxb. CAND, Hà Nội, 1998.
5. Tuân tử toàn thích, Tam Hoàn xuất bản xã xuất bản, Hồ Nam, 1991.
6. Phan Ngọc (dịch): Hàn Phi tử. Nxb. VH, Hà Nội, 2001.
7. Mặc tử, Trung Hoa phường chức xuất bản xã, Bắc Kinh, 2007.