Kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh kết thúc, ở Đông Á cũng như các khu vực khác trên thế giới, mối đe dọa an ninh quân sự truyền thống đối với mỗi quốc gia tạm thời được đẩy lùi, thay vào đó là xu thế phát triển kinh tế ngày càng nổi trội. Khuynh hướng đối thoại thay cho đối đầu khiến người ta tưởng chừng như không còn nguy cơ nào đáng kể đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một loạt các sự kiện diễn ra trong khu vực từ cuối thập niên 1990 trở lại đây như: cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, các cuộc tấn công khủng bố ở một số nước Đông Nam Á diễn ra sau sự kiện 11/9 và sự lan tràn của dịch SARS khiến các quốc gia Đông Á phải nhìn nhận lại về tính nghiêm trọng của nguy cơ mới xuất hiện, đó là những vấn đề “an ninh phi truyền thống”. Không thể so sánh được mối đe dọa nào hơn giữa an ninh truyền thống và “an ninh phi truyền thống”, nhưng có một điều rõ ràng là với tính chất xuyên quốc gia, các vấn đề “an ninh phi truyền thống” hiện đang đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia Đông Á trong việc giải quyết để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng chung của toàn khu vực.
1.“An ninh phi truyền thống”: Khái niệm và những đặc điểm chủ yếu
Hiện nay, các vấn đề “an ninh phi truyền thống” đang ngày càng được nhắc đến nhiều không chỉ trong chương trình nghị sự của chính phủ, trong giới học thuật mà còn cả trong công chúng và trên các phương tiện truyền thông ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thế nào là “an ninh phi truyền thống” cũng như một vấn đề như thế nào thì được coi là “vấn đề an ninh phi truyền thống”.
Có thể nói, xuất phát điểm của khái niệm “an ninh phi truyền thống” là từ sự không thoả mãn với khái niệm truyền thống của an ninh vốn chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh - quân sự. Theo các học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế, có một số lý do sau khiến cho khái niệm an ninh truyền thống không còn đáp ứng với bối cảnh quốc tế hiện nay:
Thứ nhất, khái niệm “an ninh truyền thống” chỉ đưa ra các mối đe doạ về quân sự mà bỏ qua những nguy cơ khác đang ngày càng gia tăng như thảm họa môi trường, thiếu lương thực, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái kinh tế... Chính vì vậy, khái niệm này trở nên “thiếu cân xứng” khi một loạt các thuật ngữ mới xuất hiện trong chương trình nghị sự an ninh của nhiều quốc gia như “an ninh kinh tế”, “an ninh lương thực”, “an ninh năng lượng và nguồn tài nguyên”, “an ninh môi trường”...
Thứ hai, khái niệm “an ninh truyền thống” được coi là chỉ thiên về bảo vệ lợi ích của chính quyền trung ương và tầng lớp có đặc quyền trong xã hội mà bỏ qua lợi ích của dân chúng. Hay nói cách khác, khái niệm “an ninh truyền thống” được sử dụng nhằm mục đích kiểm soát nhà nước và duy trì cơ cấu kinh tế xã hội ưu đãi đối với các tầng lớp đặc quyền. Như vậy thì khái niệm này không đảm bảo cho sự thịnh vượng và phát triển của từng cá nhân trong xã hội và do đó không thể tồn tại trong một thế giới dân chủ.
Từ những luận cứ trên, khái niệm “an ninh phi truyền thống” được sinh ra như là một sự bổ sung mặt còn thiếu trong khái niệm về an ninh nói chung.
Mặc dù cho đến nay chưa có sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm “an ninh phi truyền thống”, nhưng có thể hiểu một cách khái quát “an ninh phi truyền thống” là an ninh mang tính chất phi quân sự và “các vấn đề an ninh phi truyền thống” là tất cả những mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia và sự tồn tại của con người cũng như sự phát triển nói chung ngoài xung đột quân sự, chính trị và ngoại giao([1]). An ninh phi truyền thống bao gồm nhiều lĩnh vực như an ninh kinh tế, môi trường sinh thái, khủng bố xuyên quốc gia, buôn lậu vũ khí, xung đột sắc tộc và tôn giáo, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, di cư trái phép, cướp biển và rửa tiền...
Trái lại với an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống có những đặc điểm chủ yếu sau:
Một là, an ninh phi truyền thống bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến an ninh quốc gia và khó đối phó hay giải quyết đơn phương bằng biện pháp quân sự.
Hai là, có thể chia các vấn đề an ninh phi truyền thống thành hai nhóm bạo lực phi quân sự và phi bạo lực, trong đó nhóm bạo lực phi quân sự bao gồm khủng bố, tội phạm có tổ chức...; còn nhóm các hoạt động phi bạo lực bao gồm kinh tế, văn hóa, môi trường và dịch bệnh...
Ba là, an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện. Do vậy, trong những điều kiện nhất định các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể bùng phát thành các vấn đề an ninh truyền thống. Chủ nghĩa khủng bố là một ví dụ tiêu biểu có cả hai mặt an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bốn là, các vấn đề an ninh phi truyền thống đều mang tính xuyên quốc gia thậm chí là xuyên khu vực.
Năm là, các vấn đề an ninh phi truyền thống ảnh hưởng và hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài hơn so với các vấn đề an ninh truyền thống.
2. Các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Á hiện nay
Nếu như nói tính chất xuyên quốc gia là một đặc điểm nổi bật của các vấn đề an ninh phi truyền thống thì khu vực Đông Á là nơi phản ánh rõ nhất điều này. Thực tế cho thấy, các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể dễ dàng vượt ra khỏi biên giới mỗi quốc gia trong khu vực và lan rộng cùng với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa. Ví dụ như, ma túy sản xuất ở Trung và Đông Nam Á đã lan sang và ảnh hưởng đến các nước ở Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Hay như cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ban đầu chỉ ở một số nước về sau đã bao trùm toàn khu vực. Như vậy, rõ ràng các vấn đề an ninh phi truyền thống không chỉ là mối hiểm hoạ đối với an ninh của một quốc gia mà còn đe doạ đến an ninh của các quốc gia láng giềng khác và thậm chí là toàn khu vực. Chính vì vậy mà không ở đâu an ninh phi truyền thống lại thu hút được sự quan tâm của hầu khắp các quốc gia trong khu vực như ở Đông Á. Có thể thấy các vấn đề như suy thoái môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, di cư trái phép, buôn người và ma tuý, nghèo đói và suy thoái xã hội... thường xuyên được “an ninh hoá” trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Đông Bắc Á, trong khi đó ở Đông Nam Á các vấn đề như chủ nghĩa khủng bố, ma tuý, suy thoái môi trường sinh thái, dịch bệnh... luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự của các chính phủ. Có thể nói, đối với toàn Đông Á hiện nay các vấn đề an ninh phi truyền thống đã được coi là mối đe dọa không kém phần nghiêm trọng so với các vấn đề an ninh truyền thống đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Nhìn chung, có thể chia các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Á hiện nay làm 5 nhóm chính:
(i) Các vấn đề an ninh liên quan đến sự phát triển bền vững bao gồm bảo vệ môi trường, sự phát triển nguồn tài nguyên, sinh thái và kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch
(ii) Những mối đe doạ đối với sự ổn định khu vực do việc mất kiểm soát hay mất trật tự, bao gồm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, nhân quyền và tị nạn
(iii) Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bao gồm buôn người và buôn ma tuý
(iv) Các tổ chức phi quốc gia thách thức trật tự quốc tế hiện có, tiêu biểu là chủ nghĩa khủng bố quốc tế
(v) Các vấn đề an ninh liên quan đến sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hoá bao gồm an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh ứng dụng gien.
3. Tăng cường hợp tác khu vực yêu cầu cấp thiết đối với các nước Đông Á trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống
Một học giả Trung Quốc đã so sánh rằng giống như “hiệu ứng bươm bướm” trong khí tượng học, các vấn đề an ninh phi truyền thống ở một nơi, có thể là một địa phương, tỉnh thành, quốc gia hay khu vực, nếu không được giải quyết hay kiểm soát có thể sẽ lan rộng thành những mối đe dọa nghiêm trọng hơn ở nơi khác([2]). Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để giải quyết, liệu có thể giải quyết đơn phương bởi mỗi quốc gia hay không? Câu trả lời chắc chắn là không thể bởi với tính chất xuyên quốc gia của các vấn đề an ninh phi truyền thống thì không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết cho dù đó là một cường quốc. Có thể nói rằng trong việc đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, các quốc gia yếu và cường quốc là ngang nhau. Vì vậy, một sự hợp tác đa phương giữa các quốc gia trong khu vực là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế mãi cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các quốc gia Đông Á mới ý thức được tầm quan trọng của việc phải có sự hợp tác xuyên quốc gia để đối phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống. Đặc biệt là sau một loạt các vụ khủng bố ở một số nước Đông Nam Á và nhất là thảm hoạ của dịch SARS vừa mới đây, chưa bao giờ cộng đồng Đông Á thấy cần phải khẩn thiết kêu gọi một sự đoàn kết, hợp tác giữa tất cả các quốc gia đến như vậy. Nếu như sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, các nước Đông Á mới chỉ bắt đầu nêu lên các vấn đề phi quân sự cũng như cảnh báo về việc cải cách tài chính có ảnh hưởng quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị ARF lần thứ 5 ở Manila (7/1998), thì cho đến nay hoạt động hợp tác đa phương trong việc đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Á đang dần được hiện thực hoá và ngày càng có nhiều tiến triển tích cực. Hiện tại có ba hình thức hợp tác cơ bản đang diễn ra ở Đông Á đó là hợp tác song phương (thường diễn ra giữa quốc gia và tổ chức), hiệp ước đa phương và các cơ chế hợp tác.
Về hợp tác song phương, tiêu biểu phải kể đến là hợp tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2002, Trung Quốc đã đề nghị tổ chức một hội nghị bộ trưởng ASEAN+3 về chiến đấu chống lại tội phạm xuyên quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ 6. Cũng trong năm này, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Tháng 1/2004, hai bên đã ký một bị vong lục về Hợp tác trong lĩnh vực chống tội phạm phi truyền thống, theo đó Trung Quốc và ASEAN sẽ tăng cường nỗ lực chung chống lại tội phạm phi truyền thống thông qua việc chia sẻ thông tin, trao đổi nhân sự, đào tạo và hợp tác thi hành luật.
Trong lĩnh vực hiệp ước đa phương, có thể thấy các quốc gia Đông Á đã thành lập được một kế hoạch chống lại vấn đề ma tuý liên quốc gia. Tháng 10/2000, Thái Lan đã cùng UNDCP tổ chức Hội nghị quốc tế về thực hiện một ASEAN không ma túy vào 2015 với sự góp mặt của tất cả các nước thành viên ASEAN, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Niu Dilân, Úc và EU. Kết quả hội nghị ra Tuyên bố chính trị Bangkok về việc thực hiện ASEAN không ma túy vào 2015 và thông qua kế hoạch hành động về Hoạt động hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong việc đối phó với hiểm hoạ ma túy (ACCORD).
Bên cạnh hai hình thức hợp tác song phương và đa phương, Đông Á cũng cho thấy những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng những cơ chế hợp tác trong khu vực giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Bằng chứng là các cơ chế và sáng kiến an ninh đa phương ở cả “kênh I” chính thức lẫn “kênh II” không chính thức xuất hiện ngày một nhiều ở Đông Á. Tiêu biểu các cơ chế ở kênh I gồm có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị về các biện pháp hợp tác và tin cậy (CCCMA) và Hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng, còn các cơ chế kênh II bao gồm Ủy ban hợp tác an ninh Châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) và Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á (NEACD). Có thể nói, dưới các khuôn khổ đa phương này, hầu hết các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực đã được giải quyết cũng như kiểm soát một cách hiệu quả và quan trọng hơn cả là một mô hình tương lai cho hợp tác Đông Á từ đó đang dần được định hình.
Trong số các cơ chế hợp tác khu vực, ARF là cơ chế đối thoại an ninh chính thức quan trọng nhất. ARF đã thiết lập được gần 80 chương trình về xây dựng lòng tin góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và đối thoại an ninh phi truyền thống giữa các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, trên thực tế ARF còn tiến hành một loạt các đối thoại thành công về chống chủ nghĩa khủng bố và chống lại tội phạm xuyên quốc gia bao gồm việc ra tuyên bố của chủ tịch về chống chủ nghĩa khủng bố, tiến hành các hội thảo và quyết định thành lập các nhóm làm việc mới. Bên cạnh cơ chế ARF, những năm trở lại đây, có thể thấy cơ chế hợp tác giữa 10 nước ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hay còn gọi là cơ chế 10+3 cũng đang ngày càng trở thành một kênh chính cho hợp tác Đông Á đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác an ninh. Với bốn nội dung hợp tác chủ yếu bao gồm: đối thoại và phối hợp chung toàn Đông Á; tự phát triển và hợp tác trong nội bộ 10 thành viên ASEAN; hợp tác riêng lẻ 10+1 (giữa 10 nước ASEAN và một nước Đông Bắc Á) và đối thoại, hợp tác giữa 3 nước Đông Bắc Á, cơ chế 10+3 đã trở thành cơ chế hợp tác an ninh đa tầng xen kẽ đầu tiên trong khu vực. Đây có thể nói là nỗ lực hết sức có ý nghĩa của các nước Đông Á trong cuộc chiến đấu chống lại những hiểm hoạ an ninh phi truyền thống vì một cộng đồng Đông Á ổn định và phát triển.
