CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT PHÚC LỢI XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN
Tác giả: Nguyễn Duy Dũng chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, 321 trang
Kí hiệu: Vv475
Nghiên cứu phúc lợi xã hội của Nhật Bản không thể không đề cập đến sự phát triển kinh tế của nước này. Có thể nói đây là một trong những yếu tố quyết định nhất để đảm bảo phát triển và hoàn thiện các chế độ phúc lợi xã hội. Trong suốt nhiều thập kỷ qua Nhật Bản đã dồn mọi nỗ lực của mình cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, từ một nước chịu nhiều tổn thất nặng nề sau chiến tranh Nhật Bản nhanh chóng trở thành một nước có nền kinh tế phát triển cao. Đây chính là cơ sở để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân… là tiền đề để giải quyết các vấn đề xã hội.
Giải quyết phúc lợi xã hội ở bất kỳ nước nào cũng đều chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố, song khi nói đến vấn đề này ở Nhật Bản không thể không đề cập đến những ảnh hưởng truyền thống phương Đông. Điều này thể hiện rất rõ từ quan niệm, phương thức tiến hành, đến các hình thức đa dạng và sự vận dụng cụ thể ở từng địa phương, cộng đồng.
Khi xem xét lĩnh vực phúc lợi xã hội cần phải đề cập đến những mâu thuẫn, yếu kém và những khó khăn cũng như thách thức đang đặt ra đối với Nhật Bản trong lĩnh vực này. Dù đã gặt hái không ít kết quả, song nhìn chung phúc lợi xã hội ở nước này vẫn còn là vấn đề bức bách. Nhu cầu ngày một tăng của nhân dân đòi hỏi chính phủ luôn phải có các hình thức và mức độ áp dụng phù hợp.
Việc tìm hiểu phúc lợi xã hội của Nhật Bản không chỉ cho chúng ta hiểu biết đầy dủ hơn về đất nước này mà điều hết sức quan trọng là tìm được các kinh nghiệm bổ ích để vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay. Trước yêu cầu đó, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia đã nghiên cứu và cho xuất bản cuốn “Chính sách và biện pháp giải quyết phúc lợi xã hội ở Nhật Bản”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương I: Sự hình thành và phát triển chế độ phúc lợi xã hội ở Nhật Bản. Trong chương này, tác giả đi từ quan niệm “phúc lợi xã hội” đến “nhà nước phúc lợi kiểu Nhật Bản”. Sự phát triển của chế độ phúc lợi xã hội ở Nhật Bản.
Chương II: Các hình thức và biện pháp phúc lợi xã hội ở Nhật Bản. Trong đó tác giả giới thiệu chế độ phúc lợi xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; chế độ phúc lợi xã hội đối với bà mẹ trẻ em; chế độ phúc lợi xã hội đối với người già; chế độ phúc lợi xã hội đối với người tàn tật; chế độ phúc lợi xã hội đối với người có thu nhập thấp.
Chương III: Tổ chức hành chính và tài chính của phúc lợi xã hội. Gồm hai nội dung chính là tổ chức hành chính của phúc lợi xã hội; tài chính của phúc lợi xã hội.
Thông qua 321 trang, văn phòng trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về chế độ phúc lợi xã hội của Nhật Bản. Cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về các chính sách và biện pháp giải quyết chế độ phúc lợi xã hội ở đất nước này. Đây là tài liệu vô cùng quý báu đối với bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu