Trang chủ

Quá trình hình thành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:33 | Danh mục: ---

Nguyễn Đức Chiện1, Ngô Văn Vũ2,

Nguyễn Thị Ngân3, Lê Quý Dương4

Tóm tắt: Trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là hạt nhân quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển ở phương Tây và một số nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này đóng góp quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bài viết* trình bày khái quát lịch sử phát triển kinh tế Đài Loan; phân tích làm rõ quá trình hình thành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các thời kỳ phát triển và chuyển đổi; từ đó đưa ra một số bàn luận, gợi mở hàm ý cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình doanh nghiệp này.

Từ khóa: Chính sách, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đài Loan

 


1. Khái quát lịch sử phát triển kinh tế Đài Loan

Con đường phát triển của Đài Loan tách khỏi hướng đi của Trung Quốc vào năm 1945. Một mặt, nền kinh tế vốn dựa phần lớn vào các hoạt động xuất khẩu đường và gạo của Đài Loan chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất đi hai thị trường chiến lược là Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Mặt khác, thị trường nội địa là quá nhỏ bé cộng với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp là không đủ để tạo ra một nguồn thặng dư bền vững cho tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Đài Loan đã xác định phải tăng trưởng nhưng cần kết hợp với chuyển đổi. Cụ thể họ đẩy mạnh xuất khẩu nông nghiệp trong giai đoạn đầu của sự phát triển để tạo ra tăng trưởng. Ngoài ra, Đài Loan tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển công nghệ nông nghiệp, qua đó không chỉ kim ngạch xuất khẩu tăng lên mà cơ cấu xuất khẩu nông sản cũng thay đổi với sự mở rộng của các loại nông sản mới như chuối, dứa, nấm, măng tây, gỗ. Những thay đổi này tạo ra khả năng chiếm lĩnh thị trường nước ngoài ngày càng tăng nhanh dựa vào tăng trưởng năng suất và cải thiện chất lượng các sản phẩm nông sản[5].       

Song song với việc thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp vốn là thế mạnh, trong giai đoạn này Đài Loan cũng thực hiện những chính sách để chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sự chuyển đổi công nghiệp hóa, bao gồm những thay đổi trong các ưu tiên giáo dục, cung cấp hạ tầng giao thông cho vận tải nông thôn để phát triển công nghiệp hóa phi tập trung và các cải cách trong hệ thống tài chính. Ngoài ra, Đài Loan không ưu tiên phát triển công nghiệp nặng mà tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ để phục vụ xuất khẩu, theo những khuyến nghị của Tsiang[6]. Đài Loan cũng thực thi một chính sách hướng đến tự do hóa theo lộ trình và tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng. T. E. Liu và S. C. Tsiang, những người đầu tiên ủng hộ vào năm 1954 và tiếp tục ủng hộ các chính sách này cuối cùng phần lớn đã có hiệu lực vào năm 1959[7]. Trong thời kỳ đầu phát triển, ngay từ năm 1955, hệ thống giảm thuế gián thu cho hàng xuất khẩu đã được đưa ra, sau đó là thống nhất tỷ giá hối đoái và một loạt các đợt phá giá trong giai đoạn 1958-1960, cùng với việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát trực tiếp đối với thương mại, là việc thành lập các khu chế xuất và nhà máy ngoại quan. Mặt khác, trong thời kỳ này, phần còn lại của nền kinh tế Đài Loan vẫn được bảo vệ trong một thời gian tiếp theo để nó có thể tiếp tục phát triển, nhiều biện pháp đã được sử dụng để bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước trước các mặt hàng nhập khẩu, trong khi các biện pháp khác được sử dụng để khuyến khích xuất khẩu trong các lĩnh vực khác. Sau khi các ngành công nghiệp trong nước đã có được một nền tảng căn bản, các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thay thế nhập khẩu và xuất khẩu ít nhiều được cân bằng, ngay cả khi không phải cho mọi hoạt động công nghiệp. Những thay đổi này đã tạo tiền đề cho sự thay đổi mạnh mẽ trong cả cơ cấu sản lượng và xuất khẩu đi kèm với sự gia tăng đáng kể không kém về tầm quan trọng tương đối của xuất khẩu so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 30% một năm, so với khoảng 12% một năm trong những năm 1950[8]. Rõ rệt nhất là sự chuyển đổi từ xuất khẩu nông nghiệp hoặc dựa trên đất đai sang xuất khẩu công nghiệp hoặc dựa trên lao động, tập trung ban đầu ở hàng dệt may, sợi tổng hợp, quần áo, gỗ và các sản phẩm da. Có thể thấy, vai trò của các thể chế trong quá trình phát triển của Đài Loan là rất nổi bật.

Trong quá trình phát triển, Đài Loan luôn trung thành với chính sách trọng thương, ngay cả trong quá trình công nghiệp hóa của họ. Vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với quá trình công nghiệp hóa của Đài Loan là không thể phủ nhận, ngay từ những ngày đầu của công nghiệp hóa, Đài Loan đã xác định rõ ràng mục tiêu của họ cho sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này sẽ trở thành lực lượng chính trong chiến lược chuyển đổi từ xuất khẩu nông nghiệp sang xuất khẩu công nghiệp. Theo H. Pack, người đã nghiên cứu sự phát triển của các doanh nghiệp tại Đài Loan, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một thành phần quan trọng trong việc tăng trưởng của nền kinh tế (ước tính của ông về tốc độ tăng trưởng của TFP Đài Loan nằm trong khoảng từ 5 đến 7 phần trăm mỗi năm trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1982). Ông lập luận rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng: (i) thể hiện sự linh hoạt và chuyển động lớn giữa các dòng sản phẩm; (ii) quản lý nhân viên chuyên sâu hơn để đạt được năng suất cao và ngày càng tăng từ một tập hợp các yếu tố nhất định; (iii) linh hoạt chuyển đổi giữa các mô hình kinh doanh theo phạm vi; và (iv) khai thác khả năng của nhiều doanh nhân sáng tạo và khéo léo. Ông cho rằng, đây là những điểm cốt lõi đã tạo ra khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Đài Loan trên thị trường quốc tế. Cho đến bây giờ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Đài Loan: Năm 2019, có 1.491.420 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đài Loan, chiếm 97,65% tổng số doanh nghiệp. Con số này tăng 1,72% so với năm 2018. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đã tuyển dụng 9.054.000 người, tương đương 78,73% dân số đang làm việc, tăng 0,99% so với năm 2018. Cả hai đều là mức cao lịch sử. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 12.713,0 tỷ Đài tệ, tăng 0,70% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu nội địa chiếm 11.299,2 tỷ Đài tệ, cao hơn 1,14% so với năm 2018. Đáng chú ý, doanh thu tăng trưởng tích cực trong vài năm gần đây. Tất cả các dữ liệu trên cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nền tảng của sự ổn định và tạo việc làm trong nền kinh tế Đài Loan[9]. Trong quá trình tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh, các chính sách và vai trò của chính quyền Đài Loan đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập môi trường cũng như hỗ trợ và khuyến khích kinh doanh.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và chuyển đổi

