Trang chủ

TÌM HIỂU KINH NGHIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:33 | Danh mục: Ấn Phẩm

TÌM HIỂU KINH NGHIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN

Tác giả: Dương Phú Hiệp chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, 177 trang

Kí hiệu: Vv265

Từ thế kỷ 17 ở Châu Âu đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu Nhật Bản, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Nhật Bản ngày càng trở thành một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia được Hội đồng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 13 tháng 9 năm 1994. Do cơ quan mới được thành lập nên nhiều công việc cấp bách đòi hỏi phải giải quyết ngay như sắp xếp tổ chức, thu thập tài liệu, sách báo, lựa chọn vấn đề nghiên cứu… trong đó, việc xác định các bước đi thích hợp là rất quan trọng.

Bước đi đầu tiên, cần thiết của Trung tâm là tìm hiểu những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Nhật Bản của các cơ quan, các nhà khoa học trong nước và trên thế giới, bởi vì nếu người đi sau không biết thừa kế cái hay, tránh cái dở của người đi trước thì khó mà thành công. Là người đi sau, Trung tâm cần nhìn sang bạn bè, nhìn ra thế giới xem người ta đã làm và đang làm như thế nào để có thể tham khảo, rút ra kinh nghiệm, giảm bớt sự mò mẫm, vươn lên đuổi kịp các bạn đồng nghiệp của mình.

Được sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, trong hai ngày 17 và 18 tháng 9 năm 1994, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành Hội thảo quốc tế “Tìm hiểu kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Nhật Bản” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã tập hợp các bài tham luận tại Hội thảo và cho xuất bản thành sách kỷ yếu hội thảo khoa học với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc các bài phát biểu của những nhà khoa học đã từng nghiên cứu Nhật Bản hàng chục năm và của cả những cán bộ mới vào nghề. Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Nhật Bản như “Chủ nghĩa Nhật Bản, Nhật Bản học và nghiên cứu Nhật Bản từ kinh nghiệm phương Tây” của tác giả Yumio Sakurai; “Những kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Nhật Bản của Thái Lan” của tác giả Artorm Fungtamasan; “Một vài suy nghĩ về phương pháp nghiên cứu Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường; “Vài nét về đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu kinh tế nói chung và kinh tế Nhật Bản nói riêng” của tác giả Trần Quang Minh…

Cuốn sách là một sản phẩm khoa học nghiêm túc và vô cùng giá trị. Cuốn sách đã mang lại cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc hơn về phương pháp nghiên cứu Nhật Bản thông qua những kinh nghiệm được các học giả chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo. Đây là tài liệu thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận