Khi luận bàn về mô hình thống nhất hai miền Triều Tiên người ta thường nghĩ đến trường hợp của nước Đức thống nhất 10/1990. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mô hình thống nhất kiểu Đức không áp dụng được cho Bán đảo Triều Tiên do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, các điều kiện về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội … mà cụ thể là: Chiến tranh Triều tiên (1950-1953), Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên có lực lượng quân sự hùng mạnh và thậm chí có cả vũ khí hạt nhân, người dân CHDCND Triều Tiên ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin từ bên ngoài, dân số Hàn Quốc chỉ gấp đôi dân số CHDCND Triều Tiên trong khi dân số Tây Đức gấp những 3 lần dân số Đông Đức và Hàn Quốc cũng chưa đủ mạnh để có thể đảm bảo nâng mức sống của CHDCND Triều Tiên lên ngang bằng với Hàn Quốc trong vòng 5 năm, vv…
Vì vậy, thống nhất Triều Tiên sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm thống nhất của nước Đức cũng giúp Triều Tiên học hỏi được rất nhiều điều và lường trước được những hạn chế (khó khăn) nảy sinh khi thống nhất hai miền.
Hơn nữa, quá trình thống nhất phải xuất phát từ nguyện vọng và sự hợp tác của cả hai bên, chứ không phải là bên nào áp đặt bên nào và đồng thời cũng cần có một sự thay đổi bước ngoặt trong giới lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc với sức mạnh kinh tế hùng hậu và dân số đông hơn nên là người tiên phong, nhưng chỉ nên mách bảo cho CHDCND Triều Tiên về cơ chế thị trường chứ không nên áp đặt nó. Thống nhất cần phải được thực hiện từ từ và từng bước, nó có thể sẽ mất hàng thế hệ kể từ thời điểm chuẩn bị sáp nhập cho tới khi trở thành một thực thể kinh tế thống nhất. Và các quan điểm chính trị của CHDCND Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến Hàn Quốc theo cách mà nó đã không thực sự diễn ra ở nước Đức. Một trong những bài học mà Hàn Quốc có thể học được từ nước Đức là, không nên thống nhất hoàn toàn chừng nào mà CHDCND Triều Tiên còn chưa chuẩn bị cho việc hình thành một nền kinh tế thị trường thực sự.
Dưới hệ thống chính trị năng động mới, trong bối cảnh toàn cầu thay đổi với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, hai miền Triều Tiên cần phải phát triển những cách thức và nguyên tắc mới để điều tiết quan hệ của chúng. Bởi vì hai bên có sự khác biệt về thể chế và quan niệm khác nhau về những đòi hỏi của tình hình mới. Mỗi bên cần phải phát triển chiến lược và chính sách riêng của mình trong sự phối hợp với bên kia, và đồng thời tạo ra một sự điều chỉnh hợp lý và có lợi cho cả hai bên. Vì vậy, nên thực hiện hội nhập từng bước hơn là thống nhất hai miền ngay lập tức.
Để có được một nước Triều Tiên độc lập và thống nhất, trước tiên cần phải bàn đến hai vấn đề. Thứ nhất là, cách thức và chiến lược thống nhất. Thứ hai là, cần một mô hình thống nhất thích hợp cho một nhà nước thống nhất trong tương lai và công cụ để biến nó thành hiện thực.
Cho đến nay các luận bàn về thống nhất Bán đảo Triều Tiền đều tập trung vào quá trình đi đến thống nhất. Những quan tâm chủ yếu trong các cuộc luận bàn về quá trình đi tới thống nhất đó là:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thống nhất bằng cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (thoả thuận hợp tác khu vực và nhận diện lẫn nhau);
- Các cách tiếp cận thống nhất (theo chế độ Liên bang, theo Thuyết chức năng và Thuyết chức năng mới);
- Các cách làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên (ví dụ: hội nhập hay cùng tồn tại hai miền); trao đổi và hợp tác liên Triều;
- Thay đổi, cải cách về chính trị và kinh tế ở cả hai miền.
Tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn chưa tìm ra được một mô hình thích hợp và khả thi nhất cho việc thống nhất hai miền trong hiện tại và tương lai.
Khái niệm thống nhất và hội nhập:
Sau đây chúng ta thử xem xét hai khái niệm liên quan đến thống nhất, đó là: thống nhất và hội nhập. Thống nhất chính trị là một quá trình sáp nhập các hệ thống chính trị riêng rẽ thành một hệ thống chính trị duy nhất. Hội nhập xã hội là một quá trình hoá giải những xung đột đang diễn ra hoặc tiềm ẩn bắt nguồn từ những khác biệt hay những khoảng cách về văn hoá. Khái niệm thứ nhất liên quan đến việc xây dựng một nhà nước trong khi khái niệm thứ hai liên quan đến việc xây dựng một dân tộc hay một quốc gia. Vì vậy, một nhà nước bị chia cắt có thể sáp nhập về mặt chính trị mà chưa hội nhập về mặt xã hội. Chẳng hạn như, Lebanon và Nigeria đã đạt được một mức độ cao về xây dựng nhà nước nhưng mức độ hội nhập dân tộc (quốc gia) còn thấp của nó đã dẫn đến những xung đột nội bộ gay gắt (nội chiến). Một bài học đắt giá có thể rút ra từ cuộc nội chiến ở Yemen do việc sáp nhập chính trị nóng vội gây ra. Thống nhất chính trị mà thiếu tái hội nhập xã hội chính là nguyên nhân gây xung đột chia rẽ. Trường hợp thống nhất nước Đức năm 1989-1990 cho chúng ta thấy việc sáp nhập hai đảng phái và hai nền văn hoá chính trị là khó khăn như thế nào. Có thể rút ra một điều rằng, ở nước Đức sự thống nhất quốc gia có lẽ chỉ đạt được về mặt chính trị còn sự thống nhất toàn diện thực sự về mọi mặt thì còn lâu mới đạt được.
Dù sao thì chúng ta cũng thấy rằng, trong những năm đầu của thập niên 1990, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã đạt được một bước tiến mới trong quá trình hoà giải. Quan hệ mới giữa hai miền trong thập niên 1990 đã thể hiện một bước đột phá trong quan hệ liên Triều; nó phản ánh việc công nhận sự tồn tại thể chế của nhau trong sự thay đổi của môi trường chính trị thế giới. Bước đột phá mới trong giai đoạn 1991-1992 đó là, hai miền đã nhận thức được rằng cùng tồn tại là điều kiện tiên quyết để duy trì hoà bình và ổn định trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên cũng đã nhận ra một chân lý, đó là tái thống nhất Triều Tiên sẽ không trở thành hiện thực (ngoại trừ việc xử dụng vũ trang và nổi loạn) nếu không thiết lập một khung khổ cho việc cùng tồn tại hoà bình và thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa hai miền. Những nỗ lực bình thường hoá quan hệ thù địch trong quan hệ liên Triều đã đem lại kết quả qua việc ký kết hai hiệp định lịch sử vào 12/1991, Không quá khích; Hợp tác và Trao đổi (còn gọi là Hiệp định Cơ sở) và một Tuyên bố Chung về Phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên. Kết quả mà các hiệp định này đem lại là khả năng và triển vọng hoà bình và tái thống nhất Triều Tiên đã được cải thiện một cách đáng kể, mặc dù chương trình vũ khí hạt nhân khả nghi của CHDCND Triều Tiên - hiện đang được đặt dưới sự thanh tra giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đang đe doạ an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thách thức trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Lạnh đó là thay đổi mối quan hệ liên Triều, chuyển từ đối đầu sang cùng tồn tại trong một nền hoà bình và trật tự. Nhiệm vụ thể chế hoá quá trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian. Tranh luận về vấn đề hạt nhân cho thấy khó khăn như thế nào trong việc xoá bỏ những nghi ngờ và thù địch giữa hai bên.
Dù sao thì, bằng cách mở ra một kênh đối thoại ở cấp chính phủ, hai miền đã nhận thức được rằng nên dựa vào ngoại giao và đối thoại hơn là dựa vào sự ép buộc và đe doạ chiến tranh. Nói cách khác là, hai miền đã quyết định “chơi trò chơi” ngoại giao và đàm phán hơn là “chơi trò chơi” chiến tranh và xung đột. Kết quả là, triển vọng thể chế hoá quá trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện một cách đáng kể.
Seoul cho rằng, tái thống nhất Triều Tiên chỉ có thể đạt được một cách dần dần từng bước bởi vì có rất nhiều khác biệt về kinh tế và hệ tư tưởng giữa hai miền. Vì vậy, nhiệm vụ trước tiên là tạo ra một khung cảnh hoà bình ổn định ở cả hai bên Seoul và Bình Nhưỡng và đồng thời làm cho Washington, Bắc Kinh và Tokyo tin tưởng vào một nền hoà bình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Sự mất niềm tin sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) đã mách bảo một điều rằng cần phải thực hiện “hiệp ước không quá khích” trước khi dự định thực hiện bất kể một thoả thuận nghiêm túc nào về thống nhất hoà bình. Vì vậy, đối với Seoul, cùng tồn tại hoà bình cần phải được coi như là bước khởi đầu quan trọng nhất. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên lại cho rằng, cần thực hiện thống nhất theo kiểu “toàn bộ và một lần”, chia cắt càng kéo dài thì càng khó thực hiện thống nhất, và việc cùng nhận diện sự tồn tại riêng biệt của nhau hiện nay sẽ càng kéo dài thêm sự chia cắt trên Báo đảo Triều Tiên. Vì vậy, Bình Nhưỡng yêu cầu quân đội Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc và tiến hành đàm phán chính trị ngay lập tức để đẩy nhanh tiến trình tái thống nhất.
Ngay cả mô hình Cộng hoà Liên bang Dân chủ (Democratic Confederal Republic) đã kêu gọi sự hình thành một lực lượng ‘quân sự quốc gia kết hợp’ và một chính sách ngoại giao chung trước khi hội nhập chính trị hai miền. Nói tóm lại, CHDCND Triều Tiên coi tái thống nhất như một sự kết thúc, với cái tên gọi chung là “Cộng hoà Liên bang Dân chủ Triều Tiên”, trong khi Hàn Quốc coi nó như một quá trình thống nhất từ từ, từng bước sau khi thiết lập một “Cộng đồng Quốc gia Triều Tiên” (Korean National Community).
Với những quan điểm về thống nhất mà hai bên đã thể hiện cho thấy, cả hai bên đều không thực sự thích thú việc thống nhất cho lắm mà chỉ sử dụng các cuộc đối thoại, đàm phán thống nhất như một hình thức chiến tranh lạnh chính trị nhằm áp đặt ý đồ của mình đối với bên kia.
Không chỉ có sự khác biệt cơ bản giữa hai miền trong cách thức đi đến thống nhất mà hai miền còn có vị trí rất khác nhau trong chiến lược hình thành một chính phủ thống nhất. Hàn Quốc muốn một sự tự do, một cuộc tổng tuyển cử (mọi người dân Triều Tiên đều được tham gia bầu cử) dưới sự quản lý và giám sát của Liên Hiệp Quốc hoặc một tổ chức nào đó tương tự. Và nên dành quyền đại diện đa số cho Hàn Quốc vì Hàn Quốc có đông dân số hơn CHDCND Triều Tiên. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên muốn một liên bang có cơ cấu lỏng lẻo hơn. Cuộc tổng tuyển cử không nên tiến hành dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc mà nên là các nước trung lập hoặc các đảng phái thích hợp nào đó. Bởi vì Bắc Triều Tiên đã chống trả lại lực lượng của Liên Hiệp Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, nên Liên Hiệp Quốc khó mà tránh khỏi không có thành kiến với CHDCND Triều Tiên. Sự lựa chọn hợp lý nhất là tiến hành tổng tuyển cử do chính người dân Triều Tiên tổ chức và dưới sự giám sát của nước ngoài. Quyền đại diện của mỗi bên không nên chỉ dựa vào qui mô dân số mà nên xét đến cả qui mô diện tích lãnh thổ. CHDCND Triều Tiên còn đề xuất một ‘Hội nghị phối hợp các đại diện’ của các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội đến từ hai miền. Đề xuất này sẽ tạo ra một cơ cấu đại diện theo chức năng chứ không chỉ dựa theo qui mô dân số. Mô hình Liên bang mà CHDCND Triều Tiên dự thảo sẽ được hình thành một cách tạm thời, trong khi chính phủ hai bên vẫn có toàn quyền tự chủ.
Mặc dù có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận thống nhất của cả hai miền, CHDCND Triều Tiên nói chung vẫn phản đối sự hiện diện của bất cứ một lực lượng quân đội nước ngoài nào tại Hàn Quốc, đặc biệt là của Mỹ. CHDCND Triều Tiên coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc chính là lực cản lớn nhất của quá trình đàm phán thống nhất. Hơn nữa, CHDCND Triều Tiên còn sợ rằng cuộc đua vũ trang giữa hai miền tiếp diễn sẽ gây nguy hại đến tiến trình thống nhất và đề xuất một sự cắt giảm quân sự chung của hai bên (mỗi bên cắt giảm khoảng 100 nghìn quân nhân). Trong khi đó Hàn Quốc vẫn cảm thấy rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là rất cần thiết để đảm bảo hoà bình và ổn định của khu vực Đông Á nói chung và cho sự ổn định và chuyển đổi dần dần của hệ thống chính trị Triều Tiên nói riêng. Hàn Quốc cho rằng, nên duy trì một lực lượng quân sự cân bằng giữa hai miền cho tới khi đạt được các điều kiện về thống nhất hoà bình. Vì thực tế như chúng ta đã biết, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã nổ ra ngay sau khi lực lượng quân đội của Mỹ và Nga rút khỏi hai miền được một năm.
Một phân tích so sánh về thái độ và chính sách của các hệ thống chính trị - xã hội cùng tồn tại ở các nước bị chia cắt đã chỉ ra rằng, trong mỗi một trường hợp cụ thể, sự duy trì và phát triển của một hệ thống riêng biệt thường ưu tiên về mặt thứ bậc của các giá trị hơn là thành tựu chung của quốc gia. Mâu thuẫn giữa mục tiêu ý thức hệ của việc duy trì hệ thống và những đòi hỏi của việc thống nhất quốc gia đã được giải quyết hầu hết bằng cách ưu tiên cho các nhu cầu duy trì hệ thống. Các kịch bản thống nhất hầu như đều được nhìn nhận dưới những cách mà ở đó các thành tựu thống nhất đi đôi với chiến thắng cuối cùng của một hệ thống đối với hệ thống còn lại hay ít nhất là bởi sự thay thế của hệ thống này cho hệ thống kia. Cho đến nay, sự thống nhất mà các quốc gia bị chia cắt có được là nhờ, hoặc là chiến tranh hoặc là do một hệ thống bị sụp đổ hoàn toàn trước hệ thống kia, ví dụ như trường hợp của Việt Nam, Yemen, Đức và Căm Pu Chia. Và nước Đức cũng không thể thống nhất được nếu không có sự chuyển đổi của hệ thống cũ ở Đông Đức. Với thách thức vượt qua những khó khăn trong vấn đề Đài Loan, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất mô hình thống nhất “một quốc gia hai chế độ”. Về thực chất thì hệ thống này cũng vẫn chỉ coi Đài Loan như là một bộ phận trực thuộc hệ thống bá quyền của Trung Quốc mà thôi. Việc phủ nhận quyền bình đẳng giữa hai hệ thống khác nhau này của Trung Quốc đã gây trở ngại cho việc xây dựng mô hình thống nhất Bán đảo Triều Tiên theo kiểu “một quốc gia hai chế độ”. Có vẻ như việc thực hiện thống nhất là không hiện thực trừ phi có sự hội nhập giữa hai hệ thống đối lập này, vì cả hai bên đều e ngại lẫn nhau về mục tiêu thống nhất cuối cùng của mỗi bên. Nhưng việc theo đuổi thống nhất và các cách thức thống nhất loại trừ lẫn nhau hiện nay của cả hai hệ thống không có nghĩa là sẽ không thể tiến hành những bước chuẩn bị cho quá trình tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Sau đây là một số đề xuất giải pháp trước mắt mang tính khả thi:
Loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực, hai miền dường như đang đứng trước hai sự lựa chọn: một là tiếp tục kéo dài tình trạng cùng tồn tại đối đầu như hiện nay, hai là chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để đi tới mục tiêu cuối cùng là hình thành một Liên bang Triều Tiên hay một Khối cộng đồng Triều Tiên (Korean Commonwealth or Confederation). Kinh nghiệm của Đức cho thấy, hai miền Triều Tiên nên ký kết với nhau một bản Hiệp ước về Cơ sở Quan hệ Liên Triều bao gồm các điều khoản sau:
1. Công nhận lẫn nhau như những nhà nước độc lập trong một quốc gia, hai bên đều phải cam kết hướng tới mục tiêu cuối cùng là tái thống nhất quốc gia.
2. Thúc đẩy an ninh và hoà bình của quốc gia và khu vực, hai bên đều phải tránh sử dụng vũ lực để đối phó lẫn nhau và cùng nhau phát triển các hệ thống quân sự tin cậy.
3. Tránh khiêu khích và xích mích lẫn nhau. Theo điều khoản 1 của Hiệp ước này thì hai bên đều phải tôn trọng những khác biệt trong hệ thống chính trị - xã hội của nhau, tránh can thiệp vào các chính sách đối nội và đối ngoại của nhau. Hiệp ước này không chịu sự chi phối của bất kỳ một hiệp ước nào khác đang tồn tại của hai bên.
4. Để thúc đẩy tiếp tục đối thoại và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên, hai bên phải phối hợp thiết lập ra một Uỷ ban tư vấn về Hợp tác liên Triều.
- Uỷ ban này sẽ bao gồm hai bộ phận.: Uỷ ban Tư vấn bao gồm các đại diện cấp cao của các chính phủ và các tổ chức xã hội Chữ thập đỏ và Hội đồng Tư vấn bao gồm những người đại diện do nghị viện và các tổ chức tôn giáo, kinh tế và văn hoá của hai bên đề cử. Hai bên tổ chức và chọn lựa các đại biểu chung của mình mà không có sự tham gia của bên thứ ba nào khác.
- Uỷ ban Tư vấn có nhiệm vụ hoạch định tương lai phát triển các trao đổi liên Triều hiện nay, nghĩ ra những phương thức trao đổi mới, và giải quyết các vấn đề liên quan đến câu hỏi liệu, khi nào, và làm thế nào để việc thiết lập một Liên bang Triều Tiên hay một Khối cộng đồng Triều Tiên có thể được coi như là một bước khởi đầu hướng tới mục tiêu cuối cùng là tái thống nhất hoàn toàn và lâu dài.
- Văn phòng Uỷ ban Tư vấn đặt ở Bàn Môn Điếm nơi mà sau này sẽ có thể phát triển dần thành một Trung tâm Trao đổi liên Triều.
1. Hai bên thiết lập các Văn phòng Trao đổi ở thủ đô của cả hai miền.
Kịch bản Hiệp ước này nhằm mục tiêu tạo ra một cơ chế bước đệm cho cả hai bên, giữa hiện trạng và tương lai của một Khối cộng đồng Triều Tiên hay một cơ cấu Liên bang sẽ được hình thành giữa hai bên.
Với tình hình của CHDCND Triều Tiên hiện nay thì, các chính sách hướng tới thống nhất hai miền của chính phủ Hàn Quốc chỉ có thể đạt được mục tiêu khi mà nó hướng tới những lợi ích thiết thực của CHDCND Triều Tiên (ví dụ như mang lại lợi ích về mặt kinh tế). Mặc dù hai bên đã có một loạt các trao đổi về mậu dịch, viện trợ, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá, thể thao, triển lãm, …. nhưng có thể nói hoạt động trao đổi và quan hệ liên Triều cho đến nay vẫn còn rất hạn chế, vì vậy cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi giữa hai bên trong phạm vi có thể.
Trong lúc có vẻ như quá sớm để hình thành một cơ cấu Liên bang hay Khối cộng đồng Triều Tiên ở thời điểm này thì hai miền có thể thiết lập một thể chế tạm thời như đã đề cập ở trên (Hiệp ước về Cơ sở Quan hệ liên Triều).
Một mặt, để đối phó với tình hình mới luôn có những bất ổn và chiến tranh rình rập, cần phải thiết lập một mạng lưới phối hợp giải quyết tốt hơn về mặt thể chế ở miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống và Bộ Thống nhất thông qua những phân tích chính sách chiến lược phương Bắc của Seoul. Mặt khác, để giảm bớt khó khăn, Hàn Quốc nên thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản trong việc hình thành các chính sách đối với CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc không nên loại trừ khả năng thương mại hoá các viện trợ kinh tế và các viện trợ ngoại giao khác (nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Washington, Tokyo và Châu Âu) để duy trì tiến trình của CHDCND Triều Tiên trong việc thực hiện Hiệp ước Bắc-Nam năm 1991-1992 và tiến trình đàm phán bốn bên.
Kinh nghiệm của Đức cho thấy những động thái phát triển mới (ngoài dự đoán) có thể dẫn tới một sự sụp đổ bất ngờ hay một sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống thứ hai. Thay vì cảm thấy tình hình phát triển hiện nay là không chắc chắn, Hàn Quốc cần phải chuẩn bị ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra. Vì vậy, những gánh nặng và áp lực đối với Hàn Quốc là lớn hơn rất nhiều so với những gì mà Tây Đức phải gánh chịu sau sự sụp đổ không mong đợi của Đông Đức năm 1990.
VÕ HẢI THANH
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ronald Meinardus, Liberal Times, Challenges for Korea's Unification: A German perspective, 11-21-2002.
2. Kim Yung-Bong, Professor of Economics
Chung-Ang University, Conditions for Unification in the 21st Century, Unified Korea Economy, January 2000.
3. Nicholas Eberstadt and Judith Banister, Divided Korea: Demographic and Socio-Economic Issues for Reunification
4. Speeches, Testimony, Papers, The Economics of Korean Unification, Marcus Noland Institute for International Economics, Paper prepared for Foresight Magazine February 2000
5. Dr Rhee Tong-chin, Korea Times 30 January 2001, "Will Korea Be Unified-Under What Circumstances?"
6. Jonathan D. Pollack, Korean Unification: Illusion or Aspiration? Winter/Spring 2001 – Volume VIII, Issue 1.
7. Colonel Richard B. Bundy, Korean Unification: Opportunities and Threats.
8. Ronald Meinardus, Challenges for Korea's Unification: A German perspective, Liberal Times,11-21-2002.
9. Ministy of Unification, white paper, Overview of South Korea s Policy toward North Korea Prior to the Kim Dae-jung Administration, 21.08.2002.
10. Peace and Cooperation, White Paper on Korean Unification 1996, Ministry of National Unification, Republic of Korea.
11. Jonathan D. Pollack, Chung Min Lee, Preparing for Korean Unification: Scenarios and Implications
12. Sam Vaknin, The Cost of Unification German Lessons for Korea, published by United Press International (UPI)
13. The Costs and Benefits of Korean Unification, Marcus Noland Institute for International Economics, Sherman Robinson, International Food Policy Research Institute, Li-Gang Liu, Institute for International Economics
14. By Jong-chul Park, The Policy of Peace and Prosperity: Its Characteristics and Challenges, The Korea Society Quarterly, Volume 4, Number 1