ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO NHẬT BẢN HIỆN NAY
Tác giả: Phạm Hồng Thái chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, 255tr.
Kí hiệu: Vv1306
Tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật bại trận và chịu sự chiếm đóng của lực lượng đồng minh. Dưới sự điều chỉnh của những chính sách do quân chiếm đóng mà thực chất là quân Mỹ thảo ra trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1951, xã hội Nhật Bản đã diễn ra những thay đổi vô cùng quan trọng theo hướng dân chủ hóa. Trong lĩnh vực tôn giáo, nguyên tắc tự do tôn giáo và tôn giáo phân ly khỏi Nhà nước đã trở thành nền tảng cho mọi chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ đó tới nay. Mặc dù Nhật Bản được coi là một quốc gia không đa dạng về sắc tộc và là nơi các tôn giáo có truyền thống tồn tại hỗn hợp, dung hòa, nhưng trong thực tế hơn nửa thế kỷ qua, đời sống tôn giáo nơi đây không phải không có những vấn đề phức tạp. Sự xuất hiện rầm rộ của những tôn giáo mới trong những thời kỳ khác nhau; sự tham gia của một số tổ chức tôn giáo vào các hoạt động chính trị và đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của một số tổ chức tôn giáo lạ mang tính bạo lực, gây mất ổn định xã hội đã khiến Chính phủ Nhật Bản phải liên tiếp bổ sung sửa đổi chính sách tôn giáo của mình cho phù hợp với đời sống thực tiễn.
Việt Nam đang trên đường đổi mới theo hướng phát triển kinh tế thị trường. Cùng với đó thì đời sống tôn giáo cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Dường như có những hiện tượng tôn giáo đang diễn ra ở nước ta có biểu hiện khá giống với những hiện tượng tôn giáo từng xuất hiện ở Nhật Bản trước đây. Vì vậy, việc xem xét đời sống tôn giáo và chính sách tôn giáo của Nhật Bản trong giai đoạn hiện đại, có thể là một tham khảo tốt cho Việt Nam nhìn nhận một cách chủ động và sâu sắc hơn đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay. Trước yêu cầu đó, tác giả Phạm Hồng Thái đã chủ biên cuốn sách “Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương I: Tôn giáo Nhật Bản – diện mạo chủ yếu. Trong đó, tác giả trình bày vài nét về sự hình thành tôn giáo Nhật Bản, các tôn giáo chính ở Nhật Bản hiện nay và vai trò của tôn giáo trong đời sống văn hóa – xã hội Nhật Bản hiện nay.
Chương II: Những vấn đề của đời sống tôn giáo ở Nhật Bản trong giai đoạn hiện đại. Ở đây, tác giả tập trung vào sự xuất hiện của các tôn giáo mới, tôn giáo Nhật Bản trong quá trình hiện đại hóa đất nước, quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo ở Nhật Bản hiện nay.
Chương III:Chính sách tôn giáo của Nhà nước Nhật Bản. Trong đó nêu lên những nội dung cơ bản của chính sách tôn giáo của Nhà nước Nhật Bản từ năm 1945 đến nay, những bổ sung, sửa đổi trong chính sách tôn giáo và những vấn đề rút ra từ sự nghiên cứu quá trình bổ sung, sửa đổi chính sách tôn giáo ở Nhật Bản.
Thông qua 255 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã đưa ra được một số vấn đề chủ yếu xuất hiện trong đời sống tôn giáo Nhật Bản từ sau năm 1945 đến nay và việc Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách tôn giáo như thế nào cho phù hợp với thực tế. Đây là tài liệu thực sự bổ ích cho bọn đọc khi nghiên cứu về Nhật Bản nói chung và tôn giáo Nhật Bản nói riêng.
Thực hiện: Hà Hậu