Trang chủ

SO SÁNH DÂN CA CỦA NGƯỜI VIỆT VỚI DÂN CA CỦA NGƯỜI HÀN

Đăng ngày: 10-08-2014, 22:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 1

Dân ca có nguồn gốc từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người bình dân nên nội dung, hình thức và chức năng của dân ca rất phong phú, đa dạng. Chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều nền văn hoá những bài dân ca nói về cuộc sống của người bình dân bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất trí tuệ, sống động.

Dân ca là cầu nối tạo nên sự giao lưu tình cảm giữa người với người, là phương thức người dân hai nước Việt Nam, Hàn Quốc có thể cảm nhận thế giới tự nhiên và nhận thức xã hội, gửi gắm ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, hy vọng vượt qua những khó khăn…

Trong quá trình nghiên cứu, so sánh về dân ca của người Việt với dân ca của người Hàn, chúng tôi chủ yếu dựa vào những bài dân ca của người Hàn được Kim Hung Gyu giới thiệu trong Tìm hiểu văn học Triều Tiên do Trần Hải Yến dịch, đây là nguồn tư liệu hữu ích giúp chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.

So sánh thể loại dân ca của người Việt và dân ca của người Hàn ngoài mục đích thấy được sự tương đồng, khác biệt về nội dung, còn nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn về nghệ thuật – nghệ thuật diễn xướng của dân gian hai nước Việt Nam, Hàn Quốc.

1. Sự tương đồng về nội dung và nghệ thuật

Dân ca Việt Nam, Hàn Quốc cũng như các loại hình nghệ thuật khác được sáng tạo do nhu cầu của hiện thực đời sống lịch sử, xã hội, nằm trong quỹ đạo sáng tạo nghệ thuật của loại hình trữ tình dân gian các dân tộc trên thế giới. Dân ca của người Việt và người Hàn gắn với nghi lễ phong tục bởi dân gian hai nước gửi gắm niềm tin lớn vào các lực lượng siêu nhiên, vào các lời ca khẩn nguyện, cầu phúc, cầu yên.

Người Việt có những bài ca khẩn nguyện tồn tại dưới dạng đồng dao như:

- Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

- Lạy ông nắng lên

Cho trẻ nó chơi

Cho già bắt rận

Cho tôi đi cày(1)

Người Hàn cũng thể hiện mong mỏi, khát vọng thường ngày qua những bài ca nghi lễ hát tạ ơn các đấng tự nhiên hay cầu nguyện các thế lực siêu nhiên để tán tụng và tạ ơn, Quy chỉ ca (Bài ca đầu rùa) là một trong những bài ca tiêu biểu. Bài ca này chứa đựng nội dung khẩn thiết cầu mong, chờ đợi người cai trị mới: “Rùa ơi! Rùa hỡi! Đầu hãy hiện ra! Nếu mà không hiện, sẽ nướng ăn mà”.(2) Trong Văn học sử Hàn Quốc (từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX), tác giả đã chỉ rõ: “Quy chỉ ca là bài ca đã thể hiện được tư tưởng và tình cảm của dân chúng ở vào thời kỳ sớm nhất.”.(3)

Do được sáng tác theo phương thức truyền miệng nên bài ca trên có dị bản, điều này thể hiện qua thần thoại về đất nước Kaya. Thần thoại Đất nước Kaya được giới thiệu trong Truyện cổ Hàn Quốc có lời của bài dân ca Quy chỉ ca cùng với lời cầu nguyện có được người trị vì đất nước tài năng và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho muôn dân nhưng không hoàn toàn giống như lời bài dân ca đã nói ở trên: “Hãy cho dòng nước hiện ra. Nếu không để lộ dòng nước thì ta sẽ nướng ăn…”(4). Sự xuất hiện bài ca đã kết hợp được nhiều yếu tố thần thoại và dị bản của nó cho thấy sự thay đổi trong quá trình lưu truyền trong dân gian. Đó cũng là đặc điểm chung, xuất hiện ở các thể loại của văn học dân gian hai nước Việt Nam, Hàn Quốc.