Trong các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và chuyển đổi, đầu tiên phải kể đến các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng về cả vật chất lẫn thể chế cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Chính quyền Đài Loan đã thành lập khá sớm một số viện đầu tư và công nghệ định hướng công nghiệp, bao gồm Trung tâm Thương mại và Năng suất (Productivity and Trade Center), Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp thực phẩm (Food Industry Research and Development Institute), Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Industrial Development and Investment Center)… hầu hết đều cung cấp quản lý, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, cùng với tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong suốt những năm 1960, Đài Loan thành lập một số lượng đáng kể các khu công nghiệp nông thôn, cung cấp các chi phí vật chất thiết yếu cho ngành công nghiệp tư nhân. Những nỗ lực này đã làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ chế biến nông sản sang theo đuổi các hoạt động công nghiệp như dệt may, sản phẩm gỗ, đồ da v.v. và kết quả là các ngành công nghiệp xuất khẩu đã dần thay thế các ngành nông nghiệp xuất khẩu[10]. Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi này, công nghiệp xuất khẩu vẫn hấp thụ lượng lao động phổ thông giống như nông nghiệp trước đó, điều này làm cho không chỉ kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng lên mà còn số lượng việc làm cũng tăng (mức tăng là vào khoảng 3 - 4% vào khoảng những năm 1950 và 6-8% vào năm 1960). Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, Đài Loan chủ trương công nghiệp hóa phi tập trung, tức là không hướng đến tạo ra các đô thị hay siêu đô thị mà phân tán các nhà máy, khu công nghiệp rải rộng trên khắp lãnh thổ. Điều này đã làm giảm chi phí lao động cũng như chi phí xã hội của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, đồng thời cân bằng phân phối thu nhập giữa các vùng và làm giảm bất bình đẳng thu nhập[11]. Để làm được điều này, mạng lưới giao thông nội bộ đã được xây dựng một cách đồng bộ và với chất lượng cao, các kết nối giữa cảng chính và các nhà máy, khu chế xuất luôn được đảm bảo. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm mà được chế tạo sử dụng nguyên liệu thô trong nước, mà còn nâng cao năng suất lao động của cả hệ thống. Với sản lượng công nghiệp ngày càng hướng tới lao động phổ thông, khả năng thu hút lao động đến gần các thành phố cảng hoặc các khu công nghiệp đặt ở nông thôn ngày càng quan trọng. Với hệ thống đường sá thuận tiện, những người lao động công nghiệp có thể đạp xe đến nhà máy vào ban ngày và trở về nhà vào ban đêm, do đó các chi phí vận chuyển được giảm thiểu và giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng lao động hơn với mức chi phí nhân công thấp hơn. Tất cả những hỗ trợ từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và cộng với việc áp dụng một quy trình sản xuất sử dụng nhiều lao động phổ thông giá rẻ ở nông thôn đã tạo cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ của Đài Loan một ưu thế cạnh tranh quốc tế nhờ lợi thế chi phí thấp. Trong những năm tiếp theo, khi các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa đã có những nền tảng nhất định, chính quyền Đài Loan tiếp tục một loạt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này thông qua các điều chỉnh trong chính sách giáo dục và khoa học công nghệ[12]. Trong những năm 1980, Đài Loan bắt đầu ngày càng nhấn mạnh giáo dục đại học và trong giáo dục đại học chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực định hướng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó là tăng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước. Năm 1984, các ưu đãi về thuế đã được cung cấp cho các nhà sản xuất để phân bổ phần lớn doanh thu của họ cho R&D. Bên cạnh đó, phần lớn các hoạt động đổi mới đã diễn ra mà không được thống kê trên hàng nghìn công ty quy mô vừa và nhỏ phi tập trung của Đài Loan[13]. Chính quyền Đài Loan cũng đã cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xây dựng một hạ tầng thể chế khoa học và công nghệ bao gồm việc thành lập Hội đồng khoa học quốc gia vào năm 1967 và xây dựng các viện nghiên cứu khoa học trong thời gian sau đó.

Điểm nổi bật thứ hai trong việc phát triển các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Đài Loan nằm ở kết quả của chiến lược chuyển đổi cơ cấu cân bằng – kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp. Quá trình chuyển đổi cơ cấu liên ngành năng động ở Đài Loan được đặc trưng bởi sự trôi chảy, dần dần và nhanh chóng. Sự tương tác giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trong suốt quá trình phát triển của Đài Loan là vô cùng sáng suốt. Trong giai đoạn đầu phát triển của Đài Loan, ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và cơ bản trong giai đoạn cất cánh. Một trong những đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp là cung cấp thặng dư nông nghiệp để tài trợ cho quá trình công nghiệp hóa bắt đầu. Đài Loan là một ví dụ điển hình về một nền kinh tế đã giải quyết rất tốt một loạt các vấn đề liên quan đến quy mô, thời gian và hình thức của cơ chế mà qua đó thặng dư nông nghiệp tiềm năng được chuyển đổi thành dòng tài nguyên ròng mang lại lợi ích cho phần còn lại của nền kinh tế. Trong điều kiện ban đầu vào những năm 1950, câu hỏi mà Đài Loan phải đối mặt là làm thế nào để đóng góp tổng thể của nông nghiệp được đưa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả nhất có thể trong thời gian dài[14]. Để thành công, quá trình nắm bắt thặng dư cần phải được lên kế hoạch một cách tinh tế. Mục tiêu phải là tạo ra dòng chảy liên tục và đáng tin cậy của các nguồn lực ròng từ nông nghiệp vào phần còn lại của nền kinh tế trong suốt quá trình chuyển đổi cơ cấu. Việc trích xuất thặng dư ròng từ việc tăng sản lượng nông nghiệp dễ dàng cho phép chính phủ trích rút một dòng thuế và doanh thu lớn hơn và tạo ra sự chuyển giao thặng dư này sang phần còn lại của nền kinh tế để đầu tư vào các chính sách phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang còn non trẻ[15]. Mặt khác, một cách rất tự nhiên và dần dần, các ngành công nghiệp ban đầu dựa vào các mối liên kết ngược (tức là các đầu vào nông nghiệp) để chế biến thực phẩm xuất khẩu, theo sau là các sản phẩm dệt may, da và các hàng tiêu dùng sản xuất đơn giản khác trong những năm 1960. Ngoài ra, những ngành công nghiệp ban đầu này đều sử dụng nhiều lao động phổ thông và đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ một cách hiệu quả lao động dần dần được giải phóng khỏi nông nghiệp. Một bài học quan trọng từ kinh nghiệm phát triển của Đài Loan là tốc độ giải phóng lao động khỏi sản xuất nông nghiệp (do sự tăng trưởng ngoạn mục của năng suất lao động và đất đai) trùng khớp với tốc độ mà lao động này có thể được hấp thụ một cách hiệu quả trong các ngành công nghiệp mới.

3. Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hiện nay

Theo luật pháp hiện hành của Đài Loan, thuật ngữ “doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)” có nghĩa là doanh nghiệp đã hoàn thành đăng ký công ty hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có liên quan và có vốn góp không quá 100 triệu Đài tệ, hoặc thuê ít hơn 200 nhân viên thường xuyên[16]. Dưới đây là 4 nhóm chính sách nổi bật về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Đài Loan.

Một là chính sách nhằm cải thiện các dịch vụ tài chính, cấp vốn và tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công trong việc huy động vốn phát triển kinh doanh bằng cách có cơ cấu tài chính vững chắc, thực tiễn kinh doanh hợp lý và hệ thống tài chính/kế toán phù hợp, chính phủ đã thực hiện rất nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý tài chính (ví dụ thành lập một trung tâm tư vấn và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp vào năm 2018); hỗ trợ chuyển đổi số trong quản lý tài chính cho doanh nghiệp; thành lập một quỹ hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tổ chức các diễn đàn để tư vấn cho những đề xuất khởi nghiệp. Để doanh nghiệp có thể dễ dàng vay vốn ngân hàng, Đài Loan tạo ra một nền tảng dịch vụ tài chính trực tuyến cho phép doanh nghiệp báo cáo các thông số về mô hình kinh doanh và phân tích tài chính của họ để ngân hàng xét duyệt. Chính phủ cũng cung cấp các chính sách vay vốn ưu đãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các nội dung như: thành lập hoặc nâng cấp trang thiết bị, khởi nghiệp, R&D, đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch… Quỹ bảo lãnh tín dụng (Credit Guarantee Fund), được Đài Loan thành lập vào năm 1974 và hoạt động cho đến nay, quỹ này hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết các khó khăn khi họ cần cung cấp các tài sản thế chấp cần thiết để đảm bảo các khoản vay và tăng cường khả năng cho vay của các tổ chức tài chính. Ngoài ra nó còn hỗ trợ đảm bảo cho các khoản vay khởi nghiệp, khoản vay dành cho đổi mới kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và đổi mới trong các ngành công nghiệp, công nghệ và năng lượng xanh.

Hai là tăng cường R&D trong doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: (i) các biện pháp liên quan đến tích hợp thực tế/ảo và ứng dụng tài nguyên mạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) các chương trình thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiết kiệm năng lượng, cơ hội xanh và phát thải carbon; (iv) tăng cường R&D và nâng cấp công nghệ. Bằng nhiều hình thức khác nhau (ví dụ như tạo ra một nền tảng; hỗ trợ vốn và kỹ thuật; hoặc tạo ra các diễn đàn, tài trợ cho các dự án phát triển các dịch vụ đổi mới cho doanh nghiệp…), chính quyền Đài Loan tạo ra những “sân chơi đổi mới sáng tạo” trong đó tạo điều kiện tối đa cho tất các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân có thể tham gia để đưa ra những sáng kiến đổi mới cho việc vận hành doanh nghiệp; marketing; nâng cao chất lượng sản phẩm…

