Mông Cổ là quốc gia có diện tích đất đai rộng lớn (khoảng 1,5 triệu km2), gấp 5 lần diện tích lãnh thổ của Việt Nam, song dân cư thưa thớt (khoảng 2,8 triệu người theo con số thống kê năm 2006) chưa bằng 1/30 dân số nước ta. Phần lớn dân cư sống tập trung ở thủ đô Ulanbato (tới hơn một triệu người). Các khu vực còn lại chủ yếu là sa mạc, thảo nguyên, và các vùng núi non hiểm trở, dân cư thưa thớt. Chỉ qua những số liệu này cũng có thể thấy được kinh tế Mông Cổ là một nền kinh tế nhỏ bé, ít nhất là về phương diện lao động và thị trường. Cho dù có diện tích đất đai rộng lớn, song do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và một quy mô dân số hết sức khiêm tốn, số lượng lao động ít ỏi Mông Cổ khó có thể phát triển một nền kinh tế toàn diện có các ngành công nghiệp quy mô lớn, đa ngành và mức độ chuyên môn hoá cao. Vậy thì nền kinh tế Mông Cổ có những đặc trưng gì nổi bật? Bài viết này sẽ cố gắng trong một chừng mực nào đó đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi này.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, nền kinh tế Mông Cổ là một nền kinh tế chịu sự chi phối rất lớn của các điều kiện tự nhiên của quốc gia này. Khi nói về điều kiện tự nhiên của Mông Cổ, chúng ta có thể hình dung đến một vùng đất rộng lớn nằm lọt sâu trong lục địa, tiếp giáp với 3 nước là Nga, Trung Quốc, và Pakixtan. Mông Cổ hoàn toàn không có biển. Đây là một bất lợi thế rất lớn cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Phần lớn diện tích lãnh thổ của Mông Cổ là các vùng sa mạc, thảo nguyên, và các dãy núi non hiểm trở. Trong đó sa mạc Gô-bi ở miền Đông Nam là một trong những sa mạc lớn nhất trên thế giới chỉ có cát bụi mênh mông, hầu như không có bóng người cũng như động vật sinh sống. Một phần đáng kể khác của lãnh thổ nước này là các dãy núi cao hiểm trở ở miền Tây và Tây Nam, trong đó có những ngọn núi tuyết phủ gần như quanh năm. Cao nhất là dãy núi Altai (4.267m). Phần lãnh thổ còn lại là các vùng thảo nguyên mênh mông, với các đồng cỏ rộng lớn thích hợp cho phát triển chăn nuôi. Song do thời tiết khắc nghiệt và hạn chế nguồn nước, nên hầu như chỉ sử dụng được khoảng một nửa thời gian trong năm. Nửa thời gian còn lại là sự khô cằn hoặc băng tuyết phủ.
Thời tiết ở Mông Cổ rất khắc nghiệt, với sự khác biệt rõ nét giữa mùa đông và mùa hè. Hết bão tuyết buốt giá lại tới hạn hán khô nóng. Hàng năm Mông Cổ có tới hơn 6 tháng mùa đông với nhiệt độ thấp nhất xuống tới -30 độ C. Ulanbato là thủ đô có nhiệt độ trung bình thấp nhất trong tất cả các thủ đô trên thế giới. Chính vì vậy, khả năng khai thác và sử dụng nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên rất hạn chế. Các hệ sinh thái của Mông Cổ cũng rất nhạy cảm, dễ bị suy thoái và khả năng hồi phục chậm.
Chính vì vậy, nền kinh tế truyền thống của Mông Cổ chủ yếu là kinh tế du mục, chăn nuôi gia súc lớn trên đồng cỏ với khoảng 30 triệu con gia súc. Nếu tính theo đầu người dân trong nước, Mông Cổ được xem là nước có nhiều gia súc nhất thế giới. Ngành chăn nuôi, bên cạnh việc cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, còn là nơi cung cấp nhiều loại nguyên liệu công nghiệp xuất khẩu như da và lông. Trung bình mỗi năm Mông Cổ sản xuất, chế biến, xuất khẩu 2,7 nghìn tấn lông dê mịn (chiếm 30% thị trường thế giới). Do đó, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Mông Cổ là len cashmere và nhiều sản phẩm khác làm từ lông và da thú.
