Hàn Quốc đất hẹp người đông, tài nguyên khan hiếm, nhưng nhờ chính sách phát triển kinh tế năng động của chính phủ trong thời gian qua, nên đã đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở thành một trong bốn nền kinh tế phát triển nổi trội ở khu vực Đông Bắc Á, được xếp vào hàng thứ 11 trong số các nền kinh tế phát triển mạnh hiện nay. Đạt được như vậy, theo báo giới, chủ yếu là nhờ nước này có chính sách công nghiệp định hướng xuất khẩu năng động, đổi mới kịp thời với những tiến bộ khoa học công nghệ. Trào lưu khu vực hoá và toàn cầu hoá các nền kinh tế trên quy mô toàn thế giới, cho phép hàng hoá Hàn Quốc chẳng những cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại tiêu thụ trên thị trường nội địa Hàn Quốc mà cả ở thị trường nước ngoài.
Chính sách này được xây dựng trên cơ sở phối kết hợp chặt chẽ mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội giữa chính quyền trung ương và chính quyền các địa phương. Đặc điểm nổi bật của chính sách công nghiệp đổi mới hiện nay là nó đoạn tuyệt với khuynh hướng sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng hàm lượng lao động cao, chuyển mạnh và đồng bộ các khu vực công nghiệp sang các mặt hàng hàm lượng khoa học công nghệ cao để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cho phù hợp với thời đại xã hội tri thức, công nghệ thông tin, chính phủ điện tử.
Chính sách công nghiệp hiện nay của Hàn Quốc chẳng những tạo lập vững chắc cơ sở đổi mới cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại hoá ở khắp các vùng miền của đất nước, phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ của thế giới, mà còn nhằm khắc phục những khuyết tật của sự nghiệp công nghiệp hoá nền kinh tế trước đây vì những khuyết tật này đã cản trở, kìm hãm việc đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào nhiều vùng lãnh thổ làm cho Hàn Quốc hiện nay còn khoảng 30% đơn vị hành chính, vùng lãnh thổ lạc hậu về nhiều mặt so với trung tâm, các cụm công nghiệp, nhất là so với vùng thủ đô Xơ- un (Metropolitan Area), khiến cho 30% vùng lãnh thổ này chưa có điều kiện và khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu, có chăng chỉ là những lao động rời bỏ làng quê ra thành thị, ra các cụm công nghiệp kiếm việc làm, tham gia sản xuất ở các công ty, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.
Khuyết tật lớn nhất, dễ thấy trong chính sách công nghiệp Hàn Quốc trước đây là chỉ tập trung các ngành công nghiệp vào những địa bàn thuận tiện về giao thông vận tải, cung cấp điện nước. Do vậy làm cho các thành phố lớn có nhiều cơ hội tập trung các ngành công nghiệp, thu hút nhân lực ở khắp mọi miền của đất nước, cùng với thời gian dần dần trở thành các trung tâm hay các cụm công nghiệp lớn, làm ra nhiều của cải cho nền kinh tế, nhưng cũng gây cho các thành phố quá tải về nhiều mặt giao thông đi lại, nhà ở, cung cấp điện nước. Thống kê tình hình phát triển kinh tế xã hội năm của Hàn Quốc cho thấy, hiện nay dân số tập trung vào thủ đô Xơ - un lên tới 10,3 triệu người, làm ra 47,7% GDP của cả nước. Đây cũng là nơi có trụ sở chính của trên 90% công ty xuyên quốc gia, của các chaebol, và của 84% cơ quan quyền lực trung ương và của cơ quan hành chính cụm công nghệ Xơ - un.
Ở các khu công nghiệp thuộc thành phố lớn trực thuộc trung ương cũng có tình trạng tập trung quá đông dân cư, gây quá tải về nhà ở, giao thông công cộng, cung cấp điện nước như ở khu công nghiệp Fuson: 3 triệu người, khu công nghiệp Dewoo: 2,5 triệu người, khu công nghiệp Inson: 2,4 triệu người…
Để giải quyết tình trạng quá tải này và cũng là để khắc phục tình trạng phát triển công nghiệp mất cân đối ở cấp tỉnh, cũng như giữa các vùng miền và thủ đô Xơ - un, năm 1999 Hàn Quốc thực hiện dự án giãn sản xuất công nghiệp ở Xơ - un ra các vùng miền thành phố lớn trực thuộc trung ương nhằm tìm kiếm các nguồn lực tại chỗ để ổn định hoá kinh tế địa phương, góp phần đưa nền kinh tế cả nước đi vào quỹ đạo phát triển bền vững. Bốn cụm công nghiệp ấy là công nghiệp dệt ở Dewoo, công nghiệp giày da ở Fuson, công nghiệp điện tử quang học ở WanDu và công nghiệp chế tạo cơ khí ở tỉnh Cong san nam Do. Sau 3 năm thực hiện, mô hình thí điểm này tỏ ra phát huy hiệu quả, trở thành các cụm công nghiệp địa phương, tập hợp xung quanh mình nhiều ngành nghề ăn theo, tạo công ăn việc làm tại chỗ, giảm dần tình trạng lao động bỏ quê hương ra các trung tâm công nghiệp lớn, ra thủ đô kiếm việc làm. Do vậy năm 2002 mô hình này được áp dụng vào 8 tỉnh và 1 thành phố còn lại và được gọi là dự án “4 + 9”.
Sau đây là cơ cấu sản xuất công nghiệp ở các vùng miền của Hàn Quốc theo dự án “4 + 9” cho tới năm 2020
Bảng 1: Cơ cấu sản xuất công nghiệp ở các vùng miền của Hàn Quốc
Vùng lãnh thổ |
Những ngành nghề công nghiệp cơ bản ở các vùng miền (công nghiệp địa phương) theo dự án “4 + 9” |
|||
Tp Xơ un |
Công nghiệp giao tiếp viễn thông |
Công nghệ sinh học |
Công nghệ kỹ thuật số |
Dịch vụ tài chính thương mại |
Tp Insơn |
Công nghiệp giao tiếp viễn thông |
Chế tạo ô tô |
Cơ khí, luyện kim |
Hậu cần - hàng hải |
Tỉnh Conhido |
Công nghiệp giao tiếp viễn thông |
Công nghệ sinh học |
Văn hóa |
Hậu cần - hàng hải quốc tế |
Tp Fuson |
Giao tiếp viễn thông có hình ảnh |
Sản xuất phụ tùng ôtô |
Du lịch |
Hậu cần - hàng hải |
Tp Dewoo |
Công nghiệp dệt (*) |
Sản xuất người máy (*) |
Thiết bị Môbil và thiết bị NaNo (*) |
Công nghệ sinh học (*) |
Tp Wandu |
Điện tử quang học (1) |
Sản xuất phụ tùng ôtô |
Văn hoá |
Điện tử sinh hoạt (*) |
Tp Degion |
Công nghệ thông tin (*) |
Công nghệ sinh học (*) |
Sản xuất thiết bị công nghệ cao và vật liệu |
Sản xuất người máy |
Tp Ulsan |
Chế tạo ôtô (*) |
Môi sinh |
Đóng tàu |
Công nghiệp hoá chất |
Tỉnh Cang von |
Sản xuất thiết bị y tế (*) |
Công nghệ sinh học (*) |
Sản xuất vật liệu mới và ngăn ngừa thiên tai |
Du lịch |
Tỉnh Chum Son Buc do |
Sản xuất chất bán dẫn (*) |
Công nghệ sinh học (*) |
Sản xuất mobifon (*) |
Sản xuất điện thoại tổ ong thế hệ mới |
Tỉnh Chum Son Nam do |
Sản xuất thiết bị điện tử (*) |
Công nghệ sinh học (*) |
Sản xuất phụ tùng ôtô |
Văn hoá và giao tiếp viễn thông có hình ảnh |
Tỉnh Cholla Buc do |
Sản xuất ôtô và chế tạo cơ khí nói chung (*) |
Công nghệ sinh học (công nghệ thực phẩm) |
Các nguồn năng lượng lựa chọn |
Du lịch |
Tỉnh Cholla Nam do |
Sản xuất vật liệu mới đóng tàu (*) |
Công nghệ sinh học (công nghệ thực phẩm) |
Hậu cần hàng hải |
Du lịch |
Tỉnh Cong San Buc do |
Sản xuất vật liệu mới chế tạo cơ khí (*) |
Y học cổ truyền Trung Quốc (*) |
Điện tử và thiết bị điện giao tiếp viễn thông |
Du lịch |
Tỉnh Cong San Nam do |
Chế tạo cơ khí thông minh (*) |
Sản xuất vật liệu sinh học |
Thiết bị sinh hoạt trí thức |
Sản xuất người máy |
Tỉnh Dedu do |
Các cấu tử điện tử |
Công nghệ sinh học (công nghệ vũ trụ) |
Nông nghiệp sinh thái môi trường |
Du lịch |
Chú ý: (*): Các ngành được nhà nước tài trợ.
Những ngành trong bảng 1 được tuyển chọn trên cơ sở độ tăng trưởng, mức lợi nhuận và thị phần cao ở các thị trường tương ứng.
Khi đề xuất quan điểm mới để xây dựng chính sách công nghiệp đổi mới, các nhà kinh tế Hàn Quốc lấy cơ chế thực hiện dự án “4 + 9” làm cơ sở phương pháp luận bởi vì chính ở dự án này đã nhấn mạnh các khả năng hội tụ tri thức mới và các công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp phân tán ra các vùng miền của đất nước. Còn khi thực hiện quan điểm mới này thì mỗi giai đoạn phải dùng ít nhất là 1/2 ngân sách để đầu tư tạo lập kết cấu hạ tầng đổi mới và nâng cao chất lượng với con người.
Sau đây là những phương hướng cơ bản đầu tư trong khuôn khổ quan điểm mới của chính sách công nghiệp Hàn Quốc trong thời gian 1999 – 2008.
Bảng 2: Phương hướng đầu tư cơ bản của Hàn Quốc giai đoạn 1999-2008
(Đơnvị: tỷ won)
Phương hướng |
Ở 4 vùng |
Ở 9 vùng trong thời gian 2002-2007 |
Trong phạm vi chương trình phát triển kết cấu hạ tầng khu vực |
Tổng số chi của chương trình này |
|
Giai đoạn (1999-2004) |
Giai đoạn (2004-2008) |
||||
Phát triển kết cấu hạ tầng đổi mới |
3,302 |
3,075 |
5,212 |
1,194 |
12,783 |
Nghiên cứu khoa học công nghệ |
1,903 |
5,162 |
1,810 |
0,367 |
9,269 |
Trợ giúp kỹ thuật cho các công ty |
1,791 |
1,091 |
- |
0,059 |
2,941 |
Đào tạo chuyên gia phục vụ kế hoạch phát triển công nghiệp |
- |
- |
- |
- |
- |
Tổng số theo các hướng |
7,023 |
9,496 |
7,462 |
1,619 |
25,600 |
Nguồn: Kim . YS, Chính sách công nghiệp khu vực Hàn Quốc, Tạp chí Kinh tế Công nghiệp Kiet, Số 2/2008, tr. 20.
Chiến lược mới phát triển công nghiệp Hàn Quốc đề ra năm 2004 thực chất là sự kế thừa có chọn lọc dự án “4 + 9” nhằm áp dụng hệ thống các biện pháp bổ sung mọi mặt cho nhau và nhằm cụ thể hoá, chi tiết hoá hơn nữa những phương hướng cơ bản của dự án “4 + 9”, tạo lập môi trường cần thiết để đến năm 2020 Hàn Quốc - đạt các mục tiêu phát triển công nghiệp, kinh tế – xã hội đã đề ra khi xây dựng chiến lược này.
Sau đây là những nhiệm vụ cần được thực hiện trong thời gian 2004 – 2020 để đến năm 2020 Hàn Quốc có thể đạt được các mục tiêu mong muốn.
1. Hình thành cơ sở vững chắc của nền kinh tế định hướng đổi mới. Muốn vậy phải thực hiện các biện pháp theo hướng:
1.1. Tạo dựng hệ thống đổi mới cấp khu vực trên cơ sở xem xét tiềm năng kinh tế – xã hội của mỗi khu vực (như khả năng khu vực hoá các ngành công nghiệp ở địa phương; khả năng thực hiện nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ (R & D)…). Do vậy phải thành lập Hội đồng khoa học đổi mới khu vực, gồm đại diện các doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các tổ chức xã hội của tỉnh. Ngoài ra, các địa phương còn phải tổ chức các cuộc triển lãm để trưng cầu ý kiến công chúng về những ý định đổi mới công nghiệp địa phương, để tiếp thu những ý tưởng, tri thức tiến bộ và thiết lập môi trường văn hoá phù hợp với thực tế kinh doanh ở mỗi khu vực (cụm công nghiệp).
1.2. Mở rộng khả năng đổi mới ở mỗi khu vực bằng cách:
- Củng cố các tiềm năng đổi mới và khả năng cạnh tranh của các trường đại học khu vực trong việc đào tạo chuyên gia cho khu vực nói riêng và cho toàn quốc nói chung. Vì đây là những cơ sở đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong giai đoạn đầu làm việc này nhà nước dự kiến giành 1,3 tỷ Won (khoảng 1 tỷ USD) để thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao khả năng đào tạo và sử dụng hiệu quả các chuyên gia của khu vực.
- Tăng kinh phí ngân sách cho “R & D” ở khu vực (từ 27% lên 40%) để giải ngân cho các dự án phục vụ nhu cầu công nghiệp địa phương, thu hút chuyên gia cao cấp, nhân tài về tỉnh (khu vực) mình, hình thành cơ sở nhất thể hoá các nguồn thông tin về “R & D), về công nghệ, tài sản cố định sử dụng trong “R & D”.
- Tăng cường số lượng “cụm đổi mới công nghệ” và tổ chức quản lý cụm này ở khắp các địa phương của tổ quốc, rồi tập hợp các cụm này vào một mạng lưới thống nhất, chính nhờ vậy mà tạo lập được cơ sở góp phần phát triển các loại hình sản xuất công nghiệp riêng, thích hợp với từng địa phương, từng khu công nghiệp. Cơ sở này gồm các công viên khoa học, các trung tâm đổi mới công nghệ và các trung tâm “R & D” của địa phương.
1.3. Củng cố các quan hệ hợp đồng, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp với các trường đại học và các cơ quan “R & D” địa phương. Vì đây là những người tham gia tích cực vào quá trình đổi mới công nghệ, đổi mới năng lực sản xuất, góp phần kết hợp tốt nhất giữa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng như nhau lợi ích của khoa học và của sản xuất. Để khuyến khích sự hợp tác này cần phát triển quan hệ hợp tác giữa học và hành, giữa nhà trường và doanh nghiệp sản xuất, cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu này. Cần đặc biệt giúp đỡ các định chế khoa học mới ra đời để đảm bảo trao đổi dễ dàng các kiến thức và kinh nghiệm giữa các chủ thể khoa học với nhau và với các chủ thể kinh tế. Tính đến cuối năm 2008 số lượng các chủ thể này đã lên tới 150 đơn vị so với 24 đơn vị năm 2004, năm bắt đầu của dự án ‘4 + 9”.
1.4. Phát triển các cụm công nghiệp đổi mới ở các địa phương thông qua các dự án cất cánh để hình thành cụm công nghiệp đổi mới trên cơ sở trung tâm “R & D” kiểu như ở cụm công nghiệp DeDuc; chuyển 6 tổ hợp công nghiệp thành các tổ hợp công nghiệp đổi mới (ở các thành phố Giăng Von; Humi; Ulsan; Wandu; Bangvon – Siva và Bondu). Xây dựng các thành phố đổi mới theo mẫu thành phố khoa học Osong hiện nay, rồi bố trí lại các cơ quan hành chính và các doanh nghiệp ở đây theo đặc thù của mỗi thành phố.
