Trang chủ

TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:35 | Danh mục: Ấn Phẩm

TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

Tác giả: Dương Phú Hiệp, Vũ Văn Hà

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, 178 trang

Kí hiệu: Vv535

Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan. Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới có sự gia tăng mạnh mẽ gắn liền với sự phát triển khoa học – công nghệ; sự chấm dứt chiến tranh lạnh, thế giới chuyển sang thời kỳ mới – hòa bình, hợp tác và phát triển; sự gia tăng hàng loạt vấn đề toàn cầu như môi trường, dân số… Sự gia tăng mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế đặt ra yêu cầu khách quan đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược hội nhập phù hợp vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong bối cảnh này không thể phát triển nếu như không mở cửa hội nhập. Tuy vậy, hội nhập, một mặt sẽ đón nhận những cơ hội cho phát triển, song mặt khác cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức do chính xu thế toàn cầu hóa đặt ra.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc đẩy mạnh tham gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực là một nội dung, một khía cạnh quan trọng của công cuộc đổi mới hiện nay. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu về toàn cầu hóa là một vấn đề không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng.

Trước yêu cầu đó, GS TS Dương Phú Hiệp và TS Vũ Văn Hà đã biên soạn cuốn “Toàn cầu hóa kinh tế”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương I: Cơ sở của toàn cầu hóa kinh tế. Trong phần này, tác giả nêu lên những quan niệm về toàn cầu hóa, cơ sở khách quan của xu thế toàn cầu hóa. Vai trò của các chủ thể, các thể chế khu vực và toàn cầu trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.

Chương II: Các đặc trưng cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế. Trong đó tác giả nêu lên 6 đặc trưng đó là: Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là giai đoạn phát triển cao của quốc tế hóa kinh tế; Trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với tự do hóa các hoạt động kinh tế; Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan nhưng đang chịu tác động lớn từ Mỹ và một số nước tư bản phát triển; Toàn cầu hóa kinh tế là quá trình mang tính hai mặt, nó vừa đưa lại những cơ hội cho phát triển đồng thời nó cũng đặt ra những thách thức đối với các quốc gia; Toàn cầu hóa kinh tế là quá trình mở rộng sự hợp tác kinh tế đồng thời với sự gia tăng cạnh tranh ngày càng quyết liệt; Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đang gia tăng mạnh mẽ gắn liền với xu thế khu vực hóa diễn ra cũng không kém phần nhộn nhịp.

Chương III: Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ở đây tác giả đưa ra những nhìn nhận lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Một số thuận lợi và khó khăn đặt ra đối với việc “đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”. Một số điểm chủ yếu cần quán triệt khi đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua 178 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc về xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra trên thế giới. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về hội nhập kinh tế khu vực và thế giới cũng như toàn cầu hóa kinh tế.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận