Một nỗi đau riêng (1964) là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng - Oe Kenzaburo. Đây chính là tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi của Oe trên văn đàn thế giới. Trong Một nỗi đau riêng, nhà văn bộc lộ một cảm quan đặc biệt về không gian: ngột ngạt, u ám, bạo lực và chết chóc. Cảm quan về không gian ấy thể hiện cách nhìn của Oe Kenzaburo về xã hội Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung trong thời đại hậu chiến và kĩ trị.
1. Không gian ngột ngạt
Không gian rộng lớn nhưng ẩn chứa vẻ đẹp huyền ảo, trinh nguyên, thơ mộng của núi rừng, cỏ hoa, vũ trụ vốn là truyền thống của nền văn học Nhật Bản với những đỉnh cao như Murasaki Shikibu, Matsuo Basho hay Kawabata Yasunari mà trong đó, con người như những lữ khách đi tìm kiếm chất thơ của thiên nhiên, cuộc sống và tâm hồn. Murasaki Shikibu từng khiến độc giả ngỡ ngàng với bầu không khí thơ mộng, tinh tế mà không kém phần sang trọng, hào hoa vây quanh chàng hoàng tử Genji. Basho lại đưa người đọc đến với Lối lên miền Oku. Không gian mở ra theo từng bước chân của người lữ khách, một không gian cô quạnh, thanh tú với ánh trăng huyền ảo, những bông hoa anh đào nở muộn nhưng vẫn không quên mùa xuân. Với Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô, Yasunari Kawabata - nhà văn của linh hồn Nhật Bản đã làm say đắm tâm hồn người đọc với không gian hư ảo, tinh khiết, trinh bạch mà rộng mở của hoa lá, cỏ cây, với thảm hoa thếp bạc mà mùa thu đã trải lên dốc núi hay tấm áo choàng bằng bạc lộng lẫy, lóng lánh mà tuyết trắng khoác lên những dãy núi. Trái với truyền thống của Murasaki, Basho, Kawabata, tác giả của Một nỗi đau riêng đã khắc họa một thế giới đóng kín, nơi con người bị chết ngạt trong khí trời nóng nực và vô vàn tạp âm hỗn loạn. Những thời khắc đỉnh điểm nóng nực của tiết trời mùa hạ cộng hưởng với thanh âm kêu thét và mùi hôi của rượu, người, đồ vật cùng với những bức tường nhà chật chội, khép kín làm thành chiếc hộp khổng lồ, ngột ngạt nhốt chặt con người trong đó.
Toàn bộ sự kiện của tác phẩm dồn nén trong một tuần mùa hạ, với những thời khắc nhạy cảm, hội tụ khí trời nóng bức nhiều nhất. Bầu không khí nóng nực ấy được miêu tả lặp đi lặp lại ở hầu hết các phần của tác phẩm. Trong Một nỗi đau riêng, sức nóng thiêu đốt của mặt trời mùa hạ được nhấn tới 11 lần và dưới ngòi bút của Oe, khối nóng ấy hiện lên sinh động, bao trùm lên các nhân vật từ đầu đến cuối thiên tiểu thuyết với cường độ càng về cuối truyện càng mạnh hơn. Nắng gắt bao trùm không gian dù đó là sáng sớm, giữa trưa, hay chiều xuống. Ánh nắng chói chang như một con bạch tuộc khổng lồ vươn dài những chiếc xúc tu khắp không gian, kiếm tìm và đuổi bắt các nhân vật của Oe. Nắng nóng len lỏi vào phòng ngủ của Himiko, chiếu gắt lên cổ và đôi vai trần của nàng. Ánh nắng gay gắt đuổi theo Điểu, dù ngoài đường phố, trên con đường nhỏ lấp lánh ánh sáng, hay trên xe buýt. Dường như tất cả sức nóng của mùa hè chỉ vây bọc có mỗi mình Điểu. Luồng không khí thiêu đốt Điểu, đi theo Điểu vào bệnh viện, những tia lửa của mặt trời mùa hạ như ngày một đậm đặc hơn, “thiêu đốt vầng trán Điểu”(1). Mới đầu mùa hạ mà nắng đã chói chang như chính giữa mùa hạ. Khối không khí nóng như hun ấy chạy theo Điểu đến trường nơi anh dạy học khiến “đôi chân anh ướt đẫm mồ hôi, chẳng khác nào bước vào phòng tắm hơi”, “đầu óc anh khô khốc dưới ánh mặt trời và không thể nghĩ ra được một dự tính nào cho ra hồn, chỉ có những giọt mồ hôi tuôn ra như suối”(2). Ngay cả khi rẽ vào con hẻm có vẻ đầy bóng râm, nhưng khi nhìn lên bầu trời, “Điểu thấy ánh sáng chói chang của buổi trưa mùa hạ trùm lên con hẻm như một màng lưới bạch kim nóng bỏng”(3), “Điểu ngập mình trong ánh sáng chói chang, mồ hôi đổ như thác trên cơ thể anh”(4). Tokyo như một chảo lửa khổng lồ mà con người - những sinh vật bé nhỏ, tội nghiệp bị ngốn nuốt trong khối nóng đó. Điểu không phải là người duy nhất bị bầu không khí ngột ngạt bao trùm. Anh chàng sinh viên tự nguyện ủng hộ Điểu, “mặt cau có như một ông già dưới ánh nắng chói chang thiêu đốt của mặt trời”(5), với những đứa bé mới sinh trong bệnh viện, “ánh sáng gay gắt độc hại đã làm chúng khô héo, chúng giống như một đàn gia súc ngoan ngoãn nhất thế giới”(6). Cùng với sức nóng của mặt trời là sức nóng toát ra từ bộ máy dưới sàn xe bốc lên khiến Điểu và Himiko cảm thấy bị nhốt trong lò nướng. Cái nóng mùa hè đang vội vã thiêu đốt thành phố làm cho mọi người muốn ngất xỉu.
Cộng hưởng với sức nóng khủng khiếp tỏa ra từ mặt trời, từ máy móc của thời đại kĩ trị là những đường phố đông đúc với thanh âm hỗn loạn và mùi hôi khó chịu. Không gian ngột ngạt phủ lấp lên cuộc sống, công việc và tâm trạng của các nhân vật ngay nơi tưởng chừng rộng mở, thơ mộng như không gian rừng. Qua rừng cây, bầu trời co lại thành một khoảng trời hẹp, “phía sau mảng trời xám xịt rỉ ra một vệt màu đỏ mờ nhạt của ánh mặt trời”(7). Ánh nắng cứa vào khoảng không rỉ máu tạo thành những vệt màu đỏ mờ nhạt. Tiếng kêu lanh lảnh của ba con chim ác là như tiếng rên của lũ mèo hoang cất lên trong bầu không khí ứ đọng ánh nắng, ứ đọng sắc trời đỏ rỉ máu càng làm tăng thêm cảm giác ngột ngạt. Thế giới màu sắc hòa điệu giữa vệt đỏ máu của mặt trời với sắc đỏ tươi của “máu thấm trên bông và băng”, “vũng nước bùn vàng xỉn”, chiếc mui đen trên cơ thể đỏ chói của chiếc xe MG, “giống như thịt của một vết thương bị xé toạc và xung quanh là những vảy”(8), tạo nên những đường viền đậm nét của một không gian ứ đầy, bức bối. Không gian Tokyo chuyếnh choáng hơi men của những quán rượu rẻ tiền. Mùi rượu lan tỏa vào không gian khiến bầu không khí nóng nực có vị chua khó chịu. Phả thêm vào luồng không khí nóng bức ngập đầy hơi men là “mùi tàu lắc lư và mùi hôi của những người xung quanh”, “mùi vị đặc biệt của ngôi nhà cũ kĩ”(9). Thêm vào đường viền gợi cảm ấy là những tạp âm, tiếng một cô gái ré lên điên dại, tiếng những đứa trẻ la khóc, tiếng khóc của con trai Điểu - tiếng khóc the thé giống như tiếng gáy của hàng ngàn con dế khiến “bầu không khí ấy có một cái gì đó rất thú vật”(10) . Không gian ngốn nuốt con người trong cái nóng bừng bừng như thiêu như đốt, trong sắc điệu với gam màu bức bối, tổng hòa những mùi hôi và thanh âm nhức nhối, khó chịu.