Những bài ca thời vụ cũng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, phản ánh trên những nét lớn tập quán làm ăn của nông dân Việt Nam. Kinh nghiệm trồng trọt các loại cây phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên và đặc điểm của các loại cây trồng đã giúp người Việt có cuộc sống no ấm hơn:

“Tháng tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm.

Sáng ngày đem lúa ra ngâm,

Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra…”(5)

Những bài ca thời vụ phản ánh tính chất vất vả của lao động nông nghiệp, ca ngợi tinh thần lao động cần cù, chịu khó của người dân và mỗi bài đều ẩn chứa ước mơ về một cuộc sống sung túc. Người Hàn cũng có bài dân ca về lao động sản xuất, tiêu biểu có bài do những người lao động hát trong lúc xay lúa. Bài ca này có sự kết hợp giữa công việc, động tác và tình cảm của con người với tình yêu gia đình, thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ:

Tolk’ kodong, ta đang xay lúa, h’ae.

Mặc dù lúa không tốt lắm, hiae,

Đầu tiên là mang biếu cha mẹ, hiyahae,

Còn lại, mới để ăn, hiyahae.(6)

Cảnh xay lúa của người xưa rất vất vả, mệt nhọc bởi cách thức còn đơn giản, phải dùng toàn bộ sức lực và sự khéo léo của đôi bàn tay nhưng khi cất lên những lời ca thì công việc trở nên nhẹ nhàng hơn, hào hứng hơn. Những người cùng làm cùng hát cũng trở nên gắn bó và yêu thương nhau hơn. Điều đó chứng tỏ những bài dân ca hình thành và phát triển trong lao động, đồng thời có tác dụng trở lại đối với lao động, không thể tách rời với đời sống tinh thần của người Việt và người Hàn.

Theo Kim Hung Gyu dân ca Hàn Quốc được chia thành hai loại: dân ca chức năng và dân ca phi chức năng, trong đó dân ca chức năng là những bài hát phụ họa cho lao động sản xuất, các nghi lễ tôn giáo và ru con. Như vậy, dân ca của người Hàn cũng có những bài hát ru. Đây là điểm tương đồng về nội dung, về các loại bài ca của dân gian hai nước. Mặc dù trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chưa có một bài dân ca cụ thể vào về hát ru của người Hàn được dịch sang tiếng Việt nhưng qua nhận xét và sự phân loại dân ca Hàn Quốc của Kim Hung Gyu thì chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định: người Hàn cũng có dân ca hát ru và đây là nét tương đồng về nội dung với dân ca với người Việt.

Ở Việt Nam, mỗi địa phương có một điệu hát ru riêng nhưng cùng chung chức năng. Bằng làn điệu êm ả và giọng hát ấm áp, nhẹ nhàng, những bài hát ru nhanh chóng đưa trẻ vào giấc ngủ yên bình. Nội dung của những bài dân ca này trước hết là tình cảm yêu thương của mẹ, của bà dành cho trẻ. Qua những lời ru, người mẹ có thể gửi gắm, thổ lộ tâm tư, tình cảm, những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Do đó, tìm hiểu về hát ru chính là tìm hiểu về những cung bậc tình cảm của người mẹ. Người mẹ hát ru con nhưng cũng là tự ru mình và khuyên răn những người xung quanh:

“Bồng bồng mẹ bế con sang,

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”(7)

Đi liền với những lời hát trong dân ca là những cử chỉ, động tác thể hiện tình cảm. Khi hát ru thì bàn tay nhẹ nhàng đưa nôi, đưa võng – nơi em bé nằm, mỗi nhịp đưa trùng với nhịp lời hát để tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho trẻ. Khi hát ru, hầu hết chỉ có một người hát để trẻ không bị chi phối bởi sự khác nhau giữa các giọng hát. Lời hát luôn chứa đựng tình cảm tha thiết, ngọt ngào. Nhưng khi hát những bài ca lao động thì có thể một người hát và nhiều người hát. Trong lao động, nhiều người hát sẽ có tác dụng cao hơn một người hát vì nó làm tăng không khí vui tươi, nhộn nhịp, tạo cảm giác thoải mái, lạc quan và tăng thêm sức mạnh để hoàn thành tốt công việc, ngoài ra, tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia cũng được nâng cao. Cho nên phương thức diễn xướng các bài ca nêu trên của người Việt và người Hàn luôn tạo ấn tượng.

Hò giã gạo của người Việt cho thấy người Việt xưa chủ yếu giã gạo chày tay cũng giống như người Hàn xưa xay lúa bằng tay được đề cập đến trong bài ca dao đã dẫn ở trên:

“Thiếu tay nên phải cầm chày,

Hò lên ba tiếng dở hay đừng cười!”(8)

Hành động giã gạo của người Việt hay xay lúa, giã gạo của người Hàn được nẩy sinh đầu tiên do nhu cầu phối hợp động tác, làm giảm nhẹ sức lao động của những người thực hiện công việc giã gạo, xay lúa. Nhưng qua thời gian, nó đã vận động theo xu hướng trữ tình hóa và đều có phương thức xướng – xô trong diễn xướng. Bài dân ca được hát trong lúc xay lúa, giã gạo của người Hàn trong quá trình diễn xướng, người hát thường sử dụng và lặp đi lặp lại điệp từ h’ae, hiae, hiyahae; unghae ya…

Unghae ya,

Unghae ya.

Nhanh lên nào,

Unghae ya.

Lúa mạch này,

Unghae ya.

Gĩa nào,

Unghae ya.

Hãy chăm sóc,

Unghae ya.

Người già trong làng,

Unghae ya.

Nhanh lên nào,

Unghae ya.

Hò dô!

Unghae ya.

(Pori t’ajak norae – Bài ca giã lúa mạch)(9)

Trong hát Dô của người Việt khi diễn xướng có một từ được lặp đi lặp lại chủ yếu là từ huầy dô, huậy dô hoặc huầy dô huầy, huậy dô huậy, còn trong Quan họ Bắc Ninh, các điệp từ, điệp ngữ đã làm cho người hát thể hiện được tất cả những tình cảm thiết tha, sâu nặng của mình:

“Người ơi! Người ở đừng về,

Người ơi! Người ở đừng về,

Người về em vẫn (i i i i i)

(Có mấy) khóc (i) thầm.

Đôi bên (là bên song như) vạt áo.

(Mà này cũng có a ướt đầm)

Ướt đầm (ư) như mưa.

Người ơi! Người ở đừng về,…”(10)

Như vậy cả người Việt và người Hàn đều sử dụng các điệp từ để tạo nên âm điệu, tính nhạc mang sắc thái riêng của dân ca. Các điệp từ có vị trí, ý nghĩa quan trọng không thể thiếu và qua đó người nghe có thể nhận biết được các làn điệu dân ca của từng địa phương, vùng miền khác nhau.

2. Sự khác biệt về nội dung và nghệ thuật

Mặc dù tư liệu về dân ca của người Hàn mà chúng tôi có được để so sánh, tìm ra sự khác biệt về nội dung và nghệ thuật của dân ca người Hàn và dân ca người Việt còn rất hạn chế, tuy nhiên chúng tôi cũng mạnh dạn chỉ ra những sự khác biệt về dân ca của hai dân tộc Việt – Hàn qua một số đặc điểm tiêu biểu như sau:

+ Tâm tư, tình cảm của dân gian được gửi gắm qua dân ca

Dân ca Việt Nam nói nhiều về tình yêu nam nữ. Người dân Việt Nam rất giàu tình cảm và đều thiết tha có được hạnh phúc trong yêu đương. Đây cũng là đặc điểm của dân ca Hàn Quốc nhưng so sánh bài dân ca hát trong lúc xay lúa, giã gạo của người Hàn với những bài hò giã gạo của người Việt thì tâm tư, tình cảm của dân gian Việt và dân gian Hàn được gửi gắm qua bài dân ca lại mang những nét khác biệt.

Hò giã gạo phổ biến vào những đêm xong mùa, rỗi rãi, nhất là những đêm có trăng, trong các làng, các xóm của người Việt xuất hiện nhiều đám cối giã với những lời đối đáp vui nhộn, tình cảm. Mỗi cối hò thường có nam và nữ. Hò giã gạo bao gồm: hò mời, hò gần, hò ân tình và hò xa cách. Tất cả đều là những lời của trai gái đối đáp để thách thức, làm quen, để trao nhau những lời hẹn ước, thể hiện sự gắn bó sắt son, niềm tin và hy vọng… Nói chung, tình yêu là đề tài phổ biến, chủ yếu của hò giã gạo của người Việt. Các chàng trai, cô gái nói đến những khó khăn trong tình duyên, đó là sự cấm đoán của cha mẹ. Thử thách và khó khăn ấy cần có sự can đảm, quyết tâm của hai bên để vượt qua và đến được bến bờ hạnh phúc.

