Trang chủ

NHO GIÁO LÀ MỘT TÔN GIÁO HAY MỘT HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI?

Đăng ngày: 21-11-2012, 10:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 8

Nho giáo do Khổng Tử (551-475 trước CN) thời Xuân Thu - Chiến Quốc sáng lập, sau đó được các học trò phát triển theo những khuynh hướng khác nhau và có ảnh hưởng rộng lớn ra nhiều quốc gia ở Châu Á trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, sau 25 thế kỷ, những cuộc tranh luận xung quanh  Nho giáo vẫn hết sức sôi nổi và xem chừng vẫn chưa có hồi kết. Chẳng hạn, Nho giáo có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội? Hoặc Nho giáo là một tôn giáo hay thuần tuý là một học thuyết chính trị, đạo đức, xã hội? Có ý kiến khẳng định. Có người lại phản bác quyết liệt. Dưới đây, chúng ta hãy cùng nhau xem xét Nho giáo được các nhà nghiên cứu coi là tôn giáo hay chỉ là một học thuyết chính trị, đạo đức, xã hội mà thôi.

1- Nho giáo là một tôn giáo

Những người ủng hộ quan  niệm này nói rằng, Nho giáo được coi là tôn giáo không phải mới đây. Ngay từ năm 573, thời Bắc Chu, sách Chu Thư, Vũ Đế kỷ đã chép rằng :” Hậu giải về vị trí trước sau của ba giáo, xếp Nho giáo ở hàng đầu. Đạo giáo thứ hai và Phật giáo ở hàng thứ ba “( Biệt thích tam giáo tiên hậu, dĩ Nho giáo vi tiên, Đạo giáo vi thứ, Phật giáo vi hậu ). Rồi đến thời Tuỳ Đường cũng có quan niệm “ Tam giáo nhất nguyên” “Tam giáo đồng quy”, tức là ba tôn giáo Nho Đạo, Phật cùng có chung nguồn gốc, có chung một đích điểm. Đầu thế kỷ XX, Khang Hữu Vi, Trần Hoán Chương thành lập “ Hội Khổng giáo” lên tiếng kêu gọi coi Khổng giáo như quốc giáo. Một số học giả như Nhiệm Kế Dũ coi Nho giáo là tôn giáo một cách đương nhiên. Ông viết: “ Nho giáo không phải chỉ là tôn giáo về danh nghĩa mà là tôn giáo về thực chất (1). Nhà nghiên cứu Friedrich Heiler chia các tôn giáo lớn trên thế giới thành hai loại : Loại dự đoán (Praphetical) và loại thần bí (Mystycal). Loại dự đoán gồm các tôn giáo như Ki tô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo. Loại thần bí như Thần đạo Nhật Bản (Shinto), Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo. Đồng tình với cách phân loại này, các học giả như E.Hughes , H. Rowley cũng xếp Nho giáo vào loại hình tôn giáo dự đoán.

Nhà nghiên cứu Trần Khắc Hưng ở Indonesia cũng quả quyết rằng:

Xem xét lịch sử thế giới thì chẳng khó khăn gì cũng phát hiện được rằng phàm những quốc gia ngày xưa có một nền văn minh, văn hoá rực rỡ thì đều có một tôn giáo làm chỗ dựa tinh thần trong đời sống lúc bấy giờ của dân tộc đó. Cổ đại Ai Cập, Babilon, Ấn Độ, Hy Lạp đều có tôn giáo riêng chi phối tư tưởng và tinh thần nhân dân nơi đó. Trung Quốc cổ đại là đất nước văn minh được khắp thế giới thừa nhận, há lại không có tôn giáo hay sao? Nho giáo duy trì tư tưởng và tinh thần của dân tộc Trung Hoa hằng mấy ngàn năm, chẳng lẽ lại không phải là tôn giáo hay sao? Tôi cho rằng cần phải suy nghĩ kỹ lại ý kiến cho rằng người Trung Quốc không có ý thức tôn giáo.

Ông chỉ ra hai dấu hiệu chứng tỏ đạo Nho là một tôn giáo chính hiệu. Thứ nhất Nho giáo có cầu đảo ở Trời. Thứ hai là đặt niềm tin vào mục tiêu cuối cùng của con người là vương quốc chân thiện mỹ . Tuy nhiên ông cũng chỉ ra những đặc điểm khác giữa Nho giáo và các tôn giáo khác như Nho giáo cho con người là thực thể hữu hạn nhưng có thể thông qua “ Tính” để đến với “ Đạo” vô hạn. Con người cũng có thể đến với Đạo bằng học tập, rèn luyện chứ không phải chủ yếu bằng lễ bái (2)(2).

H. Smith trong cuốn “ Khổng Tử” cũng khẳng định Nho giáo là tôn giáo đích thực với lý lẽ, Khổng Tử tin ở ân đức của Trời và tự xác định trọng trách Trời giao cho để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Trong sách Luận ngữ có kể rằng, khi Công Bá Liêu dèm pha Tử Lộ với đại phu Quý Tôn, nghe chuyện Khổng Tử nói: “Đạo ta nếu được lưu hành, ấy cũng do mệnh Trời. Đạo ta nếu phải vong phế, ấy cũng do mệnh Trời. Người Công Bá Liêu làm sao cải được cái mệnh Trời (Hiến vấn 38)(3). Cũng tương tự như vậy C.Less trong cuốn “ Kinh thánh Trung Quốc” cho rằng , Khổng Tử dã dạy con người sống như thế nào để đạt được cuộc sống hoàn mỹ bằng cách “Việc gì mình không muốn chớ làm cho người”. Sách Luận ngữ có chép chuyện ông Tư Mã Ngưu than phiền, buồn rầu vì mình cô đơn không có anh em thì Tử Hạ, bạn học và cũng là học trò của Khổng Tử đem lời thày ra an ủi rằng:” Chết sống có số mạng, giàu sang do Trời. Bậc quân tử lúc nào cũng thành kính, tự tu, không phạm điều lỗi lầm. Đối với người thì giữ khiêm cung và xử hợp lễ. Người ta trong bốn biển đều là anh em với mình hết. Vậy bậc quân tử cần chi phải lo ngại chẳng có anh em “. Vì thế đạo Nho cũng là một tôn giáo. Học giả Trương Cát Vận còn cho rằng Nho giáo chẳng khác gì các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo, Kitô giáo. Ông viết: “Khổng giáo gồm có những giáo lý giống như các tôn giáo lớn khác trên thế giới. Ví dụ thành kính với Đấng tối cao của Hồi giáo, Ki tô giáo cũng giống như  Nho giáo. Còn tinh thần từ bi của Phật giáo có thể khái quát ở đạo Trung Thứ. Đối với những tín đồ ngoan đạo của Khổng giáo thì về việc thực hành cúng bái, cầu đảo và tin ở hiệu quả của việc làm đó thì cũng giống như tín đồ đạo Hồi, đạo Phật, đạo Ki tô vậy”. Paull Tilich lại đưa ra một chuẩn mực để xem xét đó có phải là tôn giáo hay không bằng cách đối chiếu học thuyết đó có quan tâm đến “ cái vĩnh cửu” (Ulnimate concence ) không. Học thuyết nào đề cập đến phạm trù này đều được coi là tôn giáo. Do đó nhiều học giả phương Tây coi Nho giáo là tôn giáo một cách đương nhiên, không cần bàn cãi nữa.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mâu Tương Tam cũng có những nhận xét tương tự: “ Trung Quốc trước đây, tuy không có những tôn giáo theo loại hình đó (kiểu tôn giáo phương Tây), thế nhưng học vấn của Đạo gia, Nho gia đều có tác dụng tôn giáo. Cho nên có thể xem nó là một loại tôn giáo. Bởi vì những vấn đề mà nó muốn giải quyết là vấn đề lo lắng về cái vĩnh cửu mang tính tôn giáo. Nho gia nói Thiên đạo, Thiên đạo mang bản tính sáng tạo. Bản tính của Thượng đế cũng sáng tạo. Nếu đem Thiên đạo cách vị hoá thì đó chẳng phải là Thượng đế, là thần có nhân cách hay sao?(4) .