Ba là tăng cường thể chế cho hỗ trợ khởi nghiệp: chính quyền Đài Loan đang triển khai một nền tảng bao gồm cả trực tuyến/trực tiếp để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Chức năng của nền tảng này bao gồm: (i) tư vấn tăng cường năng lực vận hành của dự án; (ii) kết nối các dự án khởi nghiệp tạo thành một “hệ sinh thái khởi nghiệp” trong đó các dự án khác nhau có thể tìm kiếm những đối tác/đồng minh chiến lược của họ; (iii) tạo điều kiện để các dự án khởi nghiệp có cơ hội quan sát và học tập các công ty khởi nghiệp khác trên toàn thế giới; (iv) thiết lập và thực hiện các biện pháp đổi mới sáng tạo trong công nghiệp và khởi nghiệp và các cơ chế điều chỉnh quy định. Bên cạnh đó, chính phủ cũng xây dựng nhiều nền tảng khác nhau để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hỗ trợ này tập trung vào: cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí và các hướng dẫn chuyên sâu cho khởi nghiệp; xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về đổi mới sáng tạo và thực hiện các cơ chế khuyến khích mua sắm các dịch vụ đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng cung cấp một nền tảng được gọi là “Phòng thí nghiệm Đổi mới xã hội” (hoạt động từ 18/10/2017) với tư cách là một địa điểm dịch vụ được vận hành trực tiếp cho đổi mới xã hội. Tất cả mọi người đều có thể tụ tập trong không gian mở này để thảo luận và tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường, đồng thời cung cấp các nguồn lực như hướng dẫn và mạng lưới xã hội để hiện thực hóa và tối ưu hóa các ý tưởng sáng tạo, từ đó tìm ra các giải pháp bền vững. Ngoài ra, rất nhiều các khóa học, huấn luyện online/offline miễn phí về khởi nghiệp một cách bài bản cũng được xây dựng và cung cấp thông qua nhiều nền tảng khác nhau. Chính quyền cũng mở cửa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giành được các hợp đồng cung ứng cho khu vực công.

Bốn là, phát triển các ngành công nghiệp địa phương bằng cách phát triển chiều sâu, tiếp thị và mở rộng. Nhóm chính sách này bao gồm các dự án để nhằm phát triển các cụm công nghiệp địa phương thông qua việc phát triển công nghiệp ở nông thôn; các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các thị trấn; chuyển đổi và nâng cấp cho các cụm công nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp địa phương còn được hỗ trợ bởi các chính sách/chương trình giúp xây dựng năng lực marketing và thương hiệu vùng và tăng cường năng lực xuất khẩu.

4. Một số bàn luận và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Chặng đường phát triển hơn 70 năm qua cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập môi trường cũng như hỗ trợ và khuyến khích kinh doanh của doanh  nghiệp. Đài Loan luôn xác định phát triển loại hình doanh nghiệp trở thành lực lượng chính trong chiến lược chuyển đổi từ xuất khẩu nông nghiệp sang xuất khẩu công nghiệp. Sự phát triển thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần quan trọng vào tăng trưởng nhanh và phát triển thần kỳ, sớm hiện thực mục tiêu công nghiệp hóa và phát triển nhanh hơn để ngày nay Đài Loan trở thành NICs mới.

Ban đầu (từ thập niên 50 của thế kỷ trước), chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và chuyển đổi ở Đài Loan tập trung đến các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng về cả vật chất lẫn thể chế cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp trên cả nước. Đài Loan thực hiện chủ trương chiến lược chuyển đổi cơ cấu cân bằng – kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, công nghiệp hóa phi tập trung, với các đô thị hay siêu đô thị, các nhà máy, khu công nghiệp trải rộng trên khắp lãnh thổ. Quá trình chuyển đổi cơ cấu liên ngành năng động, sự tương tác giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trong suốt quá trình phát triển của Đài Loan là vô cùng sáng suốt. Giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng cho sự cất cánh của Đài Loan. Điều này đã giảm chi phí lao động cũng như chi phí xã hội trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cân bằng phân phối thu nhập giữa các vùng và làm giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các địa phương, vùng. Các chính sách này dẫn đến sự hình thành một số lượng đáng kể các khu công nghiệp nông thôn, cung cấp các chi phí vật chất thiết yếu cho ngành công nghiệp tư nhân. Những nỗ lực và quyết sách này cũng làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ chế biến nông sản sang theo đuổi các hoạt động công nghiệp như dệt may, sản phẩm gỗ, đồ da... và kết quả là các ngành công nghiệp xuất khẩu đã dần thay thế các ngành nông nghiệp xuất khẩu. Trong quá trình chuyển đổi này, công nghiệp xuất khẩu vẫn hấp thụ lượng lao động phổ thông giống như nông nghiệp trước đó, điều này làm cho không chỉ kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng lên mà số lượng việc làm cũng tăng. Phát triển các khu công nghiệp cùng mạng lưới giao thông nội bộ đã được xây dựng một cách đồng bộ với chất lượng cao, các kết nối giữa cảng chính và các nhà máy, khu chế xuất luôn được đảm bảo, người lao động công nghiệp có thể đạp xe đến nhà máy vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi tối, do đó các chi phí vận chuyển được giảm thiểu và giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng lao động hơn với mức chi phí nhân công thấp hơn. Tất cả những hỗ trợ từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và cộng với việc áp dụng một quy trình sản xuất sử dụng nhiều lao động phổ thông giá rẻ ở nông thôn đã tạo cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ của Đài Loan một ưu thế cạnh tranh quốc tế nhờ lợi thế chi phí thấp.

Trong những năm tiếp theo, khi các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa đã có những nền tảng nhất định, chính quyền Đài Loan tiếp tục một loạt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này thông qua các điều chỉnh trong chính sách giáo dục và khoa học công nghệ. Trong những năm 1980, Đài Loan ngày càng nhấn mạnh giáo dục đại học và trong giáo dục đại học chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực định hướng khoa học và công nghệ.

Ngày nay, khi đã trở thành NICs, những chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan đã chuyển hướng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mở rộng hội nhập sâu rộng hơn ra thế giới. Chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 nhóm chính sách lớn: (i) các chính sách/chương trình nhằm cải thiện dịch vụ tài chính, cấp vốn và tăng cường đầu tư; (ii) tăng cường R&D và thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) tăng cường thể chế cho khởi nghiệp; (iv) chấn hưng các ngành công nghiệp địa phương bằng cách phát triển chiều sâu, tiếp thị và mở rộng. Kinh nghiệm chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan gợi ra một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay.

Một là, Việt Nam tiếp tục kiên định quan điểm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay tập trung đến các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng về cả vật chất lẫn thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn hướng đến đảm bảo sự hài hòa phát triển giữa nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đóng góp quan trọng không chỉ cho tăng trưởng kinh tế đất nước mà còn cho việc đảm bảo phát triển xã hội đồng đều cả ở khu vực nông thôn, khu đô thị, công nghiệp phát triển.

Hai là, trong những năm tiếp theo, khi các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa đã có những nền tảng nhất định, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này thông qua các điều chỉnh trong chính sách giáo dục và khoa học công nghệ. Ngay từ đầu những năm 1980, Đài Loan đã ngày càng nhấn mạnh giáo dục đại học và trong giáo dục đại học chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực định hướng khoa học và công nghệ.

Ba là, trong bối cảnh mới (dịch bệnh, cách mạng 4.0), chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam luôn cần sự hoàn thiện theo hướng linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mở rộng hội nhập sâu rộng hơn ra thế giới. Các chính sách cải thiện dịch vụ tài chính, cấp vốn và tăng cường đầu tư; tăng cường R&D và thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường thể chế cho khởi nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp địa phương bằng cách phát triển chiều sâu, tiếp thị và mở rộng là rất cấp thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Thị Thu Hường, Lương Ngọc Thúy & Nguyễn Thị Thùy Linh (2020), “Nhân lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2, tr. 45 - 54.
  2. The World Bank (1993), The East Asian miracle: economic growth and public policy: Main report, Washington, D.C.
  3. Jagdish N Bhagwati (1996), The Miracle That Did Happen: Understanding East Asia in Comparative Perspective, Government and Market: The Relevance of the Taiwanese Performance to Development Theory and Policy, New York: Cornell University.
  4. Erik Thorbecke & Jr HenryWan (1999), Taiwan's Development Experience: Lessons on Roles of Government and Market, New York, Springer Science+Business Media.
  5. Samuel P.S Ho (1977), Economic Development of Taiwan, 1860-1970, New Haven, Yale University Press.
  6. John C. H. Fei & Yun-Peng Chu (1999), Liberalization promotes development: evidence from taiwan, in: Erik Thorbecke & Henrywan, JR (eds.), Taiwan's Development Experience: Lessons on Roles of Government and Market, New York: Springer Science+Business Media.
  7. T.H Lee (1971), Intersectoral Capital Flows in the Economic Development of Taiwan 1895-1960, Ithaca, NY: Cornell University Press.
  8. Kuo-shu Liang & Ching-ing Hou Liang (1976), Exports and Employment in Taiwan, Conference on Population and Economic Development in Taiwan, Taipei: Institute of Economics,  Academia Sinica.
  9. C.-Y Lin (1973), Industrialization in Taiwan, 1946-72: Trade and Import-Substituting Policies for Developing Countries, New York, Praeger.
  10. Ian M. D Little (1979), An Economic Reconnaissanc, Ithaca, NY.: Cornell University Press.
  11. S.M.E.A of Taiwan (2020), Standards for Identifying Small and Medium-sized Enterprises, https://law.moj.gov.tw/ENG/ LawClass/LawAll.aspx?pcode=J0140003.
  12. H Pack (1992), "New Perspectives on Industrial Growth in Taiwan", in: G. Ranis (ed.), Taiwan: From Developing to Mature Economy, Boulder: CO: Westview Press.
  13. Gustav Ranis (1996), The Trade-Growth Nexus in Taiwan's Development, https://www.econstor.eu/bitstream./10419/160663/1/cdp758.pdf.
  14. Denny Roy (2002), Taiwan: A Political History, Cornell University Press.
  15. Murray A. Rubinstein (2007), Taiwan: A New History, Routledge.
  16. S.M.E.A of Taiwan (2020), White Paper on Small and Medium Enterprises in Taiwan 2020, Taipei.
  17. Erik Thorbecke & Christian Morrisson (1989), "Institutions, Policies and Agricultural Performance: a Comparative Analysis", World Development, Special Issues.
  18. Tsong Min Wu (2004), "Economic History of Taiwan: a Survey", Australian Economic History Review, 3 (44).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 



[1] PGS., TS., Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[3] ThS., Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục - Sunrise

[4] CN., Bộ môn Xã hội học, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam

* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ “Chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc, Đài Loan và hàm ý cho Việt Nam” do TS. Ngô Văn Vũ làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện năm 2022-2023.

[5] Jagdish N Bhagwati (1996), “The Miracle That Did Happen: Understanding East Asia in Comparative Perspective”, Government and Market: The Relevance of the Taiwanese Performance to Development Theory and Policy, New York: Cornell University.

[6] Sho-Chieh Tsiang (1918-1993): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Trung Quốc-ông cùng người bạn là T. E. Liu  đã đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực cho Đài Loan về chính sách kinh tế.

[7] Ian M. D Little (1979), An Economic Reconnaissanc, Ithaca, New York: Cornell University Press, p. 415.

[8] Kuo-shu Liang & Ching-ing Hou Liang (1976), Exports and Employment in Taiwan, Conference on Population and Economic Development in Taiwan. Taipei: Institute of Economics,  Academia Sinica.

[9] S.M.E.A of Taiwan (2020), White Paper on Small and Medium Enterprises in Taiwan 2020, Taipei, p. 1.

[10] Samuel P.S Ho (1977), Economic Development of Taiwan, 1860-1970, New Haven, Yale University Press.

[11] Gustav Ranis (1996), “The Trade-Growth Nexus in Taiwan's Development”, https://www.econstor.eu/ bitstream/10419/160663/1/cdp758.pdf [truy cập 28/12/2022].

[12] C.-Y Lin (1973), Industrialization in Taiwan, 1946-72: Trade and Import-Substituting Policies for Developing Countries, New York, Praeger.

[13] Gustav Ranis (1996), “The Trade-Growth Nexus in Taiwan's Development”, https://www.econstor.eu/ bitstream/10419/160663/1/cdp758.pdf [truy cập 28/12/2022].

[14] T.H Lee (1971), Intersectoral Capital Flows in the Economic Development of Taiwan 1895-1960, Ithaca, NY: Cornell University Press, p. 171-175.

[15] Erik Thorbecke & Christian Morrisson (1989), “Institutions, Policies and Agricultural Performance: a Comparative Analysis”, World Development, Special Issues, p. 1485-1498.

[16] Bộ Kinh tế Đài Loan (2020), “Standards for Identifying Small and Medium-sized Enterprises”, https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=J0140003.

0thảo luận