“Em thương anh thày mẹ ngăm nghe,

Cậu, cô, chú, bác đòi đóng bè thả trôi.

Thả trôi răng đặng mà thả trôi,

Anh Hồ em Hán cũng lôi nhau về.”(11)

Khác với những bài hò giã gạo của người Việt, hai bài dân ca hát trong lúc xay lúa, giã gạo nêu trên của người Hàn không nói tới tình yêu đôi lứa mà nói đến sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh. Điều tốt đẹp nhất luôn dành tặng bố mẹ, cùng chia sẻ với cộng đồng đó là tấm lòng đáng trân trọng. Qua đây chúng ta hiểu hơn về sự ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống tinh thần của người Hàn sâu đậm hơn so với người Việt.

+ Phương thức diễn xướng

Nói đến dân ca là nói đến ba yếu tố cơ bản cấu thành: âm nhạc, lời ca và phương thức diễn xướng. Dân ca của người Việt có hát Dô mang nét tương đồng với dân ca của người Hàn nhưng cũng có nhiều khác biệt, đặc biệt là về phương thức diễn xướng.

Hát Dô được chia thành lời cái hátcon hát (hay bạn nàng). Cái hát do nam giới đảm nhiệm, đó là người nam giới duy nhất trong toàn bộ cuộc hát. Con hát đều là nữ. Cái hát và con hát đều là những trai thanh gái lịch. Cái hát thường hát trước do đó có vai trò của người lĩnh xướng, còn các con hát là dàn đồng ca, cùng hát phụ họa và làm nổi bật cho cái hát:

“Cái:

Hoa tươi hồng hạnh,

Kết cánh liên chi.

Con:

Liễu (hờ) lục (ớ ớ a) đua bay,

Lại thêm tốt lành.

Cái:

Vàng anh kêu dậy,

Khắc khoải đôi nơi.

Con:

Ong (hờ) điệp (ơ hớ a) đua bay,

Là (hơ) nom (hơ) là nom nhị vàng.”(12)

Nếu như dàn đồng ca của người Việt trong hát Dô hát chung một đoạn phụ họa, mỗi lần hát những đoạn, những câu khác nhau thì trong hát thế của người Hàn, một người hát câu hát mang nghĩa chính còn các thành viên của nhóm hát một điệp khúc lặp đi lặp lại suốt bài hát. Điệp khúc này khiến cho các bài hát trở nên dễ dàng được ứng diễn hơn.

Ooru sangsadiya

Hoa xinh rực rỡ trong vườn,

Ooru sangsadiya

Bông tàn bông nở, thảy nghiêng nghiêng.

Ooru sangsadiya

Cây cổ thụ trong vườn

Ooru sangsadiya

Tựa trái tim ta, đều u sầu.

(“Bài hát đi cấy”, dân ca vùng Koch’ang phía Nam tỉnh Kyongsan)(13)

Điệp khúc “Ooru sangsadiya” được một nhóm hát đi hát lại suốt toàn bài, đó là điểm khác biệt với con hát hát những đoạn khác nhau sau khi cái hát hát hết một đoạn trong hát Dô của người Việt.

Các làn điệu dân ca của người Việt với phương thức diễn xướng cơ bản vẫn đơn giản, nhẹ nhàng. Trong hát Dô, ngoài động tác gõ sênh hầu như không vận động gì, các bạn nàng thường sử dụng đôi tay cùng với chiếc quạt gần như động tác múa chèo. Còn khi hát quan họ, nữ thường dùng chiếc nón quai thao để thể hiện tình cảm. Trong hò giã gạo chủ yếu là phương thức xướng – xô… Nhưng trong phương thức diễn xướng của người Hàn qua dị bản Quy chỉ ca được giới thiệu trong thần thoại Đất nước Kaya thì người hát phải vừa hát vừa nhảy múa, tức là dùng sự khéo léo của đôi chân bên cạnh những động tác múa của đôi tay. Như vậy phương thức diễn xướng của người Hàn mang tính chất mạnh mẽ hơn.