Ở Việt Nam, đạo Nho được coi như là tôn giáo dưới thời nhà Lý. Các giáo sĩ phương Tây khi đến nước ta truyền giáo cũng coi Nho giáo là một tôn giáo. Alexandre de Rhodes trong cuốn sách “ Phép giảng tám ngày” có viết: “ Đàng thứ nhất là về kẻ đàng hay chữ, gọi là đạo Nho. Đàng thứ hai là kẻ thờ quỉ mà làm việc dối gọi là Đạo. Đàng thứ ba là kẻ thờ Bụt gọi là Bụt. Sự đàng sau này bởi nước Indian mà ra(5) . Trần Trọng Kim vào những năm 30 của thế kỷ XX cũng có viết cuốn “ Nho giáo”. Còn các tác giả của cuốn “ Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay” cũng viết: “Các học thuyết tư tưởng, các tôn giáo, các tín ngưỡng hiện nay đang tồn tại ở nước ta thì có rất nhiều nhưng có thể chia làm bốn loại chủ yếu sau đây : Các học thuyết truyền thống, các tôn giáo và tín ngưỡng xưa nay, các trào lưu tư tưởng tư sản phương Tây cận hiện đại, Chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

...Các học thuyết truyền thống thì có ba đạo: đạo Nho, đạo Phật và đạo Lão...”(6)

Tóm lại, mặc dù cho rằng Nho giáo có những điểm khác biệt với tôn giáo Tây phương nhưng những ý kiến khẳng định Nho giáo là tôn giáo khá phổ biến vì cho rằng Nho giáo  có đề cập đến Thiên mệnh, cũng có lễ bái , cầu đảo, cũng bàn về cái siêu việt nội tại, cũng lo lắng về cái vĩnh cửu... như các tôn giáo khác.

2- Nho giáo là một học thuyết triết học, đạo đức xã hội

Những tác giả ủng hộ quan điểm này cho rằng thời Tiên Tần, Nho giáo được coi là một trong 14 học thuyết của giai đoạn “ Bách gia chư tử” và lọt vào “top” sáu thuyết nổi tiếng nhất bấy giờ là Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Âm dương gia, Mặc gia và Danh gia. Suốt từ đó cho đến thế kỷ thứ V thời Nguỵ Tấn- Nam Bắc Triều không có ai gọi đạo Nho là Nho giáo cả. Ngay đến thời Tuỳ Đường có chủ trương “Tam giáo nhất nguyên”, thế nhưng trong cuốn “ Tuỳ thư” , người ta vẫn chưa coi Nho học là Nho giáo. Nhà nước cũng chưa xem Nho giáo như Phật giáo hay Đạo giáo. Tác giả Thôi Long Thuỷ viết: “Khổng Tử sáng lập ra Nho học là học vấn của Nho gia chứ không phải tôn giáo. Khái niệm Nho giáo là do người đời sau dùng nó để đối kháng với Phật giáo và Đạo giáo(7).

Ở Indonesia, năm 1965, Chính phủ đã ra quyết định công nhận Nho giáo là một trong 6 tôn giáo lớn, phát thẻ cho tín đồ. Thế nhưng sau đó, vào năm 1978 lại huỷ bỏ quyết định này. Lý do là ngay ở Trung Quốc, đạo Nho cũng không được xem là tôn giáo. Tại Việt Nam, đạo Nho được du nhập vào với tư cách là một học thuyết chứ không phải là tôn giáo. Mãi đến thế kỷ thứ XI , khi Lý Thái tổ dời đô về Thăng Long thì mới có khoa thi Tam giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1195. Mặc dù vậy, rất nhiều nhà Nho nổi tiếng thời Trần như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Phi Khanh...hoặc Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Lê Thánh Tông dưới thời Lê cũng không sử dụng từ Nho giáo để chỉ đạo Nho. Người ta cho rằng có thể do ảnh hưởng tư tưởng của Lương- Khang mà Trần Trọng Kim viết cuốn “ Nho giáo”, nhưng ngay trong cuốn sách này, ông vẫn không coi đạo Nho là tôn giáo mà là “ học thuyết có hệ thống và có phương pháp(8).

Một số học giả đưa ra lý luận rằng cần phân biệt tôn giáo với một học thuyết bị tôn giáo hoá. Để duy trì chế độ của mình thông qua tư tưởng Nho giáo, chính quyền lúc đó đã tôn giáo hoá Nho giáo để nó trở thành thiêng liêng có thể sánh với Phật, Đạo bấy giờ. Mặt khác, để một tư tưởng có thể truyền bá sâu rộng, khuyếch trương trong dân chúng  nhất là khi học vấn thấp thì con đường tốt nhất là tôn giáo hoá bằng cách vay mượn các nghi lễ thờ cúng của các tôn giáo truyền thống. Hơn nữa, nếu so sánh với các tôn giáo khác như Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo... những tín đồ muốn gia nhập đạo đều có những nghi lễ chặt chẽ và phức tạp, còn “ đầu vào” của Nho giáo không có. Các tôn giáo khác có thể thống kê lượng tín đồ còn Nho giáo thì không. Trong các giấy tờ chứng minh cũng không có ai ghi mục tôn giáo là Nho giáo cả(9). Ngoài ra, trong quan hệ giữa trời và người quan niệm của Nho giáo cũng khác. Tín đồ đạo Công giáo có sống đạo đức mấy, sau khi chết có được nên thánh ở trên trời cũng không trở thành Chúa Giêsu được, còn ở Nho giáo con người nếu tu dưỡng đạo đức có thể thành thánh nhân( Nhân gia vị Nghiêu Thuấn).

Nhiều học giả khẳng định Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà đạo đức, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc cổ đại. Trọng tâm học thuyết cuả ông là nói về con người, đạo làm người. Các học trò của ông và nhiều Nho gia “ không hề coi Khổng Tử là hoá thân của một vị thần tối cao trên thượng giới hay một vị giáo chủ có công sáng lập một tôn giáo để hoằng dương Nho pháp”(10).. Hơn nữa,  ngay tại Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử, cũng không có giáo đường của Nho giáo, không có đội ngũ giáo sĩ chuyên nghiệp và không có một giáo hội với tư cách là một pháp nhân riêng. PGS Nguyễn Đức Sự  cho rằng, Khổng Tử có đưa các yếu tố tôn giáo truyền thống cổ đại vào nội dung học thuyết của mình nhưng ông Trời ở Luận ngữ không phải là ông Trời kiểu Chúa Trời mà giống với ông vua trên thượng giới nhiều hơn(11). Một nhà nghiên cứu khác cũng viết: “Ở triều Lý, giữa Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo có sự hoà hợp thật dễ dàng. Về phải và trái, hay và dở, lợi và hại tong cuộc sống trần gian thì chủ yếu dựa vào lễ giáo và đạo lý nhà Nho nhằm giữ vững quyền thống trị của thế lực vua quan phong kiến. Về phúc và hoạ, đức và tội ở nơi thiên cung miền cực lạc hoặc ở chốn địa ngục, cõi âm ty cũng như sự báo ân, báo oán từ kiếp này đến kiếp khác hoặc đối với con cháu đời đời thì dựa vào giáo lý và phép tắc của đạo Phật, đạo Lão nhiều hơn”. Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Văn Nghệ, GS Trần Văn Giàu cũng nói : Nho giáo nói về người chứ không nói về trời (mặc dù có nói về mệnh Trời), nói về sống chứ không nói về chết. Đối với Nho giáo, cái nhân đạo là cái số một(12).

Tại Việt Nam, số nho sĩ xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” rất nhiều, không ít người tôn sùng Khổng Tử như một thánh nhân, có tôn giáo còn thờ Khổng Tử ngang hàng với cả Đức Giêsu và Phật Thích Ca như đạo Cao Đài. Thế nhưng những môn đệ trung thành với Nho giáo thường chỉ coi ông như  một nhà giáo dục lớn, một người có tri thức bách khoa. Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến kinh thành Thăng Long năm 1627, dâng cho chúa Trịnh Tráng chiếc đồng hồ và cuốn hình học Ơ cơ lit, thì một vị Tiến sĩ đã nói với chúa Trịnh rằng: “Thưa Chúa, về nghệ thuật, chiếc đồng hồ thật đáng khen...Nhưng về cuốn sách thì Đức Khổng của chúng ta là đủ cho cả nước An nam. Chúng ta không cần cuốn sách nào khác(13). Câu nói này cũng bộc lộ tính bảo thủ của tầng lớp nho gia bấy giờ do học theo lối tầm chương trích cú mà sau này chính vua Minh Mệnh cũng phải ca thán: “Cái văn cử nghiệp chỉ câu nệ, khuôn sáo, hủ lậu, tâng bốc lẫn nhau. Việc học như thế chả trách gì nhân tài ngày càng kém(14). GS Vũ Khiêu đã chỉ rất rõ các nhược điểm của Nho giáo. Ông viết : “Lịch sử đã nhiều lần lên án nhược điểm của Nho giáo, coi như một trong những nguồn gốc của sự trì trệ lâu dài ở phương Đông. Lí do là Nho giáo dễ dàng duy trì cái cũ hơn là tiếp nhận cái mới. Nó coi trọng nông nghiệp hơn là công nghiệp và thương nghiệp. Nó đặt vấn đề đức trị cao hơn pháp trị. Nó duy trì sự bất bình đẳng tự nguyện trong toàn xã hội. Nó đóng cửa tự mãn về “nền văn minh lâu đời của dân tộc”, không muốn mở cửa tiếp  thu những thành tựu nào khác nữa của nhân loại(15). Trong luận điểm này , tác giả cũng cho thấy Nho giáo là học thuyết chính trị, xã hội chứ không phải là tôn giáo.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Trịnh Gia Đống cũng phân tích :

Trong tư tưởng của Nho gia, trí thức và trí tuệ, học vấn và thực tiễn, “triết”   “giáo” kết hợp với nhau. Lịch sử triết học phương Tây không nhất thiết phải có Giêsu, thế nhưng lịch sử triết học Trung Quốc cần phải đề cập đến Khổng Tử. Khổng Tử là nhà triết học, tuy nhiên ông không phải là nhà triết học theo kiểu phương Tây. Khổng Tử là một trí giả, thế nhưng ông không phải là một trí giả theo kiểu Hy Lạp, La Mã. Đối với học thuyết Nho gia cũng vậy, nó không phải là tôn giáo vì nó không có hệ thống tôn giáo độc lập(16). Học giả  Hà Thúc Minh trong một tiểu luận đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo cũng có nhận xét tương tự : “Nói tóm lại, đạo Nho không phải là một tôn giáo. Đạo Nho là một học thuyết đạo đức, triết học có tính tôn giáo. Hoặc có thể nói gọn hơn, đạo Nho là đạo đức tôn giáo(17).

Chúng ta vừa trình bày vắn tắt một số ý kiến của hai quan niệm khẳng định và phủ định  đạo Nho với tư cách là một tôn giáo. Sau đây là một vài ý kiến ban đầu của chúng tôi về vấn đề này.

3- Nho giáo từ một học thuyết Chính Trị, Đạo Đức xã hội trở thành tôn giáo

Thật ra những ý kiến khác nhau về vấn đề Nho giáo có phải là tôn giáo không đã diễn ra ở nhiều quốc gia và đến nay cũng chưa có hồi kết. Theo như giáo sư Trần Văn Đoàn thì “ mọi cuộc bàn luận về khủng hoảng giá trị đều không dễ và tôi ngại rằng, cuộc bàn luận này cũng khó đạt tới  kết quả mong muốn, cho dù chúng ta có đủ thời gian, công sức và tiền bạc(18). Theo chúng tôi  nguyên nhân đầu tiên là giữa các nhà nghiên cứu chưa có sự thống nhất các khái niệm. Người ta vẫn đồng nhất các khái niệm Nho gia, đạo Nho( Nho giáo), Khổng tử, Khổng học. Những khái niệm này tuy có những điểm chung trong nội hàm nhưng ngoại diên rất khác nhau. Chúng tôi tán thành với quan điểm của nhà nghiên cứu Phan Ngọc là cơ sở để hiểu Khổng học (học thuyết của Khổng Tử) là Luận ngữ, còn cơ sở để hiểu Nho giáo là Ngũ kinh (Thi, Lễ, Dịch, Thư, và Kinh Xuân Thu). Như vậy, cũng cần phân biệt những tư tưởng của Khổng Tử và tư tưởng của những người truyền bá học thuyết của ông sau này. Nho giáo cũng có quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử từ Nho giáo nguyên thuỷ của Khổng Tử đến thời Hán Nho với sự quảng bá của Đổng Trọng Thư, rồi Tống Nho với  các đại biểu nổi bật như Trình Hạo,Trình Di, Chu Hy... Khổng Tử có bàn về trời đất, quỷ thần nhưng cũng né tránh bàn về các khái niệm này. Học thuyết của ông chủ yếu bàn về phương cách cai trị đất nước. Khi Khổng Tử đến thăm Bá Ngưu bị bệnh, cầm tay người ốm, ông than rằng:” Trò sắp mất vậy, chẳng qua là vận mạng đó thôi! Than ôi! Người như vậy mà mang bệnh như vậy! Người như vậy mà mang bệnh như vậy “(Luận ngữ, Ung giã 8). Rõ ràng có bàn đến số mệnh, có yếu tố duy tâm tôn giáo bàng bạc ở đây. Nhưng đến đời Mạnh Tử (372-289 Tr.CN) thì yếu tố duy tâm, tôn giáo đã rõ nét hơn. Ông viết:” Chẳng việc gì xảy ra mà chẳng do nơi mệnh Trời. Mình nên thuận mà nhận lấy cái mệnh chính đáng ấy”. Hoặc :” Trời sinh ra dân ở cõi đời này, cũng sinh ra người làm vua, kẻ làm thày. Vua và thày giúp sức Thượng đế mà cai trị dân, giáo hoá dân. Cho nên bốn phương hai hạng người đó được Trời yêu mến cách đặc biệt” (Lương Huệ Vương , chương cú hạ 3). Sang tới Đổng Trọng Thư (180-105 Tr.CN) thì Nho giáo đã trở thành một tôn giáo đầy đủ với cả những yếu tố cực đoan. Chẳng hạn, ông gán ghép các thuộc tính của Âm dương ngũ hành vào các hiện tượng xã hội. Ông cho quan lại, nhà cầm quyền thuộc mệnh Kim, còn quần chúng nhân dân ứng với mệnh Mộc. Vậy Kim khắc Mộc ( quan cai trị dân ) là hợp quy luật.

Như thế, chúng ta thấy tính chất duy tâm, tôn giáo của Nho giáo ngày càng đậm nét. càng ngày càng mất đi tính chất tiến bộ, nhân bản trong tư tưởng của Khổng Tử buổi ban đầu. Đặc biệt khi tầng lớp thống trị lấy tư tưởng của Nho giáo làm hệ tư tưởng của mình thì muốn tôn giáo hoá nó để tăng thêm sự thiêng liêng. Gán cho vua tước hiệu “ Thiên tử”, vua thay trời trị dân, thay dân tế trời. GS Trần Đình Hượu nhận xét  về xã hội phong kiến bấy giờ: “Đứng đầu mọi dãy trật tự là Thiên tử. Thiên tử hay Hoàng đế vừa là cha vừa là thày của mọi người. Thiên tử hay vua đối với dân cũng như cha đối với con có trách nhiệm thương yêu, chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ(19). Chính quan niệm này làm cho thế quyền ở phương Đông luôn gắn với thần quyền và nó đẻ ra một nguyên tắc :” Cuius regio, eius religio ( đạo của vua là đạo của nước). Chuẩn ở đây là tôn giáo của thần dân phải là tôn giáo của quân vương. Phát thệ một đức tin tôn giáo nào đó thay vì một đức tin tôn giáo khác sẽ kéo theo một nội hàm chính trị tức thời(20). Điều này cho chúng ta thêm một lý do nữa là vì sao triều nhà Nguyễn được dựng lên nhờ sự giúp đỡ tích cực của nhiều giáo sĩ phương Tây trong đó có Giám mục Pigneau de Behaine. Vậy mà sau đó lại có chính sách hà khắc với  Công giáo. Còn ở nhiều nước ở Đông Nam Á thì mâu thuẫn, xung đột tôn giáo cứ bùng lên vơi xuống như nước thuỷ triều.

Như vậy khởi đầu là một học thuyết chính trị , đạo đức xã hội vì chính Khổng Tử cũng có ước nguyện “lấy đức dày chở muôn vật”, mong cải biến xã hội, giáo hoá muôn dân, cứu thiên hạ. Ông đã bôn ba, chu du 13 năm trời đi thuyết khách để mong được dùng thuyết “nhân trị” của mình. Thất bại, năm 484 (tr.CN), Ông mới trở về nhà mở trường dạy học, san đinh Thi, Thơ, hiệu đính Lễ , Nhạc, giải thích Kinh dịch. Mãi về sau, khi tranh luận, đối địch với các học thuyết khác như Đạo giáo, Phật giáo nó mới xây dựng siêu hình học và thành luận thuyết triết học và tiếp tục phát triển để trở thành tôn giáo. Sách vở thánh hiền được coi như kinh điển. Nội dung học thuyết được thần thánh hoá, còn các nhà sáng lập được phụng thờ trong Văn Miếu. Theo GS Kaji Nobuyuki (Nhật Bản) thì đặc điểm của tôn giáo vùng Đông Bắc Á là giải thích về cái chết và thế giới bên kia. Ông viết: “Tính tôn giáo của đạo Khổng là rất rõ ràng trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, những nghi lễ đó tất nhiên liên quan mật thiết đến cái chết...Tách đạo Khổng ra khỏi việc thờ cúng tổ tiên thì chẳng khác gì tước bỏ cái lý do tồn tại của Triết học(21). Alexandre de Rhodes cũng ghi lại rằng: “Đầu năm vua chúa An Nam làm phép cả  nước và quân quốc cùng thiên hạ cùng ra đi mà giao tế với Thượng đế. Đến khi vua chúa đã tế  Thượng đế đoạn thì đại thần cùng cả và thiên hạ mới lạy vua chúa”. Nếu tách tư tưởng của Mác- Engel mà phân tích riêng thì nó cũng có những điểm khác so với giai đoạn của Lênin và càng khác so với sự phát triển sau này ở các nước XHCN. Nếu coi Nho giáo là toàn bộ học thuyết từ Khổng Tử cho đến sau này thì nó tồn tại như một tôn giáo. Dĩ nhiên tôn giáo này có những điểm khác biệt so với các tôn giáo ở phương Tây. Còn chỉ riêng tư tưởng của Khổng - Mạnh thì nó chưa phải là một tôn giáo mà là một học thuyết chính trị , đạo đức xã hội mà thôi.

 

PHẠM HUY THÔNG

(TS, Đại học dân lập Đông Đô)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ” Đỗ Quang Hưng chủ biên-Nxb KHXH 2001, Tr.196, tr.194 và tr.200.

2.  Từ Anh Tài Tuyển tập Triết học Trung Quốc cổ đại”, Nxb Trẻ, T/p HCM 1999.

3. A. Rhodes, Phép giảng tám ngày, Tủ sách Đại kết 1993.

4. Trần Trọng Kim, Nho giáo Nxb T/p HCM, 1991.

5. Về tôn giáo tín ngưỡng VN hiện nay G.S Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Nxb KHXH 1996.

6. Quang Đạm, Nho giáo xưa và nay, Nxb Văn hoá 1994.

7. A. Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đạị kết 1994.

8. Đại Nam thực lục chính biên, tập IV.

9. Trần Đình Hượu, Văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá 1989 tr.214

10. Tôn giáo và đời sống hiện đại Viện Thông tin KHXH, H.1997.

 

 

 

 

 



(1) Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, tr, 196.

(2) Trần Khắc Hưng,  Vắn tắt về tính tôn giáo của Nho học -sđd Tr.1015

(3)Từ Anh Tài sdd Tr.1046 Các trích dẫn lời Khổng -Mạnh theo cuốn” Tuyển tập Triết học Trung Quốc cổ đại”, Nxb Trẻ, T/p HCM 1999

 

 

(4) Trịnh Gia Đống -  Nhà Nghiên cứu Trung Quốc- sđd Tr.984-986

(5)A. Rhodes, Phép giảng tám ngày, Tủ sách Đại kết 1993 Tr.104-105.

(6)PGS Nguyễn Tài Thư (chủ biên), sdd Nxb CTQG 1977 Tr.21.

(7) Suy nghĩ về sự phát triển Nho học ở Triều Tiên, sdd , Tr.1351

(8) Trần Trọng Kim, Nho giáo Nxb T/p HCM, 1991

(9) Như trích dẫn (1) tr.194

(10) G.S Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Về tôn giáo tín ngưỡng VN hiện nay Nxb KHXH 1996 , Tr.275.

(11) Quang Đạm, Nho giáo xưa và nay, Nxb Văn hoá 1994, Tr.42.

 

(12) Báo Văn nghệ ngày 28-3-1992.

(13) A. Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đạị kết 1994, Tr.100.

(14) Đại Nam thực lục chính biên, tập IV tr.280.

(15) Tạp chí Đông Nam Á ngày nay số 2 tháng 2-1997.

(16) Như trích dẫn (1) tr, 200.

(17) Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5(11) năm 2001.

(18) Khủng hoảng các gia trị Nho giáo, Tạp chí Nghiên cứu Con người số 2-2003 ,tr.7.

 

(19) Trần Đình Hượu, Văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá 1989 tr.214.

(20) Dẫn theo “Về tôn giáo“ tập I, Nxb KHXH 1994 tr.223.

 

(21) Nho giáo, một tôn giáo bị lãng quên , Trong cuốn: Tôn giáo và đời sống hiện đại Viện Thông tin KHXH, H.1997, Tr.22.

 

0thảo luận