Trần Thị Hải Yến [1], Vũ Thị Phương Giang [2]
Tóm tắt: Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và trên thế giới. Mặc dù tài nguyên thiên nhiên không phong phú, thiên nhiên khắc nghiệt song với ý chí và hướng đi đúng đắn khi tập trung vào mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu dựa trên nền tảng sáng tạo trí tuệ và tài sản trí tuệ, Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ. Một trong những nhân tố đem lại thành công cho Nhật Bản là thể chế bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ. Bài viết phân tích một số vấn đề liên quan đến thực trạng bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản, từ đó đối chiếu đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, Nhật Bản
1. Dẫn nhập
Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, sự suy giảm tổng cầu tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng sự đứt gẫy của các chuỗi kinh tế ở thị trường thương mại truyền thống ở châu Âu, đặc biệt, tình hình thị trường năng lượng vẫn diễn biến thất thường trong những năm 2020-2022, tạo ra những tình huống khó lường cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh những khó khăn chung của thế giới, Việt Nam còn đối mặt với những bất cập, hạn chế kéo dài của nền kinh tế như: cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, cộng đồng doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và đổi mới - sáng tạo chưa cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt còn chịu áp lực của các rào cản kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu của các nước. Việc chống tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công còn nhiều khó khăn. Hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước các cấp còn chưa cao. Sự trì trệ của các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, suy giảm đơn hàng, sản xuất, cắt giảm lao động dẫn tới khó khăn hơn trong thu nhập và đời sống các tầng lớp dân cư. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng”[3].
Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh phải dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhân lực chất lượng cao; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; cơ cấu lại các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đổi mới quản lý theo hướng hiện đại[4].
Vậy mô hình tăng trưởng theo chiều sâu cần gắn với các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hệ thống thể chế bảo hộ thúc đẩy hoạt động này phải dựa trên nền tảng tôn trọng và thực thi hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ. Nhật Bản là một quốc gia thành công trong phát triển gắn với nền tảng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong phát triển đất nước. Việc nghiên cứu thực trạng hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản, từ đó có các đối chiếu để gợi ý chính sách cho Việt Nam là một trong những vấn đề thể chế căn cốt cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.
2. Khái quát hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản
Hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản khá hoàn thiện và có tính minh bạch cao. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên có Luật Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Law) được ban hành vào năm 1959, và từ đó đã có nhiều sửa đổi và bổ sung. JPO có một hệ thống đánh giá sáng chế nghiêm ngặt và chính xác. Nhật Bản sử dụng nhiều công nghệ hiện đại để đánh giá tính mới lạ và tính sáng tạo của các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chủ động tham gia vào các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), và tham gia đàm phán để ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy nỗ lực của Nhật Bản trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển. Hệ thống cơ quan sở hữu trí tuệ của Nhật Bản bao gồm các cơ quan và tổ chức sau đây:
Thứ nhất, Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO - Japan Patent Office): là cơ quan trung ương của Chính phủ Nhật Bản, trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Cơ quan sáng chế Nhật Bản có trách nhiệm quản lý và cấp phép bảo hộ sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản.
Thứ hai, Tòa án tối cao về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản. Nhật Bản có tám tòa án cấp cao đặt tại Tokyo, Osaka, Nagoya, Hiroshima, Fukuoka, Sendai, Sapporo và Takamatsu, và sáu chi nhánh của các tòa án này. Tòa án tối cao về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản (IPHCJ) được thành lập vào ngày 1 tháng 4 năm 2005, là một nhánh đặc biệt của Tòa án tối cao Tokyo nhằm đẩy nhanh và giảm chi phí kiện tụng bằng sáng chế. IPHCJ xét xử các kháng cáo từ các tòa án quận về các vụ kiện bằng sáng chế và các vụ kiện chống lại các quyết định kháng cáo/xét xử của Cơ quan sáng chế Nhật Bản. IPHCJ cũng là tòa phúc thẩm duy nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền của tác giả chương trình máy tính, quyền đối với mô hình tiện ích và bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp[5].
Nhật Bản có hệ thống giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ chuyên môn hóa cao, trong đó Ban giải quyết khiếu nại của JPO giải quyết khiếu nại về việc hủy bỏ hiệu lực/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; và các bộ phận sở hữu trí tuệ của tòa án cấp quận (như Tokyo hay Osaka) giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định của JPO hoặc bản án/quyết định của tòa án cấp quận, họ có thể khiếu nại lên IPHCJ[6].
Thứ ba, bên cạnh hai cơ quan JPO và IPHCJ, trong hệ thống tham gia thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản còn một số cơ quan quản lý trong hệ thống nhà nước, trong đó Hải quan Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Hải quan Nhật Bản chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu và trong trường hợp phát hiện sản phẩm và dịch vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đã được đăng ký, sẽ có quyền thực hiện xử lý vi phạm theo Luật Hải quan và các quy định khác liên quan.
Mạng lưới Luật sư Sở hữu trí tuệ Nhật Bản (IPLNET) là một mạng lưới pháp lý quốc gia được thành lập vào ngày 8 tháng 4 năm 2005 bởi một dự án của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JFBA). Mục đích là để thúc đẩy việc truyền thông về Luật Sở hữu trí tuệ và nâng cao tiêu chuẩn của các dịch vụ pháp lý liên quan đến lĩnh vực này bằng cách cung cấp các khóa đào tạo, hỗ trợ và nguồn tài liệu thông tin cho các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ cho các luật sư và cho các tổ chức khác.
Ngoài ra, có một số cơ quan hệ thống khác như: Viện Thúc đẩy Sáng chế và Sáng kiến Nhật Bản (JIPI); Viện Sở hữu trí tuệ quốc gia (NII - National Institute of Intellectual Property) là tổ chức nghiên cứu và phát triển chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực chuyên môn về lĩnh vực này và tham gia đề xuất các chính sách về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có các cơ quan chức năng khác của Nhật Bản như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Lao động, các tòa án địa phương và các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
3. Thực trạng bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản
Như đã đề cập, Nhật Bản là một quốc gia có hệ thống sở hữu trí tuệ phát triển và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ được chú trọng, do đó, người dân và doanh nghiệp cũng đã quan tâm và có sự hiểu biết khá đầy đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ.
3.1. Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Ở Nhật Bản, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi Cơ quan sáng chế Nhật Bản. Cơ quan này thực hiện các hoạt động đăng kí xác lập và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng như: bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, mẫu hữu ích… Bên cạnh hoạt động đăng kí xác lập quyền sở hữu trí tuệ như nêu trên, JPO còn tham gia vào nhiều hoạt động khác như cập nhật và điều chỉnh những quy định về sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu trí tuệ và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ở Nhật Bản.
Bảng 1: Số đơn đăng kí xác lập quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản năm 2020
TT |
Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ |
Số liệu năm 2020 |
1 |
Đơn đăng kí sáng chế |
310.000 |
2 |
Đơn đăng kí nhãn hiệu |
44.000 |
3 |
Đơn đăng kí thiết kế bố trí mạch tích hợp |
4.000 |
4 |
Đơn đăng kí bản quyền tác giả |
7.000 |
Nguồn: Cơ quan sáng chế Nhật Bản, https://www.jpo.go.jp, truy cập ngày 3/1/2023
Theo thống kê từ Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO), số đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản đang có xu hướng tăng đều từ năm 2011 cho đến nay. Trong năm 2020, JPO đã nhận được tổng cộng hơn 365.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (bảng 1). Số đơn đăng ký này cho thấy sự quan tâm và chú ý của các công ty và cá nhân đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, việc giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ vẫn là một thách thức đối với hệ thống pháp lý của Nhật Bản. Các tranh chấp thường kéo dài và tốn kém, và quy trình pháp lý còn khá phức tạp và khó hiểu đối với người ngoài. Do đó, đây cũng là lý do một số chủ thể không theo đuổi khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình cấp văn bằng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
3.2. Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản
Nhật Bản sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mang tính chuyên biệt cao, trong đó Hội đồng giải quyết khiếu nại (Board of Appeals) của JPO xử lý các vụ việc khiếu nại liên quan đến hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; và Ban Sở hữu trí tuệ (IP Division) thuộc Tòa án khu vực (Tokyo hay Oaka) xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền. Khi một trong các bên không đồng ý với quyết định hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của JPO hoặc bản án/quyết định của Tòa án khu vực, bên liên quan có thể kháng cáo lên Tòa án tối cao về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản.
Luật tố tụng Nhật Bản cũng có quy định về việc kháng cáo quyết định/bản án của Tòa án Thượng thẩm Sở hữu trí tuệ lên cấp xét xử cao nhất là Tòa án Tối cao, tuy nhiên các trường hợp này là rất hạn chế. Tòa án Tối cao rất hiếm khi bác bỏ phán quyết của Tòa án Thượng thẩm vì Tòa án Tối cao chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý của phán quyết, chứ không xem xét lại nội dung vụ việc.
Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ Nhật Bản, số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản đã giảm trong vài năm qua. Năm 2020, tổng số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản là 3.578 vụ, giảm 4,5% so với năm trước đó. Trong đó, số vụ vi phạm bản quyền giảm 11,7% so với năm trước đó, còn số vụ vi phạm bằng sáng chế và thương hiệu tăng lần lượt 2,6% và 0,5%. Tuy nhiên, việc xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại tại Nhật Bản và chính phủ đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ[7]. Như bảng số liệu trên cho thấy, cùng với số lượng đơn đăng kí bảo hộ lớn, trong quá trình này số lượng các vụ việc khiếu nại cơ quan sáng chế Nhật Bản đối với các quyết định có xu hướng ngày càng giảm. Bên cạnh các vụ việc khiếu nại tại Cơ quan sáng chế Nhật Bản, đối với hoạt động xét xử trong hệ thống tòa án của Nhật Bản cũng giữ được mức ổn định và duy trì các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đúng trình tự và quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể, quyền và lợi ích của các cá nhân liên quan.
Bảng 2: Số lượng vụ việc khiếu nại tại Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO)
Năm |
Đã nộp hồ sơ |
Đã xét xử |
Thời gian xử lý trung bình (tháng) |
2015 |
263 |
269 |
8,7 |
2016 |
279 |
264 |
8,0 |
2017 |
237 |
263 |
9,1 |
2018 |
183 |
218 |
9,3 |
2019 |
174 |
166 |
8,6 |
2020 |
152 |
159 |
9,6 |
2021 |
165 |
175 |
9,8 |
Nguồn: Cơ quan sáng chế Nhật Bản, https://www.ip.courts.go.jp, truy cập ngày 3/1/2023.
Bảng 3: Số lượng vụ việc về sở hữu trí tuệ tại tòa án cấp quận qua các năm
Năm |
Đã nộp hồ sơ |
Đã xét xử |
Thời gian xét xử trung bình (tháng) |
2015 |
535 |
535 |
14,1 |
2016 |
505 |
545 |
13,3 |
2017 |
700 |
566 |
12,3 |
2018 |
495 |
532 |
12,3 |
2019 |
511 |
549 |
14,9 |
2020 |
493 |
420 |
14,6 |
2021 |
611 |
524 |
15,2 |
Nguồn: Cơ quan sáng chế Nhật Bản, https://www.ip.courts.go.jp, truy cập ngày 3/1/2023.
Bảng 4: Số lượng vụ việc tại Tòa án tối cao về sở hữu trí tuệ
của Nhật Bản qua các năm
Năm |
Đã nộp hồ sơ |
Đã xét xử |
Thời gian xét xử trung bình (tháng) |
2015 |
137 |
162 |
7,8 |
2016 |
118 |
129 |
8,3 |
2017 |
105 |
115 |
7,3 |
2018 |
92 |
85 |
7,7 |
2019 |
85 |
88 |
7,0 |
2020 |
69 |
65 |
9,0 |
2021 |
103 |
86 |
7,0 |
Nguồn: Cơ quan sáng chế Nhật Bản, https://www.ip.courts.go.jp, truy cập ngày 3/1/2023.
Khác với các vụ việc tại tòa cấp quận, đối với các Tòa án cấp cao về sở hữu trí tuệ cho thấy xu hướng các vụ việc được đưa lên tòa cấp cao ngày càng giảm hơn trong 7 năm liên tiếp tính từ 2015-2021. Thời gian trung bình giải quyết, xét xử một vụ việc có xu thế rút ngắn hơn. Nếu như năm 2015 và 2016 trung bình thời gian xét xử một vụ việc là 7,8 đến 8,3 tháng thì đến năm 2021 chỉ còn 7 tháng.
4. Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam
Thứ nhất, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng tinh gọn và hiệu quả, đảm bảo công tác tuyên truyền, truyền thông những nội dung, chính sách và các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ tới mọi tầng lớp dân cư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nói không với các hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để từ đó triệt tiêu cung sản xuất cho các dạng vi phạm này. Thực tế tại Nhật Bản cho chúng ta thấy các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng giảm dần qua các năm gần đây.
Thứ hai, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây gia tăng, Việt Nam cũng đã tham gia kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do đó quan tâm hơn đến việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là nhu cầu cần thiết hiện nay. Nó có giá trị trong việc khẳng định mạnh mẽ các cam kết với quốc tế về sở hữu trí tuệ và giúp giải quyết các vụ việc sở hữu trí tuệ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tòa sở hữu trí tuệ là một trong những tòa chuyên trách được Nhật Bản và nhiều quốc gia thành lập để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, từ bối cảnh và thực tế hiện nay, việc nghiên cứu khả năng và lộ trình thành lập tòa án như vậy là cần thiết.
Thứ ba, xây dựng khung pháp lý về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ bảo đảm tính chính xác, rõ ràng; những cải cách về hệ thống các biện pháp bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ theo hướng có sự phân quyền rõ ràng, đối với các loại hình tài sản trí tuệ khác nhau được quản lý bởi các cơ quan khác nhau. Tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới mà trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật hải quan, trong đó quy định cơ quan hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hóa xuất, nhập khẩu nếu hàng hóa đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ các cơ quan trong quá trình thực thi pháp luật; xác định rõ vị trí, vai trò của từng cơ quan trong xử lý các vụ việc về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, việc phối hợp cần xác định vai trò chủ trì, phối hợp của từng đơn vị để đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp. Kinh nghiệm của Nhật Bản về việc xây dựng mô hình quản lý, phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng.
Thứ tư, các chế tài xử phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cần được tăng lên theo tỷ lệ của thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Quy định này có ý nghĩa răn đe hậu quả của hành vi gây ra và sẽ thúc đẩy việc hạn chế các vi phạm. Có thể tham khảo các chế tài xử phạt vi phạm của Nhật Bản để xây dựng hoàn thiện chế tài phù hợp hơn cho Việt Nam.
Thứ năm, cần xem xét việc xây dựng một hệ thống các luật sư có khả năng chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và văn phòng đại diện sở hữu trí tuệ mạnh mẽ trên cả nước. Đây là lực lượng hỗ trợ, tư vấn pháp lý sở hữu trí tuệ quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, giải quyêt hiệu quả các tranh chấp và vi phạm sở hữu trí tuệ, giảm thiểu lãng phí thời gian, tiền bạc của nhà nước, nhân dân và đặc biệt là các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
5. Kết luận
Phân tích trên cho thấy, các kinh nghiệm của Nhật Bản trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong những năm vừa qua. Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang có những bước củng cố và phát triển sâu rộng, Nhật Bản thông qua các dự án đang tích cực giúp đỡ Việt Nam nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các kinh nghiệm của Nhật Bản rất hữu ích để Việt Nam tham khảo nhằm hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia.
Các gợi ý chính sách trên hy vọng sẽ là nội dung hữu ích để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách tham khảo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung, cũng như hoạt động của các đơn vị, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, vì mục tiêu xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ta Dinh Luyen (2021), “Specialized intellectual property courts around the world and recommendations for Vietnam”, https://vietnamlawmagazine.vn/specialized-intellectual-property-courts-around-the-world-and-recommendations-for-vietnam-38000.html.
2. The Intellectual Property High Court (2023) The Intellectual Property High Court would like to request the parties to make necessary preparations describedbelowin orderto enable effective and plannedprogress of a suit against, https://www.ip.courts.go.jp/eng/vc-files/eng/file/GuidlinesFor Proceedings.pdf.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Thạo (2021), “Những điểm mới về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, https://tuyengiao.vn/tim-hieu-noi-dung-cac-van-kien-dai-hoi-xiii/nhung-diem-moi-ve-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-132850.
5. Đinh Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Phương Dung (2019), “Quy định pháp lý về bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp ở Nhật Bản và một số khuyến nghị đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 5.
[1] NCS., Học viện Khoa học xã hội
[2] ThS., Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
[3] Nguyễn Văn Thạo (2021), “Những điểm mới về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, https://tuyengiao.vn/tim-hieu-noi-dung-cac-van-kien-dai-hoi-xiii/nhung-diem-moi-ve-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-132850, truy cập ngày 2/3/2023.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] Ta Dinh Luyen (2021), “Specialized intellectual property courts around the world and recommendations for Vietnam”, https://vietnamlawmagazine.vn/specialized-intellectual-property-courts-around-the-world-and-recommendations-for-vietnam-38000.html.
[6] Ta Dinh Luyen (2021), “Specialized intellectual property courts around the world and recommendations for Vietnam”, Tlđd.
[7] Cơ quan sáng chế Nhật Bản https://www.jpo.go.jp, truy cập ngày 3/1/2023.