Ngoài ra Mông Cổ còn có nguồn khoáng sản dồi dào. Bên cạnh trữ lượng than khoảng 17.000 triệu tấn, Mông Cổ còn có dầu mỏ và những khoáng sản giá trị khác như đồng, tungsten, phosphat, thiếc, kền, vàng, kẽm, nickel và molybden. Trong những năm gần đây, mỗi năm Mông Cổ khai thác trên 35 nghìn tấn đồng, trên 10 tấn vàng, 13 nghìn tấn dầu thô.
Cho đến thập niên 1940, phần lớn người Mông Cổ là dân du mục. Tuy nhiên, sau này, khi chính phủ Mông Cổ thực hiện đẩy mạnh giáo dục, đô thị hoá và công nghiệp hoá song song với việc mở rộng ngành nông nghiệp bằng cách thành lập các hợp tác xã, số lượng dân du mục ngày càng giảm dần và thay vào đó là lối sống định canh định cư với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Trước năm 1990, Mông Cổ là một thành viên của phe XHCN, được sự ủng hộ và giúp đỡ về nhiều mặt của các nước khối COMECON, nền kinh tế Mông Cổ cũng là một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung tương tự như kinh tế Việt Nam trước năm 1986. Sau sự tan rã của Liên Xô và Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, nền kinh tế Mông Cổ đứng trước một tình cảnh vô cùng nghiệt ngã. Mông Cổ đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế để cứu cho đất nước thoát khỏi tình trạng khẩn cấp lúc đó.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, từ 1990 đến nay, Mông Cổ đã thực hiện cải cách kinh tế, chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Cùng với những thay đổi một cách căn bản trong hệ thống chính trị, nền kinh tế Mông Cổ cũng có những khởi sắc. Tuy nhiên, do những bất lợi về vị trí địa lý cũng như thời tiết khắc nghiệt, những tiến bộ đạt được trong tiến trình cải cách kinh tế còn hết sức khiêm tốn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, song Mông Cổ vẫn đang đứng trước nhiều vấn kinh tế hết sức khó khăn.
Trước hết nói về tốc độ tăng GDP: Mặc dù đã thực hiện cải cách kinh tế khá mạnh mẽ và toàn diện, tốc độ tăng GDP của Mông Cổ trong suốt thập kỷ 1990 là hết sức khiêm tốn. Tính trung bình trong thời gian này, tốc độ tăng GDP chỉ đạt khoảng 2-3%/năm, mặc dù có những năm tốc độ tăng GDP đạt tới 6% (1995) song có những năm chỉ đạt khoảng 1% như: năm 2000 đạt 1,1%; 2001 là 1,0%. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng thất thường của nền kinh tế Mông Cổ là do thời tiết xấu và sự biến động giá nguyên vật liệu vốn là các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Mông Cổ trên thị trường thế giới. Trong những năm gần đây, cũng nhờ sự tăng giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới (giá than, đồng, vàng, dầu thô... đều tăng), tốc độ tăng trưởng GDP của Mông Cổ đã được cải thiện rất đáng kể: năm 2005: 6,3%; 2006: 7%; 2007: 7,5%.
Về GDP theo đầu người, tính theo giá trị thực tế, GDP đầu người của Mông Cổ trong những năm gần đây đạt trên 1.000 USD. Tuy nhiên, qua một số tài liệu cho thấy các con số thống kê có sự khác biệt khá lớn. Theo một số nguồn tài liệu, nếu tính theo sức mua thực tế (PPP) thì thu nhập đầu người của Mông Cổ đạt tới hơn 2.000 USD (năm 2006 là 2.100 USD).
Về tỉ trọng đóng góp của các khu vực vào GDP: nông nghiệp: 21,7%; công nghiệp (chủ yếu là khai khoáng và công nghiệp nhẹ): 27,9%; và dịch vụ 50,4%, với tỉ trọng thu hút lao động vào các khu vực tương ứng là: 39,9%; 31,4%; và 28,7%. Có thể nói cho đến nay, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của Mông Cổ. Với những thảo nguyên rộng lớn, ngành chăn nuôi của Mông Cổ rất phát triển. Số lượng đầu gia súc của Mông Cổ bao gồm cừu, dê, trâu, bò, ngựa, lạc đà... đạt tới hơn 30 triệu con (35 triệu con năm 2006). Tuy nhiên, con số này thay đổi hàng năm cũng như theo mùa vụ trong năm do những biến động của thời tiết. Mùa đông rét buốt, thiếu cỏ, gia súc chết do dịch bệnh... làm cho số lượng đầu gia súc giảm đi. Nhưng khi mùa Xuân và Hè trở lại, gia súc lại sinh sôi nẩy nở. Cũng có những năm thời tiết khắc nghiệt, băng giá kéo dài, gia súc chết nhiều, số lượng đầu gia súc có thể giảm tới 1/4 hoặc 1/5. Ngoài chăn nuôi, Mông Cổ cũng có thể phát triển một số loại cây trồng như lúa mỳ, lúa mạch, một số loại rau, củ, quả... song sản lượng không đáng kể.
Về công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ yếu của Mông Cổ là khai khoáng (khai thác than, đồng, hoá chất, thiếc, tungsten, vàng, và dầu mỏ) và các ngành công nghiệp nhẹ như dệt, chế biến thực phẩm và rau, chế biến các sản phẩm động vật như da, len... Tuy nhiên, phải khẳng định rằng các ngành công nghiệp của Mông Cổ chưa thực sự phát triển. Ngay cả các sản phẩm da, lông - vốn là những sản phẩm rất dồi dào của Mông Cổ, khả năng chế biến ở trong nước vẫn rất khiêm tốn. Xuất khẩu các sản phẩm này chủ yếu vẫn là dưới dạng thô hoặc sơ chế thấp.
Về kinh tế đối ngoại, kể từ sau năm 1990, chính sách kinh tế đối ngoại của Mông Cổ đã có sự thay đổi đáng kể, từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào quan hệ với Liên Xô cũ chuyển sang mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với tất cả các nước. Trong quá trình cải cách kinh tế, chính phủ Mông Cổ đã thực hiện hàng loạt các chính sách tự do hoá thương mại với mục đích thúc đẩy và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển thương mại quốc tế đối với Mông Cổ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do vị trí địa lý và sự phụ thuộc vào các nước láng giềng. Ví dụ, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga gần như là điều không thể đối với Mông Cổ trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Mông Cổ chủ yếu là khoáng sản, da và lông thú phụ thuộc rất lớn vào sự biến động giá cả trên thị trường thế giới.
Là một quốc gia hoàn toàn nằm lọt trong lục địa, trước đây thương mại của Mông Cổ lệ thuộc nặng nề vào cả Liên Xô cũ và khối COMECON. Các nước như Bungari, Cuba, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan, Rumany và Liên Xô (cũ) chiếm tới hơn 90% tổng giá trị mậu dịch của Mông Cổ. Sự sụp đổ của Liên Xô (cũ) và kéo theo đó là sự giải thể của khối COMECON đã buộc Mông Cổ phải điều chỉnh chiến lược thương mại của mình. Trước hết, các chính sách tự do hoá thương mại đã được thực hiện mạnh mẽ nhằm củng cố các chương trình cải cách kinh tế. Các hạn chế mậu dịch được nới lỏng. Chính phủ đã bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trừ rượu, thuốc lá, xăng dầu và xe máy.
Bước tiếp theo trong chương trình thúc đẩy thương mại quốc tế là việc Mông Cổ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1997, trở thành một trong số ít quốc gia nằm lọt giữa các nước không phải thành viên WTO lúc đó (Trung Quốc và Liên bang Nga). Kể từ cuối những năm 1990, Mông Cổ đã cố gắng đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu và các nguồn hàng nhập khẩu, tuy nhiên, sự cải thiện về tình hình ngoại thương có thể nói là không đáng kể. Ngay cả sau khi Mông Cổ đã gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (KNXNK )của quốc gia này vẫn chỉ luôn giữ ở mức trên dưới một tỉ USD.
Những nguyên nhân cho sự trì trệ của ngoại thương Mông Cổ có thể có rất nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, do sự không thuận lợi về vị trí địa lý. Mông Cổ là quốc gia đất rộng song lại nằm lọt hoàn toàn trong lục địa. Vận chuyển hàng hoá đến và ra khỏi Mông Cổ chỉ có hai loại phương tiện là đường không và đường bộ. Vận chuyển đường không giá thành rất cao. Còn vận chuyển đường bộ thì đều phải qua các nước láng giềng nên chịu sự phụ thuộc vào các nước này về nhiều phương diện. Hơn nữa, hệ thống đường sá kể cả đường bộ và đường sắt tới các quốc gia láng giềng cũng chưa thực sự phát triển và cũng rất khó phát triển vì đòi hỏi khối lượng vốn đầu tư rất lớn mới có thể vượt qua được những vùng núi non hiểm trở hoặc các sa mạc cát mênh mông. Rõ ràng là sự bất lợi về vị trí địa lý là một cản trở rất lớn đối với sự phát triển ngoại thương của Mông Cổ.
Thứ hai, do công nghiệp chưa phát triển, các sản phẩm xuất khẩu của Mông Cổ chủ yếu là các sản phẩm khai khoáng và chăn nuôi. Cả hai loại sản phẩm này đều chịu tác động mạnh của những biến động về giá cả trên thị trường thế giới cũng như diễn biến thời tiết ở Mông Cổ.
- Giá cả các sản phẩm với mức độ chế biến thấp cũng như nguyên liệu thô trên thị trường thế giới thường rất không ổn định so với giá cả các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng vốn và công nghệ cao. Vì vậy, một quốc gia mà các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm sơ chế như da, lông và một số khoáng sản như Mông Cổ thì thu nhập từ xuất khẩu cũng sẽ phụ thuộc nặng nề vào sự biến động giá cả trên thị trường thế giới. Ví dụ: năm 1996 giá đồng thế giới giảm tới 33%, giá len giảm 10% đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu cũng như GDP của Mông Cổ. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 20% (từ 512 triệu USD năm 1995 xuống 424 triệu USD năm 1996). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do giá đồng và giá vàng trên thế giới tăng mạnh, doanh thu xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Mông Cổ nói chung cũng được hưởng lợi. Tốc độ tăng GDP trung bình các năm 2003 - 2007 đạt 7,5% tăng 2 đến 3 lần so với những năm 1990 mà nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.
Theo con số thống kê năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mông Cổ là 3,02 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 1,53 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 1,49 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư là 40 triệu USD. Cán cân thương mại thặng dư là do giá đồng xuất khẩu tăng và khối lượng các mặt hàng xuất khẩu như len, áo lót và đồ dệt kim tăng. So với năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 34,2%, trong đó xuất khẩu tăng 43,6% và nhập khẩu tăng 25,7%. Khoáng sản xuất khẩu tăng 432,5 triệu USD, hàng dệt may tăng 52,2 triệu USD, hàng da và lông tăng 11,3 triệu USD. Trong khi đó các mặt hàng xuất khẩu khác như ngọc tự nhiên hoặc sản phẩm ngọc, kim loại quý, đồ trang sức giảm 61,4 triệu USD.
Xuất khẩu các sản phẩm khai khoáng chiếm 93,2% tổng xuất khẩu và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như đồng, thiếc, khoáng chất fluorit. Năm 2005, ngọc tự nhiên và sản phẩm ngọc, kim loại quý, đồ trang sức chiếm khoảng 31,1% tổng xuất khẩu. Tuy nhiên, con số này đã giảm đi vào năm 2006 còn 17,7% do khối lượng vàng thô hoặc vàng sơ chế xuất khẩu giảm 35,4% (8,4 tấn).
- Mông Cổ là một trong những xứ sở lạnh nhất trên thế giới. Mùa đông băng giá thường kéo dài tới hơn 6 tháng. Với nhiệt độ trung bình ban ngày xuống dưới âm 30 độ C, băng tuyết phủ trắng mọi nơi thì không những gia súc không có thức ăn, mà các hoạt động khai khoáng cũng bị đình trệ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng khai thác và xuất khẩu. Ví dụ, năm 2000 và 2001, Mông Cổ đã phải gánh chịu một mùa đông hết sức khắc nghiệt có tên là “dzuds” đã làm chết tới 1/5 tổng số gia súc. Số lượng đầu gia súc đã giảm mạnh từ 32 triệu con xuống còn 25 triệu con. Đến năm 2007, tổng số đầu gia súc đã phục hồi và đạt hơn 35 triệu con. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng thời tiết xấu vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với nền kinh tế Mông Cổ khi mà ngành chăn nuôi vẫn cung cấp tới hơn 20% GDP của nước này.
Để hạn chế sự phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới và thời tiết khắc nghiệt, Mông Cổ đã rất nỗ lực đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu cũng như đa dạng hoá các bạn hàng thương mại. Sự phụ thuộc về thương mại của nước này vào Châu Âu, đặc biệt là Nga, ngày càng giảm đi, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước và các khu vực khác như Châu Á và Mỹ không ngừng được cải thiện.
Qua các số liệu thống kê có thể thấy rất rõ một điều là cho đến cuối những năm 1990 của thế kỷ 20, Mông Cổ hầu như chỉ có quan hệ thương mại với Châu Âu (trong đó chủ yếu là Nga). KNXNK của Mông Cổ với Châu Âu năm 1990 chiếm tới hơn 95% tổng KNXNK của nước này. Tuy nhiên, con số này đã giảm đi còn khoảng 35% vào đầu những năm 2000. Trong khi đó, quan hệ mậu dịch của Mông Cổ với các nước Châu Á và Mỹ, hầu như chưa có vào năm 1990 (KNXNK với Châu Á chiếm 4,6% và Mỹ chiếm 0,4% tổng KNXNK) đã tăng mạnh đạt 54% và 12% tương ứng trong tổng KNXNK của Mông Cổ vào đầu những năm 2000. Thêm vào đó, quan hệ thương mại của Mông Cổ cũng đã vươn tới Úc trong những năm gần đây, mặc dù tỉ trọng còn rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, những tiến bộ trong việc mở rộng thị trường của Mông Cổ không đi kèm với những tiến bộ trong việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Mông Cổ hầu như không thay đổi kể từ đầu những năm 1990 đến nay. Mặc dù tỉ trọng của mặt hàng dệt hiện nay đã tăng gấp hai lần và tỉ trọng của các sản phẩm khai khoáng đã giảm đi khoảng 20% so với những năm đầu thập kỷ 1990. Song tỉ trọng các mặt hàng khác như động vật, da và lông và đặc biệt là các sản phẩm khác (nơi thể hiện những tiến bộ của việc đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu) thì hầu như không thay đổi.
Về các mặt hàng nhập khẩu, Mông Cổ nhập khẩu hầu hết các sản phẩm máy móc, ô tô, xe chuyên chở nước, phụ tùng thay thế và các sản phẩm hoá chất. Từ khi trở thành thành viên của WTO, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mông Cổ không phải chịu thuế quan, hoặc có mức thuế quan rất thấp. Chính vì vậy, mặc dù các ngành công nghiệp chế tạo của Mông Cổ chưa phát triển, người dân Mông Cổ vẫn có thể mua được tất cả các thiết bị tiêu dùng hiện đại như ô tô, tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính... với mức giá không cao hơn so với mức giá của các sản phẩm đó được bán ở nước sở tại. Trong dịp sang khảo sát nghiên cứu tại Mông Cổ, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh tắc đường ôtô hàng giờ ở Thủ đô Ulanbto chẳng khác gì ở Băng Cốc, mặc dù Mông Cổ chưa hề có ngành chế tạo và lắp ráp ôtô, chỉ có các ngành dịch vụ sửa chữa ôtô. Ô tô ở đây đều là ô tô nhập khẩu với giá rất phải chăng. Theo một số người dân địa phương, chỉ cần một vụ cừu được mùa, một hộ gia đình nông dân cũng có thể sắm được ô tô.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trước năm 1990, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mông Cổ có thể nói là chưa có gì. Hình thức đầu tư nước ngoài duy nhất vào Mông Cổ trong thời gian này là hình thức liên doanh giữa các xí nghiệp quốc doanh của Mông Cổ với các xí nghiệp quốc doanh của các nước thuộc khối COMECON. Đầu tư trực tiếp từ các nước khác đều không được phép vào Mông Cổ. Chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt trao đổi ngoại tệ cũng như tỉ giá hối đoái.
Kể từ đầu những năm 1990, Chính phủ Mông cổ đã ban hành một loạt các luật về đầu tư nước ngoài nhằm xoá bỏ những trở ngại về mặt pháp lý, tạo ra một môi trường thông thoáng và thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài được ban hành lần đầu tiên vào năm 1990 và tiếp tục được sửa đổi và hoàn thiện hơn nữa vào các năm 1993 và 1997. Có thể nói rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mông Cổ đã được tự do hoá rất mạnh. Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư tổng thể của Mông Cổ. Lý do chủ yếu cho việc đẩy mạnh thu hút FDI là Chính phủ cũng như giới nghiên cứu Mông Cổ đã nhận thức rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của FDI đối với sự phát triển kinh tế của nước này. Ở đây xin không nêu lại những điều đã được các sách báo nói đến rất nhiều về vai trò và tầm quan trọng của FDI mà xin đi thẳng vào những nội dung của các chính sách thu hút FDI của Mông Cổ cũng như hiệu quả của chính sách này như thế nào.
Có thể nói rằng Mông Cổ có khá nhiều lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là nguồn tài nguyên phong phú chưa được khai thác như khoáng sản và nguyên liệu từ ngành chăn nuôi gia súc (thịt, da, lông, và các sản phẩm quý hiếm khác); các gói thầu lớn và hấp dẫn; những người bạn địa phương tốt, mến khách và dễ tiếp xúc. Ngoài ra còn phải kể đến giá thành lao động rẻ, đất đai rộng lớn. Tuy nhiên, như đã được đề cập ở trên, vị trí địa lý không thuận lợi, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa phát triển vẫn là những cản trở rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn đầu tư vào Mông Cổ.
Chính phủ Mông Cổ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường pháp lý để thu hút FDI như sửa đổi và bổ sung những điểm mới vào Luật đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra những thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài; bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài bằng văn bản luật; miễn thuế nhập khẩu, thuế bán hàng và thuế thu nhập... Kể từ năm 1996, Chính phủ đã tuyên bố mở cửa cho tất cả các hình thức đầu tư nước ngoài từ liên doanh đến 100% vốn nước ngoài hoặc hợp đồng sản xuất kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài có toàn quyền lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với lợi ích của mình. Năm 1997, một cuộc hội thảo quốc tế quy mô lớn với chủ đề “Đầu tư vào khai thác dầu khí và khai khoáng” đã được tổ chức tại Ulanbato nhằm khuyến khích và thu hút FDI vào Mông Cổ. Đồng thời Quốc hội Mông Cổ trong chương trình nghị sự của mình cũng đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa. Năm 1998, Cục đầu tư và thương mại quốc tế đã được thành lập đặt dưới Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đầu mối cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Mông Cổ, cung cấp các thông tin cần thiết về tình hình đầu tư và các dự án thu hút đầu tư, giải quyết các vướng mắc về mặt pháp lý, và cấp phép đầu tư ...
Với những cố gắng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút FDI, tổng số vốn FDI vào Mông Cổ đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng của Mông Cổ, thì lượng vốn FDI vào Mông Cổ quả thực là còn rất khiêm tốn. Có lẽ lý do chủ yếu cản trở sự tăng mạnh của FDI vẫn là sự không thuận lợi về vị trí địa lý và môi trường khí hậu của nước này. Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Mông Cổ, đứng đầu là Trung Quốc (24%), tiếp theo là Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (16%) và Mỹ (10%). Song số vốn đầu tư của các nước này vào Mông Cổ cũng hết sức khiêm tốn. Ví dụ, Trung Quốc là nước dẫn đầu về FDI vào Mông Cổ, song số vốn đầu tư cũng chỉ đạt khoảng 72 triệu USD (2006).
Về cơ cấu ngành đầu tư, hầu hết FDI vào Mông Cổ tập trung vào các ngành khai thác khoáng sản (25%), công nghiệp nhẹ (20%) và chế biến nguyên liệu thô (11%). FDI vào các ngành công nghiệp nặng cũng như các ngành công nghệ cao hầu như chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng FDI vào Mông Cổ. Đây cũng là một trong những vấn đề bất cập đang đặt ra trước các nhà hoạch định chính sách của Mông Cổ hiện nay.
Về các nguồn vốn vay và tài trợ của nước ngoài, Chính phủ Mông Cổ đã có những chính sách thích hợp để huy động vốn nhằm khắc phục những khó khăn trong nước và ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, tạo ra và duy một cơ cấu chính phủ có hiệu quả, xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.
Kể từ giữa những năm 1990, Mông Cổ đã có những mối quan hệ khá tốt với IMF, WB, ADB, và UNDP. Chính vì vậy, số lượng các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Mông Cổ đã đạt tới con số hơn 30 nước (trong đó có những nhà tài trợ lớn như Nhật Bản, Mỹ, Đức...) và hơn 10 tổ chức quốc tế vào năm 2007.
Hội nghị các nhà tài trợ cho Mông Cổ đã được tổ chức gần 10 lần kể từ năm 1991 đến nay với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật Bản. Kết quả của mỗi hội nghị là những con số có ý nghĩa về vốn vay và viện trợ không hoàn lại dành cho Mông Cổ. Tổng số tiền mà các nước và các tổ chức tài trợ đã cho Mông Cổ vay trong thời gian 1991-2006 là hơn 1 tỷ USD. Có 30 nước và tổ chức quốc tế có những khoản viện trợ không hoàn lại cho các dự án. Hơn 50% tổng số dự án mà Mông Cổ nhận được sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế là dưới dạng tài trợ không hoàn lại. Khoảng 95% tổng số tiền tài trợ và vốn vay được sử dụng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (56% cho năng lượng; 30,8% cho vận tải; và 13,6% cho viễn thông); và 4,1% được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng xã hội.
Về tiến trình cải cách kinh tế, tương tự như Việt Nam, cải cách kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường mở của Mông Cổ bắt đầu được thực hiện từ năm 1986. Những mục tiêu ban đầu của cải cách được đặt ra là: (1) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; (3) cải cách cơ chế quản lý và kế hoạch; (4) tạo lập sự độc lập tự chủ của các doanh nghiệp; và (5) cân đối các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội.
