Có thể thấy, kể từ khi bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 1991 đến nay, tuy chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi trong quan hệ hàng nghìn năm giữa hai nước, nhưng cũng đủ để chứng kiến những thay đổi thật lớn lao. Từ chỗ chỉ là sự bắt đầu lại các mối quan hệ, thăm dò sau một thời gian căng thẳng, hai nước đã nhanh chóng tiến tới quá trình tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hiểu biết nhau hơn và đã đạt được những thay đổi rõ ràng trong những năm đầu thế kỷ 21 nhằm tiến tới góp phần duy trì ổn định lâu dài giữa hai nước trong tương lai. Dựa trên những nhân tố thay đổi, tác động của quốc tế và tình hình hai nước, chúng tôi phân tích mối quan hệ chính trị này qua 3 giai đoạn.
1. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai lực lượng mà quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chịu ảnh hưởng là Mỹ và Liên Xô đã dần rút và giảm sự hiện diện của mình tại khu vực. Quan điểm của Trung Quốc trong tình hình quốc tế mới này là chuyển hướng sang tích cực phát triển quan hệ ngoại giao hữu nghị với những nước láng giềng trong đó có Việt Nam để tranh thủ được sự ủng hộ của những nước này. Năm 1991, Trung Quốc đã tham gia vào “Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, sau đó Trung Quốc cũng được mời tham gia “Diễn đàn khu vực Đông Nam Á - ARF”([1]). Năm 1992, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tại Malila đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy đối thoại nhiều cấp về an ninh của các nước ASEAN. Chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn này dần dần có những thay đổi, muốn mở rộng, tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, hai nước đã dần tiến tới bình thường hoá bằng chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo Việt Nam sang Trung Quốc tháng 11 năm 1991. Chuyến thăm với sự tham gia của Tổng bí thư và Thủ tướng Việt Nam đại diện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam. Đây là một sự kiện hiếm có trong quan hệ ngoại giao, chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam rất coi trọng và mong muốn tích cực giải quyết vấn đề bình thường hoá với Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, hai nước đã đạt được bước tiến quan trọng, cùng nhau ra bản Thông cáo chung, các nhà lãnh đạo hai nước cũng đã xác định 5 nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Nhà nước, quan hệ giữa hai Đảng dựa trên nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau([2]). Hai bên đồng ý kết thúc mối quan hệ căng thẳng trong quá khứ, thực hiện bình thường hoá quan hệ hai đảng, hai nhà nước. Qua chuyến thăm Trung Quốc và việc ra thông cáo chung cho thấy, quan điểm của hai bên đối với tình hình thế giới có những thay đổi. Có thể thấy, hai bên đã nhận thức được rằng sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, việc bình thường hoá quan hệ hai bên là phù hợp với lợi ích lâu dài và căn bản của hai nước, nó cũng đánh dấu một sự thay đổi to lớn không chỉ đối với quan hệ hai nước, mà cả khu vực. Kể từ đó trở đi, các nhà lãnh đạo hai nước duy trì các cuộc thăm viếng và tiếp xúc lẫn nhau, không ngừng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thời kỳ đầu sau khi bình thường hoá, tuy có nhiều vấn đề tồn tại, như tranh chấp lãnh thổ, các quần đảo trên biển, phân chia đường ranh giới trên biển và đánh bắt cá, nhưng qua nhiều cuộc gặp các cấp, tăng cường đối thoại, đàm phán hai bên đã đạt được những bước tiến về vấn đề biên giới lãnh thổ([3]). Ngày 19-10-1993, đại diện chính phủ hai nước đã ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ([4]), mở đường cho việc tiến tới ký kết các hiệp định biên giới, lãnh thổ trong các giai đoạn sau này. Việc ký kết những hiệp định thông qua đàm phán là bước tiến trong việc tăng cường tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước, bảo đảm cho quan hệ hai nước đi vào quỹ đạo hợp tác. Thời kỳ này, quan hệ chính trị hai nước có mấy điểm đáng chú ý: trong quan hệ giữa hai nước đều nhắc đến đối thoại, đàm phán, hợp tác tăng cường gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau giữa các cấp, các ngành để giải quyết các tranh chấp về biên giới và chủ quyền trên biển, đồng thời cũng coi trọng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại. Các chuyến thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo mang ý nghĩa chính trị. Điểm lại một số chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới quan hệ hai nước ngoài chuyến thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo Việt Nam tháng 11 năm 1991 ra, vào tháng 12 năm 1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng có chuyến thăm chính thức hữu nghị Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi bình thường hoá giữa hai nước và cũng là chuyến thăm sau 21 năm một Thủ tướng Trung Quốc sang thăm Việt Nam([5]). Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Thủ tướng Lý Bằng đã hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Hai bên cho rằng củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực([6]). Sau cuộc gặp trên, hai bên đã có bước tiến đẩy nhanh công việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, thành lập những nhóm công tác cấp chuyên viên để tổ chức các cuộc đàm phán song phương về biên giới lãnh thổ.
Một mốc quan trọng khác trong quan hệ chính trị hai nước là chuyến thăm của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến 22-11-1994. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Giang Trạch Dân là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam vào năm 1963. Trong chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo của Việt Nam như Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Lê Đức Anh hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, hai bên đều cho rằng nên thúc đẩy quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác kinh tế thương mại. Hai bên cũng cho rằng đối với những vấn đề tồn tại giữa hai bên nên thông qua đàm phán để giải quyết([7]). Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đề ra 16 chữ trong giải quyết quan hệ hai nước “Phương hướng rõ ràng, từng bước tiến lên, đại cục làm trọng, hữu hảo hiệp thương”. Hai bên đã ký kết các hiệp định, thành lập Uỷ ban Hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc; về vận tải ô tô; bảo đảm hàng hoá xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau. Hai nước đã ra Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gia tăng sự hợp tác về kinh tế thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Trong quan hệ chính trị hai nước giai đoạn này không thể không kể đến quan hệ giữa quốc hội hai nước được thúc đẩy sau chuyến đi thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lần đầu tiên từ sau khi bình thường hoá quan hệ hai nước của Chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh từ ngày 21-2 đến ngày 1-3-1994. Mục đích của cuộc đi thăm là nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, tạo quan hệ hữu nghị láng giềng thân tình, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật…. đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước([8]). Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cũng bày tỏ không những có thể tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị mới giữa Quốc hội Việt Nam và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, mà còn có thể tìm hiểu thêm kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc, và thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước([9]).
Nhìn chung, giai đoạn này quan hệ chính trị hai nước được khôi phục sau một thời gian căng thẳng. Do vậy, thông qua các cuộc viếng thăm cấp cao, các cuộc gặp gỡ, đàm phán hai nước để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Đánh giá mối quan hệ hai nước giai đoạn này có thể thấy rằng, một mặt nó phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khu vực, mặt khác, nó cũng phù hợp với nhu cầu của hai nước. Các cuộc viếng thăm cấp cao mang ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng mạnh tới sự hợp tác, phát triển của hai bên. Nó giống như một thông điệp gửi tới các bên rằng mối quan hệ hai nước giai đoạn này đã bắt đầu được hàn gắn sau một quá trình căng thẳng([10]). Vì vậy mà giai đoạn này là giai đoạn khởi động của các cuộc gặp cấp cao và các thông cáo chung để hai bên tăng cường hiểu biết nhau hơn. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều đã có các chuyến thăm chính thức sang Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc giai đoạn này sang thăm Việt Nam gồm có Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Trong các cuộc gặp gỡ, hai bên đều đã đạt được những bước tiến quan trọng về hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và ký kết hiệp định liên quan đến giải quyết biên giới lãnh thổ. Ngay sau khi bình thường hoá quan hệ, những cuộc gặp cấp cao này cho thấy hai nước đã rất coi trọng hợp tác chính trị song phương.
2. Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1999
Theo những đánh giá của chúng tôi, giai đoạn thứ hai bắt đầu từ giữa năm 1995 đến đầu năm 1999. Giai đoạn này có hai sự kiện quan trọng đối với Việt Nam, cho thấy vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã có thay đổi so với trước. Và mối quan hệ giữa hai nước Việt-Trung cũng chịu ảnh hưởng nhất định bởi những thay đổi này. Thứ nhất là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), dần xoá bỏ ngăn cách giữa Việt Nam với các nước trong khối, nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ hai là Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Đây là những nhân tố quan trọng, bởi sau khi thực hiện đổi mới, chính sách ngoại giao của Việt Nam đã có những bước tiến hoà nhập vào thế giới mạnh mẽ hơn. Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển, hoà bình của nhiều tổ chức khu vực và thế giới. Quan hệ song phương với các nước cũng được thúc đẩy, đặc biệt là với các nước lớn trên cơ sở cân bằng mối quan hệ giữa các nước lớn, tránh việc quá nghiêng về một bên sẽ làm cho Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về an ninh, chính trị hoặc kinh tế. Vì vậy, chính sách của Việt Nam muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới, trong đó với các nước lớn là một sự lựa chọn hợp lý, phù hợp với xu thế chung trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm một môi trường an ninh cho sự phát triển của Việt Nam, hạn chế bị lôi kéo vào vòng xoáy tranh chấp quốc tế, phụ thuộc an ninh, kinh tế, chính trị giữa các nước lớn. Chính sách cân bằng quyền lực giữa các bên có thể đôi lúc khó thực hiện được do bị ảnh hưởng của bên này mạnh hơn bên kia, nhưng nhìn tổng thể việc duy trì sự cân bằng này là cần thiết trong giai đoạn trên, giúp Việt Nam đã chấm dứt cô lập về mặt ngoại giao năm 1995, sau khi tham gia vào tổ chức ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Mỹ([11]).
* Trong việc tham gia vào khối ASEAN: Việt Nam tham gia tổ chức khu vực ASEAN đã góp phần làm cho bầu không khí khu vực trở lên hoà bình, ổn định, không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà bản thân tổ chức ASEAN cũng được quốc tế đánh giá cao hơn. Tháng 7 - 1995 với việc trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN, vai trò thương lượng của Việt Nam đã được tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, có được những ưu thế trong tiến trình hợp tác, tham gia vào các tổ chức liên khu vực và quốc tế như Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), ASEM([12]), tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, tham gia vào ASEAN cũng làm cho nền kinh tế của Việt Nam thu được nhiều lợi ích hơn thông qua tham gia vào AFTA của khu vực, hoặc gần đây là ACFTA làm tăng cường cơ hội đầu tư và trao đổi thương mại giữa Việt Nam với của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
* Đối với vấn đề bình thường hoá quan hệ với Mỹ: Vào ngày 11 tháng 7 năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và nhanh chóng trao đổi đại sứ([13]). Sau đó, ngày 5 đến 7 tháng 8 năm 1995, Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Việt Nam, hai cơ quan đại diện tại hai thủ đô Hà Nội và Oasinhtơn đã được nâng cấp thành đại sứ quán, đồng thời hai bên cử đại biện lâm thời đại diện cho hai nước. Ngày 5 - 9 - 1997, hai nước trao đổi đại sứ([14]). Thông qua cải thiện quan hệ song phương, Việt Nam đã có điều kiện tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp Mỹ, thuận lợi cho việc tham gia các tổ chức quốc tế như APEC, WTO cũng như nhận được những khoản vay từ những hệ thống tài chính thế giới như IMF, WB, ADB để có thể phát triển đất nước nhanh hơn([15]). Ngoài ra các nhà đầu tư của Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có cơ sở để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam. Điều này có những tác động tới chính sách cải cách kinh tế và mở cửa của Việt Nam. Trên thực tế, bình thường hoá về quan hệ với Mỹ sẽ là một trong những nhân tố để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và địa vị của Việt Nam tại khu vực.