2. Hình thành các cơ sở kinh tế để các khu vực lạc hậu tự cứu lấy mình, trước khi nhờ “chúa” cứu. Do vậy phải tăng gấp đôi phần thu ngân sách của các vùng (tỉnh) lạc hậu, trước hết là ngân sách của các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo của các tỉnh lạc hậu. Muốn vậy phải thực hiện các biện pháp:
2.1. Trợ giúp các vùng lạc hậu, không phải bằng cách tăng trợ giúp tiền ngân sách nhà nước, mà bằng cách tạo mọi điều kiện thuận lợi để các vùng này tự thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của mình. Cứ làm như vậy, sau 3 năm 1 lần rà soát lại xem còn vùng nào có vấn đề, thì phân tích các chương trình, dự án vùng này đã thực hiện để phát hiện những dự án song trùng, lặp lại hay những nhiệm vụ giống nhau để thống nhất vào một chương trình. Cần khuyến khích bằng tài chính cho việc học tập ở các vùng lạc hậu bằng cách cho các vùng này đựơc hưởng các ưu đãi về học phí, đóng góp xây dựng trường lớp...
2.2. Phát triển hệ thống đổi mới khu vực làng, xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách giao cho các trường đại học, cao học tỉnh, khu vực mình phải chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học công nghệ, khoa học xã hội cho nhân dân tỉnh mình, khu vực mình nhằm cung cấp lao động tại chỗ cho các cụm công nghiệp địa phương, góp phần giảm tải áp lực về nhà ở, về giao thông công cộng ở các trung tâm công nghiệp lớn.
Phải làm việc này ngay từ giai đoạn đầu của quá trình đổi mới chính sách sản xuất công nghiệp, hiện đại hoá nền kinh tế để tạo tiền đề hoạt động hiệu quả ở các giai đoạn tiếp theo.
2.3. Đẩy mạnh các quá trình phát triển kinh tế các khu vực trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực và ưu thế hiện có ở khu vực. Biện pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ này là nghiên cứu, xây dựng và đưa vào thị trường các sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc của địa phương, hình thành các cụm văn hoá du lịch hấp dẫn thu hút khách thập phương. Hội trợ triển lãm nhân sâm hàng năm ở thành phố Cưm - san. Festival vui xuân bắt bướm hàng năm ở thành phố Ham – pông là cách tận dụng những ưu việt của khu vực mình để thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, góp phần tự cứu lấy mình trước khi nhờ “chúa” giúp.
3. Chuyển từ phát triển định lượng sang phát triển định chất các cụm công nghiệp ở các thành phố lớn. Làm như vậy là nhằm từng bước giảm dần khoảng cách sinh hoạt kinh tế – xã hội, công nghệ sản xuất giữa các trung tâm công nghiệp lớn và các cụm công nghiệp địa phương, cũng như giữa các vùng miền trong cả nước, suy cho cùng là nhằm xoá bỏ triệt để tình trạng mất cân đối hiện hữu về sinh hoạt kinh tế, văn hoá - xã hội giữa thành thị và nông thôn, lại có thể giảm được áp lực về ô nhiễm môi trường, về nhà ở, cung cấp điện nước và giao thông công cộng mà hiện nay các thành phố công nghiệp lớn đang tìm cách giải quyết áp lực này, trong đó, thành phố Xơ - un giải quyết bằng cách:
3.1. Phân tán các chức năng của thủ đô ra các vùng miền. Đây được xem là biện pháp cơ bản để san bằng mức độ tập trung nhân lực ra các vùng miền, tạo công ăn việc làm tại chỗ, khắc phục tình trạng dân các địa phương kéo về thủ đô, về các trung tâm công nghiệp kiếm việc làm, đồng thời thực hiện các biện pháp hình thành cơ sở kinh tế – xã hội ổn định, vững chắc để các tỉnh, các địa phương tự lực cánh sinh để tự phát triển kinh tế xã hội địa phương mình giảm dần trợ giúp từ trung ương.
Theo phương án phân tán chức năng này, Hàn Quốc dự kiến đến năm 2011, sẽ hoàn tất vịêc xây dựng thủ đô hành chính mới, lấy thành phố Segiong (tỉnh Chum son nam do) làm thủ đô mới của Hàn Quốc với diện tích là 747.500 km2, dân số khoảng 5 triệu người. Đến năm 2012 sẽ chuyển các cơ quan công quyền và quản lý hành chính ở Xơ - un hiện nay về thủ đô mới. Ngoài ra, còn phân tán một số chức năng của thủ đô cho các vùng miền trong phạm vi pháp luật cho phép. Do vậy mỗi tỉnh sẽ được quy hoạch một khoảng diện tích chừng 16.250 km2 để thành lập các thành phố mini kiểu mới với trên dưới 20 vạn dân.
Hàn Quốc cũng dự kiến thành lập các cụm dân cư công nghiệp hiện đại, sinh hoạt trên cơ sở phúc lợi của xã hội tri thức, của công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, hiện đại nhất, và trên cơ sở duy trì tình hình cân đối sinh thái môi trường. Các cụm dân cư này được tổ chức ở các vùng có quan hệ gắn bó mật thiết giữa các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học.
Các chủ thể nhà trường và khu vực tư nhân cần bố trí lại chỗ ở sẽ đựơc trợ giúp tài chính (ví dụ dịch vụ vui chơi, giải trí cho các chung cư) và trợ giúp kỹ thuật, kể cả áp dụng chương trình giáo dục tiên tiến. Sử dụng các kích thích vật chất đối với các cụm dân cư lớn và đối với các công ty xuyên quốc gia là một trong những cơ chế quan trọng để huy động vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp.
Định hướng lại dòng vốn đầu tư cho các nhu cầu cần thiết của nền kinh tế quốc dân cho phép giải quyết vấn đề mất cân đối vốn có lâu nay ở các vùng lãnh thổ của cả nước, góp phần từng bước rút ngắn chênh lệch công nghệ giữa thủ đô và các vùng miền của Tổ quốc. Do vậy cũng góp phần hiện đại hoá toàn diện sản xuất ở các vùng miền, thúc đẩy “R & D” ở các địa phương, bố trí sinh hoạt các lực lượng sản xuất trên phạm vi toàn quốc.
3.2. Chuyển sang quản lý vùng thủ đô bằng kế hoạch trung và dài hạn phù hợp với thực trạng kinh tế xã hội và môi sinh. Kế hoạch này được xây dựng trên quan điểm hàm lượng sinh thái ở các vùng miền, dùng các phương tiện kiểm nghiệm sinh thái môi trường, đánh giá chất lượng thổ nhưỡng để xây dựng đô thị. Đồng thời đưa các dự án mở rộng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường ra trưng cầu dân ý ở những cụm dân cư đô thị có liên quan đến dự án này.
Cấm xây dựng không có hệ thống, thiếu mĩ quan nhà công vụ, nhà ở ở các đô thị, ở cụm công nghịêp cho phép giảm tải dân số, tạo xung lực mạnh để bố trí các doanh nghiệp, hình thành các cụm sản xuất công nghiệp ở các địa phương. Suy cho cùng là góp phần tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế bền vững, cân bằng ở mọi miền của đất nước.
3.3. Nâng cao khả năng cạnh tranh của thủ đô và của các vùng phụ cận thủ đô nhằm tối đa hoá các lợi thế về vị trí địa lý của các trung tâm công nghiệp, tài chính và giao thông vận tải. Do vậy Xơ - un sẽ giành được vai trò trung tâm tài chính, thương mại của cả nước; còn thành phố vệ tinh Inson giành được vị trí đầu mối giao thông và vùng kinh tế lớn nhất thủ đô. Tỉnh Conhido nơi có 2 thành phố lớn sẽ hội tụ các cụm công nghiệp thế hệ mới có khả năng cạnh tranh toàn cầu, góp phần đưa nền kinh tế Hàn Quốc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Để tiếp sức cho trục kinh tế Xơ - un – Fuson và Xơ un – Inson nhà nước dự kiến phát triển các trục kinh tế mới như trục: In son – Su von, xung quanh trục này là các cụm công nghiệp lớn nhỏ. Đó là chưa kể các mạch máu giao thông tới Xơ un sẽ được cải tạo; tổ chức lại thành mạng lưới giao thông liên kết các vùng miền của cả nước với nhau để ở các vùng xa xôi hẻo lánh, biên giới hải đảo có thể đi ôtô trên dưới 2 giờ về tới Xơ -un.
4. Hình thành cơ cấu vùng kinh tế mới. Làm như vậy nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác qua lại giữa Hàn Quốc với các quốc gia Đông Bắc Á. Muốn vậy phải thực hiện các biện pháp sau đây:
4.1. Xây dựng mạng giao thông hình chữ nhật để các đường chéo đến gặp nhau ở trung tâm, nhằm nối liền mạng lưới giao thông giữa các vùng miền và nhất là với cảng thành phố Biển Vàng để thuận tiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, củng cố hậu cần hàng hải quốc tế. Do vậy phải xây dựng mạng lưới giao thông nối liền vùng Đông Nam và Tây Nam với mạng giao thông hiện có ở phương Bắc tổ quốc.