Kết luận

Khi sáng tác những bài dân ca, dân gian Việt và dân gian Hàn đã kết hợp lời ca với giai điệu mang tính dễ nhớ, dễ hiểu và đơn giản. Cả người Việt và người Hàn đều có dân ca gắn với nghi lễ, phong tục, có bài ca thời vụ và những bài hát ru, bài ca lao động. Trong dân ca của dân gian hai dân tộc còn sử dụng các điệp từ tạo nên âm điệu, tính nhạc. Đó là những điểm tương đồng về nội dung, nghệ thuật.

Nếu như dân ca của người Việt chủ yếu hướng về tình yêu lứa đôi thì dân ca của người Hàn lại tập trung ca ngợi sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự quan tâm đến những người xung quanh. Các làn điệu dân ca của người Việt với phương thức diễn xướng đơn giản, nhẹ nhàng còn phương thức diễn xướng của người Hàn lại mang tính chất mạnh mẽ bởi xuất phát từ sự khác nhau về văn hóa của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc. Văn hóa của người Việt mang nhiều tính chất tĩnh còn văn hóa của người Hàn mang nhiều tính chất động cho nên tạo nên sự khác biệt trong nội dung, nghệ thuật của văn học dân gian Việt – Hàn nói chung, nghệ thuật diễn xướng nói riêng.

Những nét tương đồng và khác biệt về nội dung và nghệ thuật của dân ca người Việt và dân ca người Hàn chắc chắn rất cần sự quan tâm, nghiên cứu hơn nữa của các nhà nghiên cứu trong tương lai.

LƯU THỊ HỒNG VIỆT

(Khoa Đông phương - Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Kim Hung Gyu (Trần Hải Yến dịch), Tìm hiểu văn học Triều Tiên, Bản dịch chưa công bố.

3. Trịnh Huy Hoá (biên dịch) (2004), Đối thoại với các nền văn hoá Triều Tiên, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.

4. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội..

5. Mã Giang Lân – Lê Chí Quế (biên soạn), Đinh Gia Khánh (giới thiệu)(1977),  Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.

6. Đặng Văn Lung (chủ biên) (1998), Truyện cổ Hàn Quốc, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

7. Vũ Ngọc Phan (2000), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

8. Lê Hồng Phong (2001), Văn học dân gian Việt Nam (Bài giảng tóm tắt), (lưu hành nội bộ), Trường Đại học Đà Lạt.

9. Lê Chí Quế (chủ biên) (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

10.Komisook, Jungmin, Jung Byung Sul (2006), Văn học sử Hàn Quốc (từ cổ đại đến cuối TK XIX), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Nguyễn Bá Thành (1996), Tương đồng văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội.

 

 

 

 



(1) Lê Chí Quế (Chủ biên) (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 218

(2) Komisook, Jungmin, Jung Byung Sul (2006) Văn học sử Hàn Quốc (từ Cổ đại đến cuối Thế kỷ XIX), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 41

(3) Sách dẫn trên, tr. 42.

(4) Đăng Văn Lung (Chủ biên) (1998), Truyện cổ Hàn Quốc, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, tr. 42

(5) Mã Giang Lân – Lê Chí Quế (Biên soạn) (1997), Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam. Nxb Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tr. 418.

(6) Đăng Văn Lung (Chủ biên), Truyện cổ Hàn Quốc, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, tr. 42.

(7) Mã Giang Lân – Lê Chí Quế (Biên soạn) (1997) Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tr. 248.

(8) Sách  dẫn trên. Tr. 208

(9) Kim Hung Gyu, Tìm hiểu Văn học Triều Tiên, (Bản dịch của Trần Hải Yến), tr 27.

(10) Vũ Ngọc Phan (2000), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 754.

(11) Mã Giang Lân – Lê Chí Quế (Biên soạn) (1977), Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tr. 211.

(12) Sách dẫn trên, tr. 229.

(13) Kim Hyung Gyu, Tìm hiểu Văn học Triều Tiên, (Bản dịch của Trần Hải Yến), tr 48-49.

 

0thảo luận