Trong quan hệ chính trị giai đoạn này có một số điểm. Thứ nhất, có thể thấy rằng trong giai đoạn này các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn có các cuộc gặp gỡ, thăm viếng nhau, nhưng không ra tuyên bố chung, thông cáo chung([16]) mà chỉ là những hiệp định kinh tế, thương mại. Thứ hai, những tranh chấp giữa hai bên về lãnh thổ dần dần giảm đi. Giai đoạn này thực chất là khôi phục lại lòng tin lẫn nhau, trên cơ sở và hình thức mới xây dựng lại mối quan hệ hữu hảo láng giềng([17]). Một số chuyến thăm đáng chú ý trong giai đoạn này là chuyến thăm của Tổng bí thư Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc năm 1995. Trong giai đoạn này, Tổng bí thư Đỗ Mười đã hai lần sang thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai từ ngày 14 đến 18 – 7 – 1997 của Tổng bí thư Đỗ Mười, hai bên đã đạt được một thoả thuận giải quyết vấn đề biên giới trên bộ trước năm 2000 và giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc bộ chậm nhất vào năm 2000([18]). Những nhận thức chung của các nhà lãnh đạo cấp cao về việc tiến tới giải quyết vấn đề tồn tại đã tạo ra những nỗ lực để các bộ ngành hai bên tiến tới đạt được những thoả thuận quan trọng liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ vào năm 1999 và 2000.
Một sự kiện khác cũng cần được nhắc đến trong mối quan hệ chính trị hai nước là ngày 28-6-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Lý Bằng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc sang dự và đọc lời chúc mừng Đại hội. Đây là chuyến tham dự lần đầu tiên của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc tại một đại hội Đảng của Việt Nam từ sau bình thường hoá quan hệ, và cũng là chuyến tham dự sau 35 năm kể từ khi Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Phú Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng sang dự đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam năm 1961. Điều này cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc đến tình hình Việt Nam, và quan hệ giữa hai Đảng đã trở nên gần gũi nhau hơn.
Thời kỳ này, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngoài ra, trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10-1998 của Thủ tướng Việt Nam, Phan Văn Khải, hai bên đã ký kết hiệp định mậu dịch biên giới giữa hai bên, đưa thương mại song phương vào quy củ. Trong thời kỳ này, phía Trung Quốc cũng có đầy đủ các nhà lãnh đạo cấp cao sang thăm Việt Nam như Thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Chính hiệp (Mặt trận tổ quốc), Phó Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào v.v…
3. Giai đoạn từ năm 1999 đến nay
Bắt đầu từ ngày 25-2 đến 2-3-1999, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 12 năm 1997. Trong buổi hội đàm với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, hai bên đã xác định khung và khuôn khổ mối quan hệ giữa hai nước hướng tới thế kỷ XXI, nhất trí cùng nhau cố gắng xây dựng và phát triển quan hệ Việt-Trung. Ngày 27-2-1999, hai bên đã ra bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. Tuyên bố với phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, thúc đẩy quan hệ của hai nước Trung-Việt bước vào một giai đoạn phát triển mới([19]). Trong chuyến thăm này, hai bên cùng bày tỏ đàm phán giải quyết thật sớm vấn đề lãnh thổ biên giới hai nước, cùng nhất trí ký kết Hiệp ước về biên giới trên bộ hai nước trong năm 1999 và giải quyết xong vấn đề phân định Vịnh Bắc bộ trong năm 2000([20]). Sự nỗ lực này đã cho thấy hiệu quả, sau đó vào cuối năm 1999([21]) và 2000, Chính phủ hai nước lần lượt ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá([22]) và Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã mở ra một trang mới trong hợp tác hai nước, mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn cho cả hai phía. Chúng tôi cho rằng, giai đoạn này có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất là hợp tác giữa hai bên trong thời kỳ này đã được nâng lên một tầm cao mới, quan hệ giữa hai nước đã trở nên phát triển nhất trong cả quá trình từ sau bình thường hoá quan hệ([23]). Những cuộc thăm viếng, gặp gỡ cấp cao hàng năm([24]) tuy là một quy định bất thành văn, nhưng nó là cơ sở quan trọng để hai nước, hai Đảng tìm hiểu, thúc đẩy những hiểu biết lẫn nhau, từ đó xoá dần những khoảng cách trong quan hệ hai nước([25]). Trong những cuộc tiếp xúc, hai bên đã thống nhất phương thức hợp tác nguyên tắc chung trong quan hệ giữa hai nước là hữu nghị và láng giềng thân thiện dựa trên năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua thương lượng và bằng biện pháp hoà bình, quan hệ giữa hai nước không nhằm vào nước thứ ba và cũng không làm ảnh hưởng đến quan hệ của mỗi nước với các nước khác. Những điều này đã cho thấy rằng, quan hệ hai nước khôi phục và phát triển trên nhu cầu và lợi ích của từng nước, phù hợp với những chính sách, đường lối ngoại giao của từng nước, đó là phát triển quan hệ chính trị chủ yếu là giữa các cấp bộ ngành, các địa phương của hai Đảng, hai nước với nhau. Quan hệ song phương được tăng cường trên tất cả các mặt.
Thứ hai, những vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa hai nước về cơ bản đã có tiến triển bằng những hiệp định ký kết giữa hai nước. Hai bên cũng đã giải quyết những vấn đề trên qua các cuộc thương lượng, đàm phán, tiến tới ký kết được những hiệp định, giải quyết 2 trên 3 vấn đề tồn tại liên quan đến biên giới lãnh thổ, đạt được tiến triển rõ rệt về công tác cắm mốc trên đất liền([26]), đồng thời nhất trí đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này để chậm nhất vào năm 2008 hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và ký văn kiện mới về quy chế quản lý biên giới([27]), đặt cơ sở cho ổn định an ninh khu vực và giữa hai nước. Đây là sự nỗ lực chung của hai phía trong việc giải quyết vấn đề còn vướng mắc bằng phương thức hoà bình, đàm phán. Nó cũng có thể sẽ là tiền lệ để hai bên tiến hành giải quyết các vấn đề khác phức tạp trong tương lai. Ngoài ra trong hợp tác chung tại Vịnh Bắc bộ, hải quân hai nước đã tiến hành các chuyến tuần tra chung trên biển. Hai bên cũng đang tiến hành đàm phán về phân định cửa Vịnh Bắc bộ v.v...
Thứ ba, các nhà lãnh đạo hai nước có nhiều nhận thức chung trong nhiều vấn đề song phương và quốc tế. Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2001, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc, hai bên ra Tuyên bố chung nhắc lại phương châm 16 chữ, quán triệt mục tiêu và nhiệm vụ mà Tuyên bố chung Trung-Việt tháng 12 năm 2000 đề ra. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục duy trì gặp gỡ cấp cao thường xuyên, tạo thêm động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển; tăng cường hơn nữa tiếp xúc hữu nghị và giao lưu hợp tác dưới nhiều hình thức giữa các ban ngành, các tổ chức quần chúng và các địa phương hai nước([28]). Trong chuyến thăm của Tổng bí thư Giang Trạch Dân năm 2002, các nhà lãnh đạo của hai bên đã đạt được nhận thức chung trong trao đổi các vấn đề liên quan, tức là duy trì trao đổi các cuộc gặp cấp cao, mở rộng và đi sâu vào hợp tác kinh tế, lấy tinh thần hợp tác lâu dài giữa hai nước để giáo dục nhân dân hai bên, tiếp tục đàm phán đẩy nhanh công tác phân chia, cắm mốc đường biên giới trên bộ và hiệp định nghề cá, trao đổi những kinh nghiệm lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội và trị đảng trị nước; tăng cường hợp tác, giao lưu trên các mặt ngoại giao, quốc phòng, an ninh và công an v.v... Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã phát biểu rằng “Điều đặc biệt quan trọng là, hai bên nhất định phải tăng cường tin cậy lẫn nhau. Đó chính là cơ sở phát triển ổn định lâu dài của quan hệ hai Đảng, hai nước”([29]). Đồng thời đưa ra năm kiến nghị liên quan đến hợp tác hai bên: Một là, cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp qua lại thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; Hai là, cần không ngừng mở rộng và đi sâu hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại; Ba là, cần lấy tinh thần hữu nghị lâu dài để giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thanh thiếu niên; Bốn là, cần tăng cường hợp tác giữa hai nước trên vấn đề biên giới, đẩy nhanh tiến trình công tác tiếp theo về biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc bộ; Năm là, cần tăng cường giao lưu kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước giữa hai Đảng, hai nước, tăng cường sự bàn bạc, hợp tác và phối hợp về các vấn đề quốc tế giữa hai nước, để tạo thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển của mỗi nước”([30]).
Thứ tư là bổ sung thêm khung hợp tác trong quan hệ hai nước bằng 4 tốt trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân nhấn mạnh đến mối quan hệ về láng giềng, bạn bè, đồng chí: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ nhau, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, cùng nhau phát triển([31]).
Thứ năm là bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31 tháng 10 đến 2 tháng 11 năm 2005 trong thời điểm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam với tư cách là Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Và điều hiếm có là một vị nguyên thủ quốc gia một nước khác phát biểu trước quốc hội Việt Nam. Ngoài ra, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. Điều này cho thấy hợp tác chặt chẽ giữa hai Đảng, hai nước.
Thứ sáu, hợp tác an ninh khu vực cũng đã có những thay đổi. Tháng 7-2001, Diễn đàn an ninh khu vực của khối các nước Đông Nam Á đã được tổ chức ở Hà Nội. Trong các vấn đề khu vực, Diễn đàn đã đạt được thoả thuận về những thủ tục nhằm giúp ngăn chặn các cuộc tranh chấp bùng nổ thành cuộc chiến tranh rộng lớn, theo đó tổ chức Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN không chỉ giữ vai trò xây dựng lòng tin giữa các nước thành viên, mà còn chính thức có quyền tham dự vào việc giải quyết các tranh chấp song phương hoặc đa phương trong vùng([32]). Trung Quốc và ASEAN đã cùng nhau ra “Tuyên bố về liên hợp hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống”, tạo ra cục diện mới cho hai bên bắt tay tấn công các loại tội phạm xuyên biên giới, như buôn bán ma tuý, di dân bất hợp pháp, cướp biển, chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm trên mạng v.v…([33]). Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông liên quan đến nhiều nước trong khu vực cũng đã được các bên, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Những hợp tác mang tính đa phương là cơ sở cho việc hai nước tăng cường niềm tin, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ sẵn có và làm giảm những nguy cơ liên quan đến an ninh trên biển.
Nhìn chung, trong giai đoạn từ khi bình thường hoá quan hệ hai nước đến nay, quan hệ chính trị giữa hai nước trải qua những giai đoạn từ chỗ bắt đầu khôi phục lại quan hệ, niềm tin đến tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực, đạt được những bước phát triển ổn định, tạo dựng được cơ sở vững chắc để hai nước cùng tiến tới giải quyết những bất đồng còn tồn tại.
Mối quan hệ chính trị hai nước phát triển trong giai đoạn qua cũng phù hợp với tình hình chung của hai nước, đáp ứng những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho cả hai nước. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Đây là cơ sở để hai nước tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, cũng như duy trì ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
LÊ TUẤN THANH
(Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các Thông cáo chung, Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.
2. Mạng của ĐCS, Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc.
3. Vũ Quang Vinh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại (1986-2000), Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001.
4. Kỷ yếu quan hệ đối ngoại Quốc hội Việt Nam – Trung Quốc 1994-2006, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2006.
5. Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
6. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
7. Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Du, Chiến lược đối ngoại của các nước lớn và quan hệ với Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
8. Vietnamese Foreign Policy in transition, edited by Carlyle A. Thayer and Ramses Amer, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1999.
9. China and ASEAN: Changing Political and Strategic Ties, Centre of Asian Studies – The University of Hong Kong, 2005.
10. Giang Từ Hoà, Nhiệm Hướng Quần, Ký sự Ngoại giao Trung Quốc mới, Nxb Nhân dân Chiết Giang, tháng 9-1999.
([1]) Chu Húc, Chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Sở Nghiên cứu Ngoại giao, Khoa Ngoại giao Đại học Chính trị, Đài Bắc, tháng 6-1994, trang 149-150.
([3]) Năm 1992, quan hệ an ninh đã có sự chuyển biến quan trọng khi trung tuần tháng 10 năm 1992, tổ chuyên gia biên giới Trung Việt tổ chức vòng đàm phán lần thứ nhất tại Bắc Kinh để trao đổi các ý kiến trong nguyên tắc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
([4]) Toàn văn bài trả lời phỏng vấn cho báo chí Việt Nam ngày 14-9-2002 của ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban biên giới, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20020916234331
([5]) Parshotam Mehra, China and South Asia-Some Reflections on the past and the future, China Report 30: 3 (1994), P 305.
([6]) Vũ Quang Vinh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại (1986-2000), Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001, trang 175-176
([7]) Giang Từ Hoà, Nhiệm Hướng Quần, Ký sự Ngoại giao Trung Quốc mới, Nxb Nhân dân Chiết Giang, tháng 9-1999, trang 279.
([8]) Báo cáo về cuộc đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa của đoàn đại biểu Quốc hội nước ta (từ ngày 21-2 đến 1-3-1994), Kỷ yếu quan hệ đối ngoại Quốc hội Việt Nam – Trung Quốc 1994-2006, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2006, trang 8
([9]) Chủ tịch Nông Đức Mạnh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức hữu nghị Trung Quốc, Bản tin Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát hành tháng 3-1994, trang 3.
([10]) Trong giai đoạn này, năm 1993, Lãnh sự quán của Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam làm thủ tục sang Trung Quốc một cách thuận lợi.
([11]) Li Ma, China and Vietnam: Coping with the Threat of Peaceful Evolution, trong cuốn: Vietnamese Foreign Policy in transition, edited by Carlyle A. Thayer and Ramses Amer, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1999, p 46.
([12]) Nguyễn Thu Mỹ, Việt Nam với sự phát triển của ASEAN: 10 năm nhìn lại, http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=5&ID=2954
([13]) Chang Pao-min, Sino-Vietnamese Relation: Prospects for he Twenty-First Century, trong cuốn: Vietnamese Foreign Policy in transition, edited by Carlyle A. Thayer and Ramses Amer, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1999, p 135
([14]) Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Du, Chiến lược đối ngoại của các nước lớn và quan hệ với Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 208-209
([15]) Nguyễn Văn Lan, Vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới trong tiến trình đổi mới và hội nhập, http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=7&ID=3523
([16]) Nông Lập Phu, Phân tích hướng phát triển của quan hệ Trung – Việt sau khi Việt Nam gia nhập khối ASEAN, in trong cuốn: China and ASEAN: Changing Political and Strategic Ties, Centre of Asian Studies – The University of Hong Kong, 2005, P 243.
([17]) Vu Hướng Đông, Đặc trưng và xu thế của phát triển quan hệ Trung – Việt, Tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành (Trung Quốc), số 1 năm 2003, trang 24.
([18]) Vũ Quang Vinh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại (1986-2000), Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001, trang 177.
([19]) Quan hệ hữu nghị Trung Việt, Bản tin Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát hành, tháng 10-1999, trang 1
([20]) Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Bản tin Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát hành, tháng 3 năm 1999, trang 1.