4.2. Phải hoàn tất việc xây dựng trục giao thông Đông Nam – Tây Nam bằng cách xây dựng xa lộ Hemioay – Ulsan và xa lộ Gion san – Tebac.
4.3. Hình thành kết cấu hạ tầng để phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại về cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Do vậy, Hàn Quốc dự kiến chuyển vùng kinh tế thủ đô thành vùng trung tâm của kết cấu hạ tầng đổi mới, trên cơ sở thống nhất mạng giao thông toàn quốc với nhau. Ở đây, Hàn Quốc cũng dự kiến phải để ngành đường sắt nước mình hội nhập với đường sắt Trung Quốc, đường sắt Mông Cổ và Xibêri (Nga).
Những thông tin nói trên cho ta thấy chiến lược phát triển công nghiệp Hàn Quốc trong thời gian 2004 – 2020. Theo chiến lược này, tới năm 2020, mức tăng trưởng công nghiệp bình quân năm dự kiến đạt khoảng 4,1%, còn GDP dự kiến đạt 4,1 – 5,1 %,([1]) đảm bảo GDP/người là 45 ngàn USD;([2]) phần của các ngành công nghiệp tiên tiến trong tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến chiếm 75%; cho phép tới năm 2020 Hàn Quốc được xếp vào hàng thứ 7 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra thêm 3,6 triệu việc làm, đưa tổng số người có công ăn việc làm trong nền kinh tế tăng lên 67%.
Tới năm 2020 các mục tiêu nêu trong chiến lược mới phát triển công nghiệp Hàn Quốc đạt đến chừng nào sẽ được các nhà kinh tế Hàn Quốc tổng kết, đánh giá. Song những kết quả bước đầu thực hiện chiến lược này trong thời gian 2004 – 2008 (thời gian kinh tế Hàn Quốc chưa chịu tác động xấu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu) cho phép nói rằng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp giữa Xơ - un và các vùng miền đang ngày càng nhích lại gần nhau. Tốc độ tăng này ở Xơ - un giảm dần, còn ở các vùng khác tăng dần. Ví dụ, trong thời gian 1999 – 2002 ở Xơ - un từ 7,5% giảm còn 6,5% ở thời gian 2003 – 2005, trong khi ấy chỉ tiêu này ở các vùng khu công nghiệp còn lại tăng từ 7,1% lên 9,5%. Công nghiệp vùng thủ đô Xơ - un đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của cả nước cũng giảm từ 3,27% ở thời gian 1999 – 2002 xuống còn 2,53% ở thời gian 2003 – 2005, chỉ tiêu này ở các vùng công nghiệp toàn quốc từ 4,33% tăng lên 5,8%.. Về hiệu quả của các nhân tố sản xuất trong công nghiệp cũng có tình trạng tương tự. Hiệu quả này trong công nghiệp ở các địa phương bình quân năm trong thời gian 2003 – 2005 tăng trên 2 lần so với chỉ tiêu này ở vùng công nghiệp Xơ - un (ở các địa phương tăng 3,56% còn ở Xơ - un tăng 1,48%).
Về hiệu suất lao động trong thời gian 2003 – 2005 ở các khu công nghiệp địa phương cũng tăng cao hơn khu công nghiệp Xơ - un. Ở địa phương từ 6,12% tăng lên 9,48%, còn ở Xơ - un từ 6,6% giảm còn 5,65%.
Đó là những kết quả bước đầu thực hiện chiến lược mới phát triển công nghiệp Hàn Quốc trong giai đoạn 2004 – 2020./.
TRỊNH TRỌNG NGHĨA
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sony B.J Lim D, Vùng công nghiệp Hàn Quốc năm 2020, Tạp chí Kinh tế Công nghiệp KIEF, Số1.2006. tr 8.
2. MEMO – số 7/2005 và số 1/2009 ND ngày 17/02/09