4. Những thách thức đối với cộng đồng Đông Á trên con đường xây dựng cơ chế hợp tác toàn khu vực về các vấn đề an ninh phi truyền thống
Không thể phủ nhận rằng thời gian qua, hợp tác xuyên quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống đã có nhiều tiến triển tích cực. Tuy nhiên, trên con đường đi tới thiết lập một cơ chế hợp tác đa phương toàn khu vực để đối phó với mối đe doạ này trước mắt các quốc gia Đông Á vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trước hết, đó là sự thiếu thống nhất giữa các nước trong khu vực về khái niệm an ninh phi truyền thống. Cho đến nay, mặc dù đã tranh luận rất nhiều nhưng khái niệm “an ninh phi truyền thống” vẫn còn khá mơ hồ và danh sách các vấn đề được coi là thuộc phạm vi “an ninh phi truyền thống” không nhất quán. Chẳng hạn như trong cuốn “Về an ninh phi truyền thống” do Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc xuất bản, đưa ra 17 hiện tượng được coi là các vấn đề an ninh phi truyền thống. Nhưng trong Hội thảo “Các vấn đề an ninh phi truyền thống và Trung Quốc” của Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới người ta lại liệt kê tới gần 30 vấn đề an ninh phi truyền thống([3]). Nguyên nhân chủ yếu của điều này là do mỗi nước có những mối quan tâm và mục tiêu khác nhau nên một vấn đề ở nước này có thể được coi là thuộc phạm vi các vấn đề an ninh phi truyền thống nhưng ở một nước khác thì lại được cho là không phải. Kết quả là mặc dù cùng ý thức chung phải đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống nhưng mỗi quốc gia có một biện pháp giải quyết khác nhau, dẫn đến khó lòng đi đến một sự hợp tác chung trong toàn khu vực.
Thứ hai là sự không đồng đều trong hợp tác an ninh phi truyền thống giữa các nhóm nước ở Đông Á. Có thể thấy, hợp tác an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á tiến triển nhanh hơn ở Đông Bắc Á. Nguyên do là Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đồng đều và xu hướng hội nhập tất yếu, nên rất thuận lợi trong việc đi đến một sự thống nhất chung để giải quyết bất cứ vấn đề an ninh nào đe dọa quốc gia và khu vực. Ngoài ra, Đông Nam Á còn có nhiều cơ chế ngày càng trưởng thành như ASEAN 10+1, giúp Đông Nam Á phát triển một ý thức khu vực rõ rệt. Trong khi đó, Đông Bắc Á luôn bất ổn với những xung đột và căng thẳng do lịch sử để lại như khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan... Thêm vào đó là các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Bắc Á luôn liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống như chạy đua vũ trang, vũ khí và công nghệ hạt nhân... Ví dụ như việc buôn lậu vũ khí ở Đông Bắc Á có mối liên quan cơ bản với việc phổ biến vũ khí trong khu vực, hay tội phạm có tổ chức cũng liên quan đến việc vận chuyển vũ khí bất hợp pháp sang các thị trường ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Chính vì vậy mà hợp tác ở Đông Bắc Á diễn ra chậm và khó khăn hơn Đông Nam Á. Đây là điều hết sức bất lợi cho việc tiến hành một sự hợp tác chung trên phạm vi toàn khu vực Đông Á.
Thứ ba là cho đến nay, có thể thấy hầu hết các nỗ lực hợp tác đa phương về an ninh phi truyền thống trong khu vực mới chỉ tập trung vào việc thiết lập cơ chế mềm, ra tuyên bố, tổ chức đối thoại... mà còn ít đi vào tăng cường thi hành luật và hợp tác pháp lý. Điều này ở một mức độ nào đó là do các quốc gia Đông Á còn thiếu thiện chí chính trị, khả năng tổ chức yếu kém và thiếu các luật để đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống như các nhóm tội phạm có tổ chức, buôn người trái phép... Có một điều đáng chú ý nữa là khu vực Đông Á khá phân tán về mặt địa lý với các quốc gia phát triển không đồng đều, “chỉ đủ gần về mặt địa lý để gây nên mâu thuẫn xung đột chứ không đủ gần gũi để cùng đưa ra những giải pháp mang tính thể chế đối với vấn đề về trật tự”([4]).
Thứ tư, ý thức về chủ quyền quốc gia phát triển mạnh mẽ ở Đông Á cũng là một thách thức đối với việc phát triển một cơ chế hợp tác đa phương trong toàn khu vực. Do quá khứ thực dân cũng như thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng cộng đồng nên hầu hết các nước đang phát triển ở Đông Á đều đặt chủ quyền quốc gia làm ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh và lợi ích quốc gia. Nếu tham gia hợp tác tức là các quốc gia phải chấp nhận sẽ có sự can thiệp bên ngoài vào khi bản thân trong nước không thể giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh phi truyền thống hay những lộn xộn về nội bộ gây ảnh hưởng rộng ra toàn khu vực. Đây là điều mà không phải quốc gia nào cũng dễ dàng chấp nhận do vậy đã làm hạn chế đi nhiều những nỗ lực hợp tác trong khu vực.
5. Một số gợi ý nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác Đông Á trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống
Một là, cần chính thức “khái niệm hóa” thuật ngữ an ninh phi truyền thống cũng như xác định phạm vi rõ ràng của các vấn đề an ninh truyền thống để giúp các quốc gia trong khu vực nhận thức rõ hơn về mối đe dọa mà cả cộng đồng đang phải đối mặt, từ đó tạo điều kiện cho việc tiến tới hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết.
Hai là, cần chú trọng phát triển cơ chế xây dựng lòng tin giữa các quốc gia Đông Á bởi đây là nền tảng quan trọng cho mọi hoạt động hợp tác trong khu vực không chỉ có hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Ba là, về mặt xã hội và công dân, cần nâng cao “ý thức về khu vực” cũng như thiết lập một nền tảng xã hội có lợi cho hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Ngoài ra cũng cần phải đưa các khái niệm an ninh chung và an ninh tương hỗ vào trong chính sách của khu vực.
Bốn là, song song với việc duy trì các cuộc đối thoại, các thỏa thuận và cơ chế hiện có nên chấp nhận các biện pháp tạm thời với phạm vi nhỏ để khuyến khích các nước còn e ngại về vấn đề chủ quyền tham gia hợp tác khu vực tích cực hơn. Chúng ta cũng có thể tăng cường những cam kết chính phủ đối với cơ chế kênh II, đồng thời thúc đẩy các bên đơn phương giữa các nhóm lợi ích và hỗ trợ sự thành lập các nhóm hợp tác đa phương đặc biệt.
Năm là, cần chú trọng phát triển cả mặt hợp tác kinh tế bên cạnh hợp tác an ninh để có được một sự hợp tác toàn diện trong khu vực, biện pháp cơ bản và hữu hiệu nhất để đối phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, trong đó hợp tác kinh tế sẽ giúp đạt được sự thịnh vượng chung còn hợp tác an ninh giúp đạt được mục tiêu cuối cùng là một cộng đồng an ninh khu vực.
Có thể nói, hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống là một nội dung hợp tác an ninh mới ở Đông Á. Không giống lĩnh vực an ninh quân sự truyền thống, nó đòi hỏi một sự hợp tác đa phương của tất cả các quốc gia trong khu vực do đặc tính xuyên quốc gia của các mối đe doạ an ninh phi truyền thống. Chính vì vậy, không ai khác mà bản thân mỗi quốc gia Đông Á cần phải nỗ lực hơn cả để không những đảm bảo an ninh của quốc gia mà còn vì một cộng đồng Đông Á ổn định và thịnh vượng trong tương lai.
HOÀNG MINH HẰNG
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Jiang Jia, Enhancing Regional Cooperation: Dealing with East Asia Non-traditional Security Issues, Report of the 2nd International Student/Young Pugwash (ISYP) Conference, Seoul, 2004.
2.Wang Yizhou, Defining Non-Traditional Security and Its Implications for China, Website: http://www.iwep.org.cn/
3.Wang Yong, East Asia Community and Nontraditional Security: A Proposal from China, A paper presented to the conference “The confidence building and peace building in Asia”, Waseda University, Tokyo, Japan, September 23-25, 2005.
4.Nontraditional Security Threats in Southeast Asia, Policy Bulletin, Website: www.stanleyfoundation.org.
5.Tsuneo Akaha, Non-traditional security issues in Northeast Asia and Prospects for International Cooperation, Website: http://www.ony.unu.edu.
([1]) Jiang Jia, Enhancing Regional Cooperation: Dealing with East Asia Non-traditional Security Issues, Report of the 2nd International Student/Young Pugwash (ISYP) Conference, Seoul, 2004.
([2]) Jiang Jia, Enhancing Regional Cooperation: Dealing with East Asia Non-traditional Security Issues, Report of the 2nd International Student/Young Pugwash (ISYP) Conference, Seoul, 2004.
([3]) Wang Yizhou, Defining Non-Traditional Security and Its Implications for China trên Website: http://www.iwep.org.cn/