Một trong những biểu hiện nổi bật của toàn cầu hóa là hội nhập nền kinh tế và sự dịch chuyển dòng vốn tự do. Tuy nhiên, sự dịch chuyển dòng vốn tự do sẽ gây ảnh hưởng đến trào lưu dịch chuyển nguồn lao động hay còn gọi là hợp tác lao động. Hơn hai thập kỷ trước đây, Nhật Bản và các nền công nghiệp mới NICs ở Châu Á có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đài Loan cũng không nằm ngoài vòng phát triển đó. Cùng với việc tăng giá của đồng đôla Đài Loan, vào giữa những năm 1980 sau khi họ kí hiệp định Plaza, nền kinh tế Đài Loan đã đạt được mức tăng trưởng cao suốt 30 năm liên tục. Đài Loan có nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Châu Á.
Chính hiện tượng đầu tư vốn lớn ra nước ngoài dẫn đến dịch chuyển nguồn lao động giữa Đài Loan và các nước Châu Á khác trong đó có Việt Nam. Việc dịch chuyển đó tạo ra sự kết gắn bền chặt về mặt kinh tế và xã hội và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan. Bài viết này sẽ tập trung vào tìm hiểu những đặc điểm của hợp tác lao động hay như người Đài Loan gọi là quá trình dịch chuyển lao động và ảnh hưởng của nó tới quan hệ Việt Nam và Đài Loan.
Thực tế cho thấy, có 3 hình thức hợp tác lao động, đó là hợp tác lao động phổ thông không định cư; hợp tác lao động thông qua trao đổi công nhân lành nghề và hợp tác theo kiểu nhập quốc tịch nước sở tại thông qua xây dựng gia đình với người Đài Loan. Người ta nói rằng, hình thức thứ nhất và thứ hai liên quan trực tiếp tới dòng vồn đầu tư; hình thức thứ 3 ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội và dòng vốn hiện tại.
1. Nhu cầu lao động nước ngoài của Đài Loan
Các nền kinh tế công nghiệp hoá mới đã phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu lao động và nhân khẩu do hiện tượng chuyển dịch dân số và già hóa dân số. Theo đánh giá của tổ chức Liên Hợp Quốc (UN), Đài Loan đã và đang phải đối mặt với tình trạng trên. Năm 2004, có khoảng hơn 9% dân số có độ tuổi trên 64. Năm 2003, tổng tỉ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản là 1,24%, đây là tỉ lệ thấp nhất trên thế giới. Nói cách khác, tỉ lệ thay thế dân số kế cận thấp hơn mức 2,1%. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu về tình hình thay đổi dân số ở Đài Loan thì dân số ở hòn đảo này sẽ giảm mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2030.
Chính sự thay đổi trong cơ cấu lao động và nhân khẩu gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiều ngành công nghiệp bị tác động trực tiếp do có sự thay đổi trong nguồn cung lao động. Tuy nhiên, phần lớn người dân Đài Loan hiện nay vẫn nghĩ rằng, họ chưa phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Chỉ một nhóm nhỏ có quan tâm tới vấn đề này nhưng họ vẫn không tin rằng già hóa dân số sẽ đến sớm như vậy. Chính vì lẽ đó, tại nhiều nhà máy, xí nghiệp ở Đài Loan người ta chưa xây dựng cơ sở vật chất cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Theo thống kê chính thức, ½ số người lao động nước ngoài tới Đài Loan làm việc tập trung vào 2 nhóm công việc chính là: chăm sóc người cao tuổi và làm các công việc phụ giúp gia đình người Đài (làm người hầu gái, người bảo mẫu…). Điều này có nghĩa là nhu cầu về các dịch vụ xã hội tăng lên trong khi hoạt động này lại ít được sự quan tâm của chính quyền. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Đài Loan và các nước Châu Âu, nơi mà chính phủ dành nhiều sự quan tâm và ưu ái tới người già. Điều cần lưu ý là, tại Đài Loan người ta quy định chỉ những người lao động đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên mới được làm các công việc kể trên. Khoản chi phí phải trả cho loại lao động này dao động xung quanh mức 21.000 đô la Đài Loan/tháng và làm theo ca trung bình là 700 đô la Mỹ/ca.
Thêm vào đó, sự suy giảm dân số và kéo dài thời gian học tập khiến nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp thuộc nhóm 3D (Dirty, Dangerous and Difficulty) rất lớn nhưng rất ít người Đài Loan muốn tham gia lao động trong nhóm ngành này. Nhiều hãng kinh doanh và nhiều xí nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan đã di chuyển cơ sở sản xuất của họ tới Trung Quốc, Việt Nam và Đông Nam Á, nơi có nguồn lao động dồi dào và rẻ hơn nhiều so với Đài Loan. Để hạn chế khuynh hướng đầu tư cực đoan ra nước ngoài và giảm sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp chính phủ Đài Loan sử dụng biện pháp “phối hợp với lao động nước ngoài” (guest workers scheme) để khẳng định rằng những người lao động nước ngoài không thể ở lại Đài Loan trong một thời gian dài hay ở lại vĩnh viễn, họ chỉ có thể ở đây trong một khoảng thời gian ngắn, tạm thời. Một thực tế là, những người lao động đến Đài Loan đã trở thành một bộ phận quan trọng của thị trường lao động tại hòn đảo này. Thậm chí một số người còn cho rằng người lao động nước ngoài sẽ không thể không có trong tương lai.
Chúng ta đều biết rằng tại các quốc gia Châu Á việc đưa lao động từ vùng này sang vùng khác hay từ nước này sang nước khác đã có lịch sử khá lâu đời. Trong một chừng mực nào đó những quốc gia có người lao động đưa đi thu được một khoản ngoại tệ nhất định. Khuyến khích người lao động trong nước đi lao động ở nước ngoài cũng là một cách làm giảm tỉ lệ thất nghiệp trong nước.
Chính vì lẽ đó, các chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Toàn bộ thủ tục do các tổ chức cá nhân trong nước chịu trách nhiệm. Về mặt nào đó việc làm này giống như một cách để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhưng sự thực là những hoạt động kể trên được thực hiện thông qua nhiều hệ thống xã hội khác nhau mà chúng ta có thể gọi chung là sự phụ thuộc giữa các cộng đồng xã hội.
2. Hợp tác lao động phổ thông Việt Nam - Đài Loan
Việt Nam là một quốc gia phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy chính phủ cho phép lao động được ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra bởi đây là một tiền lệ chưa diễn ra trước đó. Đến năm 1999, do quá trình sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, công nghiệp trở thành ngành được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế ở hầu hết các tỉnh. Tất cả hoạt động kinh doanh, sản xuất ở các địa phương đều được sắp xếp lại và tạo thành một hệ thống có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Ở các khu vực miền núi, người lao động có thể được tuyển vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp ở trong và ngoài nước thông qua nhiều con đường khác nhau. Như vậy, sự điều chỉnh này đã mang lại những lợi ích nhất định cho người dân xa thành phố.
Làm sao để người lao động phổ thông được đi lao động tại Đài Loan? Lẽ đương nhiên, các tập đoàn sản xuất sẽ cử một người nào đó làm đại lí khu vực. Họ sẽ trực tiếp có các buổi tiếp xúc, thảo luận với những người có ý định đi lao động nước ngoài. Thêm vào đó, người đại diện cho các tập đoàn này sẽ giúp đỡ những đối tượng muốn đi lao động các thủ tục cần thiết để xuất cảnh, giúp họ có được khoản hỗ trợ cần thiết của chính phủ để trả chi phí thuốc men. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 15% số người lao động làm các công việc trong các trang trại nông nghiệp được trợ giúp trả các khoản chi phí kể trên. Nếu không nhận được sự trợ giúp, người lao động cũng có thể mượn tiền của người dân khác trong cùng địa phương để chi trả, tỉ lệ chi trả theo kiểu này cao hơn so với chi trả có sự hỗ trợ ở mức 25%. Nhà cung cấp lao động cũng như những người cho vay vốn đi lao động ở nước ngoài đều có những hợp tác nhất định với phía nhập khẩu lao động. Họ cũng yêu cầu người lao động phải tiết kiệm tiền thuê nhà, mua thực phẩm, tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, khi đưa người đi xuất khẩu lao động họ cũng có được những khoản lợi nhuận nhất định.
Thêm vào đó, những người đại diện bán hàng tại nước sở tại cũng có thể tuyển lao động thông qua cục quản lí lao động thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Người lãnh đạo thị trấn, làng bản có thể thông báo tin tuyển lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và hướng dẫn họ tiến hành đăng ký xét tuyển tại văn phòng chính. Thậm chí, những người làm việc tại chính các công ty nước ngoài có được thông tin tuyển lao động họ có thể làm cầu nối đưa người lao động trong nước ra nước ngoài. Và lẽ đương nhiên, những người này sẽ nhận được một khoản tiền môi giới nhất định, thông thường khoản tiền trên dao động quanh mức 100 đến 200 đô la Mỹ. Thậm chí một số người còn cho rằng, khoản tiền thù lao nhận được có thể tương đương với 2 đến 4 tháng lương của người lao động làm việc tại các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với những người lao động nước ngoài có được công việc tốt ở Đài Loan, họ chỉ nhận được xấp xỉ 1/3 mức lương của người lao động Đài Loan làm cùng công việc. Điều này cũng ngụ ý rằng, chính những mối quan hệ xã hội giúp người lao động kiếm được việc làm tại nước ngoài nhưng sức lao động cũng chính là một loại hàng hoá có thể trao đổi được nhưng không ngang giá.
Một người lao động được coi là thành công ở nước ngoài có thể thu được khoản tiền 10.000 đô la Mỹ trong vòng 3 năm. Nếu người đó gửi toàn bộ số tiền thu được về nước thì nó có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực. Điều đó sẽ cũng khuyến khích những người dân trong nước cố gắng đi lao động ở nước ngoài. Cần phải nhấn mạnh thêm rằng những người lao động ở Đài Loan đều muốn ở lại hòn đảo này để tiếp tục lao động tăng thêm nguồn thu nhập. Và một chi tiết rất thú vị là khi một ai đó xây nhà mới, những người xung quanh sẽ nghĩ ngay rằng chắc gia đình đó có người đi lao động nước ngoài.
Sau khi người lao động Việt Nam đến Đài Loan để làm việc, nếu họ là công nhân của các công ty thì họ sẽ được ở trong các khu ký túc do công ty xây dựng. Điều này có nghĩa là, họ sẽ bị hạn chế về hoạt động xã hội, ít có cơ hội tiếp xúc với những người xung quanh đặc biệt là người Đài Loan bản xứ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nền khoa học công nghệ hiện đại ngày hôm nay như mạng điện thoại di động, internet… họ có thể nói chuyện trực tiếp với những người bạn Việt Nam ở bên ngoài cũng như nói chuyện với gia đình ở trong nước. Mặc dù vậy, họ vẫn gặp phải nhiều rủi ro. Nếu công ty nơi họ làm việc bị giải thể hoặc những người làm nghề giúp việc cho các gia đình người Đài không có mối quan hệ tốt với người quản lí hay người chủ gia đình thì họ bị gửi trả lại Việt Nam mà không được trả bất cứ một khoản tiền nào. Khi trường hợp này xảy ra, họ sẽ cố gắng từ bỏ công việc mà mình đang làm và tìm một công việc khác, mặc dù họ biết đó là việc làm bất hợp pháp. Chính việc làm này mà những người Việt Nam đó có thể ở lại Đài Loan tiếp tục làm việc. Đối với những người sử dụng lao động Đài Loan họ không phải trả bất cứ khoản phí nào cho việc đảm bảo an ninh xã hội. Họ chỉ phải trả 500 đô la Mỹ/tháng, thấp hơn nhiều so với những người công nhân Đài Loan hay những công nhân nước ngoài đến lao động hợp pháp tại Đài Loan. Trong những năm gần đây, cũng nhờ hệ thống liên kết xã hội kể trên nhiều người phụ nữ Việt Nam đã xây dựng gia đình với người Đài Loan.
