Trang chủ

KIM-MAN-CHUNG VÀ NHỮNG TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI

Đăng ngày: 2-12-2013, 13:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 8

1. Một cuộc đời vinh hoa phú quí tột bậc nhưng đầy trắc trở

Kim-Man-Chung (Kim Vạn Trọng: 1637 – 1692) tự Trọng Thúc, hiệu là Tây Phố, xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi thế phiệt trâm anh. Cụ nội là Kim-Chang-Seng, một nhà nho nổi tiếng, từng là sư phụ của Sông-Si-Son, một nhân vật nổi tiếng về Lễ học thời Joseon. Ông nội là Kim-Ban, từng giữ chức Tham phán Bộ Lại. Cha là Kim-Ích-Kiêm, năm 23 tuổi (tức năm 1635) đi thi đỗ đầu sinh đồ. Sau này, con gái của anh trai Kim-Chông được phong làm Nhân kính Hoàng hậu, bởi thế, Kim-Man-Chung là thúc phụ của Hoàng hậu.

Dòng họ bên ngoại cũng thuộc dòng dõi trâm anh. Ông ngoại từng giữ chức Tham phán Bộ Lại. Đời trước nữa, cụ ngoại là chồng của công chúa Chơng-Hê, con gái vua Tuyên Tổ...

Tuy thế, năm 1637, năm sinh của Kim-Man-Chung cũng là năm đã xảy ra cuộc chiến tranh chống lại giặc Hồ ở phía Bắc. Cha của Kim-Man-Chung dừng việc bút nghiên và tham gia quân đội. Trong một cuộc chiến ở đảo KangHwa, ông đã anh dũng chiến đấu, dùng hoả công đánh giặc và đã tự thiêu, quyết không chịu để giặc bắt. Như vậy là Kim-Man-Chung sinh ra đời đã không biết mặt cha, mọi tình cảm dành cho con đều từ lòng mẹ. Bà mẹ là một phụ nữ vốn có tư chất của một người thuộc dòng dõi đại quý tộc đã biết dạy dỗ con noi theo truyền thống gia đình, noi theo gương cha dốc lòng báo quốc.

Kim-Man-Chung từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh học giỏi, văn hay chữ tốt. Năm 16 tuổi đã đỗ đầu thi Hương, đến năm 28 tuổi đỗ đầu thi Đình (tức Trạng Nguyên) và bắt đầu bước chân vào quan trường.

Suốt thời trai trẻ, đi học rồi đi thi, Kim-Man-Chung đã tiếp thu được tư tưởng mới, đó là tư tưởng Thực học được truyền vào Joseon. Trong giới nho sinh trẻ đương thời, tư tưởng Thực học – tư tưởng chú trọng đến thực tế, chú trọng đến sự phát triển của nông nghiệp và cả công thương nghiệp đã lan rộng. Hơn nữa, chú ruột ông là Kim-Ich-Hy là một nhân vật nổi tiếng của phái Thực học cũng đã có ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình tiếp thu tư tưởng mới của ông.

Trong khoảng thời gian mấy chục năm cuối thế kỷ XVII, triều đình Joseon luôn xảy ra những biến động bởi sự tranh chấp giữa các phe phái, tiêu biểu là phái Bắc, phái Nam và phái Tây. Trong đó, phái Tây của Kim-Man-Chung thường chiếm ưu thế. Tuy vậy, trong cuộc tranh chấp khốc liệt đó, không ít lần ông phải mang vạ và bị bắt đi lưu đày biệt xứ.

Năm 1665, ông đỗ Trạng nguyên rồi được thăng quan tiến chức rất nhanh. Năm 1675, tức khoảng 10 năm sau, trong cuộc tranh cãi về lễ nghi xoay quanh chuyện tang phục của vương thất nhân khi đại phi Nhân Tuyên mất, ông bị tố cáo, phái Tây bị đả kích mạnh và thất bại, ông bị buộc phải từ chức. Khoảng 4, 5 năm sau, phái Tây giành lại ưu thế, ông được phục chức và giữ chức Tham nghị Bộ Lễ. Năm 1683, ông được thăng chức Đại tư hiến ở Bộ Công. Năm 1686, ông nhận chức Đại đề học ở Hoằng văn Quán. Nhưng chỉ một năm sau (năm 1687), ông bị vua Suk-Chông cách chức và bắt đi lưu đày. Vua Suk-Chông say đắm và sủng ái một phi tần họ Jang. Phi tần này được tiến vào cung vua là nhờ có Chô-Cha-Sơk, một viên quan nịnh thần, đồng thời cũng là người tình của mẹ phi tần họ Jang. Bởi thế, vua Suk-chông muốn cất nhắc Chô-Cha-Sơk lên chức vị Thừa chính, một trong những chức vụ cao trong triều. Nhiều quan trong triều lên tiếng can gián nhà vua. Trong đó, Kim-Man-Chung là người can gián gay gắt. Ông không ngần ngại nói ra mối quan hệ giữa Chô-Cha-Sơk với mẹ phi tần họ Jang và trực diện phê phán nhà vua. Đây là lý do chính khiến ông mắc trọng tội. Nếu gia tộc dòng họ Kim không lớn, thế lực không mạnh, nếu ông không phải là người có tài năng và có những cống hiến nhất định thì không rõ câu chuyện này đã đi đến đâu. Ông bị lưu đày một năm ở Sơn–chơn rồi được về quê an trí và vui với cảnh điền viên. Ngỡ rằng từ đây, ông xa cách hẳn với vinh quang và tội lỗi, nhưng chỉ 3 tháng sau, ông bị truy tội và bị đưa đi an trí có sự canh giữ ở Nam He. Năm 1692, ông mất ở Nam He.

Nhìn vào những năm tháng đắc ý trong cuộc đời ông, ta thấy, ông đã không phụ công dưỡng dục sinh thành, chăm sóc và hy vọng của một người mẹ cô đơn dành cho con một tình cảm đặc biệt. Ông đỗ đầu cả hai kỳ thi tiểu khoa và đại khoa, ông đã được thăng tới những chức vị cao nhất cả về quan chức lẫn học thuật. Đối với đất nước, ông là đại diện cho đảng phái cấp tiến đấu tranh cho sự ổn định và phát triển, đấu tranh cho quyền con người và công bằng xã hội.

Trong cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các đảng phái, ông cũng hơn một lần bị thất thế, phải chịu cảnh cực khổ ở nơi lưu đày và không thể thực hiện được hoài bão của mình.

Với tài năng và thiên hướng văn học trời cho, những khi ở nơi an trí, ông đã làm thơ viết văn bày tỏ chí hướng, đặc biệt, ông nhận thức được giá trị thiết thực hữu dụng của tiểu thuyết đối với xã hội và đã sáng tác tiểu thuyết. Nhận thức đó rất mới mẻ và đúng đắn so với trình độ nhận thức đương thời. Bởi thế, hai bộ tiểu thuyết Cửu vân mộng Tạ thị Nam chinh ký do ông sáng tác càng được đánh giá cao nếu đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

2. Cửu vân mộng và Tạ thị Nam chinh ký

Cửu vân mộng có nghĩa là giấc mơ ở chín tầng mây. Đã gọi là giấc mơ tức không phải chuyện có thật nhưng tác giả gửi gắm nhiều chuyện có thật trong cuộc đời để nhằm những mục đích nhất định.