([21]) Trải qua một quá trình đàm phán mất 5 năm với 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, đến ngày 30 tháng 12 năm 1999, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định biên giới trên bộ. Sau đó, Uỷ ban liên hợp giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị cho việc phân giới, cắm mốc trên thực địa như lập 12 Nhóm phân giới, cắm mốc, thoả thuận sẽ cắm 1533 mốc giới (trước đây Pháp-Thanh chỉ cắm hơn 300 mốc giới) và ký kết văn kiện pháp lý cần thiết. Xem thêm, Toàn văn bài trả lời phỏng vấn cho báo chí Việt Nam ngày 14-9-2002 của ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20020916234331.
([22]) Vào ngày 24 tháng 12 năm 2000, hai bên đã ký tắt Hiệp định phân chia Vịnh Bắc bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá làm cơ sở cho Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên và Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền đã chính thức ký “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc bộ hai nước Việt Nam và Trung Quốc” và Bộ trưởng Thuỷ sản Việt Nam Tạ Quang Ngọc và Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Trần Diệu Bang ký “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa hai nước Việt-Trung” vào ngày 25-12-2000.
([23]) Về ngoại giao, hai bên đã thiết lập thêm hai lãnh sự quán tại Côn Minh – Vân Nam vào ngày 30-4-2004 và tại Nam Ninh – Quảng Tây vào ngày 2-5-2004.
([24]) Các đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau tăng mạnh so với các giai đoạn trước. Hàng năm, có ít nhất khoảng 2 đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hoặc Chính phủ sang thăm lẫn nhau, cùng thảo luận những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, ký kết các hiệp định song phương. Theo tính toán của chúng tôi đến nay đã có khoảng hơn 30 chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước sang thăm nhau kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay. Tất cả các nhà lãnh đạo từ Tổng Bí thư, đến Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội của hai nước trong thời kỳ sau bình thường hoá quan hệ đến nay đều đã có những chuyến thăm chính thức.
([25]) Đại hội 9 vào ngày 19-4-2001 tại Hà Nội Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào đã thay mặt ĐCS Trung Quốc tới Việt Nam tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, xem thêm: Trung Quốc: Đặc điểm chính sách ngoại giao Châu Á, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 23-7-2001, trang 2
([26]) Tiến trình phân giới cắm mốc giữa hai nước bắt đầu chính thức được triển khai khi cột mốc biên giới trên đất liền được cắm đầu tiên vào ngày 27-12-2001 tại cửa khẩu Móng Cái, Việt Nam và Đông Hưng, thành phố cảng Phòng Thành, Quảng Tây. Đây chính là bước tiến quan trọng của hai nước Việt - Trung trong tiến trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, đánh dấu sự thực thi chính thức của Hiệp ước biên giới trên đất liền Trung-Việt và sự khởi động chính thức của công tác phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới trên đất liền. Tiếp sau đó, tại các tỉnh biên giới giáp biên khác với Trung Quốc, kể từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2002, các cột mốc biên giới tại các cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu, Thanh Thuỷ-Thiên Bảo, Ma Lu Thàng – Kim Thuỷ Hà, Thuỷ Khẩu-Long Châu v.v…đã được tiến hành xác lập. Như tại cửa khẩu Thuỷ Khẩu-cửa khẩu Tà Lùng, ngày 7-9-2002, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức riêng rẽ Lễ cắm mốc quốc giới mới số 943 (1) (2), (xem thêm: Hai nước Trung-Việt tổ chức lễ cắm mốc biên giới đầu tiên trên đất liền, Bản tin Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát hành, tháng 12 năm 2001, trang 3; Hai nước Trung-Việt tổ chức lễ cắm mốc giới tại cửa khẩu Thuỷ Khẩu – cửa khẩu Tà Lùng đường biên giới trên đất liền, Bản tin Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát hành, tháng 9 năm 2002, trang 3)
([27]) Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương tháng 7-2005.
([28]) Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa, Báo Nhân dân, ngày 26 tháng 12 năm 2000.