PHÁP LUẬT TRUNG QUỐC
Tác giả: Phiên Quốc Bình, Mã Lợi Dân
Dịch giả: Trương Gia Quyền, Trương Lệ Mai
Hiệu đính và giới thiệu: Dương Ngọc Dũng
Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM, 2011, 139tr. Kí hiệu: Vv2206
Pháp luật là chế độ và chuẩn mực không thể thiếu trong xã hội hiện đại, cơ chế pháp trị là biểu tượng đánh dấu nền văn minh chính trị của nhân loại phát triển đến một giai đoạn lịch sử nhất định. Chính phủ Trung Quốc và người dân vấn luôn nỗ lực trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, nỗ lực xây dựng một xã hội pháp trị hiện đại hóa. Trung Quốc là một quốc gia có mấy nghìn năm văn minh lịch sử, cũng giống như những thành quả văn minh đạt được trong các lĩnh vực khá, quá trình xây dựng hệ thống pháp luật Trung Quốc và con đường phát triển tư tưởng pháp trị cũng có lịch sử lâu đời.
Bộ sách Trung Quốc gồm 12 cuốn của Nhà xuất bản Truyền bá Ngũ Châu với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, đã cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về Trung Quốc đương đại sau 30 năm cải cách kinh tế. Tất cả các phương diện của kinh tế, văn hóa, xã hội Trung Quốc đều được đề cập đến một sách ngắn gọn, có sức khái quát cao, dễ dàng cho người đọc nắm bắt được những thông tin cơ bản: chế độ chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, địa lí, pháp luật, ngoại giao, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, môi trường. Có thể nói đây là bộ bách khoa thư về Trung Quốc hiện đại.
Điểm nhấn của bộ sách này gồm có hai điểm. Điểm thứ nhất là người đọc. Thông qua cách trình bày, chúng ta dễ dàng nhận ra độc giả mục tiêu của bộ sách này là các độc giả phổ thông, ham hiểu biết, nhưng không phải là những chuyên gia về Trung Quốc học. Phương thức trình bày ngắn gọn, giản dị, kèm theo nhiều hình ảnh minh họa, nội dung chuyên sâu hơn một vài tờ nhật báo, nhưng không nặng nề phân tích như một cuốn chuyên khảo. Các doanh nhân bận rộn, các nhà giáo trung học, các sinh viên thuộc chuyên ngành Đông Phương học, Trung Quốc học, Quan hệ quốc tế, Kinh tế chính trị, kể cả giới truyền thông báo chí, đều có thể tìm thấy trong bộ sách này những thông tin hữu ích. Điều đáng khen là văn phong tuyên truyền chính trị của lối viết thập niên 60-70 đã được tinh giảm liều lượng khá nhiều, tránh cho người đọc cảm giác khó chịu không cần thiết.
Điểm nhấn thứ hai là nội dung. Chúng ta thấy khá rõ là nội dung xoay quanh các vấn đề hiện đại và đương đại, nhằm giới thiệu một đất nước Trung Quốc hết sức hoàng tráng, đang vươn lên tăng trưởng từng ngày, đạt được hết thành tích này đến thành tích khác trong nhiều lĩnh vực đa dạng, đặc biệt là kinh tế, ngoại giao. Sự thành công đầy ấn tượng về kinh tế của Trung Quốc đã khiến Hồ Cẩm Đào từ bỏ đường lối ngoại giao tương đối dè dặt của Đặng Tiểu Bình và đòi hỏi thế giới phải công nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong các quyết định chiến lược toàn cầu. Sự vươn lên của Trung Quốc cũng đồng thời báo hiệu vị trí số hai của Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới đã kết thúc và ngay cả vị trí siêu cường số một của Mỹ cũng đã lung lay. Đương nhiên con voi Ấn Độ cũng có khả năng trở thành một địch thủ đáng gớm của con rồng Trung Quốc, nhưng ngày đó có lẽ còn xa. Ấn Độ, trừ việc gia tăng dân số, còn thua Trung Quốc về nhiều phương diện.
Bản dịch sang Việt ngữ đã được thực hiện bởi các cán bộ giảng dạy Trung văn trẻ, các dịch giả cộng tác thường xuyên của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc tích cực trong một thời gian ngắn để hoàn thành đúng hạn, sẽ là một đóng góp đầy ý nghĩa vào kho tư liệu về đất nước và con người Trung Quốc vốn hết sức phong phú trên thị trường kiến thức Việt Nam.
Bộ sách Trung Quốc gồm 12 cuốn:
1. Chế độ chính trị Trung Quốc
2. Kinh tế Trung Quốc
3. Văn hóa Trung Quốc
4. Xã hội Trung Quốc
5. Môi trường Trung Quốc
6. Địa lý Trung Quốc
7. Pháp luật Trung Quốc
8. Ngoại giao Trung Quốc
9. Quốc phòng Trung Quốc
10. Dân tộc và tôn giáo Trung Quốc
11. Khoa học kỹ thuật và giáo dục Trung Quốc
12. Lịch sử Trung Quốc
“Pháp luật Trung Quốc” là một cuốn trong bộ sách Trung Quốc. Nội dung của cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về hệ thống luật pháp của Trung Quốc thông qua một số vấn đề như hệ thống luật pháp và tiến trình xây dựng cơ chế pháp trị; cơ chế lập pháp, tư pháp và hành pháp; hệ thống pháp luật lấy hiến pháp làm nền tảng; hành chính theo luật – xây dựng mô hình chính phủ phục vụ; luật hình sự và những luật liên quan; luật thương mại dân sự và luật kinh tế; luật xã hội; giám sát pháp luật và dịch vụ pháp lý; giáo dục pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật; sự giao thoa giữa luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế.
Con đường phát triển của hệ thống luật pháp và pháp trị Trung Quốc vừa phải thích nghi với xu thế toàn cầu hóa kinh tế, vừa phải căn cứ trên tình hình cụ thể của Trung Quốc, đối mặt và giải quyết các vấn đề Trung Quốc, làm cho luật pháp trở thành một hệ thống mẫu mực, một cơ chế thúc đẩy Trung Quốc không ngừng phát triển trong công cuộc đoàn kết mọi lực lượng xã hội, bảo vệ quyền lợi cơ bản của con người. Trung Quốc sẽ không ngừng tiến bước theo con đường quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật.
Thực hiện: Hà Hậu