Không gian như ngột ngạt hơn với bức tường khép kín lạnh lùng của những căn phòng chật hẹp. Oe Kenzaburo đề cập nhiều đến không gian căn phòng như môi trường chính cho nhân vật hành động, suy tưởng: căn phòng của Điểu, căn phòng của Himiko, căn phòng bệnh viện, căn phòng thuê của ông Delchef, quán rượu của Kikuhiko. Đặc điểm chung của những căn phòng này là tính chất chật hẹp, khép kín như một chiếc lồng. Quầy rượu đồng tính của Kikuhiko “vừa thô lậu vừa chật hẹp giống như trại nuôi thú, chỉ có một quầy rượu thấp”(11). Chiếc lồng ấp của trẻ sơ sinh ngột ngạt như “bể nuôi cá tối tăm đầy bùn loãng và những sinh vật trôi nổi”(12). Thế giới đồ vật cũng góp phần khắc họa không gian chiếc lồng tù túng này. Căn phòng của Himiko ngổn ngang với sách báo, những chai hộp không, dao, kéo, vỏ bao, những đóa hoa héo hái trong khu rừng mùa đông. Nằm đầy kín sàn nhà và bàn ghế trong căn phòng ấy là nhiều loại côn trùng khác nhau, những bức thư vừa cũ vừa mới. Thế giới đồ vật xâm chiếm không gian sinh tồn của con người. Khi bóng tối ùa đến bủa vây căn phòng của Himiko thì “khoảng không gian chật hẹp của phòng ngoài chẳng khác nào bên trong chiếc lồng có nắp đậy”(13). Không gian trong ngôi nhà của Himiko vừa khiến Điểu cảm thấy tù túng vừa mang lại cho anh cảm giác được an ủi, nương tựa, là nơi náu thân an toàn trước không gian bên ngoài tuy rộng lớn nhưng ẩn chứa đầy bất trắc.
Tính chất ngột ngạt của không gian càng hiển hiện với những căn phòng khép cửa. Không phải ngẫu nhiên mà khu nhà trọ của ông Delchef được khắc họa với hàng loạt những căn phòng khép cửa kín mít. Con người sống trong đó không bao giờ có ý thức về việc mở cửa. Họ chấp nhận khoảng không gian tù túng. “Phía trái hành lang là một dãy cửa lớn thẳng hàng như cửa nhà tù, bên phải là bức tường trống đầy những chữ viết nguệch ngoạc”(14). Điểu có cảm tưởng, sau mỗi cánh cửa đều có người đứng, mặc dù tất cả đều đóng. Không gian như co lại với những con hẻm hẹp, với những khu nhà có cầu thang hẹp.
Không gian trong Một nỗi đau riêng, dưới ngòi bút của Oe, được tái tạo với sắc thái biểu cảm rõ nét, lúc hỗn loạn như một mê cung, lúc lại như “một đường hầm đen ngòm chạy dài về phía ánh sáng lờ mờ, xa tít”(15). Từ không gian khép kín ấy mà các nhân vật tiếp tục cuộc phiêu lưu bên trong của mình, dù cuộc phiêu lưu luôn hứa hẹn bất trắc hơn là hạnh phúc.
Không gian trong tác phẩm Một nỗi đau riêng của Oe không chỉ nổi bật với đường viền ngột ngạt mà còn hiện lên với những đường viền u ám: bóng tối lan tràn khắp các căn phòng bất kể thời điểm nào trong ngày, những cơn mưa rào mùa hạ ào ạt, dữ dội trên khắp con phố Tokyo.
Không chỉ căn phòng với bốn bức tường bao quanh, không gian trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng âm u hơn với độ dồn nén của bóng tối. Bóng tối được nhắc tới 16 lần trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng như một nỗi ám ảnh thường trực của các nhân vật. Nhân vật của Oe quen với bóng tối dù sáng sớm hay đêm khuya, dù trong hiện tại hay quá khứ. Bóng tối khổng lồ chế ngự từng góc không gian, từng khoảnh khắc hiện hữu. Con người đi đâu cũng không tránh khỏi bị va đập vào khối đen khổng lồ ấy. Không gian trong quá khứ của Điểu là căn bếp âm u ở nhà tập thể. Không gian trong hiện tại là ngôi nhà của Himiko, nơi đây rất hiếm khi có chỗ cho ánh sáng hiện diện. Đối lập với ánh nắng chói chang ngoài đường phố, phòng khách của Himiko, trời lúc này như đang về đêm, “tối tăm và tù hãm chẳng khác nào một ổ rơm dành cho con thú nuôi bệnh hoạn”(16). Chủ nhân của ngôi nhà không thích bật đèn nên khách phải kiên nhẫn đợi chờ trong bóng tối. Các nhân vật đều ý thức về không gian bóng tối và thoải mái trong bầu không khí u ám của bóng tối ấy. Không gian vốn chật hẹp của căn phòng, lại thêm u ám bởi bóng đêm và những đám mây khói thuốc lơ lửng. Bóng tối bao trùm lên mọi hoạt động của con người và ngược lại, chính con người cũng tạo ra bóng tối theo nhiều cách khác nhau. Bóng tối làm nhòe đi nét mặt của bọn trẻ côn đồ, bóng tối đuổi theo Điểu khắp nơi, dù trong phòng ngủ của Himiko hay hành lang của bệnh viện điều trị. Bóng tối tranh chấp với ánh sáng tạo ra màn không khí lờ mờ trong phòng ngủ của Himiko hay thứ ánh sáng mập mờ trong hành lang bệnh viện. Và bóng tối thường chiếm ưu thế hoàn toàn trong cuộc tranh chấp ấy, “bà ta và cả dãy hành lang chìm trong bóng tối, vì lưng bà che khuất ánh sáng từ ngoài đường”(17). Bóng tối nuốt gọn con người trong vòng ôm khổng lồ của mình. Các nhân vật hoạt động trong khoảng không tối tăm đó, thực hiện những chuyến phiêu lưu tâm tưởng dài tưởng chừng bất tận. Không gian bóng tối đôi khi âm u dồn nén đến mức không thể chịu đựng nổi, Điểu “nhón gót như để trốn chạy khỏi bóng tối ma quỉ”(18).
Sắc đen của bóng tối phủ lên từng sự vật không khí u ám quen thuộc. Thế giới đồ vật cô đặc trong màu đen bao trùm. Bầu trời u ám đã nhuộm vẻ xấu xí, tàn tạ lên Himiko lẫn chiếc xe thể thao màu đỏ của cô. Màu đen xì của chiếc xe lửa cộng hưởng với sắc đen như mực của bầu trời. Màu đen tối tăm khiến cho không khí bao quanh nhân vật ứ đọng nghẹt thở. Thế giới nội tâm của nhân vật hiển hiện với những liên tưởng u ám. Nhìn vào màng ống nghe, Điểu có cảm giác, “bề mặt của nó giống như bầu trời đêm phủ đầy vì sao đen, lập lòe lúc tối lúc sáng theo từng hơi thở của anh”(19). Những vì sao sáng quen thuộc, dưới ngòi bút của Oe và trong ý thức của nhân vật, đã trở thành những vì sao đen trên nền trời đêm. Ánh trăng từng gợi nguồn cảm hứng lai láng cho Murasaki, Basho, Kawabata, khi đến với Oe, chỉ còn là ánh trăng nhợt nhạt. Bóng tối quen thuộc với con người đến nỗi không gian rộng mở, tràn ngập ánh sáng trở nên xa lạ với các nhân vật. Bóng tối quen thuộc với con người đến nỗi không gian rộng mở, tràn ngập ánh sáng trở nên xa lạ với các nhân vật. Bầu không khí hiếm hoi, “phòng ngủ tràn ngập ánh sáng khác thường và không khí trong lành: cửa sổ mở rộng, một cơn gió nhẹ ùa vào phòng rồi thoảng vào hành lang”(20) khiến Điểu vốn đã quen với sự tối tăm của ngôi nhà trở nên bối rối. Nhân vật không quen với ánh sáng trong trẻo của tự nhiên. Ngay cả ánh đèn cũng gây cho nhân vật cảm giác khó chịu, “khi Himiko bật đèn ngủ và vào nhà bếp, Điểu nhắm mắt tránh ánh đèn”(21).
Không gian u ám với bóng tối được tô đậm thêm bởi màn sương mù dày đặc và những cơn mưa mùa hạ khi âm u lúc dữ dội. Những cơn mưa liên tục, nối tiếp nhau từ đầu đến cuối tác phẩm, khiến cho bầu không khí u ám kéo dài tưởng chừng bất tận. Mở đầu tác phẩm là ám ảnh về những giọt nước mưa “rơi loạn xạ trên đôi môi rách” của Điểu, rạng sáng, vẫn còn mưa, “gió thổi nước mưa tạt thẳng vào mặt anh”, những giọt nước mưa “rơi tới tấp như những viên đạn lướt qua lỗ tai đau nhói”(22). Cho đến cuối tác phẩm, con người vẫn bị vây bắt bởi không gian bạo liệt của mưa, gió xoáy, “bên ngoài trời lại mưa, một trận mưa như trút nước khác của ngày hôm nay”(23). Mưa bao trùm không gian quá khứ và hiện tại. Quá khứ gợi nhắc đến “một trận mưa như trút, lạnh ngắt”(24), trận mưa bủa vây cậu bé Điểu như thế lực siêu nhiên nghiệt ngã bủa vây, đe doạ sự sống của con người. Con người trở nên bé nhỏ, tội nghiệp trong không gian u ám đó, “Himiko cúi đầu nương theo những cơn gió mạnh mang theo mưa khi nàng cố gắng quay lại chiếc xe, mặt nàng nhăn lại một cách lộ liễu chứng tỏ nàng đã nổi đóa”(25).
Với bản giao hưởng dữ dội của bóng đêm và mưa, kéo dài từ đầu đến cuối tác phẩm, không gian trong Một nỗi đau riêng nhấn chìm con người trong cảm thức u ám, buồn bã tận cùng.
Mang âm hưởng thời đại hậu chiến, không gian trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng nhuốm màu bạo lực, chết chóc. Sắc thái này đã tạo ra đặc trưng riêng cho bức hoạ không gian của Oe. Không khí bạo lực, chết chóc hiện hình trên những đồ vật tưởng chừng câm lặng, từ chiếc bản đồ châu Phi nhỏ bé, ngọn đèn giao thông, tàn lửa, đến không gian Góc Súng Đạn. Ám ảnh chết chóc đó hiển hiện qua những bức tranh thiên nhiên. Mỗi hình ảnh đều gợi nhắc con người đến tình trạng hiện tại và dự cảm bất trắc trong tương lai. Bầu không khí ấy mang lại cho nhân vật cảm giác sợ hãi, bất an trong cả ý thức và vô thức.
Châu Phi, qua con mắt tâm tưởng của Điểu, “lục địa trôi giống như chiếc sọ của một người bị treo đầu... bức tiểu họa châu Phi chỉ sự phân bố dân số nằm dưới góc bản đồ, giống đầu người chết bắt đầu thối rữa. Một bức khác hiện lên những con đường giao thông, giống đầu người bị lột da lộ ra những mao mạch đau đớn”(26). Cả hai bản đồ châu Phi nhỏ bé này gợi lên sự chết chóc bất thường, nguyên sơ và quá tàn bạo. Qua những so sánh mang sắc thái nghịch dị của Oe, không khí bạo lực, chết chóc đậm đặc trong từng đường nét của bản đồ. Không gian trong Một nỗi đau riêng ám ảnh hơn với bức tranh phiên bản của Blake, cảnh tượng khủng khiếp của cái chết. Bức tranh khắc họa một quảng trường được vây quanh bởi những tòa nhà xây theo phong cách Trung Đông. Đằng xa nổi lên một cặp kim tự tháp đúng kiểu: chắc chắn là Ai Cập. Và “ánh sáng mong manh của buổi bình minh tràn ngập cả cảnh tượng - hay đó là bụi mù? một xác thanh niên chết nằm trườn ra quảng trường giống như một con cá bị mổ bụng. Kế anh ta là người mẹ quẫn trí được vây quanh bởi một nhóm người già cầm đèn lồng và những phụ nữ đưa nôi. Nhưng cảnh tượng này bị một gã khổng lồ ngự trị, từ trên trời cao giang rộng đôi tay sà xuống quảng trường. Phải chăng là con người? Thân hình lực sĩ đẹp phủ đầy vảy. Đôi mắt chứa đầy nỗi đau khổ đáng ngại và đầy nỗi đắng cay cực độ, miệng thì giống như một hố sâu che lấp cả mũi- miệng của con rồng lửa”(27). Cái chết của con người bi thảm không khác gì một con cá bị mổ bụng mang đến nỗi đau cho người thân và những người xung quanh. Đặc biệt hơn là đôi mắt của gã khổng lồ, đôi mắt của con người, đôi mắt hàm chứa nỗi đau khổ hiện sinh tê tái. Thế giới đồ vật trong Một nỗi đau riêng hiển hiện như những biểu tượng cho thần Chết. Chiếc xe nôi của con Điểu được miêu tả giống như một cỗ áo quan bé nhỏ, màu trắng, đóm thủy ngân lóe sáng rồi vụt tắt, “như hình ảnh của cái chết được trừu tượng hóa”(28). Bóng đen chết chóc đã hằn sâu trong tâm tưởng các nhân vật. Đồ vật vốn câm lặng nay cất lên tiếng nói đầy cảm xúc về một bầu không khí ngập ngụa hơi thở của tử thần, “bồn vệ sinh trông giống như cái cổ họng màu trắng, rộng lớn, càng giống hơn nữa khi đáy bồn nhô lên lớp nước sạch...dòng nước gầm réo cuốn trôi vào cống rãnh tăm tối như địa ngục”(29).