Trong đó, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của việc thực hiện 4 mục tiêu còn lại. Công tác nghiên cứu khoa học đã được chú trọng để phục vụ tốt hơn cho sự tăng trưởng kinh tế. Điện tử hoá, tự động hoá, kỹ thuật sinh học, và tạo ra các vật liệu mới là những lĩnh vực ưu tiên trong công tác nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với các nước khác. Cải cách cơ chế quản lý và kế hoạch được bắt đầu bằng việc cơ cấu lại các cơ quan chính phủ phụ trách các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Thực hiện hợp lý hoá và tập trung hoá các cơ quan kinh tế của chính phủ. Số lượng các chức vụ quản lý đã giảm đi tới 3000 chức vụ, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Vai trò của các cơ quan lập kế hoạch ở trung ương giảm đi đến mức tối thiểu. Uỷ ban kế hoạch và kinh tế Nhà nước chỉ còn đóng vai trò điều hành chính sách về vốn đầu tư nói chung. Các chỉ tiêu kinh tế đặt ra trong các kế hoạch 5 năm và các kế hoạch kinh tế quốc gia hàng năm cũng được giảm đi. Các Uỷ ban Nhà nước và các Bộ, chứ không phải Uỷ ban Kế hoạch và Kinh tế Nhà nước, sẽ quyết định việc mua sắm máy móc và thiết bị. Phi tập trung hoá quản lý kinh tế cũng được thực hiện tại các chính quyền địa phương và các xí nghiệp. Các cơ quan này được trao quyền tự chủ lớn hơn trong sản xuất và xây dựng và tự chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính của đơn vị mình.
Các xí nghiệp quốc doanh được tự chủ trong việc lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm và thương lượng với Nhà nước và các chính quyền địa phương trong việc nộp thuế trên cơ sở các chỉ tiêu dài hạn. Các xí nghiệp quốc doanh cũng được quyền bán các sản phẩm dư thừa ngoài các đơn đặt hàng của Nhà nước và các tài sản không cần sử dụng đến.
Kể từ cuối những năm 1990 đến nay, cùng với những sự thay đổi đáng kể về hệ thống chính trị, cải cách kinh tế ở Mông Cổ cũng thực sự đi vào chiều sâu với những cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường tự do, tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thả nổi tỉ giá hối đoái và giá cả thị trường trong nước, mở rộng cửa cho thương mại quốc tế.
Tóm lại, là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Bắc Á, song nền kinh tế Mông Cổ lại có những nét đặc trưng khá điển hình không giống với bất kỳ quốc gia nào thuộc khu vực này. Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế và liên kết khu vực diễn ra mạnh mẽ, Mông Cổ đang đứng trước cả những thời cơ thuận lợi lẫn những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Chính phủ nước này phải có những cách cách mạnh mẽ hơn nữa mới có thể tận dụng tốt cơ hội và khắc phục những khó khăn trở ngại, đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ và hội nhập với khu vực và thế giới.
1. Economist Intelligence Unit. Country Report: Mongolia, November 2000. London: Economist Intelligence Unit, 2000.
2. Government of Mongolia. 2001. “Action Program of the Government of Mongolia.” Ulaanbaatar, Mongolia.
3. Goyal, Hari D, 1999, “A Development Perspective on Mongolia.” The Regents of the University of California.
4. Hirono, Ryokichi, 1995, “Present and Future of Mongolia: Process of Transition to Market Economy Determinedly Advancing.” JICA Joint Study Project on Economic Reform and Development of Mongolia.
5. Human Development Report Mongolia 2000: Reorienting the State. Ulaanbaatar: UNDP and Government of Mongolia, 2000.
6. Ministry of Finance. 2001. “Mongolian Government Medium Term Objectives.” Ulaanbaatar, Mongolia.
7. National Statistics Office of Mongolia 2006. Mongolian Statistical Yearbook. Ulaanbaatar, Mongolia.