Bối cảnh trong câu chuyện không phải ở Hàn Quốc mà là ở bên nhà Đường Trung Quốc. Mở đầu là chuyện ở trần gian nhưng tác giả lại xây dựng bối cảnh siêu thực ở một ngôi chùa trên đỉnh núi Liên Hoa trong dãy núi Nam Nhạc. Nhân vật chính là Tính Chân (Sơng-Jin), vốn là đệ tử xuất sắc của Lục Quan đại sư được cử xuống Long cung biếu lễ vật. Trên đường trở về, Tính Chân vui đùa với 8 tiên nữ núi Nam Nhạc, uống mấy chén rượu mà giới luật nhà chùa cấm. Bởi thế, Lục Quan đại sư bắt Tính Chân phải hoá kiếp luân hồi khổ ải. Tính Chân hoá thân làm Dương Thiếu Du, người nhà Đường, đẹp trai, tài giỏi. Tới khi trưởng thành, Tính Chân luôn gặp những điều may mắn, không những được thần tiên giúp đỡ còn được nhiều giai nhân đắm say và trợ giúp những khi gặp khó khăn trong chiến trận cũng như trong đời thường. Dương Thiếu Du hào hoa phong nhã, quyền cao chức trọng lần lượt gặp các người đẹp ở những nơi chàng đi qua và họ là 8 tiên nữ hoá thân xuống trần. Tám tiên nữ đó, người thì hoá thân làm công chúa, con gái nhà quyền quý, người thì hoá thân làm thích khách, kỹ nữ... mỗi người mỗi vẻ. Dương Thiếu Du lần lượt được các tiên nữ mê say và chàng cưới 8 nàng làm vợ một cách tự nhiên, dễ dàng. Hơn thế nữa, một người chồng sống với 8 người vợ trong một phủ mà lại rất hoà thuận. Mỗi nàng chỉ sinh một con và con cái của họ đều thành đạt, đều là quan cao trong triều.

Dương Thiếu Du cùng các vợ và con cái chung hưởng vinh hoa phú quý đến tột bậc. Và trong bữa tiệc mừng thọ, một đỉnh cao của tuổi tác, trải nghiệm đường đời thì Thiếu Du chợt giác ngộ về cuộc đời thật. Trong khoảnh khắc đốn ngộ, Dương Thiếu Du quyết tâm tu hành theo đạo Phật thì chợt tỉnh giấc mơ. Như vậy, cuộc đời của Dương Thiếu Du tất cả chỉ là một giấc mộng của Tính Chân. Sau đó, Tính Chân và 8 tiên nữ tu thành chính quả.

Khác với Cửu vân mộng mang tính mộng du thì Tạ thị Nam chinh ký tương đối có tính hiện thực. Câu chuyên được bắt đầu từ chàng thư sinh học giỏi Lưu Diên Thọ, đi thi đỗ Trạng nguyên rồi kết duyên cùng một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn Tạ Chính Ngọc. Hai vợ chồng chung sống với nhau đã mười năm mà không có con trai nên Tạ Chính Ngọc chủ động khuyên chồng lấy vợ hai để có con trai. Lưu Diên Thọ lấy một người thiếp là Kiều Thái Loan. Chàng say đắm với duyên mới và yêu chiều cô vợ trẻ. Thế nhưng, cô vợ lại có quan hệ bất chính với gian phu bên ngoài. Họ bàn kế để đuổi cô vợ cả ra khỏi nhà. Lưu Diên Thọ vì say đắm vợ hai mà bị trúng kế gian, đuổi Tạ Chính Ngọc đi. Tạ Chính Ngọc sau khi ra khỏi nhà đã trải qua nhiều nỗi gian nan, nguy hiểm. Sau cùng, nàng nương náu ở một ngôi chùa, được sự giúp đỡ của một nhà sư tốt bụng. Nạn nhân tiếp theo của Kiều Thái Loan lại chính là Lưu Diên Thọ. Thái Loan lập kế hãm hại và Lưu Diên Thọ bị đi lưu đày. Ở nơi lưu đày, Lưu Diên Thọ nghi vợ hai có hành động mờ ám xấu xa và đã suy tính lại. Cuối cùng, Lưu Diên Thọ được tha tội. Trên đường về nhà, chàng bí mật điều tra và biết rõ câu chuyện. Sự hối hận lẫn uất hận đã được chàng giải quyết thấu đáo, chàng đã trừng phạt cô vợ trẻ Kiều Thái Loan và đoàn tụ với người vợ hiền Tạ Chính Ngọc.

3. Động cơ, mục đích sáng tác tiểu thuyết

Vốn là một nho sinh con nhà dòng dõi, ngay từ nhỏ, Kim-Man-Chung không những được các sư phụ dạy dỗ lại còn được người mẹ quan tâm đặc biệt, trực tiếp kèm cặp chữ nghĩa và dạy bảo cho con về truyền thống của hai bên nội ngoại. Bởi thế, tài năng văn chương của họ Kim sớm được ươm trồng và đạt được thành công lớn trên con đường sự nghiệp. Nhưng, bối cảnh xã hội Joseon cuối thế kỷ XVII có những biến động lớn cả về mặt chính trị tư tưởng lẫn kinh tế xã hội. Theo đó, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái trong triều đình càng quyết liệt. Trong cuộc đấu tranh đó, không chỉ một lần Kim Man Chung gặp cảnh khốn đốn, bị cách chức, bị lưu đày. Cuộc đời đầy sóng gió và xã hội nhiều chông gai mà ông từng trải nghiệm đã được ông ghi lại bằng thi ca trong tạp văn ở nơi lưu đày. Ông sáng tác cả thơ văn chữ Hán và ca từ bằng chữ Hàn. Tiếc rằng các ca từ bằng chữ Hàn đã thất truyền mà chỉ thấy ghi chép lại tên bài như Bài ca hái dâu, Đàn tỳ bà, Vương Chiêu Quân, Tiếng chim Đỗ quyên... Còn thơ văn chữ Hán hiện còn lưu lại là Tây Phố tập, Tây Phố mạn bút.

Những năm cuối đời ở nơi lưu đày, nỗi niềm day dứt trong tình cảm bản thân đối với mẹ già phiền não thấy cảnh con trai thất thế, đối với nhà vua u mê say đắm một phi tần trẻ đẹp mà mắc sai lầm đã thúc đẩy ông thay đổi cách viết. Ông đã chọn tiểu thuyết để gửi gắm. Nhận thức mới này của ông được người đời đánh giá cao và giá trị thiết dụng của tiểu thuyết đã có tác dụng nhất định đối với người mẹ và nhà vua.

Để giải buồn cho mẹ, ông viết Cửu vân mộng. Ông hiểu rằng, người già sống bằng ký ức và hoài niệm. Những ký ức đẹp, huy hoàng của một thời kỳ hoàng kim đã được ông viết rất tài tình với nhiều tình tiết lạ kỳ, hấp dẫn bằng một nghệ thuật văn chương hoa mỹ. Ông chọn thể loại mộng du để viết về những quãng đời thật của một người thành đạt trong quá khứ. Quá khứ huy hoàng đó trải qua như một giấc mộng xuân. Và để kết thúc có hậu, ông tìm đến Phật giáo, tìm đến sự giải thoát thật thanh thản. Sự kết thúc đó chắc cũng khiến cho mẹ ông hài lòng và tấm lòng chí hiếu của ông được người đời chứng thực. Sau khi ông mất, ông được đặt tên thuỵ là Văn Hiếu. Như vậy, động cơ sáng tác Cửu vân mộng là vì chữ Hiếu. Dù ông là người có thiên hướng văn học, có tài văn chương đến đâu chăng nữa thì trong thời kỳ tuyệt vọng ở cuối cuộc đời phải sống ở nơi lưu đày khổ ải thì khó có thể sáng tác một tác phẩm văn học cho thấy một bối cảnh xã hội thái bình thịnh trị, một nhân vật nam tài ba văn võ kiêm toàn, đa tình đa luỵ. Rõ ràng ông viết tác phẩm này nhằm làm dịu đi nỗi buồn của một mẹ già phải theo con đến ở chốn lưu đày.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc còn có ý kiến cho rằng, khi ông sang sứ Trung Quốc, mẹ có dặn mua một cuốn tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Do nhãng quên mà khi trở về ông mới sáng tác Cửu vân mộng. Ý kiến này nêu ra chưa có cơ sở. Nếu có cơ sở chăng nữa thì cũng chỉ đính chính thời gian sáng tác Cửu vân mộng mà thôi, chứ không thể phủ nhận được động cơ sáng tác là vì chữ Hiếu.

Đối với Tạ thị Nam chinh ký, mục đích sáng tác rõ rệt hơn Cửu vân mộng. Do bản tính cương trực, lại hết lòng vì sự ổn định và phát triển của đất nước, với tư cách là người giữ trọng trách trong triều, Kim Man Chung đã nhiều lần can gián nhà vua. Chính vì một lần trực diện can gián và phê phán nhà vua trong việc trọng dụng kẻ bất tài mà ông phải mang vạ. Ở chốn lưu đày, ông vẫn đau đáu nghĩ về chuyện này và quyết định viết tiểu thuyết Tạ thị Nam chinh ký với hy vọng thức tỉnh nhà vua. Lẽ tất nhiên, văn chương trong tiểu thuyết khác hẳn những lời can gián trực diện khó nghe, hơn nữa, những tình tiết trong câu chuyện mang tính bi ai sẽ có tác động sâu sắc hơn câu chuyện ở đời thường mà ông trình bày trong tấu sớ.

Thể loại mộng du và thể ký được sử dụng khi viết tiểu thuyết không phải là đến giữa thế kỷ XVII mới xuất hiện ở Hàn Quốc, nhưng hai tác phẩm của Kim-Man-Chung được đánh giá cao và được đông đảo độc giả ưa thích, đặc biệt được lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp phụ nữ ở kinh đô vào thế kỷ XVIII, XIX. Hai tác phẩm này đánh dấu một bước phát triển mới của tiểu thuyết trong thời phong kiến Joseon. Từ đó, tiểu thuyết mộng du kế thừa thể loại của Cửu vân mộng được sáng tác rất nhiều, thậm chí được đánh giá là “bùng nổ” ở thế kỷ XVIII và trở thành một thể loại văn học trong văn học sử Hàn Quốc.

Tạ thị Nam chinh ký tuy không được đánh giá cao về mặt thể loại như Cửu vân mộng nhưng được đánh giá cao hơn về mọi mặt như xây dựng cá tính nhân vật, kết cấu có lớp lang, chặt chẽ, giải quyết xung đột mâu thuẫn tinh tế và có ý nghĩa khuyến thiện trừng ác rõ rệt.

Hai tác phẩm Cửu vân mộng Tạ thị Nam chinh ký đã được xếp hạng trong văn học sử Hàn Quốc, là những viên ngọc sáng trong tủ sách văn chương Hàn Quốc, được người Hàn Quốc coi trọng và sống mãi với thời gian. Cửu vân mộng đã được dịch sang tiếng Việt, được giới nghiên cứu văn học và đông đảo bạn trẻ đón nhận. Hy vọng rằng trong một tương lai gần, Tạ thị Nam chinh ký cũng được ra mắt độc giả Việt Nam.

 

LÝ XUÂN CHUNG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Đông Húc, Quốc văn học sử; Nxb Nhật Tân, Seoul-1997.

2. Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, Lý Xuân Chung và Jeon Hye Kyung dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; 2005.

3. Vi Húc Thăng, Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, 1985.

4. Từ điển Văn học Hàn Quốc, Nxb YiSang; Seoul-2005.

5. Kim Vạn Trọng, Cửu Vân Mộng, Lý Xuân Chung và Jeon Hye Kyung dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2007.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0thảo luận