Góc Súng Đạn, khoảng không xô bồ, huyên náo, khu giải trí của thanh niên, bày ra la liệt những món đồ đậm sắc thái bạo lực. Ngay trước cửa, trên một tấm bảng quảng cáo to đùng, “một anh chàng cao bồi đứng khom người với một khẩu súng đang nhả đạn”(30). Trong phòng, chiếc máy hát tự động đang rú lên điệu nhạc Rock-n-roll lỗi thời, một cặp máy đang gây ra những tiếng ồn tạp nham làm chói tai nhức óc. Chiếc máy bên trái, dụng cụ tra tấn thời Trung cổ, một cái máy chém bằng sắt, “nó là một thiếu nữ xinh đẹp bằng sắt, cỡ người thật, với những sọc cơ khí đỏ đen, đang chéo hai cánh tay che kín bộ ngực trần...đột nhiên có tiếng gầm gừ trong ngực nàng giống như tiếng cài số xe, và những tấm thẻ có ghi số màu máu loãng đập vào đôi mắt sâu hoắm của nàng”(31). Chiếc máy bên phải cấu tạo gần giống như cái giá treo cổ trong một phim cao bồi miền Tây, “khi cài một đồng xu vào cái lỗ sáng rực như con mắt của người khổng lồ độc nhãn ở giữa chiếc nón sắt, người chơi kéo bị cát xuống và cây kim chỉ số tự nó chỉ số 0. Giữa cây kim chỉ số có một bức hí họa Chuột Rô-bô, mở toác cái miệng rộng màu vàng và la lên: Tiến lên Kẻ giết người! Hãy thử đo sức mạnh nắm đấm của bạn đi”(32). Thanh âm gầm gừ trong ngực thiếu nữ xinh đẹp, chiếc thẻ ghi số màu máu, tiếng la: Tiến lên Kẻ giết người, tạo ra cảm giác ghê rợn về không khí bạo lực nghẹt thở.
Thiên nhiên, trong cái nhìn tâm tưởng của nhân vật- những con người vốn mang trong mình ám ảnh tàn khốc của bạo lực, chết chóc, mất vẻ đẹp nên thơ vốn có, trở nên đáng sợ. “Bao quanh con đường là những cây rẻ quạt âm u, dày đặc, vô số lá, lá nào cũng trương phình nước mưa. Những thân cây đen xì chống đỡ biển lá xanh mênh mông. Nếu những biển lá này cùng đổ xuống tức thì, Điểu và chiếc xe của anh sẽ bị chết đuối trong dòng nước lụt thơm mùi lá sống. Điểu cảm thấy mình bị rừng cây đe dọa. Trên đầu anh, những chiếc lá kết chùm trên những cành cây cao chót vót đang than van trong gió”(33). Nỗi sợ hãi của nhân vật đã mãnh liệt đến mức những chiếc lá xanh mảnh dẻ cũng trở thành sự đe dọa lớn lao. Đều sợ bị chết đuối trong biển lá xanh mênh mông.
Không gian bạo lực, chết chóc đe dọa đến sự sống của con người. Không gian ấy đè nén những cảm xúc tươi đẹp, chỉ còn lại những dự cảm bất an, lo âu về tương lai. Dự cảm ấy thường trực trong tâm trí nhân vật. “Điểu nhìn lên những tàn cây sum suê đang rung chuyển phía trên mui xe và thấy cơn mưa dữ dội rửa sạch vẻ u sầu của chúng thành một màu xanh thật sống động. Đó là màu xanh, màu xanh của ngọn đèn giao thông cho phép anh tiếp tục cuộc hành trình trên giao lộ đường cao tốc. Anh trầm ngâm nghĩ có lẽ anh sẽ thấy màu xanh đầy sinh khí này vào giờ phút lâm chung”(34). Màu xanh vốn mang lại nhiều hi vọng cho con người thì ở đây lại mang đến cho con người xúc cảm bi đát về giờ phút lâm chung.
