Trang chủ

MÔNG CỔ NGÀY NAY

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:21 | Danh mục: Ấn Phẩm

MÔNG CỔ NGÀY NAY

 

Tác giả: Ngô Xuân Bình

Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, 270 trang

Kí hiệu: Vv1743

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, có thể nói khu vực Đông Bắc Á ngày càng chứng tỏ là một khu vực nhạy cảm về chính trị và năng động về kinh tế. Đặc biệt, các nền kinh tế trong khu vực có vai trò rất rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Trong xu thế hoà dịu về chính trị, giảm thiểu đối đầu quân sự, gia tăng hội nhập và liên kết giữa các quốc gia kể cả nội vùng và ngoại vùng, Mông Cổ là quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của xu thế này ở khu vực.

Mông Cổ là đối tác của Việt Nam. Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Mông Cổ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tiềm năng của quan hệ này vẫn còn rất lớn. Chính vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng và dự báo được xu hướng phát triển của Mông Cổ là vô cùng cần thiết, bởi nó không chỉ giúp hiểu biết tốt hơn về một đối tác quan trọng mà nó còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Mông Cổ phát triển lên một tầm cao mới. Trên cơ sở của yêu cầu đó, PGS. TS. Ngô Xuân Bình đã cho ra đời cuốn sách “Mông Cổ ngày nay”. Cuốn sách có bố cục 5 chương với những nội dung như sau:

Chương I: Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Mông Cổ. Trong chương này, tác giả giới thiệu những nét sơ lược toàn cảnh đất nước và con người Mông Cổ. Trình bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của quốc gia này qua các giai đoạn lịch sử.

Chương II: Bối cảnh quốc tế và những nhân tố tác động. Ở đây, tác giả tập trung phân tích sự phát triển của xu thế đa cực hoá; xu thế hoà bình và ưu tiên phát triển kinh tế; toàn cầu hoá, khu vực hoá và liên kết kinh tế khu vực. Trình bày khái quát tình hình ở khu vực Đông Bắc Á và phân tích các nhân tố tác động mang tính sức ép từ trong nước đối với Mông Cổ, trong đó tác giả phân tích khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội Mông Cổ, những biến động trong Chính phủ và phong trào đòi cải cách mạnh mẽ của nhân dân Mông Cổ.

Chương III: Những vấn đề chính trị cơ bản của Mông Cổ. Trong phần này, tác giả đi sâu vào hai vấn đề chính là chính trị đối nội và chính trị đối ngoại của Mông Cổ. Trong vấn đề chính trị đối nội, tác giả trình bày khái quát về Quốc hội, Chính phủ, Tổng thống, tư pháp, toà án hiến pháp, các đơn vị hành chính cấp dưới và vài nét về các Đảng chính trị chủ yếu. Về chính trị đối ngoại, tác giả phân tích mối quan hệ Mông Cổ - Liên bang Nga, Mông Cổ- Trung Quốc, Mông Cổ và phương Tây, Mông Cổ và Châu Âu, Mông Cổ và Đông Bắc Á, Mông Cổ với Trung Á, Mông Cổ với Tây Á, Mông Cổ với Đông Nam Á.

Chương IV: Những vấn đề kinh tế cơ bản của Mông Cổ. Trong đó, tác giả tập trung phân tích tình hình kinh tế trong nước, yếu tố tư nhân hoá, kinh tế đối ngoại và cải cách kinh tế theo hướng chuyển sang kinh tế thị trường ở Mông Cổ.

Chương V: Quan hệ Việt Nam – Mông Cổ. Trong chương này, tác giả trình bày khái quát quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trong quá khứ, phân tích quan hệ hai nước trong những năm gần đây, trong đó chia thành các giai đoạn 1954-1990 và từ sau năm 1990 đến nay, trên các phương diện chính trị, đối nội; thương mại, viện trợ và đầu tư; văn hoá, giáo dục.

Với 270 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về Mông Cổ từ quá khứ đến hiện tại. Đặc biệt là việc phân tích quan hệ Việt Nam – Mông Cổ để từ đó dự báo xu hướng phát triển và đưa ra các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao mới. Cuốn sách có ý nghĩa cả về khía cạnh nghiên cứu học thuật và thực tiễn. Đây là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Mông Cổ.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận