Trang chủ

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – NHẬT BẢN: THÀNH TỰU VÀ TRIỂN VỌNG

Đăng ngày: 21-02-2013, 11:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 11

Ngược dòng lịch sử chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ thương mại từ hàng trăm năm nay. Ngay từ thế kỷ thứ 16 đã có những thương gia Nhật Bản đến kinh doanh ở Việt Nam. Sử sách nói rằng lúc đông nhất có tới hơn 600 thương nhân Nhật Bản định cư tại Việt Nam. Họ đã quần tụ lại, xây dựng lên “Khu phố Nhật Bản” ở Hội An, nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Ngay từ những năm này, đồ gốm sứ Việt Nam đã có mặt ở Nhật Bản và những mặt hàng truyền thống của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam.

Trong quãng thời gian gần 4 thế kỷ qua, quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước tuy có những lúc thăng trầm, song về mặt thương mại quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì ở mức độ này hay mức độ khác.

Khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản được thiết lập vào tháng 9 năm 1973, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có điều kiện phát triển mạnh. Đặc biệt là kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thị trường trong nước (1986) thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kể từ đó đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Công cuộc đổi mới của Việt Nam với các chính sách phát triển kinh tế đối ngoại năng động, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và lợi ích của cả hai bên Nhật Bản và Việt Nam cộng với một môi trường quốc tế thuận lợi... là những nguyên nhân cơ bản nhất, quan trọng nhất thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, sôi động hơn và cũng ngày càng đi vào thế ổn định  hơn, vững chắc hơn.

Bài viết này sẽ tổng hợp những thành tựu chủ yếu của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ qua và dự báo xu hướng phát triển của quan hệ này trong những năm sắp tới.

1. Những thành tựu nổi bật của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Để có thể thấy rõ những thành tựu của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua, trước hết chúng ta hãy khảo sát các số liệu thống kê chủ yếu về quan hệ thương mại giữa hai nước kể từ đầu những năm 1990 đến nay.

Qua đồ thị và các số liệu thống kê từ Đồ thị 1 và Bảng 1 dưới đây, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, trước hết được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kim ngạch mậu dịch hai chiều (KNXNK), kể từ đầu những năm 1990 đến nay luôn nằm trong xu hướng tăng và mức tăng trung bình hàng năm đạt từ 20 - 30%. Trong đó có những năm tăng rất mạnh như năm 1991 tăng 72% so với năm 1990; năm 1995 tăng 34% so với năm 1994; năm 2000 tăng 43% so với năm 1999. Mặc dù có những năm KNXNK Việt - Nhật giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm trước, nhưng số năm xảy ra tình trạng này không nhiều và mức độ sụt giảm cũng không lớn. Trong suốt hơn hơn một thập kỷ qua, chỉ có hai năm KNXNK Việt - Nhật giảm so với năm trước là các năm 1998 giảm 5,9% so với năm 1997 và năm 2001 giảm 3,76% so với năm 2000; và chỉ có một năm KNXNK Việt Nhật tăng trưởng dưới 10% so với năm trước, đó là năm 2002 tốc độ tăng chỉ đạt 5,3% so với năm 2001. Các năm khác KNXNK Việt - Nhật đều đạt mức tăng trưởng trên dưới 20% so với năm trước.



Thứ hai, về giá trị KNXNK, nếu như năm 1990 KNXNK Việt - Nhật chỉ đạt khoảng 500 triệu USD thì trong những năm gần đây đã đạt con số xấp xỉ 10 tỷ USD: năm 2004: 7,1 tỷ USD; 2005: 8,4 tỷ USD; 2006: 9,9 tỷ USD; và năm 2007 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là hơn 12,5 tỷ USD, tăng 25 lần so với năm 1990. Theo dự báo, KNXNK Việt - Nhật có thể đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.

Thứ ba, về tỉ trọng của KNXNK Việt - Nhật trong Tổng KNXNK của Việt Nam với thế giới, có thể nói rằng Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ trong tỉ trọng của KNXNK Việt-Nhật trong tổng KNXNK của Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới. Các số liệu thống kê ở Bảng 1 đã cho thấy, con số này luôn ở mức xấp xỉ 15%. Điều này có nghĩa là KNXNK Việt - Nhật chiếm tới xấp xỉ 1/6 tổng KNXNK của Việt Nam. Những năm đầu thập kỷ 1990, KNXNK Việt - Nhật chiếm tới xấp xỉ 20% (hay 1/5) tổng KNXNK của Việt Nam. Mặc dù trong những năm gần đây, con số này ngày càng giảm dần khi Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới, song tỉ trọng KNXNK Việt - Nhật trong tổng KNXNK của Việt Nam vẫn luôn giữ ở mức trên 10%;


Bảng 1: Sự thay đổi của giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản qua các năm (từ 1989 đến 2007)

(Đơn vị: triệu USD; %)

Năm

KNXNK của  VN với NB (A)

Tăng trưởng so với năm trước (%)

Tổng KNXNK của Việt Nam với thế  giới (B)

KNXNK Việt – Nhật trong TKNXNK của Việt Nam  (%)

(A/B*100)

1989

366,6

 

 

 

1990

509,3

38,9

5.156,4

9,88

1991

877,0

72,2

4.425,2

19,82

1992

1.073,3

22,4

5.121,5

20,96

1993

1.389,2

29,4

6.909,1

20,11

1994

1.765

27,0

9.880,1

17,86

1995

2.376,7

34,7

13.604,3

17,47

1996

2.806,7

18,1

18.399,4

15,25

1997

3.184,7

13,5

20.777,3

15,33

1998

2.996,2

-5,9

20.859,9

14,36

1999

3.404,5

13,6

23.283,5

14,62

2000

4.876,1

43,2

30.119,2

16,19

2001

4.692,9

-3,76

31247,1

15,02

2002

4.941,7

5,3

36.451,7

13,56

2003

5.890,7

19,2

45.405,1

12,97

2004

7.094,7

20,4

58.453,8

12,14

2005

8.414,4

18,6

69.208,2

12,16

2006

9.933,1

18,0

84.717,3

11,72

2007

12.547,5

23,3

111.243,6

11,0

Nguồn: Bộ Thương mại Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam; Tổng cục Hải quan Việt Nam, Tổng cục Thống kê.

 

 

Việt Nam và Nhật Bản vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Từ giữa những năm 1990 đến nay, Nhật Bản luôn giữ vị trí là bạn hàng số 1 hoặc số 2 của Việt Nam. KNXNK của Việt Nam với Nhật Bản không những cao hơn mà còn cao hơn rất nhiều so với các bạn hàng ở các vị trí tiếp theo của Việt Nam. Đặc biệt là trong các năm từ 1998 đến 2003, Nhật Bản liên tục giữ vị trí là bạn hàng số 1 của Việt Nam. Trong những năm này, KNXNK của Việt Nam với Nhật Bản luôn đạt mức cao hơn từ 1,5 đến 3 lần so với KNXNK của Việt Nam với các bạn hàng chủ yếu khác như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Hàn Quốc. Kể từ năm 2004 đến nay, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ hai sau Trung Quốc, và đang bị sự bám đuổi rất sát của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quan hệ thương mại Việt - Nhật suy giảm bởi vì xét về giá trị và tốc độ tăng kim ngạch mậu dịch hai chiều, các con số này đều tăng mạnh cả về tuyệt đối lẫn tương đối như đã được đề cập đến ở trên. Chính vì vậy, sự suy giảm vị trí tương đối của Nhật Bản trong quan hệ thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể lý giải là do sự gia tăng mạnh của quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước này trong những năm gần đây. Nếu xét về quy mô thị trường thì cả Trung Quốc và Mỹ đều là những thị trường có tiềm năng lớn hơn nhiều so với thị trường Nhật Bản. Vì vậy, việc Trung Quốc và có thể sắp tới cả Mỹ vươn lên trở thành những bạn hàng thương mại số 1 và số 2 của Việt Nam thì cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là tiềm năng của thị trường Nhật Bản vẫn còn rất lớn. Việc khai thác một cách tích cực hơn nữa thị trường này chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích to lớn hơn cho cả hai nước. Điều này được thể hiện rất rõ khi xem xét vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại của Nhật Bản với các nước khác. Điều đáng nói ở đây là mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, song nghiêm túc nhìn nhận mà nói, sự phát triển này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của cả hai nước, đặc biệt là tiềm năng của thị trường Nhật Bản. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ là một bạn hàng vô cùng nhỏ bé trong số các bạn hàng chủ yếu của Nhật Bản. KNXNK của Nhật Bản với Việt Nam trong những năm gần đây vẫn chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng KNXNK của Nhật Bản với các nước trên thế giới (Bảng 2). Không nói đến Mỹ hay EU vốn là những bạn hàng thương mại truyền thống của Nhật Bản, hay Trung Quốc - một thị trường khổng lồ ngay bên cạnh Nhật Bản. Tỉ trọng KNXNK của Nhật Bản với các nước này thường là rất lớn. Chỉ cần so sánh quan hệ thương mại Nhật - Việt với quan hệ thương mại của Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á khác có những điều kiện tự nhiên và dân số tương tự như Việt Nam chúng ta có thể thấy rất rõ là Việt Nam chưa thực sự khai thác được một cách đầy đủ những tiềm năng to lớn của thị trường Nhật Bản. Trong khi KNXNK của Nhật Bản với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng KNXNK của Nhật Bản, thì con số tương tự của Nhật Bản với Singapore là 2,9%; Malaixia: 2,7%; Thái Lan: 2,6%; Inđônêxia: 2,3%, cao hơn từ 3 đến 4 lần so với KNXNK của Nhật Bản với Việt Nam; và thấp nhất là với Philippin cũng đạt tới 1,7% cao gấp hơn hai lần so với Việt Nam.


Bảng 2: KNXNK Nhật - Việt trong tổng KNXNK của Nhật Bản

(Đơn vị: triệu USD; %)

Năm

KNXNK

Nhật - Việt

(A)

Tổng KNXNK của Nhật Bản

(B)

Tỉ trọng của KNXNK Việt - Nhật trong tổng KNXNK của Nhật Bản

(A/B)

2001

4.692,9

752.000

0,624

2002

4.941,7

754.000

0,655

2003

5.890,7

855.000

0.689

2004

7.094,7

1.021.000

0,695

2005

8.414,4

1.110.000

0,758

2006

9.933,1

-

-

2007

12.647,5

-

-

Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam và JETRO (Nhật Bản)

 

Đây là điều đáng để chúng ta suy nghĩ bởi vì với những thuận lợi về vị trí địa lý, về sự khá tương đồng về truyền thống giao lưu văn hoá dân tộc và nhất là về tính bổ sung lẫn nhau của cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước thì các con số tương ứng về tỷ trọng KNXNK với Việt Nam trong tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản là khá nhỏ bé so với  tiềm năng thực có và nhu cầu phát triển thực tiễn của hai nước.

2. Dự báo xu hướng phát triển của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Từ những phân tích về thực trạng và đặc điểm của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản cũng như những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa hai nước hiện nay và trong những năm sắp tới, chúng ta có thể khẳng định rằng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong những năm sắp tới. Điều này là hoàn toàn khả thi bởi những lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, như đã được đề cập đến ở trên, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong gần hai thập kỷ qua luôn nằm trong xu hướng phát triển đi lên với mức tăng của tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân hàng năm đạt 20 - 30%. Vì vậy, xu thế này sẽ vẫn được duy trì trong những năm sắp tới, không có lý do gì có thể làm chậm lại hoặc đảo ngược được xu thế này. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, quan hệ thương mại Việt - Nhật đang phát triển với tốc độ cao. Hiện nay và trong những năm sắp tới Nhật Bản vẫn luôn giữ vị trí là một trong 3 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung đã và đang được phát triển lên một tầm cao mới với việc hai nước đã đồng ý xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” và đã và đang xúc tiến đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Các cuộc đàm phán này được bắt đầu từ tháng 1 năm 2007 với nhiều phiên họp diễn ra ở cả hai nước và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Nếu như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết thì không có lý do gì quan hệ thương mại giữa hai nước - một trong những lĩnh vực chủ yếu của quan hệ hợp tác kinh tế lại không phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, Hiệp định Thương mại tự do giữa Nhật Bản và ASEAN đã được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn ngày 21/6/2008. Đây là thỏa thuận tự do thương mại đa phương đầu tiên của Nhật Bản. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi Nhật Bản và ít nhất một thành viên ASEAN hoàn tất các thủ tục thông qua trong nước. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 93% hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN trong vòng mười năm thỏa thuận có hiệu lực. Trong khi đó, sáu thành viên ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ miễn thuế đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản trong vòng mười năm. Lộ trình miễn giảm thuế sẽ được thực hiện muộn hơn đối với bốn thành viên ASEAN là Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam. Với việc Hiệp định Thương mại tự do song phương Nhật Bản - ASEAN được phê chuẩn, trong đó Việt Nam là nước nằm trong diện được ưu tiên trong lộ trình giảm thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ Nhật Bản và được hưởng lợi từ việc Nhật Bản sẽ giảm hoặc miễn thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN (trong đó có Việt Nam), chắc chắn quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong những năm sắp tới.

Thứ tư, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cùng với việc thực hiện những cam kết với các nước trong WTO (trong đó có Nhật Bản), không chỉ Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam những ưu đãi theo quy chế của WTO như quy chế tối huệ quốc (MFN) và quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giữa một nước đã phát triển với một nước đang phát triển trong quan hệ mậu dịch song phương, mà Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện những cam kết trong việc mở cửa thị trường, minh bạch hoá các thủ tục pháp lý... tất cả những việc làm này chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường mới năng động cho sự phát triển hơn nữa của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản cả trong những năm sắp tới lẫn về lâu dài.

Thứ năm, thị trường Nhật Bản với hơn 120 triệu dân được coi là một thị trường có tiềm năng lớn ở Đông Á, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, hải sản, hàng dệt may, đồ gỗ... tiềm năng của thị trường Nhật Bản vẫn còn rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ khai thác được một khoảng thị phần rất nhỏ so với các nước khác trong khu vực tại thị trường Nhật Bản. Nếu chỉ cần chiếm được mức thị phần tại thị trường Nhật Bản tương đương với mức mà các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Thái Lan, Inđônêxia và Malaysia đã đạt được (từ 2 đến 4%) thì mức xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã có thể tăng gấp 3 hoặc 4 lần so với mức hiện nay. Chính vì vậy, có thể nói rằng cơ hội hay những điều kiện “cần” cho sự phát triển hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn rất lớn.

Thứ sáu, về phía các doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản bằng các biện pháp như: thay đổi cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại,... Tất cả những việc làm này, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã bước đầu tạo ra những điều kiện “đủ” để quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển hơn nữa trong những năm sắp tới.

Ví dụ, gần đây Việt Nam đã xuất khẩu được hoa tươi, hàng may mặc cao cấp, thực phẩm chế biến... sang thị trường Nhật. Cùng với sự phát triển về mặt hàng xuất khẩu, tỷ lệ gia công nội địa trong sản phẩm xuất khẩu, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu thành phẩm trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng ngày càng được nâng cao (đặc biệt là đối với sản phẩm thủy sản, cơ khí, công nghệ thông tin...). Mười mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Nhật Bản trong những năm gần đây bao gồm: hàng may mặc;  hải sản kể cả tôm; dầu thô; hàng dệt thoi; dây cáp điện; than đá; đồ gỗ; hàng dệt kim; linh kiện điện tử mạch in. Các mặt hàng này sẽ tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong những năm tới.

Tình hình thực tế đã cho thấy, trong thời gian gần đây mặc dù Nhật Bản thắt chặt lại các biện pháp kiểm tra an toàn thực phẩm đối với tôm nhập khẩu vào Nhật Bản, nhưng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản từ năm 2004 đến nay đã vươn lên đứng vị trí thứ nhất với thị phần nhập khẩu vào Nhật Bản đạt 23,3%, vượt qua đối thủ lâu nay là Indonesia (khoảng 21%).

Ngoài ra, trong năm 2007, thị phần đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật đã tăng từ vị trí thứ 4 lên thứ 3 (sau Trung Quốc và Đài Loan), hiện đang chiếm hơn 8% thị phần nhập khẩu đồ gỗ của Nhật Bản và đang có xu hướng tăng hơn nữa.

Với nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ngoại thất của Nhật Bản là hơn 2,2 tỷ USD/năm và mức độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ hiện nay cùng với nỗ lực khai thác thị trường, cải tiến sản phẩm của các doanh nghiệp, Việt Nam có thể vươn lên ngang tầm với Đài Loan năm 2008. Đây là mặt hàng có triển vọng rất lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản vào năm 2008 và những năm sau này.

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như thủy sản, đồ thủ công mỹ nghệ, một số mặt hàng khác của Việt Nam cũng có triển vọng lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản gồm hàng nhựa, dây cáp điện, cơ khí, vật liệu xây dựng... Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xúc tiến đưa một số mặt hàng mới xâm nhập thị trường Nhật Bản.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương, các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam trong những năm qua nhìn chung đạt hiệu quả tốt và ngày càng bài bản hơn. Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ triển lãm tại Nhật Bản, tổ chức hội thảo ở trong nước và ngoài nước, tổ chức giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước, tổ chức đoàn đại diện khách hàng của Nhật Bản vào Việt Nam, hai bên cũng chú trọng tới khâu đào tạo, theo đó cử các cán bộ xúc tiến thương mại Việt Nam sang học tập kinh nghiệm của Nhật Bản. Trong năm 2007, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện phương thức xúc tiến đầu tư mới là sang Việt Nam trưng bày những sản phẩm mà họ muốn mua, chủ yếu là linh kiện ô tô, điện tử... Đây là một trong những hình thức nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hiện còn kém phát triển. Dự kiến, Cơ quan xúc tiến ngoại thương của Nhật Bản (JETRO) sẽ thảo luận với Cục xúc tiến thương mại để cụ thể hóa chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực trên.

Với tất cả những nỗ lực trên của các doanh nghiệp hai nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 15 tỷ USD vào năm 2010 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

TRẦN QUANG MINH

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Quang Minh - Ngô Xuân Bình (Chủ biên): Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005

2. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á (nhiều số)

3. Bản tin Kinh tế, TTXVN (nhiều số).

4. Tài liệu tham khảo, TTXVN (nhiều số)

5. Thời báo Kinh tế Việt Nam (nhiều số).

6. Báo Đầu tư (nhiều số).

7. Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam http://www.mofa.gov.vn/

8. Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam:  http://www.mpi.gov.vn/

9. Website của Bộ Thương mại Việt Nam: http://www1.mot.gov.vn/tktm/

10. Website của Tổng cục Thống kê Việt Nam: http://www.gso.gov.vn/

 

 

 

 


 

0thảo luận