LÝ THUYẾT VỀ LỢI THẾ SO SÁNH: SỰ VẬN DỤNG TRONG CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI CỦA NHẬT BẢN 1955-1990
Tác giả: Trần Quang Minh
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, 328 trang
Kí hiệu: Vv881
Trong các lý thuyết về kinh tế thị trường, lý thuyết về lợi thế so sánh là một trong những lý thuyết mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu và vận dụng. Đây chính là lý thuyết lý giải về nguồn gốc, nội dung, và lợi ích của sự trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Nó chỉ rõ cách thức mà lợi thế so sánh của đất nước về một loại sản phẩm nào đó được hình thành và những nhân tố có thể tác động đến sự thay đổi lợi thế so sánh, làm cơ sở lý luận cho các biện pháp chính sách công nghiệp và thương mại của chính phủ.
Trong số các nước phát triển trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã để lại cho các nước rất nhiều bài học quý báu, trong đó không thể không kể đến những kinh nghiệm trong chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản. Nhằm phần nào đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề này, tác giả Trần Quang Minh đã nghiên cứu và cho xuất bản cuốn “Lý thuyết về lợi thế so sánh: sự vận dụng trong chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản 1955-1990”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương như sau:
Chương 1: Nội dung cơ bản của lý thuyết về lợi thế so sánh và mô hình kinh tế Nhật Bản. Trong đó, bên cạnh việc đưa ra những nội dung cơ bản của lý thuyết về lợi thế so sánh, tác giả còn nêu lên những tác động của một số biện pháp chính sách công nghiệp và thương mại đến sự phân bố các nguồn lực sản xuất trong mô hình H-O; những quan điểm lý thuyết về mô hình kinh tế Nhật Bản.
Chương 2: Chính sách tận dụng, nuôi dưỡng và phát triển các lợi thế so sánh, thời kỳ tăng trưởng cao (1955-73). Ở đây, tác giả đã đưa ra và phân tích về chính sách thay thế nhập khẩu; chính sách tự do hóa mậu dịch; chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Chương 3: Chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế, toàn cầu hóa và khắc phục mâu thuẫn mậu dịch, thời kỳ 1974-1990. Trong chương này, tác giả đề cập đến sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế sau các cuộc khủng hoảng tiền tệ và năng lượng thế giới của Nhật Bản. Sự lên giá mạnh của đồng yên và chính sách tăng cường đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Các biện pháp chính sách khắc phục mâu thuẫn mậu dịch.
Chương 4: Tổng kết đánh giá và một số bài học kinh nghiệm về sự vận dụng lợi thế so sánh của Nhật Bản. Trong đó tác giả đi sâu phân tích sự phù hợp của thực tiễn phát triển và các chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản với lý thuyết về lợi thế so sánh. Một số bài học kinh nghiệm về sự vận dụng lợi thế so sánh trong các chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản.
Với những nội dung được nêu trên, cuốn sách đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về sự vận dụng lý thuyết lợi thế so sánh trong chính sách công nghiệp và thương mại của Nhật Bản. Qua 328 trang, văn phong trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những thông tin vô cùng quý báu. Đây là tài liệu tham khảo vô cùng giá trị cho bạn đọc khi nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản cũng như chính sách công nghiệp và thương mại của nước này.
Thực hiện: Hà Hậu