3. Hợp tác lao động qua hình thức kết hôn
Từ cuối những năm 1980, ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam và ở các quốc gia khác đến định cư ở Đài Loan thông qua con đường kết hôn. Hiện tượng này là kết quả không tránh khỏi khi các doanh nghiệp Đài Loan tiến hành đầu tư vốn tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Theo thống kê đầu những năm 1990, các cô dâu ngoại quốc ở Đài Loan chủ yếu là người Trung Quốc đại lục, hoặc người Trung Quốc ở Indonexia. Tuy nhiên, cho đến giữa những năm 1990 các cô dâu Việt Nam đã dần chiếm vị trí cao hơn so với các cô dâu Indonexia và dần dần trở thành nhóm người nước ngoài lớn thứ hai tại Đài Loan sau Trung Quốc. Một điểm cần lưu ý là, các cô dâu Việt Nam không có gốc người Hoa, họ chấp nhận lấy chồng ngoại quốc hầu hết do sự sắp xếp của các tổ chức môi giới trong lĩnh vực hôn nhân ở Đài Loan và Việt Nam. Xét bối cảnh riêng của Đài Loan và mối quan hệ của hòn đảo này với các quốc gia láng giềng thì các cô dâu ở Đài Loan đến từ các nước các Đông Nam Á và Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo ước tính có khoảng trên 1/10 các cặp hôn phu mới ở Đài Loan có cô dâu hay chú rể là người ngoại quốc. Con số này không bao gồm các cô dâu người Trung Quốc, những người không được chính thức coi là người nước ngoài ở Đài Loan. Nếu tính cả những cô dâu người Trung Quốc này thì tỉ lệ trên có thể đạt ở mức 1/3 hoặc cao hơn.
Có thể nói, sự gia tăng nhanh chóng số lượng phụ nữ đến Đài Loan là kết quả của nhiều cuộc dàn xếp gặp gỡ xuyên quốc gia giữa cô dâu Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác, Trung Quốc và chú rể Đài Loan. Hoạt động này được tiến hành một cách thường xuyên trong những năm gần đây thông qua các tổ chức môi giới hôn nhân xuyên quốc gia. Một người đàn ông Đài Loan phải trả trung bình 7.000 đô la/tuần để tham gia vào 1 chuyến du lịch gặp gỡ các cô gái tại các quốc gia khác. Họ được các tổ chức môi giới sắp xếp gặp các cô gái sau đó có thể chọn 1 người mà mình cảm thấy phù hợp nhất. Khi cả hai bên đồng ý, tổ chức môi giới này sẽ nhanh chóng tổ chức lễ thành hôn cho đôi tân uyên ương. Thông thường thủ tục cưới hỏi diễn ra gọn trong 1 tuần kể trên. Toàn bộ thủ tục xin nhập quốc tịch Đài Loan của cô dâu sẽ được làm sau khi cô dâu về tới Đài Loan. Theo một cuộc khảo sát gần đây, trung bình 6 tháng sau khi đến Đài Loan các cô dâu Việt Nam đều có bầu. Hàng ngày, họ phải làm các công việc gia đình, bên cạnh đó họ cố gắng tìm việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp cần lao động kỹ năng thấp và trả lương không cao. Những cô dâu Trung Quốc cũng có hoàn cảnh tương tự. Trình độ học vấn của những cô dâu Trung Hoa cũng không khác nhiều so với các cô dâu Việt Nam. Với những quy định nghiêm ngặt của Đài Loan thì hầu như các cô dâu ngoại quốc rất khó để tìm công việc phù hợp.
Việc kết hôn xuyên quốc gia đã và đang gây ra những ảnh hưởng nhất định tới nơi họ ra đi. Tại một số địa phương diễn ra quá trình thay đổi văn hoá truyền thống; hầu hết các gia đình tại đó đều có ít nhất 1 thành viên kết hôn với người Đài Loan. Giống như những ảnh hưởng tới xã hội trong cộng đồng có người đi xuất khẩu lao động, khi một ai đó nhìn thấy căn nhà mới xây thì họ nghĩ rằng đó là căn nhà của gia đình có con cái kết hôn với người Đài Loan. Điều này cho thấy, đã có một sự thay đổi nhất định trong giá trị xã hội, nó tạo nên một giá trị văn hoá mới thông qua hành động cưới xin. Ảnh hưởng thứ hai cho các quốc gia xuất khẩu cô dâu phải kể đến ở đây là vấn đề "vợ hai". Vấn đề này chỉ bị áp dụng khung hình phạt của luật pháp Đài Loan khi chính quyền phát hiện. Tuy nhiên, những bà vợ đó lại đóng vai trò trung gian trong hoạt động kinh doanh của các thương nhân Đài Loan khi đầu tư vào Việt Nam. Theo một nghiên cứu cho thấy, đầu tư nước ngoài vào các vùng địa phương Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi các quy tắc, hương ước bất thành văn ở khu vực đó. Thông thường, đầu tư của các ông chồng Đài Loan đứng dưới danh nghĩa của các bà vợ hai ở Việt Nam. Nếu không có sự trợ giúp này rất khó để làm kinh doanh thành công, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất và bán hàng hoá tại thị trường khu vực nói riêng và trong nước nói chung.
Nói tóm lại, lấy chồng ngoại quốc tạo ra một nhóm lực lượng lao động mới cung cấp cho thị trường lao động đang bị "suy giảm" trong những năm gần đây ở Đài Loan. Từ đó cũng góp phần hạn chế những vấn đề gây ra do sự thay đổi cơ cấu lao động của hòn đảo này. Thêm vào đó lấy chồng ngoại quốc cũng có những tác động nhất định tới quốc gia "xuất khẩu cô dâu". Ở đây Việt Nam là một thí dụ, những ảnh hưởng vừa có tính chất cộng đồng vừa mang tính quốc gia. Quan hệ với những người "vợ hai" sẽ giúp các thương nhân Đài Loan dễ dàng hơn trong công việc kinh doanh ở Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay thì việc xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Đài Loan là tất yếu. Hiện tượng này tạo nên những mối quan hệ xã hội mạnh mẽ giữa Việt Nam và Đài Loan và mang lại lợi ích cho cả hai phía. Lao động Việt Nam góp phần khắc phục sự thiếu hụt lao động ở Đài Loạn, ngược lại, nhờ thị trường lao động Đài Loan mà tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam giảm, góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như mục tiêu phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Nhưng do những nhân tố chủ quan và khách quan, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan còn gặp nhiều vấn đề khó khăn chưa giải quyết được, mà hệ quả là Đài Loan có thể đóng cửa thị trường lao động đối với Việt Nam. Điều này sẽ gây thiệt hại cho cả hai, do đó hai phía cần nỗ lực khắc phục các khó khăn này nhằm hồi phục và nâng hợp tác lao động Việt Nam – Đài Loan lên một tầm cao mới.
NGÔ MINH THANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Feenstra, R.C. (1998), Hội nhập Thương mại và sự Phân hóa sản xuất của nền kinh tế toàn cầu, báo Viễn cảnh Kinh tế, tập 12, 4, trang 31- 50.
2. Hill, H. (1990), Đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tư liệu Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương, 4(2), trang 21- 58.
3. Huang, D.S. (2000), Sự phát triển Công nghiệp và Mô hình thương mại ở Đông Á thời kỳ hậu chiến, bài viết tại Hội nghị về những Kinh nghiệm và Thử thách trong vấn đề Phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á, Học viện Kinh Tế, Viện Hàn Lâm Trung Quốc, Đài Bắc, Đài Loan.
4. Vernon, R. (1996), Đầu tư Quốc tế và Thương mại Quốc tế trong vấn đề Vòng đời sản phẩm, Báo Kinh Tế Hàng Quý, số 80, trang 190- 207.
5. http://www.taipeitimes.com/News/tai wan/archives/2007/02/09/2003348283
6. http://www.hoilhpn.org.vn/News Detail.asp?Catid=69&NewsId=1374&lang=EN
7. http://www.vysa.jp/modules.php? op=modload&name=XForum&file=viewthread&fid=24&tid=1806&orderdate=