Ngòi bút tinh tế, tài hoa của Oe không phải không có khả năng vẽ nên một không gian đẹp và thơ với buổi mai rực rỡ, với mùi hương thoang thoảng đưa trong thung lũng, với mùi cỏ dậy thơm phức nhờ thấm nước mưa. Nhưng là con đẻ của thời đại hậu chiến, thời đại bom nguyên tử, Oe chỉ có thể lựa chọn sắc thái ngột ngạt, u ám, bạo lực, chết chóc như những gam màu chủ đạo trong bức họa không gian của mình. Nhật Bản thời hậu chiến của Oe Kenzaburo là nước Nhật Bản đầy biến động, với những hồi ức đau buồn. Hồi ức về trận động đất khủng khiếp phá hủy phần lớn Tokyo vào những năm hai mươi của thế kỉ XX. Hồi ức về cuộc đại chiến mà Nhật Bản đã dốc hết sức đeo đuổi, và cuối cuộc chiến tranh này, nước Nhật bị kiệt quệ. Hồi ức kinh hãi về hai quả bom nguyên tử nổ tung Hiroshima và Nagasaki, giết chết hàng chục vạn người dân Nhật vô tội. Nhật Bản thời đại Oe đầy biến động với cuộc bại trận thảm hại trong Thế chiến thứ hai và tình trạng tạm chiến của GHQ (Bộ tư lệnh tối cao Liên Hợp Quốc) với cuộc đấu tranh chống Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật những năm 60 của thế kỉ XX, những thăng trầm của tư tưởng dân chủ. Âm hưởng thời đại ấy tác động mạnh mẽ tới mọi phương diện của nghệ thuật tiểu thuyết Oe, trong đó có nghệ thuật tổ chức không gian. Với sắc thái ngột ngạt, u ám, bạo lực và chết chóc, bức hoạ không gian mà Oe Kenzaburo tạo ra trong Một nỗi đau riêng đã ám gợi một cách phong phú, tinh tế và sâu sắc tới bối cảnh phức tạp của Nhật Bản thời hậu chiến, tới bức tranh tâm hồn nặng nề của con người Nhật Bản hiện đại.
ÔN THỊ MỸ LINH
(ThS, Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hoá Nhật Bản và Yasunari Kawabata, Nxb Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh.
2. Sone Hiroyoshi(2000), Nền văn học hiện đại Nhật Bản, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, Hà Nội.
3. Oe Kenzaburo (2002), Giải mã mô hình của tôi về thế giới (trong những bậc thầy văn chương), Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Richard Dyer(6/6/1995), The scribe of the soul nobel prize-winning author, Kenzaburo Oe uses pain, humor to speak to the world, www.Boston.com
5. Howard Hibbet (ed,1997), Contemporary Japanese literature: an
anthology of fiction, film and other writings since 1945, Alfres
(1) Oe Kenzaburo, Một nỗi đau riêng, (Lê Ký Thương dịch), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, trang 123.
(2) Sách đã dẫn, trang 169.
(3) Sách đã dẫn, trang 201.
(4) Sách đã dẫn, trang 206.
(5) Sách đã dẫn, trang 169.
(6) Sách đã dẫn, trang 124.
(7) Sách đã dẫn, trang 33.
(8) Sách đã dẫn, trang 227.
(9) Sách đã dẫn, trang 183.
(10) Sách đã dẫn, trang 223.
(11) Sách đã dẫn, trang 253.
(12) Sách đã dẫn, trang 125.
(13) Sách đã dẫn, trang 74.
(14) Sách đã dẫn, trang 201.
(15) Sách đã dẫn, trang 122.
(16) Sách đã dẫn, trang 74.
(17) Sách đã dẫn, trang 202.
(18) Sách đã dẫn, trang 77.
(19) Sách đã dẫn, trang 17.
(20) Sách đã dẫn, trang 207.
(21) Sách đã dẫn, trang 212.
(22) Sách đã dẫn, trang 34.
(23) Sách đã dẫn, trang 237.
(24) Sách đã dẫn, trang 183.
(25) Sách đã dẫn, trang 244.
(26) Sách đã dẫn, trang 06.
(27) Sách đã dẫn, trang 80.
(28) Sách đã dẫn, trang 186.
(29) Sách đã dẫn, trang 99- 101.
(30) Sách đã dẫn, trang 16.
(31) Sách đã dẫn, trang 19.
(32) Sách đã dẫn, trang 21.
(33) Sách đã dẫn, trang 33.
(34) Sách đã dẫn, trang 227.